Giải thưởng - LHP

Cannes 2016 khép lại với những lựa chọn mà ban giám khảo muốn

24/05/2016

Không phải lúc nào người ta cũng nhận ra, nhưng có hai liên hoan phim Cannes ở đó, một của giới phê bình, giới báo chí và giới nhà nghề, còn một liên hoan là nơi ở ẩn của ban giám khảo. Đôi lúc hai liên hoan Cannes này nói cùng một giọng, nhưng ở kỳ liên hoan lần thứ 69, thì rõ ràng là không.

Bộ phim Toni Erdmann của Đức, do Maren Ade đạo diễn, một trong số ít đạo diễn nữ tranh giải, dễ dàng là phim yêu thích của những ai không phải là giám khảo trong số 21 phim đủ tiêu chuẩn tranh giải.

Đạo diễn người Đức Maren Ade tại buổi họp báo giới thiệu phim
Toni Erdmann ở Liên hoan phim Cannes lần thứ 69

Vừa nghiệt ngã vừa nhân văn, bộ phim ghi lại mối quan hệ tiến hóa giữa một người cha hay đùa cợt và cô con gái tham vọng quyền lực. Tuy nhiên, Toni Erdmann bị loại hoàn toàn bởi một ban giám khảo do đạo diễn của Mad Max George Miller đứng đầu, còn lâu mới đoạt được giải cao nhất.

Thay vì vậy, Cành cọ vàng đến với nhà làm phim 79 tuổi người Anh, Ken Loach, với phim I, Daniel Blake, câu chuyện chuẩn mực về những con người tầng lớp lao động mù mờ chạy quanh bộ máy phúc lợi quan liêu vô cảm của chính phủ.

Loach, cách đây một thập niên đã đoạt Cành cọ vàng đầu tiên với The Wind That Shakes the Barley, đã có một bài phát biểu nhận giải xúc động mãnh liệt, đấu tranh cho “điện ảnh của sự bất đồng chính kiến với những kẻ quyền lực. Chúng ta phải cho thấy một thế giới khác đi là có thể và cần thiết.”

Hayley Squires và Dave Johns trong phim I, Daniel Blake

Ngoài I, Daniel Blake, người thắng lớn đêm chủ nhật 22/5 là đạo diễn người Iran Asghar Farhadi với bộ phim gai góc nhưng tầm thường The Salesman, rinh hai giải.

Nói về báo thù và bất mãn, The Salesman đoạt cả giải kịch bản cho Farhadi và nam diễn viên chính xuất sắc cho Shahab Hosseini, trong vai một giáo viên trung học trở thành diễn viên trong xuất phẩm Death of a Salesman của Tehran.

Cùng chia giải đạo xuất sắc là Olivier Assayas của Pháp với bộ phim không thể phân loại Personal Shopper do Kristen Stewart đóng chính, và Cristian Mungiu của Romania với Graduation, câu chuyện hấp dẫn về một người cha đối mặt với tình thế lưỡng nan đạo đức trong một xã hội tham nhũng.

Shahab Hosseini và Taraneh Alidoosti trong phim The Salesma

Các giải khác, mỗi giải có sự khó hiểu riêng, bao gồm Grand Prix cho đạo diễn người Canada Xavier Dolan với It’s Only the End of the World, giải thưởng của ban giám khảo cho Andrea Arnold của Anh với American Honey, và giải nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Jaclyn Jose, ngôi sao trong bộ phim Ma’ Rosa của đạo diễn người Phillipines Brillante Mendoza.

Đặc biệt hiển hiện lên trên tất cả những chuyện này là sự thờ ơ dành cho phim Loving, được cho là phim đem lại thỏa mãn nhất trong số những phim nói tiếng Anh tranh giải.

Trung tâm của Loving v. Virginia, vụ án bước ngoặt năm 1967 của Tòa án Tối cao vô hiệu hóa luật của tiểu bang cấm hôn nhân giữa các chủng tộc, bộ phim không chỉ tập trung vào kịch tính phiên tòa mà cả những người liên quan. Diễn xuất tuyệt hay của Joel Edgerton và Ruth Negga (Jimi: All Is by My Side) do Jeff Nichols đạo diễn, Loving có cái vẻ của một đấu thủ mùa Oscar.

Một trong những đặc điểm của Cannes năm nay là rất nhiều phim hay bị gạt ra khỏi hạng mục tranh giải chính một cách khó hiểu.

Đạo diễn Xavier Dolan, trái, giải Grand Prix với phim It’s Only the End of the World, và đạo diễn Ken Loach, Cành cọ vàng cho I, Daniel Blake, trên sân khấu lễ trao giải Liên hoan phim Cannes lần thứ 69, ngày 22/5/2016

Hay nhất trong số đó có lẽ là Neruda, của đạo diễn người Chile Pablo Larrain (No), trình chiếu trong sự kiện Directors’ Fortnight. Đầy suy ngẫm và kích thích, phim nói về trò chơi mèo-vờn-chuột giữa một nhà thơ am hiểu lịch sử và một thám tử am hiểu thất vọng (Gael García Bernal) tìm cách bắt tay nhà thơ tin vào chủ nghĩa cộng sản này.

Có trong hạng mục Un Certain Regard là bộ phim After the Storm dễ thương, về một gã đàn ông vô trách nhiệm tìm cách cứu vãn quan hệ với gia đình lẫn đứa con trai, tất cả thể hiện theo phong cách tao nhã ấn tượng của đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-Eda (Like Father, Like Son).

Nhiều phim từ Israel cũng gây ấn tượng mạnh vì đề cập tới cách chuyện cá nhân thành chuyện chính trị và con người chính trị trong vùng đất đầy rẫy khủng hoảng này của thế giới.

Hạng mục Cannes Classics, trình chiếu nhiều phim phục chế và phim về lịch sử điện ảnh, luôn đem đến những trải nghiệm bất ngờ như Momotaro, Sacred Sailors, bộ phim hoạt hình Nhật Bản đầu tiên năm 1945, một phim dành cho trẻ con và cũng là một tác phẩm tuyên truyền thời chiến gây sửng sốt.

Trái: đạo diễn Cristian Mungiu của Romania, phải: đạo diễn Pháp
Olivier Assayas cùng chia giải đạo diễn xuất sắc

Những phim về lịch sử điện ảnh đáng nói nhất là Women Who Run Hollywood, câu chuyện không-phải-lúc-nào-cũng-được-kể về những quyền lực mà phụ nữ có được trong buổi đầu ngành kinh doanh điện ảnh, và The Cinema Travellers, theo chân các nhà phát hành chiếu phim trên bãi đất trống ở những vùng hẻo lánh xa xôi Ấn Độ.

Một phim tự thân đã đẳng cấp là A Journey Through French Cinema, của đạo diễn kiêm sử gia Bertrand Tavernier, hơn ba tiếng đồng hồ về mấy thập niên lịch sử của điện ảnh Pháp.

Như những lựa chọn đã trình bày trên, từng khách tham quan Cannes hình dung liên hoan cho riêng mình dựa trên những thứ hấp dẫn họ và những phim họ thu xếp xem được. Chẳng hạn, với tác giả bài này, đó là một phim tài liệu hay phát hiện ở hội chợ phim, Robert Doisneau: Through the Lens, một cái nhìn ấm áp về nhiếp ảnh gia vĩ đại người Pháp do chính cháu nội ông Clémentine Deroudille làm đạo diễn.

Đến Cannes mà không thấy bực bội là chưa đến Cannes, tác giả rời khỏi đây không chút hài lòng, không chỉ vì những chọn lựa của ban giám khảo mà còn vì những phim người viết biết là tuyệt vời nhưng không xếp nổi lịch xem.

Nữ diễn viên Philippines Jaclyn Jose vui mừng trên sân khấu
sau khi nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc

Trong số đó có phim hoạt hình Pháp My Life as a Courgette, The Happiest Day in the Life of Olli Maki của Phần Lan, và phim kinh điển năm 1966 của Pietro Germi Signori & Signore (The Birds, the Bees and the Italians).

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times