Nhân vật & Sự kiện

Phút kinh hoàng tại El Royale kỳ quặc và kỳ diệu sâu sắc với câu hỏi về cái ác thực sự

29/10/2018

Trong vở kịch No Exit năm 1944, nhà tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre đã cho ba con người xa lạ kẹt trong một phòng khách và gọi nó là địa ngục. Từng người trong bộ ba đó công kích những người kia, trải nghiệm hận thù và ám ảnh, và khiến những người khác phát điên. Họ dần nhận ra họ sẽ không bao giờ thoát khỏi những người này. Đó là số phận mãi mãi của họ.

Kể từ đó, một trong những đóng góp văn hóa lâu dài nhất của tác phẩm này là cụm từ “địa ngục là người khác” thường xuyên được trích dẫn sai ý, vốn dĩ không phải là câu thần chú cho những kẻ yếm thế hay hướng nội, mà là sự nghiền ngẫm về việc chúng ta không thể thoát khỏi sự soi mói của người khác. Là con người, chúng ta hiếm khi thôi nhìn chính mình qua đôi mắt của người khác — và điều đó, theo Sartre, là địa ngục.

Một tay bán hàng, một linh mục, và một ca sĩ bước vào khách sạn. (Hay có đúng họ là vậy không?)

Người viết thường giả định rằng tất cả các bộ phim sitcom, hoặc ít nhất là ấn tượng chung về phim sitcom, thực sự được đặt trong hoặc luyện ngục hoặc địa ngục và cố gắng làm những gì Sartre đã làm trong No Exit. Cột chặt một đám người trong một không gian hầu như đóng — một căn hộ, một phòng tin tức, một quán bar gọi là Cheers — và xem họ gấu ó nhau, yêu nhau, làm cho nhau phát điên, và có thể học một số bài học về bản chất của con người và cái thiện trong nhiều mùa phim.

Phim điện ảnh hiếm khi cho phép nhân vật ở cùng một nơi lâu. Nhưng khi nào như vậy — trong, chẳng hạn, Twelve Angry Men, hoặc Rope, hoặc The Hateful Eight — chúng thường đưa vào những phẩm chất sitcom tương tự. Không có nhiều việc phải làm trong một bối cảnh ngoài nói chuyện, tranh cãi, và thao túng lẫn nhau.

Đó là điều mà những bộ phim như thế khám phá tốt nhất: Chúng cho thấy người ta cảm nhận về nhau như thế nào và họ làm gì để che giấu bản thân trước cái nhìn của người khác. Và, tất nhiên, tất cả đều xảy ra trong khi chúng ta cũng đang soi họ, phán xét họ qua những lựa chọn của họ.

Cô ca sĩ tên Darlene Sweet (Cynthia Erivo)

Tất cả những chủ đề này hội tụ trong Bad Times at the El Royale, một bộ phim kỳ quái và đầy tham vọng về tôn giáo, sự cứu rỗi và chúng ta thực sự là ai. Nói chính xác, bối cảnh của nó được đặt trong một khách sạn nằm trên biên giới Nevada-California, nhưng bầu không khí của thế giới bên kia tại El Royale vô tình bộc lộ bí mật: Đây là một bộ phim về luyện ngục và phán xét, và liệu có ai thực sự có thể kiếm được lối thoát hay không.

Phút kinh hoàng tại El Royale bẫy một loạt những con người xa lạ trong một khách sạn có thể là một luyện ngục trá hình

Dứt khoát không phải ngẫu nhiên mà biên kịch và đạo diễn của Bad Times at the El Royale là Drew Goddard, người đã ra mắt tác phẩm đầu tay The Cabin trong Woods năm 2012 nhưng bắt đầu thu thập kinh nghiệm biên kịch với những phim truyền hình như Buffy the Vampire Slayer (lấy bối cảnh tại cửa địa ngục đúng nghĩa đen) và phim ăn theo Angel. Anh hiện là điều hành sản xuất cho The Good Place.

Chris Hemsworth đóng vai một lãnh đạo giáo phái kiểu Charles Manson

Đối với bộ phim này, Goddard chuyển địa điểm đến một khách sạn mới lạ hư cấu được gọi là El Royale, ở biên giới Nevada và California gần Hồ Tahoe. El Royale từng là một ám ảnh yêu thích của các ngôi sao và người nổi tiếng — hình ảnh và các bài báo về Marilyn Monroe và Rat Pack dán đầy tường — nhưng nó mất giấy phép đánh bạc một năm trước khi hành động chính của bộ phim bắt đầu vào năm 1969, và việc làm ăn đã chậm lại đến gần như không có gì. Chỉ một nhân viên, một cậu trai trẻ tên là Miles (Lewis Pullman), xử lý tất cả mọi việc từ lễ tân đến dọn phòng đến pha chế rượu.

Một vệt sơn đỏ dày chia đôi El Royale, ngay giữa bãi đậu xe và sảnh đợi. Phía tây là California, “ấm áp và đầy nắng”, theo Miles; phía đông là Nevada, đầy “hy vọng và cơ hội”. Hai bên được trang trí khác nhau, và khách sạn thiếu giấy phép bán rượu của Nevada, vì vậy bạn phải uống ở phía California, các phòng bên này cũng tốn thêm một đôla mỗi đêm.

Một đêm nọ, một đám người lạ xuất hiện ở khách sạn: một linh mục tên là Daniel Flynn (Jeff Bridges), một người bán hàng thích đàm đúm tên Laramie Seymour Sullivan (Jon Hamm), một ca sĩ tên Darlene Sweet (Cynthia Erivo), và một người phụ nữ trẻ bí ẩn và quyến rũ đã viết vào sổ đăng ký đơn giản là “fuck you” (Dakota Johnson).

Người phụ nữ trẻ bí ẩn và quyến rũ đã viết vào sổ đăng ký đơn giản là “fuck you” (Dakota Johnson)

Có vẻ gì đó ám muội về mọi người, và tất cả họ đều dò xét lẫn nhau. Nhưng theo cách của những người xa lạ trong một khách sạn, họ không quá thân thiện, ngay cả sau khi Cha Flynn mời Darlene ăn tối với ông.

Rất nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng có chuyện gì sắp sửa ụp xuống, đặc biệt là khi bầu trời xanh trở nên đen kịt và bão tố. Nhưng sau The Cabin in the Woods, bất kỳ bộ phim nào do Drew Goddard thực hiện cũng được kỳ vọng có đầy thắt nút, và Bad Times at the El Royale mang lại hứa hẹn đó — thế nên phác thảo những gì xảy ra tiếp theo sẽ làm mất hay.

Những gì có thể nói là, khi cốt truyện không ngừng trở nên phức tạp và khó khăn hơn cho bất cứ ai nghĩ đến chuyện rời khỏi khách sạn này, Bad Times at the El Royale trở nên thần học, hoặc ít nhất là triết học. Ai là người xấu? Ai là người vô tội? Chúng ta tin tưởng cái gì thì có quan trọng không? Và điều gì thực sự làm nên con người chúng ta ở mức tột bậc?

Nửa đầu bộ phim có cảm giác như một phim án mạng ly kỳ theo phong cách Agatha Christie

Phút kinh hoàng tại El Royale gói rất nhiều ý tưởng và khái niệm vào thời lượng của nó, nhưng vẫn kiểm soát được sự hỗn loạn

Bad Times at the El Royale tự hào có một dàn diễn viên diễn xuất biến hóa ở Bridges, Hamm, Johnson và Erivo (người hát, một cách vẻ vang) — cũng như Chris Hemsworth, đóng vai một lãnh đạo giáo phái kiểu Charles Manson. Tất cả những diễn viên tài năng này đều hấp dẫn theo tiêu chuẩn của Hollywood, nhưng qua sự nghiệp của họ, họ đã từng thể hiện một phạm vi tiệm cận với vai diễn của một nhân vật tuyệt vời.

Loại hành động đều nhau mà tất cả họ phải thực hiện — khiến bạn băn khoăn liệu những gì bạn đang nhìn thấy là thật hay là bịp — làm cho nửa đầu bộ phim có cảm giác như một phim án mạng ly kỳ theo phong cách Agatha Christie, trong đó một đám người xa lạ bí ẩn được tập hợp lại với nhau và một tội ác xảy ra, ngay cả khi nó gieo mầm những suy gẫm triết lý sẽ đến.

Nhưng có rất nhiều thứ lèn chặt trong bộ phim này: nhai lại thập niên 1960 ở Mỹ, chủng tộc, chiến tranh, tôn giáo, âm nhạc, văn hóa theo dõi và nhiều thứ khác nữa — nhiều đến mức không thể tránh khỏi một số thứ không hiệu quả.

Ai là người xấu? Ai là người vô tội?

Những phần hay nhất của Bad Times at the El Royale cảm giác giống như cảnh trong một vở kịch, với các nhóm nhân vật được phân lập trong các phòng của khách sạn trước khi cuối cùng họ đều có mặt ở sảnh, nói chuyện và nghĩ lại về nhau. Kết quả là các cuộc hội thoại, dáng vẻ đáng ngờ, và sự phán xét là lúc các diễn viên có thể tỏa sáng.

Nhưng có lúc, cách kể chuyện trở nên phi tuyến tính, với những khoảnh khắc đồng thời thể hiện theo một loạt các cách khác nhau, và không rõ là nó có bổ sung nhiều vào những gì bộ phim đang cố gắng nói hay không. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các cảnh hồi tưởng điền vào câu chuyện nền của một số nhân vật — bạn có thể thấy cả hai kỹ thuật có thể làm cho việc phân tích âm mưu dễ dàng hơn một chút, nhưng trong việc lột tả chi tiết, bộ phim mất một số cú đấm ẩn ý của nó.

Tuy nhiên, có một sức quyến rũ kỳ lạ với Bad Times at the El Royale, mà không bao giờ thực sự để lộ. Có phần ẩn dụ, có phần tỏ lòng tôn kính với Hollywood cũ, có phần thủ phạm là ai, và có phần phê bình xã hội về một nước Mỹ quay cuồng từ khủng hoảng giữa thế kỷ, phim nhồi nhét nhưng vẫn kiểm soát được.

Đó là một bộ phim hấp dẫn về cuộc đời của một người sắp kết thúc và cố gắng, với một nhóm người khác, để tìm ra loại thế giới bên kia mà bạn xứng đáng được đến

Phút kinh hoàng tại El Royale nói về một nước Mỹ cố biện hộ cho tội lỗi của mình lẫn nỗ lực tìm kiếm sự cứu chuộc của con người

Cuối cùng, một trong những câu hỏi lớn nhất của bộ phim là liệu chúng ta có thể chuộc lỗi cho hành vi sai trái của chúng ta trên Trái Đất hay không, và ai làm cái việc hóa giải tội lỗi đó. Nếu, như trong một số truyền thống tôn giáo, luyện ngục (hay nơi nào như thế) là chỗ mà những kẻ có tội bị đưa tới khi họ không quá xấu xa để xuống địa ngục và được cho cơ hội kiếm được đường lên thiên đàng, thì El Royale — nằm trên đường phân chia giữa hai nơi, có những người hành vi sai trái theo những cách phức tạp trú ngụ — là đại diện khá rõ ràng cho một chỗ như thế. Đó là một giao lộ theo thuyết hiện sinh.

Luyện ngục của bộ phim còn có chức năng là mô hình thu nhỏ của một nước Mỹ cố gắng kiểm soát những tội lỗi của nó từ những năm 1960; Richard Nixon, J. Edgar Hoover, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo, những người nổi tiếng rùng rợn, những ngôi sao Hollywood bạc phận, các lãnh đạo giáo phái hippie, những vụ giết người ngẫu nhiên tàn bạo và Chiến tranh Việt Nam tất cả đều nằm trong bối cảnh của câu chuyện. Theo cách riêng, mỗi nhân vật đại diện cho một số yếu tố của thập kỷ đó có thể được nhìn thấy qua kính màu hồng hoặc nhiều màu tối hơn, tùy thuộc vào ai đang nhìn. (Một trong những điều bất ngờ của cốt truyện liên quan đến việc nhìn theo nghĩa đen.) Và tất cả họ đều nhận thức sâu sắc rằng nếu họ bị phát hiện họ thực sự là ai, có thể có những hậu quả phải trả giá.

Một trong những điều bất ngờ của cốt truyện liên quan đến việc nhìn theo nghĩa đen

Sẽ không tiết lộ ở đây, nhưng các biểu tượng của thế giới bên kia được cho là hơi nặng tay vào cuối phim, và điều đó có thể khiến phim thấy nặng nề — giống như cố gắng giải thích ý tưởng của chính mình chứ không phải mời người xem tự khám phá nó. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc hay nhất, bộ phim tránh được việc trở nên quá phàm tục. Bad Times at the El Royale hiệu quả nhất khi nó bắt chúng ta làm việc để nhận thức rõ người ta thực sự muốn nói gì qua những lời lẽ họ đang nói.

Đó là một bộ phim hấp dẫn về cuộc đời của một người sắp kết thúc và cố gắng, với một nhóm người khác, để tìm ra loại thế giới bên kia mà bạn xứng đáng được đến. Và nó cho thấy sự cứu chuộc có thể có sẵn, ngay cả với những nhân vật có thể đã phạm những tội lỗi tồi tệ nhất mà họ có thể tưởng tượng.

Nhưng không chỉ vì họ nói họ xin lỗi. Trong Phút kinh hoàng tại El Royale, đó không phải là cử chỉ ăn năn, biết lỗi vì tội lỗi của một con người, vậy mới quan trọng. Thay vào đó, vần đề là hành động thú nhận tội lỗi. Mọi người luôn nói về sự xưng tội ở El Royale, và những người kiếm được lối thoát khỏi khách sạn nằm vắt hai bang này là những người nói ra những sai lầm trong quá khứ của họ cho người khác thấy họ thực sự là ai. Nếu bạn thú tội, ai đó có thể tha thứ cho bạn — ngay cả khi họ không phải là người đã bị đối xử sai, và ngay cả khi họ không chuyên công việc tôn giáo.

Đạo diễn Drew Goddard (giữa) trên trường quay với Lewis Pullman (trái) và Jeff Bridges

Nhồi nhét được từng ấy thứ vào một bộ phim dài hai tiếng thật ấn tượng, và ngay cả khi vấp váp, vẫn cảm thấy Phút kinh hoàng tại El Royale là một thành tựu kỳ lạ và kỳ diệu sâu sắc, nhất là lại đến từ một hãng phim lớn không thích mạo hiểm như 20th Century Fox. Phim khai thác một điều gì đó mà điện ảnh và truyền hình đều ám ảnh trong nhiều thập kỷ: làm thế nào chúng ta có thể được cứu, ai cứu chúng ta, và chúng ta cần gì để được cứu. Và khi phim có hiệu quả, thực sự là một thời gian giải trí tuyệt vời.

Phút kinh hoàng tại El Royale đã ra rạp ở Việt Nam từ ngày 19/10/2018.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox