Nhân vật & Sự kiện

Đạo diễn của Night Market Hero kể về tính kiên cường của bản thân

21/03/2011

Nhà làm phim Đài Loan Diệp Thiên Luân chưa từng nghĩ tác phẩm đạo diễn đầu tay của anh, Night Market Hero - một bộ phim hài hư cấu phác họa cuộc sống và sự kiên cường của những người bán hàng ở chợ đêm - lại có thể thành công đến vậy.

Từ khi khởi chiếu vào ngày 28/1, bộ phim đã thu về tổng cộng 125 triệu Đài tệ (4,23 triệu USD) và chiếm vị trí số một tại bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nội địa suốt 10 tuần liền, trở thành tác phẩm sản xuất trong nước thành công thứ ba từ trước đến nay, sau bộ phim đình đám năm 2010 Monga và bom tấn Cape No.7 năm 2008.

Khán giả nội địa tỏ thái độ đồng tình với bộ phim, cho rằng phim đã gửi gắm một thông điệp nâng đỡ tích cực, một điều mà họ nghĩ là đã mất tích trong hầu hết phim Đài Loan. Bộ phim thậm chí còn truyền cảm hứng để sinh viên ở Maoli làm đơn kiến nghị giữ lại ngôi chợ. Bốn ngàn người đã ký tên vào đơn.

Poster phim Night Market Hero

Tự miêu tả mình là một “kẻ chạy trốn điện ảnh”, chàng đạo diễn 36 tuổi học chuyên ngành phim ảnh tại trường đại học Shih Hsin đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày còn đi học, khi đó anh không có tự tin để thực hiện công việc.

“Thời đi học tôi đã mất đi dũng khí làm phim của riêng mình,” anh nói với hãng tin địa phương CNA trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 2. “Làm sao một người có thể tự tin được sau khi xem hết các bộ phim tuyệt vời của Truffaut, Godard, Bergman và những đạo diễn khác? Tôi không nghĩ mình có cơ hội sánh ngang hàng với ai trong số họ.”

Thời kỳ đen tối trong lịch sử gia đình anh cũng khiến Diệp Thiên Luân lưỡng lự trong việc làm phim. Cha của anh là Diệp Thần Thánh, một nhà sản xuất phim truyền hình nổi tiếng, đã chi 25 triệu Đài tệ để làm một bộ phim điện ảnh nhưng bộ phim này lại là một thất bại, chỉ thu được 5 triệu Đài tệ. Cha anh đã phải bán hết của cải và cả căn nhà họ đang sống để trả nợ.

Diệp Thiên Luân cảm thấy ý tưởng làm phim có trong gen của anh, vì anh trưởng thành cùng với hình ảnh cha mình quay phim và biên tập phim. Nhưng thất bại trong công việc của cha luôn để lại một bóng đen trong những giấc mơ làm phim của anh, và anh chọn không bước vào ngành này sau khi tốt nghiệp.

Thế nên trong 10 năm, Diệp Thiên Luân làm diễn viên lồng tiếng trong các phim quảng cáo, diễn viên sân khấu, và làm vũ công. Anh thậm chí từng làm ca sĩ hợp xướng.

Cuộc sống tương đối dễ dàng với công việc diễn viên lồng tiếng, Diệp Thiên Luân nhớ lại. “Tôi kiếm được 3 triệu Đài tệ mỗi năm. Tôi đi du lịch khắp thế giới, đến bất cứ nơi nào tôi muốn. Tôi chỉ mới ở đầu độ tuổi 30 nhưng cảm giác như đang bị bế tắc trong cuộc đời. Tôi nghe một tiếng gọi, và tôi hoàn toàn biết rằng tôi không muốn cuộc sống của mình kết thúc mà không làm được một bộ phim của riêng tôi.”

Đạo diễn này cho biết anh là người hâm mộ phim nghệ thuật, nhưng anh cũng xem nhiều phim bom tấn Hollywood cũng như phim hài Hồng Kông. Khi ngồi lại với chị anh, một nhà biên kịch, họ quyết định dùng những chất liệu quen thuộc – một câu chuyện về những con người Đài Loan bình thường – và khiến nó trở nên hài hước và thú vị.

Night Market Hero xoay quanh một nhóm người bán hàng tại khu chợ đêm hư cấu Ba Ba Ba, cuộc sống của họ tấp nập với những ganh đua về ẩm thực và tranh chấp về những vấn đề có vẻ như chẳng có gì to tát. Nhưng những cuộc tranh chấp nội bộ của họ giảm bớt khi họ phát hiện ra các chính khách địa phương và các chuyên viên bất động sản muốn đá họ ra khỏi mảnh đất mà nhiều người trong số đó đã sinh sống hơn một thập kỷ. Cuối cùng những người bán hàng này tập hợp lại với nhau để cứu ngôi chợ.

Văn hóa chợ đêm Đài Loan thật sự nói lên nhiều điều về cá tính của con người nơi đây, Diệp Thiên Luân trầm ngâm. “Chúng tôi rất kiên cường. Chúng tôi không rơi vào phiền muộn khi lợi thế không nghiêng về mình. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ. Người nước ngoài lần đầu đến thăm các khu chợ Đài Loan đều luôn ngạc nhiên trước sự thật là những người bán hàng hay làm việc đến quá nửa đêm.”

Nam diễn viên Lam Chính Long trong một cảnh phim

Bộ phim có sự tham gia của chàng người mẫu chuyển làm diễn viên Lam Chính Long, trong vai trưởng nhóm A Hoa, Kha Giai Yến trong vai nhà báo Lâm Dịch Nam, diễn viên hài kiêm phát thanh viên truyền hình nổi tiếng Chu Cát Lượng đóng vai ủy viên hội đồng thành phố Chang Chin Liang, và diễn viên hài Vương Thải Hoa thủ vai người bán hàng A Chu. Đỗ Đốc Chi là nhà biên tập âm thanh trong tác phẩm đầu tay của đạo diễn Diệp.

Diệp Thiên Luân cho biết anh cảm thấy rất may mắn khi làm việc với những diễn viên kỳ cựu này, vì anh có rất ít kinh nghiệm trên phim trường.

Tuy nhiên, bộ phim cũng bị chỉ trích từ những người cho rằng Diệp Thiên Luân đã vẽ nên một bức tranh quá lạc quan về các khu chợ đêm ở Đài Loan. Họ nêu bật rằng trong đời thực không thể nào có chuyện những người bán hàng đấu lại các chính khách và chuyên viên bất động sản.

“Phê bình cũng là chuyện tốt. Nền điện ảnh nội địa cần có khán giả,” Diệp Thiên Luân đáp lại những lời phê bình. “Nhưng với tôi, nhiều khán giả xem phim đến rạp để tìm một giấc mơ. Họ muốn biết liệu có một ngày mai tươi sáng hơn hay không, và tôi muốn là người tạo nên giấc mơ.”

Đạo diễn cũng nghĩ rằng Đài Loan thật sự cần nhiều phim truyện khác nhau, nhờ vậy nhiều khán giả sẽ bị thu hút đến rạp.

Ngay cả với thành công phòng vé gần đây của các bộ phim Đài Loan, Diệp Thiên Luân cũng tò mò liệu có thể gọi đây là cuộc phục hưng sau 20 năm doanh thu phòng vé ảm đạm hay không.

“Đến nay chỉ có ba phim vượt ngưỡng 100 triệu Đài tệ. Còn quá sớm để nói rằng điện ảnh Đài Loan đang có một cuộc trở lại mạnh mẽ,” anh nói.

Nhưng cũng có một số chiến lược then chốt để bán được một bộ phim bản xứ, bao gồm diễn viên giỏi, ngân sách phim ít nhất 1 triệu USD, một nhà phân phối biết cách tiếp thị hiệu quả, và một câu chuyện hay mà khán giả trong nước có thể thông hiểu, anh nhận xét.

“Tuy nhiên, trong một nền công nghiệp mà mọi thứ đều thay đổi rất nhanh, thành công của một bộ phim không bao giờ hứa hẹn bất cứ điều gì cho một phim khác,” anh nói.

Night Market Hero được đề cử ở Liên hoan phim Quốc tế Okinawa lần thứ ba diễn ra từ 18-27/3, tranh giải Phim hài xuất sắc nhất với bộ phim Mỹ No Strings Attached do Ivan Reitman đạo diễn, và bộ phim Nhật Omuraisu (Omelette Rice) của đạo diễn Yuichi Kimura.


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Focus Taiwan News Channel