Movie Blogs

Người đẹp Tây Đô: Đóa cúc trắng miền sông Hậu

24/02/2014

"Dáng hoa gầy màu hoa trắng ngàn năm thủy chung
Cánh hoa đẹp tựa như tấm lòng em son sắt..."

Em là cô nữ sinh hiền ngoan đảm đang có mối tình đầu trong sáng. Em là người phụ nữ bất hạnh với cuộc hôn nhân còn hơn ác mộng. Em là người chiến sĩ tình báo can trường, thông minh với nhiều chiến công quan trọng. Em là Bạch Cúc.*

Chiến sĩ cách mạng không chỉ là những người cầm súng xông pha trận mạc, những đồng chí giao liên, những anh nuôi chị nuôi, những anh lái xe cho tiền tuyến. Còn một dạng người lính khác, đòi hỏi cái đầu rất lạnh và sự ứng biến tuyệt vời. Đó là các chiến sĩ tình báo. Tôi dành một sự ngưỡng mộ đặc biệt cho những chiến sĩ này, vì áp lực mà họ phải chịu.

Tình báo là người phải có quan điểm chính trị rất vững để không lạc lối (mà khi đã lạc lối thì chắc chắn kết quả rất bi thảm), khả năng đánh giá con người và ứng biến xuất sắc (vì rằng những sự kiện có thể xảy ra trong quá trình công tác không sách vở nào có thể dạy hết được), và một tinh thần vững như thép (để không bị địch lung lay hay sơ hở lỡ miệng đồng thời đối mặt với đủ lời miệt thị của người dân khi thấy mình đi cùng, mà lại còn thân thiết, với địch).

Đối với phụ nữ thì những điều này càng quan trọng gấp bội. Đủ mọi lời mai mỉa rẻ khinh, đủ mọi cái nhìn cay độc dè bỉu. Muốn vượt qua hoàn toàn không dễ dàng

Hồng Ánh (trái) trong vai Bạch Vân và Việt Trinh vai Bạch Cúc lúc còn đi học

"Chúng ta không phải sinh ra để làm cái nghề này," Bạch Cúc từng nói với Hoàng Thái như vậy. Có lẽ trừ những phim siêu điệp viên của Hollywood thì chẳng ai lại tự nguyện đưa đẩy mình vào cái nghề trái ngang này. Bạch Cúc, Hoàng Thái, Xuân... trước đây đều không phải là dân cách mạng nòi. Họ đều là trí thức thuần, dòng đời cuốn xô đưa đẩy nhận thức được mình cần tham gia vào cuộc đấu tranh cho vận mệnh dân tộc, đã cùng nhau dấn thân vào con đường "gươm kề cổ, súng kề tai" để mong một ngày được cùng nhau đứng trên đất nước hoàn toàn là của mình.

Người đẹp Tây Đô (cùng các phim khác của TFS) không rơi vào lối mòn xây dựng nhân vật một chiều. Bạch Cúc có thể tha thứ, nhưng không phải là cái tha thứ như chuyện chưa từng xảy ra, mà là tha thứ vì chút tình nghĩa còn lại, và vì không muốn con mình mồ côi cha. Chồng Bạch Cúc bạc ác, ăn chơi, tồi tệ, nhưng vẫn gây ấn tượng với tôi về hành động của anh lúc Bạch Cúc bị đẩy đi Giá Rai. Đúng là dạng người như anh không thể nào hiểu nổi việc người ta sẵn sàng chịu khó khăn chứ không chịu tủi nhục, nên anh một mực vặn hỏi Bạch Cúc vì sao không năn nỉ anh để được ở lại. Tôi cảm thấy vui và mỉm cười được với anh khi nghe anh nói "Vì sao cô không nói? Cô chỉ nói một câu thôi, tôi sẽ cho cô ở lại mà." Anh không có chút tình nào với Bạch Cúc (thực ra tôi cũng tự hỏi anh có chút tình nào với ai không), nhưng tôi cho rằng anh còn chút nghĩa với cô, dù anh không nhận ra. Một chút tiếc nuối cho người con gái chung chăn gối, cho mẹ của con mình. Một nét nhân văn không hề khiên cưỡng!

Hoàng Sơn trong vai chồng Bạch Cúc

Còn về phần các sĩ quan Pháp - một tuyến nhân vật thường bị cường điệu, bộ phim cũng xử lý rất tốt. Có sĩ quan xấu, có sĩ quan ác độc, nhưng cũng có những sĩ quan rất lãng mạn, chung tình, cảm thông, và đứng đắn. Họ đều là những con người tốt, vì nhiệm vụ, vì đất nước họ phải mang danh "xâm lược". Chiến tranh có thể thay đổi con người chính trị, con người xã hội của họ, nhưng con người với những tính cách và phẩm giá riêng, không thay đổi theo hoàn cảnh. Cũng như các nhân vật chính được trui rèn cùng thử thách đã trở nên cứng rắn, khôn ngoan hơn nhưng cái tâm, cái tình vẫn còn như lúc ban sơ.

Chỉ có một nhân vật tôi khá tiếc cho phim, là Quang. Quang là người đầu tiên Bạch Cúc yêu, là một chỗ dựa tinh thần của Bạch Cúc qua năm tháng, nhưng lại được khắc họa khá sơ sài và nhạt nhòa. Với một nhân vật có vai trò quan trọng như thế với Bạch Cúc và tài diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh, tôi cho là việc đào sâu hơn để nhân vật "đời" hơn là việc hoàn toàn có thể.

Hình ảnh và âm thanh trong phim cũng rất đáng nhắc đến. Hình ảnh rõ ràng, góc quay đặc tả cảm xúc nhân vật, cùng những khung hình mang tính ước lệ gợi cảm cao. Xác pháo tả tơi trên thềm nhà Bạch Cúc ngày cưới cũng như lòng Quang, lòng Bạch Cúc và mối tình của hai người đã tan, không còn cứu vãn lại được nữa. Ngày cưới người người vui mừng, chỉ có người trong cuộc lòng như xát muối. Xác pháo bị gió cuốn đi cũng như số phận Bạch Cúc, giờ bị cuốn theo dòng đời vô tình bạc bẽo. Hình ảnh cánh chim bay giữa trời xuất hiện cũng không ít trong phim, như ước mơ của Bạch Cúc, và nhiều nhân vật khác, được sống một cuộc đời của mình. Ước muốn nghe có vẻ đơn giản trong thời bình, nhưng thời chiến thì e là khó khăn. Và còn nhiều nữa những hình ảnh như vậy.

Âm thanh cũng là một thế mạnh của phim. Những phim tôi xem gần đây hay rơi vào một trong hai hướng sai lầm: hoặc âm thanh nền biến đâu mất, chỉ còn tiếng người nói, nghe không khác gì kịch (kinh khủng hơn là đài từ của diễn viên không bằng phân nửa diễn viên kịch), hoặc âm thanh nền ồn ào rồ rồ đến mức át cả tiếng nói. Âm thanh trong Người đẹp Tây Đô được làm khá kỹ, đặc biệt là tiếng mái chèo khua nước nghe rất bình yên và thanh thản, cũng như giọng nói các diễn viên khá truyền cảm.

Dàn diễn viên Người đẹp Tây Đô cùng bà Lâm Thị Phấn (nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật Bạch Cúc)

Bài hát chính của bộ phim là một trong những điểm tôi thích nhất trong phim. Bài hát có chút da diết như cảm thông cho số phận long đong của một Bạch Cúc nữ sinh vừa có nét hào hùng của một Bạch Cúc chiến sĩ. Ngôn từ được dùng trong bài hát không đao to búa lớn, mà nhỏ nhẹ, dịu dàng, tinh tế, như tâm sự của Bạch Cúc, và nỗi lòng đồng cảm của một hậu nhân đầy lòng yêu thương. Một lý do rất cá nhân khác làm tôi yêu bài hát này là ở ba chữ "đất quê mình". Tôi là dân Cần Thơ, và nghe từ "quê mình" trong một bộ phim làm về chính vùng đất thân yêu mình đã lớn lên gợi nên một dòng cảm xúc rất mạnh mẽ và ngọt ngào.

Điều cuối cùng khiến tôi thích thú với bộ phim là mối quan hệ giữa Bạch Cúc và Hoàng Thái. À thực ra là có chút thích vẻ ngoài rất đáng tin cậy và đàn ông của Đơn Dương trong vai này nữa, cùng giọng Huế ấm áp. Theo miêu tả trong phim thì đây là tình đồng chí, với những cảm thông do cùng hoàn cảnh và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong lòng Bạch Cúc lúc nào cũng còn hình ảnh của Quang, mối tình đầu dang dở. Trong hoàn cảnh của Bạch Cúc và Hoàng Thái, hai người thật khó có thời gian ngồi nghĩ lại mối quan hệ cũng như tình cảm của mình dành cho người kia. Bộ phim cũng không áp đặt định nghĩa nào cho mối quan hệ này. Nhưng với riêng tôi, tôi cảm nhận được họ như một đôi vợ chồng đích thực. Họ có yêu nhau hay không, tôi không biết, chỉ biết khi nghe Hoàng Thái nói "nhưng em là vợ anh" thì cảm giác của tôi họ chính là một gia đình.

Tôi thích cái cách Hoàng Thái lo cho nhà Bạch Cúc thời gian đầu Hoàng Thái chưa gia nhập Việt Minh, thích cái cách hai người đứng chung chiến tuyến lúc làm việc, thích tiếng "anh" Bạch Cúc gọi Hoàng Thái và thích tiếng "em" Hoàng Thái gọi Bạch Cúc. Cuối phim, khi hai người đã thoát vòng lưới bủa vây của Pháp mà về với vùng cách mạng - nơi họ có thể cầm súng hiên ngang nhắm thẳng quân thù, hình ảnh Hoàng Thái nắm tay Bạch Cúc chạy trên cánh đồng với tôi là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong suốt bộ phim. Khi đó, tôi cảm thấy chiến tranh như đã bị chặn bên bờ này đồng ruộng, tôi thấy sự tự do, tôi thấy sự vững chãi của Hoàng Thái, tôi thấy nụ cười phóng khoáng của Bạch Cúc - một nụ cười đã mất từ lâu sau khi Bạch Cúc đi làm dâu, tôi thấy một tương lai tuy còn gian nan nhưng chắc chắn không thiếu niềm vui. Tôi cảm thấy như họ là một cặp trời sinh, như thể đó là cặp tình nhân đẹp nhất tôi từng biết.

Nhân vật Hoàng Thái của Đơn Dương

"Giữa quê mẹ từng ánh mắt mừng vui hy vọng
Trời xanh mãi màu xanh tươi thắm
Sáng tựa trăng rằm"

Nhiều năm qua rồi tôi không còn được nghe lời hát này nữa, cũng không còn được xem khúc giới thiệu đầu phim đầy xúc cảm, và người con gái thông minh anh dũng đó của Cần Thơ cũng không còn nữa. Tất cả chỉ còn là ký ức của một thời tuổi nhỏ, với những bộ phim dám nói thẳng về vấn đề thời cuộc và những nhân vật được viết rất chỉn chu.

© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com


* Bạch Cúc chỉ là tên nhân vật trong truyện và phim. Nữ tình báo đất Cần Thơ được nhắc đến trong phim tên thật là Lâm Thị Phấn (1918-2010) hay còn có tên là Lâm Thị Elise.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi