Movie Blogs

Khi không thể tin ai thì hãy tin Captain America

04/06/2014

Cái tài tình của tên phim Captain America: The Winter Soldier (CATWS) là, thoạt nhìn, tựa phim có vẻ tiết lộ quá nhiều.

Bạn không cần phải biết nhiều về truyện tranh của Marvel, chỉ cần chẳng may tò mò Google từ khóa “Winter Soldier” là cứ ngỡ vừa bị một cái 'spoiler' cỡ bự đập vào mặt. Nhưng xem phim mới thấy, danh phận Chiến binh Mùa Đông kia thực chất lại là cái đánh lạc hướng, Marvel đang “thả” một 'spoiler' nhỏ để khiến chúng ta không đi tìm 'spoiler' lớn: HYDRA.

Phim siêu anh hùng có một công thức nhất định. Ví dụ, phim có siêu anh hùng (tất nhiên), có cô người yêu hiện tại/tương lai, có kẻ phản diện để đến cuối phim hai bên đối mặt nhau, để anh hùng đánh bại kẻ ác (và giải cứu mỹ nhân). Nhưng trong ba yếu tố đó, thực chất CATWS chỉ có một, đó là siêu anh hùng (và thật ra so với các anh hùng như Thor, Người Sắt, thì anh ta cũng không “siêu” cho lắm). Còn lại, không hề có cá nhân một kẻ phản diện nào để cho Steve Rogers đến cuối phim có thể tẩn nhừ tử. Chiến binh Mùa Đông không phải kẻ phản diện của phim này; khi biết anh ta là ai rồi thì chẳng ai muốn Steve phải giết anh ta. Thực chất, điều mà Steve và những người bên anh phải đối đầu chính là HYDRA, nhưng không hẳn là những kẻ đứng đầu tổ chức đó như Alexander Pierce, hay những kẻ đi theo tổ chức đó như Rumlow, Sitwell, mà chính là tư tưởng, khái niệm mà tổ chức đó tượng trưng. Bản thân HYDRA và sự tồn tại của nó trong SHIELD chính là phép ẩn dụ cho những thuyết âm mưu trong đời thực và những sắc xám trong hoạt động của những chính phủ cường quốc như Mỹ.

Với một “nhân vật phản diện” đồ sộ như HYDRA, bộ phim cũng cho ta một cái nhìn hoàn thiện hơn về tổ chức này qua việc chắp ghép những nhân vật liên quan lại với nhau. Zola tượng trưng cho lịch sử đen tối đầy âm mưu độc ác như ta thường mong đợi ở một nhân vật phản diện, chỉ có thiếu tràng cười điên dại. Alexander Pierce có lời giải thích thực tế dễ hiểu hơn tại sao hắn tin vào lý tưởng của HYDRA trong khi Jasper Sitwell là tên “quản lý cấp trung” của HYDRA, vai trò mà Phil Coulson đã làm cho phe của Fury trong The Avengers.

Alexander Pierce (Robert Redford đóng) và Nicky Fury (Samuel L. Jackson đóng)

Chủ đề chính trong phim này là “hai mặt của một đồng xu”. HYDRA và SHIELD. Alexander Pierce và Nick Fury. Không đấu tranh vì một chủng tộc thượng đẳng hay sắc đỏ trắng đen của chữ thập ngoặc như Đức Quốc xã, HYDRA hướng tới quyền lực và trật tự, một “thế giới không có quốc kỳ”, và bản thân SHIELD cũng là một tổ chức trị an đa quốc gia chỉ phải báo cáo cho Hội đồng An ninh Thế giới. Khi Fury kể Pierce từng từ chối giải Nobel Hòa bình với câu nói, “Hòa bình không phải giải thưởng, mà là trách nhiệm”, câu nói đó không nhằm cho ta thấy sự khác biệt giữa hai người, mà là để ta thấy sự giống nhau giữa họ. Pierce thực sự tin lời nói đó. Cả Pierce và Fury đều hướng tới hòa bình, chỉ có Pierce tin rằng hòa bình chỉ có được khi cả thế giới bị (được) thống trị. (Nếu bạn xem phim truyền hình Marvel’s Agents of SHIELD thì sẽ còn thấy Coulson trong tập liên kết với CATWS và Sitwell trong phim cũng có vai trò mang tính tương phản cho nhau.)

Lan man thế nhưng tôi vẫn cảm thấy kẻ thù lớn hơn mà Steve Rogers phải đối mặt suốt bộ phim là sự cô đơn. Với người từ những năm 1940 ngủ dậy vào năm những năm 2010, thì khi ta gặp lại anh hai năm sau The Avengers, Steve không hẳn lạc lõng lắm. Anh đã thích nghi được với tương lai và tự tạo được cuộc sống cho riêng mình. Nhưng rõ ràng anh vẫn không thực sự hạnh phúc với cuộc sống đó. Hơn cả thế, anh còn nói với Sam Wilson rằng anh không biết điều gì có thể khiến anh hạnh phúc. Đây là một sự trầm cảm của một con người cô đơn tới mức ta không hiểu, cuối cùng là hiện nay anh đang sống vì cái gì, ngoài cái lý tưởng về việc đóng góp phụng sự đất nước, một lý tưởng mà ý nghĩa của nó đã thay đổi quá nhiều trong những năm qua? Phải chăng anh đến với SHIELD vì nghĩ đó là thứ duy nhất anh có thể làm, dù rõ ràng sự bất đồng của anh với Fury ở đầu phim không phải là lần đầu tiên, và cũng thể hiện rằng Steve không thực sự tin vào những gì SHIELD đang làm?

Chris Evans trong vai Captain America/Steve Rogers

Thực chất Steve Rogers từng hạnh phúc nhất và hoạt động hiệu quả nhất trong một nhóm anh em mà anh thực sự tin tưởng. Trong phim này, anh bị nhét vào một tình huống hoàn toàn trái ngược. “Đừng tin ai cả.” Đó không phải là cách Steve Rogers có thể sống. Trong phần lớn bộ phim, anh bị mắc lưới trong những tranh giành chính trị nội bộ của SHIELD, gần như là con cờ của cả Fury và Pierce, chỉ có thể chia sẻ với Natasha và một anh chàng anh tình cờ gặp khi chạy bộ ở ngoài công viên. Đến gần màn cuối của bộ phim, anh mới thực sự đứng lên phản đối Fury và tự quyết mọi việc sẽ kết thúc ra sao.

Với một nhân vật có tên chình ình trên tựa phim thì Chiến binh Mùa Đông có quá ít thời gian xuất hiện trên phim. Thực chất nếu chỉ muốn làm một phim siêu anh hùng đánh đấm bình thường, Marvel có thể thay vào đó bất cứ tên sát nhân nào khác thì cốt truyện về HYDRA vẫn còn đó. Nhưng cái tài tình của kịch bản là tên sát nhân đó lại là Bucky Barnes, người bạn tuổi ấu thơ của Steve Rogers và một lý do to lớn cho sự cô đơn của anh.

“Ngay cả khi tôi không có gì cả, tôi vẫn có Bucky.” Steve có thể nhớ Peggy và những người đồng đội khác, nhưng đó là sự cay đắng ngọt ngào. Dù gì thì Peggy cũng đã có một cuộc sống dài và hạnh phúc, những đồng đội khác của anh cũng vậy. Dù gì thì anh cũng chỉ từng quen Peggy và những người khác trong vài tháng. Bucky và Steve từng lớn lên bên nhau. Steve không thể tự an ủi rằng ít ra Bucky đã có những năm dài hạnh phúc. Bản thân Steve còn chưa thực sự có thời gian học cách sống mà không có Bucky vì chỉ sau khi Bucky chết vài ngày, Steve đã lái chiếc máy bay kia đâm xuống biển.

Steve Rogers và Bucky Barnes (Sebastian Stan đóng)

Steve và Bucky không chỉ đơn thuần là hai người bạn thân lớn lên cùng nhau. Giữa họ luôn là một sự không cân bằng. Ban đầu, Steve nhỏ con, ốm yếu vẫn luôn luôn đấu tranh vì đạo đức, vì danh dự, vì sự ngay thẳng. Chính vì thế mà anh luôn không biết chạy khỏi những cuộc đánh nhau và luôn bị kẻ mạnh hơn đánh đến không gượng dậy được và cuối cùng phải có Bucky bước vào đánh giúp. Bucky luôn luôn cảm thấy mình cần phải bảo vệ Steve, một điều ta được nhắc nhở trong cảnh hồi tưởng của Steve về ngày tang lễ của mẹ anh.

Dù có thể nhiều khi Bucky không thể hiểu được động cơ đằng sau những hành động vì lý tưởng của Steve nhưng anh vẫn luôn ở bên cạnh Steve, ủng hộ, trợ giúp. Phải đến sau khi có thuốc siêu chiến binh kia, người ngoài mới nhận ra những gì Bucky luôn thấy ở Steve: rằng những lý tưởng của anh có thể tạo cảm hứng cho nhiều người, anh có thể làm những điều vĩ đại, anh chỉ cần cơ hội. Trong Captain America: The First Avenger, có một cảnh sau khi Steve cứu Bucky về doanh trại, Bucky kêu gọi binh lính đứng quanh hô lên ủng hộ Captain America. Đây có lẽ là lần đầu Steve được tung hô, lần đầu những đức tính của anh được nhiều người như thế công nhận. Khoảnh khắc này là lúc tất cả thay đổi, vì từ đây Bucky sẽ là cái bóng bên cạnh Steve chứ không phải ngược lại, và Steve không còn phải thằng bạn của riêng Bucky nữa.

Sự thay đổi này tôi tin rằng phải thay đổi tình bạn của họ, nhưng thay đổi thế nào cũng không phá vỡ được nó. Steve và Bucky, dù sự bất cân bằng hướng về đâu, họ cũng là cái gương phản chiếu cho ta thấy rõ người kia hơn. CATWS cũng có nhiều cảnh, góc quay gợi lên sự giống nhau giữa hai người: cách Steve ngã từ tàu bay không khác gì cách Bucky ngã từ tàu hỏa, rồi ta có hình ảnh Bucky đóng băng, Bucky bị trói xuống ghế như Steve khi được tiêm thuốc siêu chiến binh, hình ảnh họ trên cây cầu trên tàu bay đứng đối mặt nhau. Sức mạnh siêu phàm của Bucky là một phiên bản đen tối hơn của sức mạnh của Steve. Câu chuyện của họ không thể tách rời. Kể cả khi Bucky chưa xuất hiện hoặc không có trên màn hình, ta biết Steve vẫn nghĩ về người bạn của mình.

Tất cả dẫn tới sự đối đầu của họ ở cuối phim trên tàu bay, tới khoảnh khắc Steve buông tay không đánh trả nữa. Lần đầu tiên trong đời, Steve tự rời khỏi cuộc chiến. Đây không chỉ vì anh không thể giết Bucky, mà là vì giết Bucky không có ý nghĩa gì cả. Giết một Bucky không nhớ Steve là ai thì có nghĩa lý gì? Bucky lúc đó không phải là tên bắt nạt, không phải kẻ địch, chỉ là một con rối đang làm những điều hắn bị lập trình phải làm. Steve lúc đó đã hoàn thành nhiệm vụ phá hủy ba chiếc tàu bay. Nhiệm vụ của Chiến binh Mùa Đông là giết Captain America, nhưng nhiệm vụ của Captain America không phải là giết Chiến binh Mùa Đông. Đó là điều đau nhất trong bộ phim, vì ở đâu ra một bộ phim siêu anh hùng kết thúc với việc người hùng tự vẫn vì không thể sống thiếu người bạn thân nhất của mình?! Trong một bộ phim đặt câu hỏi bạn có thể tin tưởng ai, thì ở khoảnh khắc buông xuôi đó, Steve không tin rằng Bucky sẽ cứu mình, nhưng bản thân Bucky ở đâu đó trong sâu thẳm bộ não bị HYDRA tẩy rửa hàng trăm lần kia, lại đủ lòng tin vào những ký ức mờ ảo về Steve để nhảy xuống sông cứu anh.

Và điều đó khiến Chiến binh Mùa Đông trở thành một nhân vật tạm gọi là phản diện vừa đáng sợ nhưng cũng vừa đáng thương. Trong những lúc hoạt động mù quáng nhất, trong đầu hắn chỉ có một mục tiêu, và cực kỳ bạo lực, có thể giết người không ghê tay, nhưng từ hắn không toát ra vẻ đáng khinh như Pierce. Hắn cũng không “tưng tửng” với nội tâm, mục tiêu và động cơ dễ hiểu, hay ít nhất có thể hiểu được, như Loki. Chiến binh Mùa Đông hoạt động trong chân không đạo đức, không có chút khái niệm gì là đạo đức hay ước muốn, hoàn toàn là một cỗ máy được lập trình. Hắn chỉ biết ngần ngừ khi Steve phá vỡ bức tường ngăn hắn tìm lại những ký ức của 70 năm trước.

“Nhưng tôi biết hắn.” Có lẽ, lần đầu tiên trong 70 năm, Chiến binh Mùa Đông phải nghĩ tới một khái niệm khác ngoài “mục tiêu” và “nhiệm vụ”. Và trong khoảnh khắc đó, hắn như đang đứng trên ranh giới giữa Chiến binh và Bucky Barnes. Cả giọng nói và nét mặt của Chiến binh Mùa Đông lúc đó đầy hoang mang như một đứa trẻ mất phương hướng, và không thể không khâm phục diễn xuất của Sebastian Stan trong cảnh này. Tất cả chỉ trở nên đau đớn hơn khi dù đã đặt câu hỏi thế rồi và không được câu trả lời, Chiến binh Mùa Đông lại ngoan ngoãn chấp nhận cho những kẻ xung quanh tẩy não mình lẫn nữa, dù bản thân anh đủ mạnh để đánh bại hết tất cả nếu muốn.

Tôi cho rằng, ít ai bước vào một bộ phim siêu anh hùng lại nghĩ phim có thể u uất bi ai đến thế, trong khi vẫn có những cảnh hành động hoành tráng đã con mắt. Và dù có một cái kết có thể cho là có hậu, mọi thứ sẽ không thể trở nên hoàn hảo đến khi Steve tìm lại được Bucky và Bucky tìm lại được Steve. Nhưng hãy đợi phần ba đi đã nhỉ?

Nói mãi thì cũng phải nói tới các nhân vật khác trong phim. Dù Steve Rogers vẫn là nhân vật trung tâm của bộ phim, những nhân vật “phụ” như Black Widow và Nick Fury đều là những yếu tố không thể thiếu của bộ phim, khiến chúng ta gần như đang xem một bộ phim "ensemble". Và có lẽ đây là lựa chọn đúng đắn, vì nói là siêu anh hùng thì thật ra Steve Rogers chỉ “siêu” ở chỗ anh khỏe mạnh hơn người thường. Nhưng điều làm nên Steve Rogers và Captain America không phải sức mạnh siêu phàm từ thứ thuốc siêu chiến binh kia. Tony Stark chưa bao giờ sai lầm hơn khi nói trong The Avengers là “Tất cả những gì đặc biệt về anh có từ một cái lọ thí nghiệm.”

Captain America là siêu anh hùng không phải vì anh có thể ngã qua hai lớp kính từ trên cao mà không hề bị trẹo chân, mà vì anh có khả năng khiến hàng trăm đặc vụ SHIELD tin tưởng anh, bất chấp cái chết chống lại mệnh lệnh để theo anh đến cùng, chỉ bằng lời nói và lòng tin tưởng không bao giờ lung lay vào sự ngay thẳng, vào lẽ phải của mình. Từ CATFA đến The Avengers rồi sang CATWS, anh là thứ keo cuối cùng gắn kết đồng đội, truyền nhiệt huyết cho người xung quanh, và đến cuối anh luôn là người đứng ra quyết định cuộc chiến. Vì thế, phim của anh rất cần những nhân vật dù miệng nói “Đừng tin ai cả” nhưng cuối cùng vẫn tin tưởng anh nhất, như Fury, Black Widow, và rồi cả Falcon…

Captain America và Black Widow (Scarlett Johansson đóng)

Nói đến Black Widow, phải nói tôi thích vai trò của Natasha trong phim này. Qua bộ phim chúng ta được bắt đầu phá vỡ vỏ bọc sắt đá từ trước tới nay của Natasha Romanoff để thấy một đặc vụ giỏi giang, vô cùng dũng cảm nhưng cũng có những điểm yếu và những khoảnh khắc rất con người. Tôi vẫn nhớ vẻ mặt Natasha khi biết tin Fury còn sống, và khi Fury gần như nói thẳng rằng ông không đủ tin Natasha để cho cô biết kế hoạch giả chết từ đầu, mà phải đợi tới khi cô chứng minh lòng trung thành của mình đặt ở đâu thì mới được biết bí mật đó. Black Widow luôn biết những điều dối trá và nhiệm vụ bắn giết cô làm không phải là điều gì vĩ đại, nhưng cô làm như thế vì lý tưởng, vì một mục tiêu cao cả hơn. Cô không tự dối mình về bản chất công việc của cô, nhưng cô vẫn là con người, cô vẫn phải đặt lòng tin vào thứ gì đó, và cô đặt nó vào SHIELD, vào Fury. Vậy có ngạc nhiên không khi cô không tránh được những khoảnh khắc yếu đuối khi biết SHIELD, tổ chức – lý tưởng – cô tin tưởng như thế đã mục nát từ bao giờ, và Fury, người cố vấn và có lẽ người đỡ đầu của cô, người từng chấp nhận một sát nhân KGB vào tổ chức của ông, lại không tin tưởng cô như cô nghĩ?

Nói về tình bạn giữa Steve và Natasha trong phim này, thì đáng nói nhất là hai yếu tố. Đầu tiên, việc Natasha suốt bộ phim cố gắng mai mối cho Steve (và việc Steve cũng nửa từ chối nửa chấp nhận nhưng tỏ ra vui vẻ về sự mai mối đó). Natasha quá quen với việc nhìn nhận con người và tôi nghĩ, cô là một trong số ít người thực sự nhận thấy sự cô đơn của Steve ở thế kỷ 21. Cô hiểu Steve không giống cô hay Barton, có thể sống cô lập – bản chất của anh cần có bạn bè, và nỗ lực mai mối kia cũng là cách cô giúp anh có cuộc sống cá nhân đa dạng hơn, nhưng đó cũng là lúc để cô chắc chắn rằng những người anh tiếp xúc vẫn là người cô ít nhiều có thể tin tưởng. Ngoài ra, để bảo vệ Steve, bảo vệ chính cô và tình bạn và quan trọng hơn là mối quan hệ công việc giữa họ, việc mai mối cũng có thể là cách để Steve biết rằng bản thân cô không phải đối tượng.

Thứ hai, là khi cô hỏi Steve, “Anh muốn tôi là ai?” Thoạt nghĩ thì đó chỉ là câu đáp trả láu lỉnh, nhưng tôi nghĩ, trong khoảnh khắc đó, cũng như lúc Natasha hỏi Steve anh có thể tin cô sẽ cứu mạng anh hay không, là lúc Natasha thực sự muốn Steve đưa ra câu trả lời thật lòng. Cũng như Steve, cô cũng có phần cô đơn, cô cũng từng mất mát không hề ít hơn anh, và đến thời điểm đó, họ đã làm việc với nhau hai năm, quan điểm của anh đã thực sự trở nên quan trọng đối với cô.

CATWS đang mở ra một chương mới cho phim Marvel. Ở cuối phim, tất cả những gì ta nghĩ ta đã biết về SHIELD không còn. SHIELD đã sụp đổ và chắc hẳn điều này sẽ có tác động lớn tới The Avengers: Age of Ultron. Lúc đó, điều gì sẽ kết hợp nhóm Avengers?

Có vẻ Captain America 3 sẽ là quá trình đi tìm Bucky của Steve và Sam, nhưng Avengers 2 sẽ diễn ra trước đó. Sebastian Stan đã ký hợp đồng chín phim với Marvel cho vai Bucky Barnes/Winter Soldier trong khi Chris Evans chỉ có hợp đồng sáu phim. Có thể nào Bucky sẽ xuất hiện trong Avengers 2?

Maria Hill (Cobie Smulders đóng) và Phil Coulson (Clark Gregg đóng) trong một tập phim Agents of SHIELD

Việc liên kết với Thor: The Dark WorldCATWS cũng giải thích tại sao phim truyền hình Agents of SHIELD lại có lịch chiếu quái gở tới vậy (chiếu một lèo 4 tập trong 4 tuần đầu, rồi lịch chiếu trở nên bất thường, lúc thì cách nhau một tuần, lúc thì hai tuần, lúc thì cả tháng trời), nhưng sự liên kết này cũng khiến Agents of SHIELD trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều từ sau khi CATWS ra mắt. Bỗng từ một bộ phim hơi mang tính “tình huống” chỉ gồm một đội ngũ đặc vụ bay khắp thế giới dẹp loạn và ban đầu điểm lôi kéo chính của bộ phim chỉ là sự trở lại của Phil Coulson, thì bây giờ Agents of SHIELD trở thành một bộ phim trinh thám ly kỳ thực sự gay cấn về những con người không thể “tót” đi quy ẩn như Fury, Black Widow hay Captain America, mà phải ở lại đối mặt với đống đổ nát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của SHIELD như Maria Hill, Coulson và đồng đội.

Xem lại CATFA, nhiều khi có cảm giác phim chỉ tồn tại để khán giả biết được cái gã mặc áo quốc kỳ Mỹ trông hơi vô duyên trong Avengers kia là ai (ngay cả tên phim cũng mang tính… giới thiệu cho Avengers). Anh không đến từ một thế giới quyền năng và bí hiểm đủ để khiến người ta tò mò như Thor. Dù anh từng trải qua chiến tranh, mất mát, những thứ đó không hẳn là những góc tối trong tâm hồn có thể đem ra lý giải cho hiện tại của Steve Rogers như tuổi thơ cô độc có thể lý giải cho thói xa hoa tiệc tùng ăn chơi của Tony Stark. Từ đầu tới cuối, Captain America là biểu tượng của chính nghĩa, ánh sáng và tự do lý tưởng rất đặc trưng nước Mỹ, và CATWS đã chứng minh rõ ràng chỉ cần có thế, anh vẫn là một siêu anh hùng với câu chuyện hấp dẫn không kém ai.

© Xuân Hiền @ Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi