Nhân vật & Sự kiện

Lương Triều Vỹ: Một tài năng Hồng Kông thành công trong nền điện ảnh Trung Quốc

03/01/2017

Từ những năm đầu 1980, Lương Triều Vỹ đã là một trong những tài năng sinh lời nhất Hồng Kông. Trong khi các tác phẩm diễn xuất của anh có vẻ chậm lại ở những năm 2000, những dự án hợp tác, đặc biệt là ở Trung Quốc Đại lục, đem đến cái nhìn sâu vào thực tiễn ngành điện ảnh Trung Quốc và gợi ý chiến lược thành công mà các nhà làm phim đã sử dụng để lèo lái trong thị trường phát triển thần tốc này.

Lương Triều Vỹ, phải, và Thang Duy trong phim Sắc, giới năm 2007

Lương Triều Vỹ trở nên nổi tiếng những năm 1980 nhờ vào vai chính và thuộc dàn chính trong một loạt những phim truyền hình dài tập của đài truyền hình TVB. Song hành và tiếp nối các vai truyền hình, anh tham gia các phim lãng mạn–hài, chính kịch và võ thuật, chủ yếu nhắm vào thị trường yêu phim nội địa của khu vực này nhưng cũng được truyền bá ở Đông Á và cả châu Á gốc Hoa. Anh cũng đóng các sản phẩm khu vực từ Đài Loan tới Việt Nam, và nổi danh quốc tế nhờ các vai trong phim của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ, từ lâu đã được cộng đồng phim nghệ thuật toàn cầu tán dương mặc dù không đứng lâu tại các phòng vé ở Hồng Kông hay Trung Quốc Đại lục.

Lương Triều Vỹ vẫn tích cực với các vấn đề địa phương Hồng Kông, ví dụ thể hiện sự ủng hộ những người biểu tình dân chủ trong chiến dịch Occupy Central năm 2014. Tuy nhiên, như nhiều diễn viên điện ảnh Hồng Kông khác, trong thập kỷ vừa qua sự nghiệp của anh hướng về Đại lục. Tiếp nối việc ký kết năm 2003 và áp dụng từ 2004 của Hiệp định Hợp tác Kinh tế mật thiết giữa Đại lục và Hồng Kông (CEPA), các nhà làm phim Hồng Kông được đối xử ưu ái, không bị giới hạn vào thị trường Đại lục, đặc biệt với những phim có yếu tố hợp tác về ngân sách, diễn viên và địa điểm sản xuất. Sự bùng nổ tiềm năng của điện ảnh Trung Quốc trong thể kỷ 21 có nghĩa là nhiều gương mặt Hồng Kông có thể tiếp cận với lượng khán giả lớn nhất từng có qua các xuất phẩm nói tiếng Hoa của Đại lục, điển hình là những diễn viên giọng gốc Quảng Đông (như Lương Triều Vỹ) sẽ được lồng tiếng diễn viên khác trong quá trình hậu kỳ.

Trong phim The Great Magician năm 2011

Trong các tác phẩm gần đây của mình, Lương Triều Vỹ đã cân bằng các vai diễn để cho phép anh thể hiện những khía cạnh của đặc trưng thành thị cởi mở dễ chịu của văn hóa Hồng Kông, với những vai diễn rõ ràng quảng bá cho tư tưởng quốc gia về sắc tộc, văn hóa và chính trị Trung Quốc. Từ Lust, Caution (2007) tới bộ phim cho kỳ nghỉ lễ cuối năm See You Tomorrow, Lương Triều Vỹ chỉ tham gia các sản phẩm hợp tác với các công ty Đại lục. (Anh còn vào một vai nhỏ, đeo mặt nạ, trong bộ phim năm 2016 của Bhutan Hema Hema: Sing Me a Song While I Wait.) Bộ phim hợp tác Hồng Kông/Trung Quốc The Great Magician (2011) chọn anh vào vai một người đàn ông quyến rũ đào hoa, và đương nhiên nhân vật ảo thuật gia này sẽ hợp tác với lực lượng cách mạng để đánh bại quân Nhật ở thời kỳ trước Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.

Trong Silent War (2012), Lương Triều Vỹ vào vai một người đàn ông bị mù nhưng cực kỳ nhạy cảm về âm thanh, được tình báo của chính phủ Trung Quốc chiêu mộ trong cuộc cách mạng năm 1949, và lần này là để tìm cơ hội ngăn chặn những điệp viên Quốc dân Đảng đầy sát khí. Sau đó, trong The Grandmaster (2013), Lương Triều Vỹ nhận vai khá thịnh hành gần đây là bậc thầy võ thuật Diệp Vấn (nhân vật chính trong ít nhất năm bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc hoặc Hồng Kông kể từ năm 2008, bao gồm ba phim có ngôi sao gốc Mỹ Chân Tử Đan, hiện là con gà đẻ trứng vàng tại các phòng vé Đại lục.) Với việc bộ phim nói một phần về chuyện Diệp Vấn chuyển từ Phật Sơn ở Quảng Đông về Hồng Kông, và chủ nghĩa văn hóa dân tộc Trung Hoa được ca ngợi xuyên suốt, The Grandmaster mang đến một phiên bản lịch sử Trung Quốc ít tranh cãi, hướng về triết lý hơn. Bộ phim dịch chuyển khả năng lột tả vai diễn tinh tế tiết chế của Lương Triều Vỹ và hứng thú của Vương Gia Vệ với lịch sử Hồng Kông theo hướng có thỏa hiệp, nếu không muốn nói là giám sát từng bước, với sự chỉ đạo của Trung Quốc.

Cùng Châu Tấn trong phim Silent War năm 2012

Tất cả những phim này đều thu lãi lớn ở phòng vé Đại lục, một số ít có thành công cụ thể bên ngoài Đông Á. (Ví dụ The Grandmaster được chiếu ở hơn 800 rạp chiếu Mỹ nhưng khó lòng lọt vào 150 phim đầu bảng năm đó, cả The Great MagicianThe Silent War đều không được chiếu ở Bắc Mỹ và châu Á ngoại trừ các buổi chiếu ở liên hoan phim.) Mỗi vai diễn trong số này cũng vang vọng chính kiến gây tranh cãi của lần hợp tác thành công nhất của Lương Triều Vỹ với Đại lục, bộ phim Anh hùng (2002), trong đó anh vào vai một kẻ từng nổi dậy trong đoạn cuối phim đã đồng ý với chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ tham vọng đế quốc của Trung Quốc (trong không gian lịch sử quá khứ, tách biệt với những lo ngại đương đại hơn 2000 năm).

The Grandmaster cũng nắm bắt được thị hiếu của thị trường Đại lục đối với phim võ thuật cổ trang, loại hình từ năm 2000 đã thu hút nhiều đạo diễn lớn gốc Trung Quốc, nhiều người chưa từng làm phim liên quan gì tới các nội dung võ thuật. Giống như đạo diễn đang sống ở Mỹ Lý An với Ngọa hổ tàng long (2000), đạo diễn Đại lục Trương Nghệ Mưu với Anh hùng và sau này là đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền với The Assasin (2015), The Grandmaster cho thấy các nhà làm phim Đại lục và khu vực cũng như nhà đầu tư tiếp tục coi hình thức võ thuật cổ trang là một khoảng trời để thể hiện sáng tạo cũng như là một nguồn dễ thu lại vốn.

Trong phim The Grand Master năm 2013

Trong khi ngành điện ảnh và chính quyền Trung Quốc luôn ủng hộ phim lịch sử và võ thuật với những chính sách như khóa nhập khẩu phim quốc tế trong thời gian các kỳ nghỉ lễ quan trọng, các phim võ thuật và cổ trang gần đây chưa từng đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé. Thay vào đó những phim hoạt hình như Monster Hunt (2015), hài hước kỳ ảo như The Mermaid (2016) của Châu Tinh Trì và loạt phim nhập khẩu Hollywood như Furious 7 (2015) và Transformers: Age of Extinction (2014) – trên danh nghĩa là sản phẩm hợp tác Trung–Mỹ lại chiếm lĩnh phòng vé, cùng những phim hài/chính kịch nội địa như American Dreams in China (2013), Finding Mr. Right hay From Beijing to Seattle (2013) và phần tiếp theo năm 2016.

Trong tình hình này, không bất ngờ là chúng ta lại thấy Lương Triều Vỹ và đạo diễn Vương Gia Vệ một lần nữa. Anh tham gia See You Tomorrow (mới ra rạp ở Đại lục cuối năm 2016), bản chuyển thể đầu tiên từ các tác phẩm của tác giả nội địa Trương Giai Gia, một cây bút ăn khách với thể loại truyện trực tuyến cũng ra mắt trong vai trò đạo diễn. Bộ phim và các nhà sản xuất tìm kiếm nguồn đầu tư vào làn sóng tiểu thuyết mạng đang nổi ở Trung Quốc, trong khi làm thứ người xem thích là những câu chuyện về người thành thị đương đại, trẻ (hay ít nhất là đối với Lương Triều Vỹ 54 tuổi và Kim Thành Vũ 43 tuổi là trẻ.) Bộ phim cũng công khai lai các nguyên liệu văn hóa Đại lục và Hồng Kông, đạo diễn kiêm biên kịch Trương Giai Gia khẳng định bộ phim ‘kể một câu chuyện phong cách Vương Gia Vệ sử dụng phương pháp của Châu Tinh Trì (diễn viên–đạo diễn phim hài sinh ra ở đại lục nổi tiếng nhờ loạt phim hài nhảm nhí những năm 1990 ở Hồng Kông.)

Cùng Angelababy trong phim See You Tomorrow năm 2016

Vương Gia Vệ, ban đầu nghe đồn là sẽ đạo diễn nhưng cuối cùng chỉ đứng tên sản xuất, đã coi bộ phim không phải là lời chia tay với những sở thích quá khứ mà là một dạng trở lại, đánh dấu 25 năm (hoặc chừng đó) thành lập hãng Jet Tone Films của ông, với bộ phim đầu tiên ra mắt là phim hài–hành động năm 1993 The Eagle Shooting Heroes, cũng có sự tham gia của Lương Triều Vỹ. Bộ phim được làm để tạo vốn cho Jet Tone khi mà Vương Gia Vệ đang trì hoãn hoàn thành Ashes of Time (1994). See You Tomorrow đại diện cho một dấu mốc có lẽ đáng chú ý của ngành điện ảnh, là dự án đầu tiên của hãng mới thành lập Alibaba Pictures, nhánh điện ảnh của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc. Alibaba cũng có liên quan trong việc phân phối những bộ phim nhiều phần của Mỹ – bao gồm Mission: Impossible – Rogue Nation (2015) và Star Trek Beyond (2016) của Paramount – cũng đang lên nhiều dự án với các nhà sản xuất Mỹ.

Gần gũi hơn, dự án tiếp theo của hãng sẽ là phần hai của Journey to the West (2013) của Châu Tinh Trì, lần này là từ đạo diễn người Hồng Kông Từ Khắc, đạo diễn gần đây đứng sau nhiều phim thành công ở Đại lục, cụ thể như Flying Swords of Dragon Gate (2011) đạt kỷ lục cho một phim chiếu định dạng IMAX. Với See You Tomorrow, Alibaba đầu tư vào nguồn nhân lực khác đã chứng tỏ là có thể thu lãi trong thị trường và văn hóa Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt: một nhà văn viết tiểu thuyết mạng nổi tiếng và một ngôi sao di động đại diện cho cầu nối giữa cảm tính giữa truyền thống và đương đại, và người đại diện một Hồng Kông đang muốn giúp đỡ người hàng xóm với nền văn hóa đang vươn lên vượt trội.

Cùng Kim Thành Vũ trong phim See You Tomorrow

See You Tomorrow cũng đáng chú ý vì ém kỹ thân phận Hồng Kông của ngôi sao phim. Theo thông tin từ China Radio International (CRI) của Trung Quốc, ‘Lương Triều Vỹ cho biết anh tập giọng Quan thoại rất nhiều, vì đây là phim đầu tiên anh được yêu cầu chỉ nói duy nhất tiếng Quan thoại.’ Cho dù là trào lưu đang nổi hay cố gắng một lần của diễn viên này (hay một sự xác nhận không chính xác từ đơn vị truyền thông trung ương), việc chuyển sang thu tiếng Quan thoại thay vì lồng tiếng hậu kỳ cho thấy một cách khác mà ngành điện ảnh Trung Quốc Đại lục có thể sử dụng, hay hạn chế, diễn viên từ nền điện ảnh phát triển cao của Hồng Kông.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Hong Kong Free Press