Movie Blogs

Captain America: The Winter Soldier – Đồng xu hai mặt

07/05/2014

Captain America: The Winter Soldier, nối tiếp Thor 2 và bộ ba Iron Man vừa kết thúc, tiếp tục lặp lại mô típ phim-ba-phần của Marvel: phần một lê thê giới thiệu nhân vật, phần hai hé mở xung đột, làm tiền đề cho một cú chót bùng nổ.

Captain America 2 có thể ví như hai mặt của một đồng xu – tất nhiên không chỉ đơn giản là ẩn dụ được gửi gắm ở cuối phim, mà còn là hai mặt trái – phải trong tâm lý của tất cả các nhân vật: phần họ muốn trở thành, và phần họ phải trở thành. Tôi nhấn mạnh tính hai mặt này ở nhân vật Natasha Romanoff của Scarlet Johansson. Trong Iron Man 2Avenger phần đầu, ta thấy một đặc vụ “máu lạnh”, một sự che giấu hoàn hảo phần tình cảm bên trong để hoàn thành trọn vẹn vai diễn bên ngoài. Ngay cả khi bị Loki dùng chiêu bài đe dọa đưa ra ánh sáng quá khứ của mình trong Avengers, ta cũng không biết liệu Natasha có sợ hãi thực sự, hay chỉ đơn thuần là “một bước trong kế hoạch”. Nhưng sang đến Captain America 2, ta biết Natasha cũng sợ hãi khi bị phanh phui những bí mật ấy.

Trong phim, có thể nhận ra qua một chi tiết rất nhỏ, khi Pierce dùng quá khứ như một chiêu bài tâm lý, trong khoảnh khắc, những ngón tay của Romanoff đang gõ trên bàn phím dừng lại – một thoáng do dự, giống như đồng xu đang ở điểm cực đỉnh trước khi rơi xuống. Nhưng cuối cùng, khi đã tìm được một mục đích đáng để hy sinh, Romanoff sẵn sàng đối mặt với quá khứ, thậm chí còn dùng nó làm thứ vũ khí chống lại những kẻ muốn nhân danh lẽ phải mà buộc tội cô. Phần phim này giống như một cánh cửa, đóng lại những chương trước của cuộc đời đặc vụ Natasha Romanoff – những chương mà cô đã sẵn sàng để quên đi, và mở ra một tương lai mới, một thân phận khác. Ta không thể chắc chắn liệu nó tốt hơn, hay tệ hơn, nhưng ta biết, chắc chắn Natasha hài lòng với những điều sắp tới.

Bên cạnh Rogers, Natasha Romanoff có lẽ là nhân vật có nội tâm phong phú nhất phần hai này

Tôi cũng đã tự hỏi, tại sao Captain America 2 lại dành nhiều đất diễn cho nội tâm của Romanoff đến như thế, hay bởi đây vốn là nhánh truyện với những nhân vật “phụ nữ” nhất trong Avengers, khi Rogers thậm chí còn không thể làm quen nổi với một cô gái nào ở thế kỷ 21 – tới độ Romanoff phải làm bà mai (một việc khiến tôi thấy Natasha đang cô gắng giúp Rogers thoát khỏi nỗi cô đơn và lạc lõng giữa một thời đại hoàn toàn lạ lẫm với anh, vì có lẽ nỗi cô đơn là thứ mà Natasha hiểu rõ hơn ai hết) cho chàng? Hay bởi trong Avengers, nhánh truyện của Captain America là nhánh phát triển với đặc trưng đi sâu vào những góc khuất của nhân vật? Ta thấy không chỉ Captain America, Romanoff, mà cả Fury cũng được khai thác mạnh theo hướng này.

Rogers vốn là một người lính, một người lãnh đạo, một biểu tượng của chủ nghĩa ái quốc - người hùng khoác trên vai chiếc khiên in hình lá cờ tổ quốc. Nhưng Rogers chưa kịp hoàn thành nhiệm vụ thì anh đã bị đóng băng 70 năm, và khi tỉnh dậy, mọi thứ đã thay đổi. Thứ Rogers phải học, không chỉ đơn thuần là công nghệ (vâng, anh đã biết dùng smartphone), mà còn là sự thay đổi của tư tưởng, của lối sống, và trên hết, là lý tưởng. Lý tưởng của Rogers, và tất cả những người cùng thời với anh, là hòa bình, là tự do cho những người dân mà họ bảo vệ, là tình đồng đội, mệnh lệnh và cống hiến. Rogers chưa thể chấp nhận thực tế xã hội nơi anh tỉnh dậy. Anh vẫn khôn nguôi giấc mơ về một cộng đồng cộng cảm, trong khi thực tế nơi anh tỉnh dậy lại là những nhóm độc tập với cái tôi to như núi.

Captain America 2 còn là cuộc chiến cân não của một người lính
trong việc lựa chọn nơi để đặt trọn niềm tin và lòng trung thành

Cuộc chiến của Rogers, không chỉ đơn thuần là cuộc đọ sức tay đôi với Chiến binh Mùa Đông trong tư cách Captain, mà còn là cuộc chiến cân não của một người lính trong việc lựa chọn nơi để đặt trọn niềm tin và lòng trung thành. Rogers phải học cách cảnh giác và nghi ngờ, ngay cả với đồng đội của mình – điều mà anh chưa từng băn khoăn trong những năm tháng quá khứ.

Một điều khá buồn cười là, có lẽ xu hướng làm phim siêu anh hùng gần đây đang chuyển từ “lãng mạn lứa đôi” sang “tình anh em”. Chàng hoàng tử Asgard có một cậu em trai gây cho anh ta đủ thứ rắc rối, hại anh chết đi sống lại, ấy vậy mà anh vẫn không thể đoạn tuyệt tình nghĩa, vẫn cứ trở thành một “anh thỏ” khi cậu ta xuất hiện. Anh lính Steven Rogers có một chiến hữu tên Bucky, đã chết khi làm nhiệm vụ nhưng Rogers vẫn không nguôi nhớ về anh ta. Khi Bucky trở lại trong hình dáng Chiến binh Mùa Đông, Rogers vẫn giữ một niềm tin bền bỉ, rằng người bạn của mình sẽ quay trở về, chỉ cần anh nỗ lực dùng tình bạn cảm hóa cậu ấy.

Và đến cuối phim, với một loạt những phân cảnh mang màu sắc The Bourne Ultimatum, ta thấy có vẻ như những nỗ lực của Rogers đã được đền đáp.

Với Bucky, câu hỏi đặt ra là, trong phần tiếp theo của Captain America, anh sẽ quay lại sát cánh bên Rogers với tư cách gì? Con người Bucky bị chia cắt làm hai nửa, hai nửa không thể dung hòa. Và đến khi hai nửa ấy thực sự gặp nhau trong cùng một con người… Quả là có rất nhiều điều đáng mong đợi.

Với tất cả những điều chúng ta đã biết thì Bucky xứng đáng là nhân vật
nhận được nhiều sự mong đợi nhất trong phần thứ ba của bộ phim

Tôi rất thích lời thoại trong bộ phim này. Nó tập trung làm rõ một quan điểm rất hay: Không sai nhưng cũng chẳng đúng. Nhân vật liên tục đặt cho nhau những câu hỏi mang tính lựa chọn có hoặc không, nhưng không lần nào họ có được câu trả lời chính xác. Romanoff nói cô làm những điều không sai, cũng tức là những gì cô làm chưa chắc đúng. Và bắt theo dòng suy nghĩ ấy, ta thấy các anh hùng, mà chúng ta có lẽ cũng vậy, đều chỉ dừng ở mức độ làm những việc “không sai”, chứ chưa chắc đã chạm được đến cái đúng toàn vẹn.

Với mỗi nhánh chuyện của Avengers, Marvel đều cố gắng tạo ra một “chủ đề” riêng, mang đậm bản sắc của mỗi siêu anh hùng đại diện cho nó. Cái “chủ đề” này đồng thời cũng định hướng cho sự phát triển của đội ngũ nhân vật hỗ trợ. Người Sắt có nhạc mạnh, có tiệc tùng, có những thứ “đàng điếm” và hào nhoáng cần một nàng Pepper giản dị, thông minh, thực tế và cứng rắn, đủ sức át được anh chàng nhân vật chính màu mè, cũng thông minh và có cái tôi to như quả núi; ta cũng có một anh Happy nọ, trung thành và mù công nghệ - đối lập hẳn với ông chủ của mình. Trong Thor, dàn nhân vật ở trái đất không hẹn mà gặp, đều có một niềm đam mê không điểm dừng với khoa học, phù hợp một các hoàn hảo với anh Thor từ xứ sở Asgard nào đó. Và vì họ là nhà khoa học, nên họ đủ tỉnh táo cũng như điên rồ để tin tưởng và gắn bó với Thor.

Rogers là một người lính, một người lãnh đạo, một biểu tượng của chủ nghĩa
ái quốc - người anh hùng khoác trên vai chiếc khiên in hình lá cờ tổ quốc

Chúng ta có gì trong Captain America? Một ông lão 95 tuổi trong lốt một người đàn ông ngoài ba mươi với những suy tư u uất mà không phải ai cũng có thể giải mã. Sự u uất của Rogers không đơn thuần do những mâu thuẫn tư tưởng nói trên, mà nó còn bắt nguồn từ nỗi cô đơn, sự hối tiếc… Nó đặt Rogers vào một bối cảnh mà anh không thể ngừng suy nghĩ. Một người đàn ông thích chịu trách nhiệm cho cả thế giới, và luôn suy nghĩ, thì thế giới quan của anh ta cũng buộc các nhân vật phải bộc lộ mình: một Romanoff lần đầu tiên rơi nước mắt, nỗi đau thương và cuồng nộ buộc phải kìm nén, khiến bản thân cô trở nên bất lực, một Nick Fury không-thể-bị-tiêu-diệt đứng trước những lựa chọn bất khả, hé lộ những mảng tối trong quá khứ của ông. Cũng giống như những đau đớn mà Rogers đã trải qua trong những thí nghiệm thời chống phát xít, Romanoff và Fury cũng đều phải trải qua những đau đớn bẽ bàng riêng để tồn tại đến ngày hôm nay.

Nick Fury, nhân vật không-thể-bị-tiêu-diệt đứng trước những
lựa chọn bất khả, hé lộ những mảng tối trong quá khứ của mình

Captain America 2 được đánh giá là một bộ phim tốt về đề tài chiến tranh tình báo, khi các nhân vật bên cạnh việc đấu tranh để bảo vệ thế giới còn phải gìn giữ những bí mật quân sự có thể thay đổi cục diện của lịch sử. Do đó cũng không ngoa khi nói rằng bộ phim giống như một đồng xu hai mặt, và mỗi nhân vật là một đồng xu đang được tung lên cao, liên tục thay đổi khuôn mặt, thay đổi danh tính để đạt được đến mục đích tối hậu.

Và khi đồng xu rơi xuống, ván bài đã ngả, thì mặt hướng lên trời sẽ là thứ họ còn lại sau cùng – một khuôn mặt mà họ buộc phải mang, cho đến khi một lần nữa đồng xu lại được tung lên.

© Anh Phan @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi