Thủ đô giải trí của thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng hiện sinh
khi ngày càng nhiều nhà sản xuất phim bỏ chạy đến các tiểu bang và quốc
gia khác tìm kiếm chi phí thấp hơn.
P.J. Byrne đã tham gia diễn xuất trong các bộ phim và chương trình
truyền hình khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới trong vài năm qua — từ
New York đến New Mexico, Ireland đến Úc. Nhưng dạo này anh không có cơ
hội làm việc ở Hollywood.

Thủ đô giải trí của thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng hiện
sinh khi ngày càng nhiều nhà sản xuất phim bỏ chạy đến các tiểu bang và
quốc gia khác tìm kiếm chi phí thấp hơn
|
Hơn 25 năm trước, Byrne chuyển đến Los Angeles, đi về phía tây giống như
nhiều người khác để theo đuổi sự nghiệp trong ngành giải trí. Anh là
một trong những người may mắn, có được mức lương ổn định và được giới
phê bình đánh giá cao cho các vai diễn trong các phim như
The Wolf of Wall Street và
Babylon.
Tuy
nhiên, công việc diễn xuất ngày càng đưa anh rời xa Tinseltown. Anh
cũng có rất nhiều bạn đồng hành, khi một xu hướng có cách gọi rất khó
chịu là “sản xuất tháo chạy” cứ tăng tốc. Bỏ lại phía sau một Hollywood
đang khủng hoảng.
“Chúng tôi là một thị trấn công nghiệp,” Byrne
nói. “Khi chúng tôi không làm việc thì có nghĩa là California thực sự bị
tổn thương.”
Trong thập kỷ qua, tổng sản lượng phim điện ảnh và
truyền hình sản xuất ở Los Angeles đã giảm mạnh gần 40 phần trăm, theo
dữ liệu chính thức từ cục phim ảnh khu vực. Cả phim bom tấn lớn lẫn phim
độc lập thử nghiệm đều đã bỏ chạy sang các tiểu bang và quốc gia khác,
tìm kiếm nguồn lao động rẻ hơn và ưu đãi thuế hấp dẫn hơn xét hoàn cảnh
các hãng phim đều phải cắt giảm mà chi phí thì tăng cao.

Phòng phục trang của phim truyện có tựa đề Patel tại SirReel Studio Services ở Los Angeles vào tháng này
|
Cuộc di cư này không chỉ tác động đến sinh kế của diễn viên, biên kịch
và đạo diễn. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động chân tay
hậu trường — nghệ sĩ trang điểm và dựng cảnh, tài xế và thợ giặt khô —
những người đã chật vật sinh tồn ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất
nước Mỹ.
Tổn thất tâm lý do sự suy thoái này gây mất tinh thần
không kém. Hollywood là mặt hàng xuất khẩu mang tính biểu tượng nhất của
California, đồng nghĩa tiểu bang này như ánh nắng mặt trời. Hollywood
đã biến Los Angeles thành trung tâm toàn cầu cho các nghệ sĩ và những
người mơ mộng. Nhưng nhà máy sản xuất giấc mơ của Mỹ đang chuyển ra nước
ngoài. Bằng chứng là các trường quay trống rỗng, các nhà sản xuất đạo
cụ bán hết hàng tồn kho, cơ hội việc làm ngày càng giảm.
“Ngành
công nghiệp này đang bên bờ vực thẳm, chỉ mành treo chuông,” George
Huang, biên kịch, đạo diễn và giáo sư điện ảnh tại UCLA nói. “Cảm giác
chỉ cần búng một phát nhẹ tựa lông hồng cũng đủ khiến chúng ta rơi xuống
vực thẳm.”

P.J. Byrne trên trường quay
|
Hollywood từng trải qua nhiều cơn biến động, bắt đầu từ khi “phim nói”
xuất hiện vào cuối những năm 1920. Và những địa điểm khác, “Hollywood
North” của Vancouver hay “Y’allywood” của Atlanta, nhiều chục năm nay đã
thu hút các tác phẩm rời đi.
Tuy nhiên, xem ra lúc này bấp bênh
hơn bao giờ hết. Đóng cửa do đại dịch, hai cuộc đình công kéo dài và các
vụ cháy rừng thảm khốc hồi tháng 1 giáng toàn đòn chí tử vào một ngành
công nghiệp vốn đã trải qua phá hủy-thay thế cực độ — doanh thu phòng vé
giảm, rạp chiếu phim trống rỗng — trong kỷ nguyên phát trực tuyến.
Tình
hình tồi tệ đã thu hút sự chú ý của cả hai đảng, Thống đốc California
Gavin Newsom và Tổng thống Donald Trump, bất chấp sự thù địch ngày càng
sâu sắc của họ, đã có sự đồng thuận hiếm hoi rằng cần phải làm gì đó.
“Hollywood đang bị phá hủy,” tổng thống tuyên bố vào tháng trước.

Biển quảng cáo chương trình truyền hình dọc theo đại lộ Sunset ở West Hollywood
|
Và động thái đảo ngược tình trạng suy thoái đã đoàn kết nhiều người
trong ngành và người phụ thuộc. Byrne là một trong số nhiều người ủng hộ
việc đại tu chương trình tín dụng thuế của tiểu bang, hiện đang tụt hậu
rất xa so với các đối thủ cạnh tranh.
“Chúng ta đâu có cạnh
tranh trên một sân chơi bình đẳng,” Byrne, người đã học tài chính cũng
như sân khấu ở đại học, lưu ý. “Chúng ta đang tranh giành những mẩu thức
ăn đầu thừa đuôi thẹo.”
Anh nói vụ cháy ở Los Angeles là lời
cảnh tỉnh. Gia đình anh đã phải sơ tán và anh thấy mình bất lực không
thể giúp gì được. Vào thời điểm đó, anh đang quay phim — ở Dublin.
Câu
chuyện hoàn toàn khác thời những nhà làm phim đầu tiên từ miền đông đến
Los Angeles vào đầu những năm 1900. Điểm thu hút chính khi đó: thời
tiết. Họ trốn mùa đông khắc nghiệt và tìm thấy nơi có thể quay phim Viễn
Tây ngoài trời quanh năm.

Một đạo diễn và đoàn làm phim quay cảnh khiêu vũ trong bộ phim năm 1927 có sự tham gia của nữ diễn viên Hollywood Renée Adorée
|
Một loạt các hãng phim nhanh chóng thành lập cơ ngơi, trong số đó nhiều
hãng nằm ở vùng ngoại ô yên tĩnh, kiêng rượu được gọi là Hollywood.
Thành phố và ngành công nghiệp phát triển cùng nhau, nhiều công ty điện
ảnh lớn mở rộng quy mô theo Los Angeles. Cuối cùng, tất cả trừ một hãng
phim lớn, Paramount Pictures, đã chuyển đến các vùng khác trong khu vực.
Nhưng
tên tuổi và biểu tượng của Hollywood, của những ngôi sao chói ngời trên
màn bạc, vẫn trường tồn. Không phải tìm đâu xa hơn tấm biển nổi tiếng —
một quảng cáo chín chữ cái cao chót vót cho ngành công nghiệp — đã hiện
diện khắp thành phố trong một thế kỷ. Không cần tìm đâu xa hơn Đại lộ
Danh vọng, Giải thưởng Viện Hàn lâm và tất cả các lễ kỷ niệm vẫn đánh
dấu Los Angeles là thủ đô của thế giới giải trí.
Donelle Dadigan,
nhà sáng lập Bảo tàng Hollywood, kho lưu trữ trưng bày hơn một trăm năm
lịch sử, cho biết: “Không cần biết bạn đến từ quốc gia nào hay bạn nói
ngôn ngữ nào, có một từ mà mọi người đều hiểu, đó là ‘Hollywood.’”

Wes Bailey, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của SirReel Studio
Services, trò chuyện với quản lý phim trường John Rizzi, bên trái, tại
xưởng sản xuất của SirReel
|
Đối với nhiều người, Los Angeles từ lâu đã là địa điểm quay phim mặc
định, nơi có những đoàn làm phim giàu kinh nghiệm nhất và cơ sở hạ tầng
công nghiệp rộng lớn.
“Hồi mới bắt đầu, tôi chỉ quay phim ở Los Angeles,” Ram Bergman, nhà sản xuất có thành tích trong
Knives Out và
Star Wars: The Last Jedi nói.
Tuy
nhiên, vào khoảng thời gian Bergman đến đây năm 1991, các nhà lập pháp ở
những nơi khác đã triển khai kế hoạch thu hút sản xuất. Đến đầu những
năm 2000, cạnh tranh đã diễn ra sôi nổi, các tiểu bang và các quốc gia
cố gắng vượt mặt nhau.
Đối với các nhà sản xuất có ngân sách eo hẹp, California bắt đầu trở nên kém hiệu quả về tài chính.

Bailey, đứng trên trường quay nhà xác tại xưởng sản xuất của mình,
là thành viên chiến dịch giúp hồi sinh ngành công nghiệp giải trí tại
Hollywood
|
“Các hãng phim, các dịch vụ phát trực tuyến, các nhà đài, họ có ít tiền
hơn để chi tiêu, nhưng họ vẫn cần các chương trình, họ vẫn cần phim, vậy
làm thế nào để tối đa hóa số tiền đó?” Bergman, đã không quay phim ở
Los Angeles trong hơn một thập kỷ, nói. “Thậm chí tôi còn không nghĩ đến
việc quay phim ở LA.”
Các khoản hoàn thuế phim, mà các công ty
sản xuất có thể bán hoặc sử dụng để bù đắp nghĩa vụ thuế của mình, có
thành tích hỗn hợp và một số nhà nghiên cứu đã chỉ trích đó là cách sử
dụng kém tiền của người nộp thuế. Tuy nhiên, chúng vẫn được các cơ quan
lập pháp ưa chuộng và tỏ ra hiệu quả trong việc kéo chế tác điện ảnh rời
bỏ Los Angeles.
Các tiểu bang khác đang quyết liệt theo đuổi.
Trong hai tháng qua, các nhà lập pháp ở New York và Texas đã dành hàng
trăm triệu đôla cho các chương trình hoàn thuế của họ. Các quốc gia
khác, chi phí lao động thường thấp hơn, cũng đang làm như vậy, thu hút
ngày càng nhiều xuất phẩm chuyển ra nước ngoài.

Rizzi ký vào bức tường ủng hộ chiến dịch #StayinLA
|
Bill Mechanic, cựu giám đốc điều hành cấp cao tại Paramount, Disney và
Fox, đang chuẩn bị sản xuất một bộ phim noir lấy bối cảnh Los Angeles.
Ông muốn quay phim tại địa phương — thể loại này có lịch sử lâu đời ở LA
— nhưng ông lo ngại chi phí cao có thể buộc ông phải đến Úc.
“Bạn có quyền lựa chọn mà,” ông nói. “Bạn muốn làm phim hay không muốn làm phim?”
Mechanic,
người gốc Michigan, đã chứng kiến sự suy thoái của ngành sản xuất ô tô
tại Detroit. Ông nhìn thấy tiếng dội ở Los Angeles ngày nay.
California
có chương trình hoàn thuế riêng, nhưng nhu cầu vượt xa nguồn quỹ hiện
có. Newsom và các nhà lập pháp tiểu bang đang chuẩn bị tăng số tiền lên
750 triệu đôla hàng năm, gấp đôi mức hiện tại. Riêng biệt, cơ quan lập
pháp đang xem xét các dự luật sẽ tăng mức hoàn thuế cơ sở và cho phép
nhiều loại hình sản xuất hơn đủ điều kiện tham gia chương trình.

Thống đốc Gavin Newsom tham dự cuộc họp báo của Thống đốc California
Gavin Newsom về việc mở cửa trở lại chính thức của tiểu bang California
tại Universal Studios Hollywood vào ngày 15 tháng 6 năm 2021 tại
Universal City, California
|
Một số quan chức đã chỉ trích các đề xuất này là trợ cấp Hollywood, được
đưa ra khi tiểu bang đang cố gắng thu hẹp khoản thâm hụt ngân sách đáng
kể. Những người ủng hộ cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh là một lợi
ích cho toàn California, không chỉ riêng Los Angeles.
“Chúng ta
phải đáp ứng thời điểm này,” Colleen Bell, cựu sản xuất truyền hình và
giám đốc điều hành của Ủy ban Điện ảnh California, một cơ quan của tiểu
bang, cho biết. “Nếu California mất ngành công nghiệp giải trí, chúng ta
sẽ mất nhiều thứ hơn chứ không chỉ việc làm. Chúng ta sẽ mất đi một
phần lớn bản sắc của mình.”
Đáp lại những lời kêu gọi ngày càng
điên cuồng từ Hollywood, tháng trước Newsom đã kháng cáo lên Nhà Trắng
để xin khoản tín dụng thuế liên bang giúp Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh
với các quốc gia khác.

“Sản xuất tháo chạy” cứ tăng tốc. Bỏ lại phía sau một Hollywood đang khủng hoảng
|
Trump đã đưa ra giải pháp rất khác: áp thuế 100 phần trăm đối với các bộ
phim được sản xuất ở nước ngoài. Đề xuất này khiến nhiều người bất ngờ,
cho rằng nó có thể khiến Hollywood rơi vào vòng xoáy tử thần. Một ngày
sau, người phát ngôn Nhà Trắng dường như đã rút lại ý tưởng này khi nói
rằng “chưa có quyết định cuối cùng” nào được đưa ra, và đến tháng này,
thay vào đó, tổng thống lại đe dọa tiểu bang bằng cách cắt giảm tài trợ
lớn và điều động Vệ binh Quốc gia và Thủy quân Lục chiến khi các cuộc
biểu tình phản đối lệnh giam giữ người nhập cư nổ ra ở đây.
Những ngày này, tâm trạng ở Los Angeles rất tệ.
“Bất
hạnh quá, tôi không còn hy vọng nữa,” Nancy Haigh, 78 tuổi, một trong
những nhà dựng cảnh được vinh danh nhiều nhất trong ngành, nói.
Haigh là được đề cử Oscar chín lần và thắng giải hai lần. Các tác phẩm của bà bao gồm
Once Upon a Time in Hollywood và
Forrest Gump. Bà chưa từng không nhận được lời mời làm việc nào trong thời gian lâu như vậy.

Nancy Haigh, nhà dựng cảnh từng đoạt giải Oscar cho công việc của bà
trong Bugsy và Once Upon a Time in Hollywood, cho biết California phải
cải tổ chương trình ưu đãi thuế để thu hút các nhà sản xuất phim quay
trở lại tiểu bang
|
“Chưa bao giờ điện thoại của tôi ngừng reo,” bà nói. “Tôi rất may mắn.
Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời. Nhưng cả năm nay điện thoại của tôi
không reo.”
Trái ngược với danh tiếng quyến rũ của Hollywood, hầu
hết những người trong ngành này giỏi lắm mới thuộc tầng lớp trung lưu.
Suy thoái kéo dài đã đẩy nhiều công nhân vào tình cảnh ngày càng tuyệt
vọng. Tiết kiệm cạn kiệt trong đại dịch và đình công, họ chuyển sang làm
việc bán thời gian tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Một số người
sống dựa vào tiền lương hàng tháng. Một số người đã mất bảo hiểm y tế.
Một số người đã chuyển đi nơi khác.
“Một bộ phận lớn thành viên
của chúng tôi đã thất nghiệp kinh niên,” Malakhi Simmons, phó chủ tịch
Liên minh quốc tế nhân viên hậu đài địa phương 728, công đoàn đại diện
cho các kỹ thuật viên chiếu sáng, cho biết.

“Sống sót cho đến năm 2025” là câu thần chú ở Hollywood; thế mà năm
mới vừa được một tuần thì ngành công nghiệp hứng chịu thêm một đòn nữa
khi ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ các khu phố
|
Cháy rừng hồi tháng 1 đã tàn phá các cộng đồng ở Pacific Palisades và
Altadena khiến tình hình thêm tồi tệ. Simmons cho biết hơn 1.000 thành
viên công đoàn giải trí đã mất nhà cửa.
Thật tàn khốc vì sự tàn
phá lại xảy ra khi có nhiều hy vọng đây sẽ là năm đảo ngược tình thế.
“Sống sót cho đến năm 2025” là câu thần chú ở Hollywood; thế mà năm mới
vừa được một tuần thì ngành công nghiệp hứng chịu thêm một đòn nữa khi
ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ các khu phố.
“Thật sự tàn khốc về mặt
tinh thần” Pamala Buzick Kim, một chủ doanh nghiệp nhỏ và là cựu đại
diện tài năng, đồng sáng lập chiến dịch #StayinLA vào mùa xuân năm nay,
nói.

“Chúng ta là một thị trấn công nghiệp,” nam diễn viên P.J. Byrne,
một người Los Angeles lâu năm, đã có vai diễn nổi bật trong bộ phim tiểu
sử Bob Dylan A Complete Unknown năm ngoái, cho biết
|
Sau đó, hàng nghìn người đã ký vào bản kiến nghị của chiến dịch kêu gọi
các nhà lập pháp cải tổ chương trình ưu đãi thuế của tiểu bang và kêu
gọi các hãng phim cam kết tăng sản xuất ở Los Angeles trong ba năm tới.
Họ lập luận rằng làm như vậy là một phần quan trọng của quá trình phục
hồi sau thảm họa.
Byrne tin rằng đưa sản xuất phim quay trở lại
sẽ giúp bù đắp tình trạng hỗn loạn kinh tế do cháy rừng gây ra. Nam diễn
viên nói việc xây dựng lại Los Angeles nên mở rộng sang xây dựng lại
ngành công nghiệp giải trí. “Đây là cách giúp chữa lành thành phố của
chúng ta.”
Anh muốn quay phim tại quê hương nuôi dưỡng mình và
muốn các quan chức làm cho quá trình này trở nên dễ tiếp cận hơn và ít
phức tạp hơn. Trong thời gian nghỉ giữa các công việc, anh đã xuất hiện
tại các cuộc mít-tinh để thúc đẩy những thay đổi đối với chương trình
tín dụng thuế.

Nền kinh tế California gánh chịu nỗi đau từ sự suy tàn của Hollywood
|
Nhưng gần đây anh đã trở lại phim trường. Ở Toronto.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Washington Post