Tôi sinh ra ở một vùng quê lúa của miền Bắc. Tôi vẫn thường
được những bậc cao niên quanh mình từ ông bà, các bác, bố mẹ
tôi kể cho nghe về cái trận đói Ất Dậu 1945. Cái trận đói khốc
liệt đó khiến bao người mất mạng, bao gia đình ly tán khắp nơi
đi ăn xin, những nấm mộ đắp lên vội vàng để chôn cất người chết
tha phương, những cuộc xử bắn du kích cách mạng giữa các chợ
quê vô cùng tàn ác...
Dù là một người sinh ra sau cái thời ấy rất xa nhưng tôi vẫn
luôn thấy vô cùng xót xa, thương cảm mỗi khi nghe những câu
chuyện đó!
Đã có bao nhiêu thước phim tài liệu cho tôi thêm những cái nhìn
hiện thực về nạn đói năm ấy. Cũng như bao tác phẩm điện ảnh,
kịch, và tác phẩm văn học nói về cuộc “Cách mạng mùa thu” thần
thánh của dân tộc. Và hôm nay đây tôi muốn chọn viết vài dòng
về một bộ phim -
Sao Tháng 8 - đã cho tôi những phút
đắm mình trong thế giới của nghệ thuật thứ 7, để hiểu sâu sắc
hơn những nỗi “bĩ cực” của dân tộc và cách mà “cơn lũ cách
mạng mùa thu” ấy đã cuốn phăng cơn “bĩ cực” đó ra sao.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tư năm 1977, bộ phim
Sao Tháng 8
của đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đắc đã đoạt giải Bông sen
vàng dành cho phim truyện nhựa hay nhất và Nữ diễn viên chính
xuất sắc nhất cho Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tú.
Ngay từ cái tựa phim
Sao Tháng 8
đã gợi cho tôi hiểu rằng đây là một bộ phim nói về “cách
mạng mùa thu 1945” rồi. Phim được chia ra làm hai tập: tập 1
Mùa xuân báo bão
giúp chúng ta hiểu rõ bối cảnh lịch sử với nạn đói hoành
hành khắp nơi, những ông bà quan lại đại diện cho tầng lớp cai
trị cao ngạo, tính toán trong thế giới xa hoa, hưởng lạc của
họ, những người chiến sĩ cách mạng đã chịu bao đói khổ, bị
truy lùng ráo riết mà vẫn kiên trì tìm cách bám trụ, đi theo
lý tưởng với mong muốn giải phóng cho mình, cho những người
thân yêu, cho cả những người cùng cảnh ngộ. Tập 2 với tựa đề
Mùa thu hồi sinh
nói về cái thời khắc lịch sử của dân tộc đã tới khi Pháp
bị Nhật hất cẳng khỏi Đông Dương, Nhật đầu hàng quân Đồng minh.
Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Việt minh “cướp kho thóc cứu
đói”, bao con người đói khổ vùng lên, “Mùa thu cách mạng ấy”
đã cứu sống bao con người, giúp họ có thêm ý chí, quyết tâm dấn
thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nữ chiến sĩ cách mạng Nhu của Thanh Tú
|
Bộ phim được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất, bối
cảnh phim rất chân thực: những con người gầy còm, những mái
nhà tranh liêu xiêu, cây đa, hồ nước hoang sơ, vắng bóng người,
những con đường đất đầy lá cây, mái chợ quê liêu xiêu lợp bằng
những bó rạ khô, những chiếc nón mê rách tươm chẳng còn nổi
vành nón, những khu phố Pháp cũ còn nguyên dáng vẻ phồn hoa,
sang trọng, nhà máy điện chạy than với những chiếc xe goòng
chở than đẩy bằng tay...
Tôi ấn tượng với bộ phim không
chỉ bởi những hình ảnh chân thật, sống động mà còn bởi nội
dung sâu sắc, kịch tính, diễn xuất tuyệt vời cả dàn diễn viên.
Tâm lý các nhân vật được khắc họa rõ nét, lời thoại gần
gũi, âm nhạc hào hùng thật khớp với nội dung phim.
Tôi ấn
tượng không chỉ Thanh Tú trong vai chiến sĩ cách mạng Nhu, tôi
còn mê cả diễn suất của cố Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hoàn trong vai
Kiều Trinh, Thanh Hiền trong vai Mến, Dũng Nhi trong vai Kiên, Nghệ
sĩ Nhân dân Trần Phương trong vai bố của Kiều Trinh và Kiên...
Nói chung tôi ấn tượng với cả dàn diễn viên từ vai chính nặng
ký, đa tính cách tới những vai diễn nhỏ chỉ xuất hiện ở một
vài trường đoạn ngắn. Tôi nghĩ rằng vai diễn chiến sĩ cách
mạng Nhu là vai diễn hay nhất, hấp dẫn nhất mà Thanh Tú từng
thể hiện. Cô Nhu của Thanh Tú phải biến đổi mình từ hình ảnh
thanh lịch của cô nữ sinh Đồng Khánh tới cô công nhân lam lũ,
mang bụng bầu đi làm việc trong nhà máy điện Yên Phụ; rồi lại
biến mình thành người tu hành quá độ đường đọc kinh siêu thoát
cho những người chết đói, tha phương; tới dáng vẻ bình thản
của cô gái đi khâu thuê, người đánh giậm dưới ao, người bán
bánh cuốn khéo nói hòng che mắt mật thám, tìm cách liên lạc
với đồng đội, đồng chí của mình, gây dựng cơ sở cách mạng;
cả tới ánh mắt cương nghị, lời nói quyết tâm khi lãnh đạo
phong trào ở vùng ven Hà Nội và ở nhà máy điện... Với vai
diễn hóa thân nhiều số phận cuộc đời mà Thanh Tú đã thể hiện rất
thành công thì giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên
hoan phim Việt Nam 1977 quả là rất xứng đáng.
Thanh Hiền trong vai cô Mến
|
Cố nghệ sĩ Đức Hoàn với vai Kiều Trinh đài các, tân thời, sắc
sảo, lanh lợi, mưu mô đã thay đổi hoàn toàn hình tượng cô Mỵ ít
nói, nhẫn nhịn, u buồn trong phim
Vợ chồng A Phủ mà
nghệ sĩ từng hóa thân. Nữ mật thám Kiều Trinh chính là nhân
vật phản diện nổi bật của phim, theo đuổi ước mơ “Tây hóa” ngay
từ khi còn nhỏ, lớn lên trở thành trợ thủ chỉ điểm đắc lực
cho giới cai trị người Pháp rồi người Nhật, tìm mọi cách lùng
bắt những chiến sĩ cách mạng như cô Nhu. Tôi được biết khi tham
gia phim này thì cố nghệ sĩ đã là một nữ đạo diễn có tiếng
của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi hoàn tất khóa học đạo
diễn phim ở nước ngoài.
Những mâu thuẫn của phim không
chỉ đến từ hai thái cực đại diện là Kiều Trinh và nữ chiến sĩ
cách mạng Nhu mà còn đến từ gia đình của giáo sư Trung - bố
đẻ của Kiều Trinh và Kiên; từ bản thân những con người trí thức
như Kiên muốn sống cuộc sống có ý nghĩa hơn, những người đói
khổ cùng cực như mẹ Vận, cô Mến phải tự chiến đấu với cái
đói, cái chết để vững tâm đi theo cách mạng, để mơ về ngày mai
người nghèo cũng được đi học, không bị đói nữa...
Những
cảnh quay mà tôi thích nhất trong phim đó là cảnh ngôi chợ với
những quán lá liêu xiêu, những dáng người gầy gò, đói khát
vật vờ xin ăn; cảnh người dân nổi dậy cùng nhau cướp kho thóc
cứu đói, những ánh mắt rạng ngời, những hạt thóc đổ vào
thúng như những cơn mưa giải cơn đói bao lâu nay. Những đúp cận
cảnh tôi thích nhất chính là đôi mắt đẹp của cô Mến, của
chiến sĩ cách mạng Kiên chết lặng, căm hờn, tuyệt vọng khi gặp
chị gái Kiều Trinh trước khi chết. Rồi tới khuôn mặt cương nghị
giấu nỗi buồn vào trong khi cô Nhu nghe tin chồng bị xử bắn, khi
chứng kiến cảnh mẹ Vận qua đời, khi phải rời xa con nhỏ yêu
dấu trốn khỏi bệnh viện tiếp tục con đường cách mạng gian
khổ. Tôi nghẹn ngào ngồi xem phân cảnh Kiên ra đi trong sự tiếc
thương của người cha, cô Mến đau đớn xót xa cho mối tình tuyệt
vọng của mình với Kiên nhưng lại chẳng thể ở bên anh những
phút cuối cùng vì chị gái mật thám Kiều Trinh của anh đột
ngột trở về nhà. Cảnh phim nhân văn khi cô Nhu len giữa hàng
người để được bế đứa con thân yêu bao ngày xa cách giữa tình
cảm trìu mến của đồng chí, đồng đội trong ngày vui “cách mạng
mùa thu” thành công làm tôi thấy vui mừng lẫn bùi ngùi cho những
người dân đã chết đói, những chiến sĩ đã ngã xuống trước
ngày độc lập.
Cảnh bọn quan lại người Việt sống phè phỡn trên nỗi khổ của đồng bào trong phim
|
Nhạc phim là sự kết hợp giữa những ca khúc sôi sục tình thần cách mạng như
Diệt phát xít
của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với những bản nhạc không lời do
dàn nhạc xưởng phim hòa tấu; tiếng đàn bầu thánh thót, u buồn,
bi thương đưa tiễn những người dân tha phương chết đói về cõi
vĩnh hằng; tiếng dàn nhạc dây hòa tấu rộn ràng không khí cách
mạng khi Việt Minh ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Một
bộ phim có cốt truyện sâu sắc, kịch tính, diễn xuất nhập tâm,
tự nhiên, diễn mà như không diễn, bối cảnh, đạo cụ được trau
chuốt, góc quay đẹp, đài từ thật của diễn viên rất biểu cảm làm
tôn lên diễn xuất của họ, nhạc phim hòa quyện theo tiết tấu phim
khiến tôi thật sự ấn tượng, xúc động mỗi khi xem lại.
Với
những điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, vật chất khó khăn
của đoàn phim cũng như của điện ảnh Việt Nam sau năm 1975, thế
nhưng cả êkíp làm phim đã mang lại những hình ảnh chân thực, xúc
động về con đường “cách mạng mùa thu” xua tan đói khổ, bĩ cực
của dân tộc Việt Nam.
Dù sau này cuộc sống của tôi đã
đầy đủ, sung túc hơn nhiều thì tôi vẫn sẽ luôn luôn nhớ về một
giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà bộ phim
Sao Tháng 8
đã mang lại. Tôi sẽ mãi trân trọng lao động nghệ thuật nghiêm
túc của cả đoàn phim để có được những thước phim “đi cùng năm
tháng” cho nền điện ảnh Việt Nam.
© Thu Hường @Quaivatdienanh.com