Movie Blogs

47 Ronin: 5 điểm trừ và 5 điểm cộng

18/02/2014

Một truyền thuyết thấm đẫm tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, một dàn diễn viên được dẫn dắt bởi hai diễn viên tài năng Hiroyuki Sanada và Keanu Reeves, 47 Ronin đáng ra dã là một bộ phim tuyệt vời nếu tránh được năm điều dưới đây.

1. Một kịch bản dài lê thê và thiếu điểm nhấn.

Phim có quá nhiều những phần riêng biệt - những cụm cảnh nếu cắt riêng ra thì hay, nhưng gộp lại và đặt cạnh nhau liên tục thì có vẻ mệt mỏi. Nhất là những cảnh yêu đương tình tứ giữa Kai (Keanu Reeves) và Mika (Ko Shibasaki). Tôimuốn một kịch bản chặt chẽ hơn, chỉ trả thù, hoặc chỉ cứu công nương của lãnh chúa. Trong phim, hai yếu tố này đang tương đương nhau trong phim, và tệ hơn nữa, bị đặt vào hai đối tượng quá riêng biệt: những ronin muốn trả thù, nhưng Kai lại muốn cứu lãnh chúa. Kai và các ronin ở cùng một phe, do đó lực lượng này có vẻ rời rạc và khiến người ta thấy mệt mỏi, khi những người cùng chung một kẻ thù lại không cùng chung một mục đích. Kai cũng không phải là một nhân vật đủ lớn, đủ chiều sâu để không bị cuốn bay vào câu chuyện của Oishi (Hiroyuki Sanada), để rồi thỉnh thoảng xuất hiện bất chợt, như người chơi vơi giữa cơn lũ.

Nhân vật Kai của Keanu Reeves

Có thể nói, so với những bản phim năm 1941 và 1994, lần làm lại này, nhà làm phim đã khá "mạnh tay" khi đưa vào phim nhân vật Kai - một đứa con lai không rõ nguồn gốc được lãnh chúa Asano nhận nuôi. Mục đích lần này của các nhà làm phim có lẽ là muốn kể câu chuyện cũ nhưng từ góc nhìn mới, có thể cho là đặc sắc hơn - góc nhìn từ một người châu Âu cao lớn, lạc loài giữa một xã hội mà danh dự còn quan trọng hơn mạng sống. Phim cũng đề cập, dù chỉ là rất ít, tới những người con lai, vốn dĩ không được coi như con người, bị bán làm nô lệ trên các tàu buôn của Hà Lan. Dụng công là thế, nhưng có vẻ hiệu quả thì không được như mong đợi.

Khi xem phim này, tôi đã rất kỳ vọng vào vai diễn của Keanu, vì sự nghiệp đồ sộ của anh. Keanu không làm tôi thất vọng, nhưng Kai thì có. Anh là điểm nhìn mới. Nhưng người ta đã quên mất anh trong toàn bộ câu chuyện. Những khi anh xuất hiện, thì đúng là chỉ như "cho có", như thể vai trò của anh có thể bị thay thế hoặc xóa bỏ bất kể lúc nào.

Nhưng vai diễn này, một lần nữa lại khiến những người yêu Keanu càng yêu anh hơn. Sự kiên nhẫn, nhún nhường của anh trong từng khung hình, từng động tác, những pha đấu kiếm của anh thực sự làm tôi rung động. Rung động, nhưng không có nghĩa là tôi đánh giá cao vai Kai của anh. Dù anh có là truyền nhân của Thiên Cẩu, và anh mạnh vô song đi nữa. Nói theo kiểu tiêu cực, thì Kai, sống đến mưới mấy năm cuộc đời với những người Nhật bản xứ, lại không "hòa nhập" tốt bằng vai diễn anh lính bị bắt làm tù binh của Tom Cruise trong The Last Samurai.

Vậy nên hãy xem phim này để tận hưởng diễn xuất của các diễn viên, đặc biệt là Keanu.

2. Phim về Nhật Bản, nhưng tôi không thấy tinh thần Nhật Bản trong đó.

Cũng giống như Pacific Rim hay Wolverine, đội ngũ thiết kế mỹ thuật của phim đã cố gắng hết sức trong việc tạo ra những khung cảnh đậm chất Nhật Bản như thành quách, hoa anh đào, rừng tre, tượng Phật, phụ nữ mặc kimono, áo giáp... nhưng tiếc thay, trong những khung cảnh đó, tôi vẫn không cảm thấy chất Nhật.

Đội ngũ thiết kế đã làm ra được hình dáng, nhưng trong đó không có cái hồn Nhật Bản. Mọi thứ tĩnh nhưng không tự nhiên. Lại một lần nữa phải so sánh điều này với cảm giác khi xem The Last Samurai - một bộ phim cũng do người Mỹ làm về Nhật Bản, cũng cảnh làng mạc, nhưng cảm giác tĩnh tại, hòa vào với thiên nhiên rất thật. Tôi đã rất mong chờ được nhìn thấy một cảnh, giống như một dạng "bản sắc" trong các phim Nhật, hoặc mang phong cách Nhật, là những cảnh tĩnh có nước chảy, hoặc cánh hoa anh đào bay... Nhưng đáng buồn là trong phim này không có một cảnh nào như vậy.

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa, đó là những bối cảnh "lệch tông" và cực kỳ không liên quan - như cảnh Oishi phi ngựa đến chỗ đậu thuyền của những người Hà Lan. Bối cảnh đó không thể là của Nhật Bản, mà phải là của một quốc gia châu Âu nào đó với những thảo nguyên rộng lớn. Hay như một số cảnh trong hành trình đi lấy kiếm, nó gây liên tưởng một cách kỳ cục tới The Hobbit hay một cánh rừng châu Âu nào đấy chứ không phải thiên nhiên của một nước ở khu vực châu Á.

Thiết kế trang phục cũng khiến tôi đau lòng không ít. Lúc ở trong rạp, tôi đã tự hỏi không hiểu có phải thiết kế trang phục thù oán gì nhân vật Mika hay không, mà trang phục của cô, lúc thì giống như quần áo của phi tần Trung Quốc, lúc lại giống như một nhân vật trong Star War.

3. Dừng không đúng chỗ.

Đây là cảm quan cá nhân của tôi. Bộ phim dừng lại sau khi những Ronin đã rạch bụng tự sát, bao gồm cả Kai - người mà giờ đây đã được coi như một samurai đích thực. Tôi đồng ý việc họ sẽ chết. Nhưng không phải là việc họ sẽ chết đồng loạt trước mặt tôi. Phim kết thúc ở Mika, khi cô đứng trên cầu, cầm thẻ tên của Kai, và con chim hạc trên món trang sức năm nào. Trời ơi cái gì đây? Thế cuối cùng là sao? Tôi đang xem một bộ phim về samurai, sao lại kết thúc ở cô con gái lãnh chúa và mối tình dang dở? Cho đến phút cuối, phim vẫn cứ bị nhì nhằng giữa chuyện tình yêu của Kai và tinh thần Samurai.

Đây là điều có lẽ khiến tôi bực mình nhất. Thứ đáng lẽ ra là trung tâm (việc trả thù) thì hết lần này đến lần khác bị chen ngang bởi chuyện yêu đương. Và cũng vì chuyện yêu đương, và cô con gái lãnh chúa nọ, mà cuộc trả thù trở nên sơ sài, thiếu sức thuyết phục. Có quá nhiều cái, đáng lẽ ra cần dài hơn, lại ngắn ngủn và "tất nhiên là phải thế".

4. Các nhân vật xuất hiện, hành xử và biến mất một cách kỳ cục.

Nhân vật đầu tiên xuất hiện và biến mất một cách kỳ cục là anh chàng xăm trổ đầy mình (Rico the Zombie) trên tàu Hà Lan. Tôi khá là chắc chắn việc anh ta sẽ không đi cùng với Kai hay những Ronin kia, vì trong trường hợp nào anh ta cũng sẽ cùng Kai tạo thành một "cộng đồng" nhỏ, và mặc nhiên bộ phim sẽ trở thành sự đối đầu của hai cộng đồng, hai nền văn hóa Đông - Tây. Nhưng cái cách anh ta "đu dây điện" vào và ra khỏi bộ phim thì quả là khiến người ta ngỡ ngàng. Anh ta có tạo hình quá ấn tượng (và thậm chí ở trên poster như một chiêu câu khách) để chỉ xuất hiện và biến mất như thế.

Nhân vật thứ hai là Demon - Samurai trong bộ giáp đen. Tôi đã nghĩ trận chiến cuối cùng phải là giữa anh ta với Kai - hai kẻ thù trong một trận đấu dang dở gặp lại nhau và kết thúc nó. Tôi vẫn nghĩ vậy cho tới khi "uỳnh", anh ta nổ tung!

Cách sắp xếp các cặp đấu (tạm gọi như vậy) cũng khiến tôi khá bực mình. Lãnh chúa Kira và Mizuki cấu kết nhau hãm hại lãnh chúa Asano. Họ là đối tượng trả thù của Oishi và các ronin khác, nhưng cuối cùng lại trở thành Kira đấu với Oishi, và Kai đấu với Mizuki. Cá nhân tôi nghĩ Kai không có nhiều thù hận với Mizuki tới độ cần phải đấu tay đôi với cô ta (dù rằng hai người này có sức mạnh ngang nhau, và ở vị thế ngang nhau), trừ việc cô ta bắt nạt nàng Mika của chàng.

Một điều tôi cũng khá băn khoăn, và cần tra cứu trong phim này, là việc các samurai dùng thuật ninja (thuật cải trang, thuật nhân mã hai người) để đột nhập vào thành. Khá là lạ lẫm, vì trước nay thấy các samurai toàn đánh trực diện chứ ít khi dựa vào mánh khóe và thủ thuật như vậy.

5. Âm sắc của bộ phim.

Dù biết rằng đây là điều không thể trách, nhưng việc các nhân vật nói tiếng Anh và phát âm tên Nhật làm lộ rõ sự tương phản: họ phát âm những cái tên Nhật thân thương bao nhiêu, thì nói tiếng Anh khó khăn bấy nhiêu.

Tuy đã liệt kê bên trên đây đến năm điều chê trách bộ phim này, nhưng tôi vẫn khuyên các bạn nên đến rạp xem phim để được tận hưởng:

1. Hình ảnh đẹp mắt.

Tuy đã nói bên trên, cảnh Nhật nhưng không có tinh thần Nhật, nhưng phần còn lại rất ấn tượng. Tôi đánh giá cao cô Mizuki và tất cả những gì liên quan đến cô ấy, đặc biệt là tà áo xanh của cô ấy. Bộ phận kỹ xảo đã kỳ công tạo ra nó như một sinh thể sống động linh hoạt. Dù rằng tôi không chắc chắn lắm việc cô ấy có là hồ ly như trên poster hay không.

2. Sự quyến rũ chết người của Mizuki.

Từng khoảnh khắc của nàng đều toát lên vẻ khiêu khích, uyển chuyển và quyến rũ.

3. Tinh thần võ sĩ đạo.

Không chỉ là những màn đấu kiếm. Tôi còn muốn nói đến cảnh mà có lẽ tôi thích nhất phim, đó là trường đoạn trong rừng, khi các ronin ghi danh và điểm chỉ vào một tờ (có lẽ nên gọi là) ghi danh. Đó là một cảnh, tuy rằng không có gì đặc biệt với đại đa số, nhưng với tôi lại có rất nhiều cảm xúc.

4. Những màn đấu kiếm.

Màn đấu kiếm của Kai và Demon, của Kai và Oishi trên tàu, trận chiến trên núi Thiên Cẩu... Về phần hình ảnh, thì đây là một điều hết sức tuyệt vời.

5. Một số chi tiết xuất sắc bất ngờ.

Đó là trong cảnh Kai và Oishi đấu kiếm trên tàu. Kai, từ chỗ đánh nhau theo bản năng giết chóc, đã đổi tư thế, cầm kiếm như một samurai, một sự ngộ, một dấu hiệu để Oishi nắm bắt.

Tuy rằng còn rất nhiều thiếu sót, nhưng xét về tổng thể, 47 Ronin không phải là một lựa chọn tồi khi bạn muốn tìm kiếm một bộ phim mà trong đó các diễn viên đã làm việc hết mình để mang lại cho nhân vật của mình một đời sống chân thực nhất.

Một bộ phim, khi được công chiếu, tuy rằng có thể được yêu thích hay chỉ trích từ nhiều phía, nhưng tựu trung, đó là công sức của cả một êkíp, trong một thời gian dài, với những lao động nghệ thuật khó khăn. Chính vì vậy, dù bộ phim có những khiếm khuyết nhất định, thì nó vẫn là một sản phẩm đáng được trân trọng.

© Anh Phan @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi