Movie Blogs

Catching Fire: Nạp hết cho đầy bao nhiên liệu cảm xúc!

12/01/2014

Khi xem The Hunger Games, tôi xem với thái độ hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tất cả, không kỳ vọng gì nhiều, vì lúc đó phim được tâng bốc quá mức. Bước ra khỏi rạp tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì phim… không chán như tôi sợ. The Hunger Games là một phim khá hay, và với phần hai, Catching Fire, tôi chỉ cần phim không tệ hơn phần một là đủ rồi.

Không chỉ đáp ứng được yêu cầu đó, Catching Fire (phát hành ở Việt Nam với tựa Bắt lửa) thực sự là một bộ phim chuyển thể rất tốt. Kịch bản bám khá sát nguyên tác, và những sự cải biên hoàn toàn phù hợp.


Sau khi Katniss Everdeen và Peeta Mellark chống lại giới quyền lực bằng cách cùng lúc trở thành hai người thắng cuộc trong Trò chơi sinh tử hàng năm, chính quyền chuyên chế của Panem đang chực sụp đổ. Người dân cho rằng hành động của Katniss và Peeta là những tia lửa đầu tiên chống lại chính phủ, và một ngọn lửa phản kháng đang nổi lên, tất cả đều lấy Katniss Everdeen làm biểu tượng của họ. Để trừng phạt Katniss và kiềm chế sự nổi loạn, Tổng thống Snow ép cô trở lại Đấu trường trong Trò chơi sinh tử lần thứ 75, với mục đích lần này cô chắc chắn sẽ phải chết.

Phim có quá nhiều điều tôi muốn nói tới, và phần lớn liên quan đến cách bộ phim khám phá và phát triển các nhân vật sẽ trở nên rất quan trọng trong hai phần còn lại của loạt phim.

Chú ý: Bài viết này tiết lộ nhiều chi tiết Catching Fire và có thể đề cập tới một số diễn biến của tiểu thuyết còn lại, Mockingjay, sẽ được chuyển thể thành phim hai phần. Điều này là khó tránh, vì nhìn toàn cảnh, Catching Fire là một miếng ghép trong một bức tranh lớn, và rất khó để bàn luận về nó như một phim riêng lẻ.


Josh Hutcherson trong vai Peeta Mellark và Jennifer Lawrence trong vai Katniss Everdeen

Katniss Everdeen

Katniss trong phần hai phải trải qua rất nhiều cảm xúc, và phần lớn không có cảm xúc nào mang tính tích cực. Cô đau khổ, giận dữ, bị ám ảnh bởi những cái chết cô mang lại và chứng kiến trong đấu trường. Tuy vậy, trong sự đau khổ, đen tối đang bao trùm cả con người Katniss đó, cô vẫn phải thể hiện tình yêu thương với gia đình và em gái. Về mặt diễn xuất, Katniss trong phim này là một vai rất vất vả, vì diễn viên phải đắm mình vào những cảm xúc đen tối suốt bộ phim. Vậy mà Jennifer Lawrence đã làm được điều này một cách xuất sắc. Phải nói là thiếu cô, cả loạt phim Hunger Games có lẽ không thể hay tới vậy.


Qua cách thể hiện Katniss của cô, ta thấy rõ rằng từ đầu tới cuối, Katniss làm tất cả để bảo vệ gia đình, bảo vệ những người cô yêu thương. Cô không hề muốn tạo ra một cuộc cách mạng, cô không muốn trở thành biểu tượng của bất cứ cuộc nổi loạn nào. Cả cuộc đời Katniss là một cuộc đấu tranh sinh tồn, và trên Đấu trường cũng vậy. Cô không giết Peeta như Capitol và Tổng thống Snow muốn vì cô vẫn có một trái tim nhân đạo, chứ không phải cô đang nổi loạn. Từ đầu tới cuối, Katniss chỉ muốn sống, nhưng bản năng sống đó lại là quân domino đầu tiên ngã xuống, khiến tất cả các quân cờ khác ngã theo. Khoảnh khắc Katniss sụp đổ ở Quận 11 chính là lúc cô thực sự nhận ra, mọi thứ đã vượt ngoài tầm kiểm soát của cô đến thế nào.

Cũng chính ở Quận 11 đó, ta thấy những lời nói đến từ trái tim của Katniss, những lời xuất phát từ tình bạn và lòng thương mến dành cho Rue, cô bé đồng minh của Katniss trong phần phim trước tới từ quận này, có thể tác động đến những người dân ở đây tới mức nào. Đó là lúc ta nhận ra quyền lực Katniss đang nắm trong tay một cách bất đắc dĩ trong vai trò biểu tượng cách mạng. Chúng ta nhận ra, và Katniss cũng nhận ra.


Katniss trong chuyến Diễu hành Chiến thắng ở Quận 11

Nhưng vì mục tiêu của Katniss suốt bộ phim này thực ra luôn chỉ là sinh tồn, sau Quận 11, khi đi đến các quận khác trong chuyến Diễu hành Chiến thắng, chúng ta thấy Katniss tự ép mình nhại lại những lời tuyên truyền rỗng tuếch của Capitol để xoa dịu Tổng thống Snow và cố gắng làm tắt ngọn lửa nổi loạn kia. Nhưng lửa đã bén rồi thì rất khó dập.

Jennifer Lawrence có khả năng diễn bằng mắt rất tuyệt vời xuyên suốt bộ phim. Ta thấy ánh mắt vô hồn đi kèm với giọng “trả bài” đều đều của cô khi đọc những bài diễn văn của Capitol hay khi cô xuất hiện trên truyền hình với nụ cười “chết” trên mặt. Những lúc Katniss cảm thấy sợ hãi nhất đều là những lúc cô đang bị hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào mình, và Katniss không thể gào thét, không thể bộc lộ sự sợ hãi, kinh hoàng lên gương mặt, nhưng Jennifer Lawrence vẫn chuyển tải được hết qua ánh mắt.

Một trong những cảnh kinh hoàng nhất cả bộ phim là khi Cinna bị giết. Cảnh phim diễn ra trong yên lặng. Ta thấy Katniss gào thét đau khổ trong phòng kính cách âm, nỗi sợ hãi đau đớn của cô hiện rõ. Nhưng chỉ trong vài giây sau, khi cô được đưa vào Đấu trường, sắc mặt Katniss đanh lại. Lúc này là lúc cô phải đối mặt với Đấu trường, nơi theo cô biết thì có hai mươi mấy người khác đang chực giết cô, và ánh mắt cô lúc đó chỉ đầy quyết tâm và sự chuẩn bị đấu tranh để sống.


Katniss cùng em gái, Prim

Điều hấp dẫn là, đến tận cuối phim, khi mất Peeta, Katniss mới thực sự chấp nhận vai trò của mình trong cuộc cách mạng mà những người quanh cô đang mở ra, và từ bỏ bản năng sinh tồn theo cô từ phần một tới nay. Và trong khoảnh khắc chấp nhận đó, ta có cảnh quay cận khuôn mặt Katniss, và ta thấy, ánh mắt cô thay đổi, từ đau khổ vì không biết số phận Peeta, tới sự thấu hiểu vai trò của bản thân, và cuối cùng là sự quyết tâm chấp nhận.

Có lẽ một điều làm tôi hài lòng nhất trong bộ phim là việc Katniss nói rõ với Gale rằng, lúc này, cô không còn tâm trí nào để nghĩ chuyện yêu đương. Đây dường như là lời nói nhỏ của các nhà làm phim với giới báo chí, những người luôn muốn xoáy vào “mối tình tay ba” trong câu chuyện khi nói chuyện với diễn viên. Thực chất, Hunger Games không có mối tình tay ba nào cả. Gale và Peeta đều là những con người quan trọng với Katniss, nhưng cô không hề rỗi việc tới mức ngồi đó tự hỏi mình yêu ai hơn.

Từ Đấu trường sinh tử trở về nhà, Katniss bám vào tình bạn với Gale, xa lánh Peeta, vì Gale lúc đó là người gợi cho cô nhớ cuộc sống nghèo khó nhưng đơn giản hơn trước kia. Lúc đó, Katniss cần Gale, vì nếu không có Gale, cô không thể trở lại với cuộc sống bình thường, sau những gì đã trải qua, Katniss hoàn toàn có thể phát điên. Peeta lúc đó chỉ đem lại cho cô những hình ảnh chết chóc, đau thương trong Đấu trường.


Katniss và người bạn từ thời thơ ấu, Gale (Liam Hemsworth đóng)

Nhưng khi biết mình sẽ trở lại Đấu trường, khi biết lần này cô gần như nắm chắc phần chết, một tương lai bên Gale không còn có thể trở thành sự thực nữa, Katniss trở nên tập trung vào việc cứu Peeta, cho Peeta được sống. Đối mặt với Đấu trường lần thứ hai, giờ đây Katniss phải tìm an ủi nơi Peeta như cô từng tìm sự an ủi từ Gale, vì lúc đó, chỉ có Peeta hiểu được những sợ hãi cô không còn có thể trốn tránh được nữa.

Peeta Mellark

Ngoài câu chuyện về cách mạng và nổi loạn, một phần lớn của Catching Fire là phim về Peeta. Nói một cách chính xác hơn, bộ phim phát triển nhân vật Peeta, cho phép cả khán giả và Katniss tìm hiểu con người, tâm hồn Peeta một cách sâu sắc hơn trước khi mọi điều về nhân vật này sẽ bị thay đổi trong hai phần phim còn lại.

Katniss gan góc, can đảm, cứng cỏi, đối với hầu như tất cả mọi người ngoài những người thân yêu nhất đều tỏ ra lạnh lùng, khó gần. Cô trở nên như vậy vì phải trải qua một cuộc sống quá vất vả, nhiều mất mát thiếu thốn. Peeta lại có tính cách gần như ngược lại. Nếu Katniss sống khép mình thì Peeta lại cởi mở, dễ gần. Katniss khó mở lòng và khó kết nối với những người xung quanh, mỗi lần lên truyền hình cô luôn phải được hướng dẫn và huấn luyện tỉ mỉ. Ngược lại, Peeta chưa bao giờ cần ai dạy anh lấy lòng khán giả như thế nào.


Peeta trong cuộc phỏng vấn trước khi trở lại Đấu trường sinh tử

Nhưng thực chất, cuộc sống của Peeta cũng không sung sướng hơn Katniss là bao. Lớn lên trong một quận nghèo, trong một gia đình bán bánh mì, dù khá giả hơn người thường, anh lại lớn lên với sự bạo hành cả về mặt thể xác và tinh thần từ chính mẹ đẻ của mình. Cậu con trai này lại lớn lên với một tâm hồn của nghệ sĩ, với trái tim nhân hậu khiến cậu cố tình làm cháy bánh, chịu bị đánh mắng, chỉ để giúp Katniss.

Từ Hunger Games đến Catching Fire, điều tuyệt vời nhất về Peeta là anh vẫn giữ được chính mình, dù bị ép vào một cuộc chơi mà anh gần như nắm chắc cái chết.

Trước khi vào Đấu trường trong phần một, Peeta nói với Katniss:

Mình muốn là chính mình khi chết… Mình không muốn họ thay đổi mình ở trong đó, biến mình thành thứ cầm thú… Đến lúc cần thiết chắc mình cũng sẽ phải giết người như mọi người, mình sẽ không ra đi mà không chống cự. Mình chỉ ước gì biết được cách chứng minh cho bọn Thủ đô rằng họ không sở hữu được mình. Rằng mình không đơn thuần chỉ là quân cờ trong trò chơi của họ.


Khi cùng Katniss giả vờ ăn dâu độc, để rồi cả hai người trở thành những người thắng cuộc ở cuối phim Hunger Games, Peeta đã phần nào chứng minh được điều đó. Sang Catching Fire, sau khi ra khỏi Đấu trường, Peeta vẫn tiếp tục sống theo đúng những giá trị anh tự đặt ra cho bản thân từ đầu. Anh luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp, dù có khi những điều đó không cần thiết. Anh tưởng nhớ Rue trong bài diễn văn của mình khi đến thăm quê nhà của cô bé. Anh đứng ra cùng Katniss ngăn Gale bị đánh tới chết. Một trong những cảnh toát lên sự vị tha và nhân đạo của Peeta trong Catching Fire là khi anh đỡ lấy một đối thủ trong Đấu trường đang thoi thóp và an ủi cô trước khi cô chết.

Peeta thật sự không phải mẫu nhân vật nam chính thường gặp. Anh không giỏi chiến đấu, không thông thạo vũ khí. Phần lớn thời gian, nhất là trong Catching Fire, anh luôn gặp nạn và cần được người khác cứu. Anh sẽ còn cần được cứu nhiều hơn nữa trong hai phần tiếp theo của loạt phim. Peeta giỏi việc bếp núc, nướng bánh, vẽ tranh. Nhưng một Katniss lang thang trong rừng với cung tên trong tay không cần một người đàn ông có thể bảo vệ cô về mặt thể chất, mà cần một người bảo vệ tâm hồn và trái tim cô, một người nhắc nhở cô rằng cô không phải chịu đựng tất cả một mình.


Peeta chính là người làm được điều này, dù Katniss phải mất một thời gian dài mới nhận ra, hay có thể tiếp nhận tình cảm đó.

“Cô có thể sống cả trăm kiếp mà vẫn không xứng đáng với cậu ta,” Haymitch bảo Katniss trong Catching Fire.

Peeta yêu Katniss với một trái tim vô hạn, không đòi hỏi bất cứ sự đáp trả nào. Anh biết rõ tình cảm Katniss dành cho mình là giả, chỉ là đóng kịch cho máy quay và thiên hạ nhưng không bao giờ lên tiếng oán hận và tiếp tục diễn theo vở kịch đó, vì biết đó là cách duy nhất bảo vệ mạng sống của Katniss. Rời xa máy quay, anh không ép Katniss phải chấp nhận mình trong cuộc sống thường ngày của cô, nhưng sẵn sàng đến bên cô khi cô lên tiếng yêu cầu. Anh chưa bao giờ dùng những đau thương của bản thân làm vũ khí ép Katniss phải trả nợ tinh thần cho mình.


Nhưng trong lúc Peeta vỗ về Katniss khi cô gặp ác mộng về những cái chết trong Đấu trường đầu tiên, ai là người an ủi Peeta? Ai là người hiểu được những ác mộng của anh? Ai giúp đỡ anh, khi chính gia đình anh đều lạnh lùng với anh? Về nhiều mặt, Peeta còn chịu đau khổ nhiều hơn Katniss, vì không có ai có thể hay sẵn sàng chia sẻ khi Katniss vẫn còn khép lòng với anh. Nhưng như hoa bồ công anh mùa xuân mà Katniss dùng để tả Peeta trong truyện, anh vẫn vượt qua những nỗi đau và trở thành người tốt bụng, không bao giờ đánh mất bản thân, luôn nắm chặt những gì mình tin tưởng.

Peeta không toát ra sự cuốn hút nam tính như Gale hay Finnick Odair. Về mặt thể chất anh có thể còn yếu đuối hơn Katniss. Điều biến Peeta thành một nhân vật hấp dẫn chính là tấm lòng, là sự thực sự tốt, là trái tim kiên định của anh, nhất là khi phải đối mặt với một thế giới và cuộc sống đen tối.

Nếu Katniss phá vỡ hình tượng nhân vật nữ yểu điệu, dịu dàng nữ tính, thì Peeta cũng không phải là bạch mã hoàng tử có thể một tay vung kiếm làm biến mất những thứ muốn làm tổn thương Katniss. Anh chỉ có thể chỉ kiến quyết yêu thương, ở bên cô chịu đựng những mối họa đó, sẵn lòng vì Katniss bước vào Đấu trường lần nữa để chia sẻ, bảo vệ cô.


Những gì ta được biết về Peeta, những điều Peeta làm trong phim này có thể sẽ không to tát lắm khi ta chỉ xem Catching Fire như một phim riêng lẻ. Khi ghép với những diễn biến trong Mockingjay, khi Katniss phải đối mặt với việc mất Peeta, cả cô và khán giả mới có thể hiểu được cô cần Peeta đến thế nào.

Finnick Odair

Trong Catching Fire, chúng ta được giới thiệu với nhiều nhân vật mới, trong đó có Finnick Odair, người từng thắng cuộc trong Trò chơi sinh tử lần thứ 65, đến từ Quận 4, và là một đồng minh của Katniss trong Trò chơi lần thứ 75 này. Dù bộ phim không kể về quá khứ của Finnick sâu như trong truyện, nhưng bạn có thể thấy được những chi tiết được đan xen khắp suốt bộ phim, tạo nên một hình ảnh Finnick Odair, bên ngoài là một tay chơi được Capitol hết mực cưng chiều, nhưng lại là một con người sâu sắc hơn vậy.


Finnick Odair, do Sam Claflin đóng

Về Trò chơi sinh tử, Haymith nói, “Không có ai thực sự thắng cuộc, chỉ có người sống sót.” Đúng thế, vì những đứa trẻ được đưa vào Đấu trường, bất kể có chuẩn bị hay không luôn chỉ là con cờ trong trò chơi chính trị của người lớn. Có lẽ những người chết còn thanh thản hơn người sống, vì người sống sẽ phải tiếp tục tồn tại qua ngày. Sự tiếp tục tồn tại của Finnick Odair được thể hiện qua nụ cười quyến rũ nhưng giả tạo, nụ cười để mua lòng khán giả nông cạn. Finnick hiểu rằng, anh ra khỏi Đấu trường nhưng anh sẽ không bao giờ rời khỏi Trò chơi. Nụ cười kia chính là vũ khí ngoài Đấu trường của anh. Khi tên anh được chọn lần thứ hai, Finnick chỉ biết mỉm cười như thể anh không sắp đưa mạng sống của mình ra làm trò giải trí cho kẻ khác một lần nữa, vì Tổng thống Snow đang theo dõi tất cả.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa một Finnick trước máy quay mua vui cho Capitol, và một Finnick dũng cảm, trung thành, người sau này sẽ trở thành một trong những người ủng hộ Katniss một cách kiên cường nhất. Finnick Odair thật là trong khoảnh khắc nụ cười không bao giờ tỏa được tới mắt anh tắt đi trên môi và anh nhìn thẳng vào máy quay để nói những lời tạm biệt tới Annie, người yêu của mình ở quê nhà. Anh biết rằng, thời khắc đó, anh bước vào Đấu trường là bước vào một cuộc chiến không biết ngày nào sẽ kết thúc, và có nhiều khả năng anh sẽ phải bỏ mạng vì cuộc chiến này. Trong lúc đó, ta còn lại một người con trai đem cả trái tim yêu một người con gái, nhưng để bảo vệ cả hai, phải che giấu tình yêu đó. Một người đang vì lý tưởng, vì tương lai tự do của bản thân và những người anh yêu thương, có thể hy sinh cả mạng sống của mình. Finnick Odair thật là những lúc trong Đấu trường, anh nhìn Katniss và Peeta với ánh mắt đau đớn pha chút đố kỵ, vì anh có thể nhận ra Katniss thực sự đã bắt đầu yêu Peeta đến mức nào, dù có thể bản thân cô không chưa tự nhận ra.


Nụ cười kia chính là vũ khí ngoài Đấu trường của Finnick

Finnick thật là trong khoảnh khắc anh phải nghe tiếng gào thét của Annie qua tiếng của lũ chim nhại trong Đấu trường. Những nguy hiểm trong Đấu trường không chỉ là về thể xác, mà còn là về tinh thần. Qua ánh mắt sợ hãi và nét mặt hốc hác trong cảnh này, Sam Claflin cho ta thấy dù Finnick thực sự là một tay chiến đấu cừ khôi, có khả năng đâm đinh ba vào ngực kẻ thù và giết hắn mà không hề run rẩy, nhưng anh vẫn có đủ điểm yếu có thể bị Capitol lợi dụng. Sự sợ hãi trong lúc đó của Finnick không phải chỉ vì Annie phải bị hành hạ thì mới có thể tạo ra những tiếng kêu la đó cho chim nhại nhắc lại, mà là còn vì trong lúc đó, Finnick nhận ra, Snow biết rõ Annie quan trọng với anh thế nào, đủ quan trọng để có thể trở thành vũ khí đánh bại anh. Điều Finnick sợ lúc đó, có lẽ là tương lai, chứ không phải quá khứ đã xảy ra.

Điều khiến Finnick Odair trở thành một nhân vật cực kỳ hấp dẫn, đó là suốt bộ phim, chúng ta được biết những mặt khác nhau của anh, những Finnick khác nhau, qua góc nhìn của những kẻ muốn lợi dụng anh như Snow và Capitol, qua ánh mắt những người đồng minh, bạn bè anh như Haymith và Mags. Ta thấy rõ rằng anh là một nhân vật quyễn rũ, nhưng vẫn hết mực trung thành với những người mình yêu thương. Tuy vậy, chúng ta vẫn xem toàn bộ phim qua cái nhìn của Katniss, và Katniss trong Đấu trường đó, không thể thả lỏng để hoàn toàn tin tưởng bất cứ ai ngoài Peeta. Vì thế, mối quan hệ của Katniss và Finnick luôn đầy kịch tính, khi đến tận cuối phim, khán giả và Katniss phần nào vẫn chưa có thể hoàn toàn tin tưởng anh, và cảm giác lo lắng rằng Finnick có thể phản bội Katniss bất cứ lúc nào vẫn tồn tại tới tận cuối phim.


Finnnick và Katniss

Effie Trinket

Effie Trinket (Elizabeth Banks đóng) có lẽ là nhân vật thay đổi nhiều nhất từ Hunger Games sang Catching Fire. Trong Hunger Games, cô là con người vô tâm đến từ Capitol, quá quen cuộc sống giàu có xa hoa ở đó để có thể để ý tới những đau khổ, thiếu thốn của người dân ở các quận. Với Effie, sự khác biệt giữa giàu nghèo là một sự thật hiển nhiên, và cô chấp nhận một cách mù quáng rằng chính phủ của Snow tất nhiên luôn đúng.

Trong phần đầu của Catching Fire, Effie dường như vẫn là Effie như trước đó. Lúc này, Katniss và Peeta đang được tung hô, chào đón ở khắp nơi với vai trò người thắng cuộc, và lần đầu Effie được hưởng vinh dự đưa những người thắng cuộc Trò chơi sinh tử đi diễu hành khắp đất nước. Nhưng đến khi thông tin về Trò chơi sinh tử lần thứ 75 được công bố, và Effie nhận ra rằng Katniss sẽ phải quay lại Đấu trường, ta bắt đầu thấy rõ ràng sự thay đổi trong cô.


Sự khác biệt ở biểu hiện của Effie trong cảnh bốc thăm trong hai tập phim

Không có gì thể hiện điều này một cách hiệu quả hơn trang phục và biểu hiện của Effie trong lễ bốc thăm chọn Vật tế. Trong Hunger Games, tại buổi lễ này, Effie cười đùa một cách vô tâm, dường như không nhận thức được cô đang đưa hai đứa trẻ vào chỗ chết, thì trong Catching Fire, Effie dường như đang phải ép mình hoàn thành công việc. Vì lần này, người cô sẽ đẩy vào chỗ chết là những người bạn, những người cô đã yêu mến từ lúc nào không rõ. Trang phục của Effie trong cảnh này trong hai phim cũng tạo sự tương phản thấy rõ. Trong Hunger Games, trông Effie trắng bệch, trong bộ đồ lòe loẹt và trang điểm kỳ dị, trông không giống con người bình thường chút nào. Trong Catching Fire, cô vẫn vận đồ theo phong cách Capitol, nhưng nhẹ nhàng hơn, với trang điểm cũng tự nhiên hơn, trông cô giờ giống một con người thật hơn là một búp bê.

Qua suốt bộ phim, ảo ảnh về Capitol của Effie dần biến mất, và cô bắt đầu nhìn thấy những vết rạn nứt trong bức tranh hoàn hảo của mình. Quen biết Katniss và Peeta trong vòng một năm trời, dành nhiều thời gian bên họ và ở Quận 12 của họ, Effie dần phải hiểu ra nỗi khổ của những con người sống khó khăn hơn cô nhiều. Cô vẫn bám lấy hình ảnh Capitol luôn đúng một cách tuyệt vọng, nhưng đến lúc từ biệt Katniss và Peeta cô cũng phải thừa nhận rằng họ xứng đáng được hưởng cuộc sống tốt hơn.


Lúc nói lời đó là lúc Effie phải thừa nhận tính giải trí của Trò chơi sinh tử từ đâu mà có. Dù người dẫn chương trình Caesar Flickerman có cố gắng tạo không khí chiến đấu hồi hộp hừng hực thế nào đi nữa, đây vẫn là một trò chơi với mục đích giết chết những con người vô tội. Effie phải nhận ra rằng xã hội từng nuôi cô lớn lên trong giàu sang thực sự được dựng trên xương máu của những đứa trẻ. Đây là một cảnh cảm động nhất trong bộ phim, không chỉ vì ta thấy thay đổi này ở Effie, mà ta cũng hiểu rằng cuộc nổi loạn đang nổi lên ngay giữa lòng Capitol, chứ không riêng gì từ các quận, và Effie vừa bước vào hàng ngũ nổi loạn này cùng với Cinna và Plutarch Heavensbee.

Plutarch Heavensbee

Philip Seymour Hoffman là lựa chọn lạ lùng nhưng cuối cùng lại thật hoàn hảo cho vai Plutarch Heavensbee, Trưởng ban tổ chức Trò chơi sinh tử lần thứ 75. Trong suốt bộ phim, Heavensbee đang chơi một ván cờ với Snow, một ván cờ Snow không biết mình đang đánh. Dù ở thế thắng hay bại, Heavensbeen luôn tỏ ra bình thản trước Snow, luôn giữ vẻ bề ngoài là một công dân trung thành, và sự bình thản đó là yếu tố quan trọng để ông che mắt Snow. Cả khán giả, dù biết sự thật hay không, cũng nhiều lần phải tự hỏi về động cơ của nhân vật này.


Heavensbee (phải) và Tổng thống Snow, do Donald Sutherland thủ vai

Cách Heavensbee điều khiển Snow một cách tinh tế để đưa những yếu tố có lợi cho mục tiêu của ông vào Đấu trường thật khác với cách Seneca Crane cho phép các yếu tố bên ngoài điều khiển trò chơi của mình trong phần một của loạt phim. Heavensbee gợi ý cho Snow tự đưa ra những quyết định nếu không có lợi, thì cũng là có hiệu quả trong việc khiến người dân càng nổi giận, thổi bùng thêm ngọn lửa đã được Katniss châm lên từ lâu.

Heavensbee luôn biết mình đang làm gì, và Hoffman không bao giờ khiến nhân vật của mình trở nên hoảng loạn. Đây là một người biết rõ nếu ông cứ bình tĩnh đi các nước cờ đúng, phần thắng sẽ về tay mình.

Tổng thống Snow

Dù có vẻ như phần lớn thời gian, Snow đang bị Heavensbee “chơi khăm” nhưng ta cũng không thể đánh giá thấp nhân vật này. Từ Donald Sutherland toát ra một vẻ nham hiểm độc ác đến ớn lạnh. Snow không bao giờ nổi giận, không bao giờ gào thét, nhưng những cuộc đấu trí tinh tế, yên lặng giữa Snow và Katniss lại là một trong những khoảnh khắc hồi hộp nhất bộ phim, bất kể họ có đủ gần nhau để nói chuyện, hay chỉ là đang nhìn nhau từ hai phía quảng trường đông người.


“Lửa dễ bén, nếu chúng tôi bốc cháy, các người cũng bị thiêu rụi cùng chúng tôi.”

Dù mang tên đầy đủ là The Hunger Games: Catching Fire, bộ phim này mất nhiều thời gian mới đưa chúng ta vào tới diễn biến của trò chơi trong tên phim. Đây là một bộ phim về một chế độ thối nát, những hành động chống lại nó từ phía người dân, và những nỗ lực kìm lửa của chính phủ. Bản thân Trò chơi sinh tử kia chỉ là một công cụ để kể một câu chuyện chính trị.

Ngoài Katniss, ta thấy ngọn lửa cách mạng trong phim cũng được thể hiện qua nhân vật Johanna Mason, người từng thắng Trò chơi sinh tử lần thứ 70. Nếu Finnick hòa mình vào lối sống xa hoa của Capitol để được sống, thì Johanna không hể ngoan ngoãn như vậy. Cô không chấp nhận bất cứ điều ép buộc gì từ phía Capitol, kể cả khi chính quyền đem cả gia đình cô ra xử tử để ép cô.


Johanna Mason, do Jena Malone đóng

Johanna là hiện thân của sự tức giận nơi những người thắng cuộc, được hứa hẹn một cuộc sống yên bình nếu họ thắng trong Trò chơi sinh tử. Trên thực tế, không ai ở các quận nghèo có thể sống yên ổn trong chế độ này. Cô cũng tượng trưng cho sự tức giận của người dân bình thường đối với chính quyền đang đàn áp họ. Sự tức giận này có thể là tàn than âm ỉ trong nhiều năm, nhưng chỉ cần một mồi lửa từ phía Katniss là đủ để thổi bùng ngọn lửa này lên.

Catching Fire cũng là tập truyện giữa trong bộ tiểu thuyết ba tập, và là phim giữa trong một loạt phim bốn phần. Vì thế, phần lớn sự kiện trong phim này không nên được đánh giá riêng lẻ, mà cần phải nhớ rằng đây chỉ là một miếng ghép trong một bức tranh toàn cảnh lớn hơn.

Vì thế, bộ phim khai thác tâm lý nhân vật, các vấn đề xã hội, hơn là một bộ phim phiêu lưu hành động. Những chủ đề về sự tin tưởng, trung thành, việc con người nương tựa lẫn nhau để hướng tới cuộc sống độc lập khỏi một chế độ mục nát, tồn tại xuyên khắp bộ phim.


Chim húng nhại (mockingjay), biểu tượng cuộc cách mạng chống lại đế chế của Snow

Trong suốt thời lượng, bộ phim khai thác mục tiêu, động cơ và tình cảm của các nhân vật một cách sâu sắc. Những câu hỏi về việc, trong một thế giới hỗn đoạn đang chực sụp đổ, bạn có thể tin tưởng ai, được đặt ra đối với Katniss. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong Đấu trường, khi Katniss trở thành đồng minh với Finnick và Johanna, nhưng không bao giờ hoàn toàn tin tưởng họ. Nhưng cùng lúc đó, ta cũng thấy được lòng trung thành của những con người dấn mình vào cuộc cách mạng sắp xảy ra này. Trong Đấu trường, Finnick, Johanna và những đồng minh của họ có thể hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ Katniss, nhưng lại không thể cho Katniss biết được đó là mục tiêu của họ. Họ hiểu rằng Katniss là biểu tượng của cuộc chiến sắp tới đó, và cô phải sống để ra khỏi Đấu trường này, bất chấp trong họ có những người như Johanna thực sự không ưa Katniss chút nào.

Catching Fire là một bộ phim khá đầy. Rất nhiều thứ xảy ra, nhiều điều được chuyển tải, và nhiều thứ phải tiếp thu. Hai phần ba bộ phim là diễn biến trước khi trở lại Đấu trường. Nhưng bộ phim không bao giờ mang lại cảm giác quá dài và những phần dẫn bên ngoài Đấu trường cũng hấp dẫn và hồi hộp không kém những gì diễn ra khi cuộc chiến bắt đầu. Và như thế cũng phải thôi, vì Catching Fire không chỉ còn kể về Trò chơi sinh tử nữa. Nó đã trở thành một cỗ xe đưa ta tới với câu chuyện lớn hơn, câu chuyện về một cuộc cách mạng lật đổ một chính quyền mục nát. Câu chuyện này sẽ tiếp tục trong bộ phim hai phần, Mockingjay.

© Xuân Hiền @ Quaivatdienanh.com



Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi