Movie Blogs

The Hobbit 2 mới thực sự là hành trình vô định

17/01/2014

Mặc dù tựa đề của phần II là “The Desolation of Smaug” (mà về Việt Nam, có lẽ vì yếu tố thu hút khán giả, tên Smaug đã biến mất trên cái tựa "Cuộc chiến với rồng lửa"), nhưng cá nhân tôi nghĩ, đây mới là lúc đặt cho bộ phim cái tựa “Hành trình vô định”.

Nếu cách đây hơn 10 năm, Peter Jackson làm bộ ba Chúa Nhẫn trên tinh thần cô đọng bộ ba tập của bộ tiểu thuyết đồ sộ này, và đã thành công, thì mười năm sau (tức hiện tại) Peter Jackson không chỉ đơn thuần là “kéo giãn” dung lượng của The Hobbit cho vừa với ba phần phim, mà ông đã gần như viết thêm một chương vào lịch sử Trung Địa.

Miền Trung Địa trong phim của Peter Jackson

Nếu đánh giá The Hobbit với tư cách một tác phẩm chuyển thể, thì Peter Jackson đã có phần quá “lố”, nhưng nếu nhắc đến nó như một bộ phim về miền Trung Địa, thì Peter Jackson đã (một lần nữa) thành công. Tuy rằng nếu đặt cạnh cái bóng quá lớn của Lord of the Rings, thì The Hobbit còn quá non nớt. Công nghệ làm phim có thể tiến bộ, nhưng không khí, cái thần của bộ phim thì không thể dựa vào công nghệ mà tốt lên được. Chính vì thế, đánh giá một cách khắt khe, The Hobbit vẫn chưa thực sự được công nhận bởi những người yêu thích Tolkien, hay những người đã hâm mộ bộ ba Chúa Nhẫn năm nào.

Tôi thực sự đánh giá cao việc “thêm thắt” của Peter Jackson trong phần phim này, mở rộng câu chuyện một cách triệt để. Nói cách khác, kịch bản đã “phá nát” kết cấu của The Hobbit nguyên tác văn học, sắp xếp lại theo một cách “hiện đại” hơn, dài dòng hơn, nhiều nhân vật hơn, vui vẻ, mạnh mẽ và có lẽ là thu hút hơn. Điều này cũng dẫn đến một điều thú vị nữa, đó là những người từng đọc qua tiểu thuyết như tôi bắt đầu rơi vào một cõi hỗn mang, giữa những tình tiết đã biết trong truyện với những tình tiết mới xuất hiện, giống như những ngã rẽ bất ngờ xuất hiện trên con đường mà mới hôm qua bạn còn tưởng như đã thuộc nằm lòng. Sự sắp xếp những tình tiết mới ấy vào trong một cốt truyện đã quá rõ ràng cũng dẫn đến một câu hỏi sau cùng, rằng liệu cái kết có giống như trong nguyên tác hay không? Nhiều người có thể không thích, có thể chỉ trích Peter Jackson là hám tiền khi bôi ra một câu chuyện như vậy, nhưng tôi thuộc về số còn lại, mong chờ một cú đột phá từ ông. Gì thì gì, chẳng phải vô nghĩa khi người ta chuyển thể cả một cuốn sách, mà lại không đưa cái gì đó của bản thân mình vào trong, nhất là khi người ta đã từng thành công một lần khi làm vậy.

Thorin - nhân vật xuống tinh thần mạnh nhất ở cuối hai phần phim

Phần 2 này cũng là một bước tiến lớn so với phần 1 (theo tôi) bởi nhịp phim đã nhanh hơn, chuyến hành trình có tiết tấu hơn so với phần trước, có lẽ do thời lượng của các cảnh hành động đã tăng lên đáng kể, kéo theo đó là các lực lượng đối địch cũng đã lộ diện đầy đủ, bắt đầu dạo những nốt nhạc đầu tiên cho một cuộc chiến lớn – trận chiến Năm đạo quân.

Về các nhân vật xuất hiện trong phim, dù rằng tôi vẫn cảm thấy khá là “khó ở” khi Gandalf thất trận và trở thành tù binh cho bọn Org, nhưng tôi thích tất cả bọn họ. Gandalf lúc này vẫn chưa phải là một thủ lĩnh tinh thần, một lãnh tụ cách mạng như trong LOTR, nhưng cái cách ông bị đánh bại thì quả khiến tôi đau lòng. Bởi với tôi, Gandalf mãi là phù thủy hùng mạnh nhất. Thorin vẫn cứ là nhân vật số một bị số phận trêu ngươi, khi mà cuối cả hai phần phim, ông đều là người bị “xuống tinh thần” mạnh nhất, trong khi đáng lẽ ra ông phải là người vực dậy tinh thần của tất cả mọi người còn lại.

Cũng khá thú vị khi thấy chàng Leoglas trẻ tuổi và lần chạm trán Gimli đầu tiên qua ảnh. Tuy nhiên nhân vật tôi thích nhất lại là chàng Kili. Trong nguyên tác, nhân vật này hầu như chỉ được nhắc tới sau dấu phẩy, cùng với Fili, và một cái chết huy hoàng ở cuối truyện, chấm hết. Nhưng Peter Jackson đã mang đến cho người xem một câu chuyện khác về đời chàng, để chàng được làm nhân vật chính, ban tặng cho chàng một mối tình bâng quơ, mơ hồ với nàng thủ lĩnh cấm vệ quân Tauriel. Vẫn biết đây cũng là một chiêu nhằm chiều lòng những cô gái tuổi mới lớn, nhưng tôi cũng là con gái! Và tôi thích mối tình ấy.

Martin Freeman - chàng Biblo Baggin với diễn xuất cơ thể tuyệt vời

Trường đoạn tôi thích nhất phim, có lẽ là đoạn “vờn” nhau của Bilbo và Smaug trong cung điện. Đoạn này gợi nhớ khá nhiều tới trò giải đố của Bilbo với Gollum trong phần trước, khi Bilbo bị dồn vào đường cùng, và phải vận dụng mọi mánh khóe của mình để thoát thân. Rồng Smaug ngạo nghễ, chậm rãi, còn Bilbo cuống quýt. Nhưng anh ta không còn hoảng loạn. Thứ Bilbo tìm thấy trong hang đá đó, bên cạnh chiếc nhẫn, có lẽ thực sự là lòng can đảm – như anh nói với Gandalf.

Sự hài hước cũng là một điểm cộng cho phần phim này. Sự hài hước tinh tế đến không phải từ lời thoại, mà từ trong những cử chỉ, động tác tưởng chừng như vô hại của các nhân vật, và đặc biệt tập trung ở nhân vật Bilbo của Martin Freeman. Hãy để ý mà xem. Anh ấy thực sự có thể khiến người khác cười bằng cả cơ thể mình. Diễn xuất bằng cơ thể thực sự là điều mà tôi mới khám phá ra sau khi xem các phim truyền hình Anh Quốc và diễn xuất của các diễn viên Anh – điều này người Mỹ ít khi có được.

Bên cạnh một kịch bản tốt, thì hiệu ứng thị giác của phim cũng là một yếu tố đáng đồng tiền bát gạo. Phần tôi thích nhất chính là cảnh đánh nhau với nhện trong Rừng Âm U và cảnh chạy trốn trên sông sau đó – đây không chỉ là phần hình ảnh đẹp nhất phim, mà nó còn là thành công của Peter Jackson trong việc làm mới lại một trường đoạn khá là nặng nề trong truyện – trường đoạn khiến tôi cảm thấy mệt mỏi khi đọc. Tuy nhiên, phần này làm tốt thì lại khiến phần về Beorn như tách rời hẳn ra khỏi bộ phim, giống như một chi tiết thêm vào cho đúng mạch truyện. Đúng là được cái nọ thì mất cái kia. Có lẽ tôi đang lạc đề, nhưng đúng là tôi đang muốn nói về những pha hành động đẹp như mơ và cảnh vật đẹp sững sờ trong The Hobbit cũng sẽ khiến bạn hài lòng.

Cây cầu dẫn vào lâu đâì của Thrandull giữa Rừng Âm U

Kịch bản tốt, hình ảnh đẹp, âm nhạc hay, nhưng tôi lại không thích một tẹo nào “I see fire” ở cuối phim. Nó tạo ra một cảm giác gì đấy quá hiện đại, và lệch tông với toàn câu chuyện.

Và cuối cùng, cảnh cameo đầy bất ngờ của Peter Jackson với củ cà rốt ở đầu phim đã mở màn cho chuyến hành trình dài gần 3 tiếng đầy thú vị.

© Anh Phan @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi