Nhân vật & Sự kiện

Kim Dung (1924-2018): Người làm thay đổi diện mạo của thể loại 'kiếm hiệp'

04/11/2018

Hàng triệu người hâm mộ truyện kiếm hiệp đã làm ngập lụt các mạng xã hội để bày tỏ cơn sốc và nỗi buồn của họ sau khi tin nhà văn tiểu thuyết kiếm hiệp Tra Lương Dung, được biết đến nhiều hơn với bút danh Kim Dung, đã qua đời ở Hồng Kông hôm 30/10 ở tuổi 94.

Kim Dung cầm trên tay cuốn Thư kiếm ân cừu lục tại văn phòng của ông ở Hồng Kông năm 2002

Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thể loại văn chương võ thuật, tức tiểu thuyết kiếm hiệp, Kim Dung được coi là một trong ba nhà văn vĩ đại nhất của Trung Quốc về thể loại này cùng với Cổ Long và Lương Vũ Sinh. Các tác phẩm của Kim Dung như Xạ điêu tam bộ khúcLộc đỉnh ký cũng như rất nhiều phim truyền hình và điển ảnh chuyển thể các bộ tiểu thuyết của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ độc giả Hoa ngữ, đặc biệt là những người sinh sau năm 1970.

Trên mạng xã hội, nhiều ‘fan’ Trung Quốc của Kim Dung đã nhớ lại những cảm xúc hồi hộp và kinh ngạc khi họ khám phá thế giới võ hiệp mà Kim Dung tạo ra trong tiểu thuyết của ông.

“Hồi nhỏ mỗi khi tôi đọc tiểu thuyết của Kim Dung, tôi luôn hình dung mình là một kiếm khách lang thang khắp thế giới... Một nửa hạnh phúc thời thơ ấu của tôi đến từ thế giới mà Kim Dung tạo ra,” người dùng Sina Weibo tên Gonge Fushum viết.

Kim Dung và dàn diễn viên chính của bộ phim điện ảnh The Story of the Great Heroes năm 1960. Từ trái qua: Tạ Hiền, Kim Dung, Nam Hồng, Lương Tố Cầm

Thế giới võ lâm

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc vào năm 1924, Kim Dung chuyển đến Hồng Kông năm 1948. Năm 1955, ông lấy bút danh Kim Dung để xuất bản dài kỳ tiểu thuyết đầu tiên, Thư kiếm ân cừu lục, trên tờ New Evening Post.

Đăng từ tháng 2 năm 1955 đến tháng 9 năm 1956, câu chuyện nhanh chóng trở thành ‘hit’, khiến ông trở nên nổi tiếng bất ngờ.

Từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, Kim Dung đã viết tổng cộng 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp, bao gồm Anh hùng xạ điêu, Tuyết sơn phi hồỶ Thiên Đồ Long ký. Cho đến nay, tất cả tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đã bán được hơn 100 triệu bản trên khắp thế giới, chưa tính các ấn bản lậu.

Sự nổi tiếng của tác giả đã làm nên câu nói: “Ở đâu có người Trung Quốc, ở đó có tiểu thuyết Kim Dung.”

Anh hùng xạ điêu phiên bản truyền hình năm 1983 của TVB với Huỳnh Nhật Hoa (trái) và Ông Mỹ Linh trong vai Quách Tĩnh-Hoàng Dung được nhiều người xem là phiên bản truyền hình kinh điển của bộ tiểu thuyết này

Nhiều bản chuyển thể phim truyền hình, điện ảnh, phát thanh và sân khấu đã được thực hiện trong những năm qua khiến cho tác phẩm của Kim Dung càng phổ biến hơn. Đến tận ngày nay, những sáng tác của ông vẫn là một trong những nguồn yêu thích của các nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Trung Quốc.

Được xem là người đặt tiêu chuẩn mới cho thể loại này, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung chủ yếu giới thiệu những cuộc phiêu lưu của tất cả những môn phái võ thuật và thường dân trong thời kỳ biến động và hỗn loạn ở Trung Hoa cổ, như đời Tống (960-1279), nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911).

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung rất đa dạng: từ những nhân vật yêu nước chính nghĩa chính trực như Quách Tĩnh của Anh hùng xạ điêu cho đến những nhân vật không chính thống, ái nam ái nữ như Đông Phương Bất Bại của Tiếu ngạo giang hồ. Bên cạnh những cuộc chiến đầy mưu mô giữa các môn phái võ thuật, thế giới võ lâm của Kim Dung còn tràn ngập những câu chuyện tình lãng mạn và những câu chuyện thế thái nhân tình phức tạp dễ dàng lấy nước mắt độc giả.

Dịch giả Anna Holmwood và ấn bản tiếng Anh bộ Anh hùng xạ điêu của Kim Dung do cô chuyển ngữ

“Nghĩa hiệp”, một khái niệm trong tác phẩm của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ độc giả Trung Quốc, là chìa khóa để hiểu những câu chuyện của Kim Dung.

Được mô tả là tinh thần hào hiệp bao gồm bảo vệ kẻ yếu và trung nghĩa với bạn bè, nghĩa hiệp “ở mức cao nhất” là “vì đất nước và người dân”, Kim Dung từng viết.

Ảnh hưởng ở nước ngoài

Kim Dung có ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới Hoa ngữ nhưng sự phổ biến của các tác phẩm của ông tương đối hạn chế với một nhóm nhỏ người hâm mộ ở phương Tây. Một trong những lý do chính của việc này là nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa được dịch sang tiếng Anh.

Mặc dù nhiều bản dịch khác nhau của người hâm mộ lưu hành trên internet, chỉ có bốn trong số 15 tác phẩm của Kim Dung có phiên bản tiếng Anh chính thức. Do dịch giả Anh-Thụy Điển Anna Holmwood chuyển ngữ, bản dịch mới nhất trong số này, Anh hùng xạ điêu, được nhà xuất bản Maclehose Press của Anh xuất bản vào tháng 2 năm nay.

Bản tiếng Anh các bộ truyện của Kim Dung đã được xuất bản ở nước ngoài

Ba bộ đã có bản tiếng Anh là Tuyết sơn phi hồ (1993), Lộc đỉnh ký (2004) và Thư kiếm ân cừu lục (2004). Tuy nhiên, nhiều ‘fan gộc’ của Kim Dung đặt dấu hỏi về chất lượng bản dịch của chúng. Sự phong phú các khái niệm và thuật ngữ văn hóa trong tiểu thuyết của Kim Dung dường như là những trở ngại lớn nhất cho người dịch.

Holmwood nói với Global Times trong một cuộc phỏng vấn năm 2017: “Sự phức tạp và khó khăn hết sức về tác phẩm của Kim Dung nghĩa là một việc như thế này [bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết] mất rất nhiều thời gian.”

Không như các tác phẩm bằng văn bản, chuyển thể phim ảnh các tác phẩm của Kim Dung như Anh hùng xạ điêuThần điêu đại hiệp đã đi vào thị trường nước ngoài và thành công đình đám. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan vào những năm 1990, khi các bản chuyển thể truyền hình của Hồng Kông rất thịnh hành. Chúng vẫn nằm trong số những phim bộ truyền hình Hoa ngữ có tỷ suất người xem cao nhất và nổi tiếng nhất tại các quốc gia này ngày nay.

Áp phích Anh hùng xạ điêu phiên bản 2017

5 nhân vật nổi tiếng nhất của Kim Dung và diễn viên đã hóa thân họ trên màn ảnh

Thế giới lừng lẫy của các cao thủ võ lâm chiến đấu trên đỉnh núi do cố nhà văn Kim Dung tạo ra là một chủ đề luôn được nhắc đến trong thế giới Hoa ngữ.

Mỗi người có thể có điểm gia nhập khác nhau để đi vào thế giới kỳ ảo đã làm bật lên những nhân vật hư cấu trên phông nền lịch sử này trong những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.

Từ những năm 1950, nhiều thế hệ đã lớn lên với các bản chuyển thể điện ảnh và truyền hình tác phẩm của Kim Dung, gắn tên nhân vật của ông với các nam/nữ diễn viên đã trở thành biểu tượng văn hóa. Dưới đây là một số nhân vật nổi tiếng nhất:

Trần Ngọc Liên (phải) trong vai Tiểu Long Nữ và Lưu Đức Hoa trong vai Dương Quá trong phiên bản truyền hình Thần điêu đại hiệp 1983

1. Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp

Được coi là tác phẩm lãng mạn nhất của Kim Dung, phần thứ hai trong Xạ điêu tam bộ khúc kể câu chuyện ngọt ngào cay đắng của chàng trai trẻ Dương Quá và Tiểu Long Nữ - sư phụ-trở thành-người yêu của anh. Trong câu chuyện cặp đôi có số phận đầy thăng trầm này chiến đấu với bao trở ngại sinh tử để đoàn tụ bên nhau.

Trong năm phim điện ảnh và tám phim bộ truyền hình, cặp đôi này từng được các nam/nữ diễn viên nổi tiếng khắc họa. Cặp đôi Dương Quá-Lưu Đức Hoa và Tiểu Long Nữ-Trần Ngọc Liên của phiên bản truyền hình năm 1983 và cặp đôi Dương Quá-Cổ Thiên Lạc và Tiểu Long Nữ-Lý Nhược Đồng của phiên bản truyền hình 1995 được xem là đáng nhớ nhất.

Quách Tĩnh-Trương Trí Lâm và Hoàng Dung-Chu Ân trong phiên bản 1994

2. Quách Tĩnh của Anh hùng xạ điêu

Cuốn tiểu thuyết này đánh dấu sự khởi đầu của Xạ điêu tam bộ khúc, theo chân Quách Tĩnh trên hành trình tìm hiểu lịch sử gia đình đầy gút mắc và theo học các bậc thầy võ thuật bí ẩn. Quách Tĩnh, người Hán sinh ra ở Mông Cổ, còn phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc chọn bên trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Đây cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung được chuyển thể thành phim. Mặc dù là tiểu thuyết nhiều kỳ nối tiếp vào thời điểm đó, nó được Công ty phim Emei chuyển thành một bộ phim có tên Story of the Vulture Conqueror vào năm 1958. Cuốn sách tiếp tục được chuyển thể thành năm phim điện ảnh và 10 phim truyền hình, trong đó có phiên bản năm 1994 với nữ diễn viên Chu Ân vào vai Hoàng Dung, người yêu của Quách Tĩnh.

3. Trương Vô Kỵ của Ỷ Thiên Đồ Long ký

Nhân vật chính cuối cùng để hoàn thành Xạ điêu tam bộ khúc là Trương Vô Kỵ, trở thành giáo chủ Minh giáo và đứng lên chống giặc Nguyên. Không như Quách Tĩnh và Dương Quá, Trương Vô Kỵ là người chủ trương hòa bình và ít hạ sát đối thủ của mình. Trong sự nghiệp truyền hình, nam diễn viên từng đoạt giải thưởng Lương Triều Vỹ đã đóng vai Trương Vô Kỵ trong phiên bản năm 1986 của TVB.

Lương Triều Vỹ (thứ hai từ phải qua) trong vai Vi Tiểu Bảo trong phiên bản truyền hình

4. Vi Tiểu Bảo của Lộc đỉnh ký

Từ cuốn tiểu thuyết cuối cùng và châm biếm nhất của Kim Dung, Vi Tiểu Bảo là một sự đột phá so với các nhân vật chính trước đây của nhà văn. Thay vì là chàng trai trẻ nhiều khát vọng trở thành cao thủ võ lâm, Vi Tiểu Bảo là anh chàng láu cá và xảo quyệt sinh ra trong một kỹ viện thời nhà Thanh. Trong truyện, Vi Tiểu Bảo giả làm thái giám, kết bạn với hoàng đế trẻ Khang Hy và có bảy người vợ.

Cuốn tiểu thuyết này được chuyển thể bảy lần thành phim truyền hình và là cơ sở cho bốn phim điện ảnh - trong đó có hai phiên bản là do diễn viên hài nổi tiếng nhất của Hồng Kông, Châu Tinh Trì vào vai Vi Tiểu Bảo.

Lệnh Hồ Xung-Châu Nhuận Phát (trái) trong phiên bản truyền hình năm 1984

5. Lệnh Hồ Xung của Tiếu ngạo giang hồ

Trong lời bạt của cuốn tiểu thuyết này, Kim Dung đã vạch ra người anh hùng lý tưởng của ông trong nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, một lãng tử mong muốn được tự do và rời bỏ “giang hồ” - thế giới đầy rẫy những cuộc đấu tranh quyền lực và chính trị. Diễn viên từng đoạt giải thưởng Châu Nhuận Phát đóng vai Lệnh Hồ Xung trong phiên bản truyền hình năm 1984.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times, China.org.cn,
South China Morning Post