Nhân vật & Sự kiện

Không chỉ là Công chúa Leia: Cuộc đời tuyệt đẹp đầy sóng gió và tài hoa của Carrie Fisher (1956-2016)

31/12/2016

Công chúa Leia là một trong những nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh. Hình ảnh của nàng chứng minh cho tầm ảnh hưởng cùng tài năng tuyệt vời, chân thật và tinh nghịch của Carrie Fisher.

Nói theo một cách nhất định, thật không có gì phù hợp hơn việc lần cuối phần lớn trong chúng ta được nhìn thấy Carrie Fisher là trên màn hình chiếu phim, trong vai một nhân vật từng biến nữ diễn viên này thành một siêu sao: Công chúa Leia trong một bộ phim Star Wars, đủ cả kiểu tóc búi hình bánh mì cuộn.

Carrie Fisher trong vai Công chúa Leia Organa trong Star Wars

Thật phù hợp, vì hình ảnh đó khép lại sự nghiệp của Fisher, nhưng cùng lúc đó nhắc chúng ta hồi tưởng tới tất cả những gì bà đã đạt được trong những thập kỷ ở giữa.

Con gái Fisher, Billie Lourd, xác nhận Carrie Fisher đã qua đời vào ngày 27 tháng 12 ở tuổi 60, sau khi bị ngưng tim trên một chuyến bay từ London tới Los Angeles.

Tuy vậy, bản thân Carrie Fisher muốn được đưa tin rằng bà chết đuối trong ánh trăng, bị áo ngực của mình siết nghẹt – một ước muốn gần như tóm tắt tất cả mọi thứ cần được ghi nhớ và tán dương về Carrie Fisher.

Carrie Fisher sống cả đời dưới ánh hào quang của Hollywood. Mẹ bà là Debbie Reynolds, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng với những phim như Singin’ in the Rain và Tammy and the Bachelor. Bản thân Debbie Reynolds từng bày tỏ nỗi sợ lớn lao nhất của đời mình là sống lâu hơn con gái, và nỗi sợ này bỗng đã trở thành hiện thực, nhưng không phải trong một thời gian dài. Chỉ một ngày sau khi con gái bà qua đời, Debbie Reynolds cũng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 28 tháng 12, sau khi bị đột quỵ trong quá trình chuẩn bị tang lễ của con gái. Gia đình đã tổ chức chung một lễ tang cho cả hai mẹ con, và họ sẽ được cùng an táng tại một nơi, dù hiện nay các chi tiết khác chưa được tiết lộ.

Carrie Fisher và mẹ, Debbie Reynolds (1959)

Ngoài người mẹ là một trong những ngôi sao sáng nhất của thập kỷ 1950, cha của Carrie Fisher là Eddie Fisher, một ca sĩ. Cuộc sống tưởng như cổ tích của gia đình họ sụp đổ khi cha bà ngoại tình với một người bạn của gia đình, không ai khác chính là Elizabeth Taylor. Sau khi ly dị Debbie Reynolds, Eddie Fisher và Elizabeth Taylor đã kết hôn.

Thời đó, đây là một xì-căng-đan không kém gì vụ Brad Pitt-Angelina Jolie-Jennifer Aniston thời nay, và đóng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tính cách đa nghi của Carrie Fisher từ độ tuổi rất nhỏ.

“Bạn có thể nói, tôi là hậu quả của hiện tượng lai cùng dòng ở Hollywood,” Fisher viết trong hồi ký xuất bản năm 2008, Wishful Drinking. “Khi kết hợp giống của hai người nổi tiếng, hậu quả là một kẻ như tôi.”

Fisher có thể nhìn thế giới người nổi tiếng với ánh mắt hoài nghi, nhưng điều đó không ngăn chặn bà theo đuổi nghề diễn viên. Năm Star Wars bấm máy, bà 19 tuổi.

Nhưng trước Star Wars, bà từng xuất hiện bên cạnh Warren Beatty và Goldie Hawn trong Shampoo (1975), một bộ phim châm biếm về xã hội Mỹ vào cuối thập kỷ 1960.

Carrie Fisher trong Shampoo

Bà cũng có những vai diễn đáng chú ý trong các phim thập niên 1980 như The Blues Brothers, Hannah and Her Sisters, The ‘Burbs'và When Harry Met Sally.

Khiếu hài hước sắc bén được bà tiếp nhận một cách táo bạo đã định hình cho một trong những vai diễn cuối cùng của bà, trong vai mẹ của Rob Delaney trong bộ phim truyền hình hài Catastrophe.

Bà cũng trở lại thế giới Star Wars với The Force Awakens (2015) và vào tháng 7 vừa qua, cũng vừa quay xong Star Wars Episode VIII dự tính ra mắt năm 2017. Ngoài ra, dù đây có thể được coi là tiết lộ chi tiết quan trọng của bộ phim, nhưng một Fisher 19 tuổi xuất hiện một cách bất ngờ nhờ kỹ xảo hình ảnh trong Rogue One, hiện vẫn đang chiếu ở rạp. Nhưng chắc hẳn Fisher cũng không thể trách được việc tiết lộ chi tiết này, nếu mục đích là để chứng minh bà đã vươn cao hơn cả hình ảnh Công chúa Leia trong suốt cuộc đời và sự nghiệp đầy thăng trầm của mình.

“Ngành biểu diễn không có gì là hay ho cả khi bạn sống trong đó,” bà nói. “Người ta luôn khuyên bạn chỉ nên nhìn bề nổi, nhưng tôi biết hết những bí mật bên trong.”

Carrie Fisher cùng Mark Hamill (trái) vai Luke Skywalker và Harrison Ford vai Han Solo trong Star Wars

Trong một phỏng vấn năm 2008 với Matt Lauer và Al Roker trên chương trình Today Show, bà tiết lộ rằng nếu biết trước Star Wars sẽ mang lại sự nổi tiếng mà bà đã chứng kiến và oán hận trong cuộc đời của cha mẹ, chắc hẳn ban đầu bà đã từ chối vai Công chúa Leia.

“Tôi thấy được cái đau thấu tim trong sự nổi tiếng,” bà nói. “Tất cả những gì tôi làm sau khi trở nên nổi tiếng là đợi sự nổi tiếng kết thúc.”

Ma túy và chất kích thích trở thành một yếu tố luôn tồn tại trong cuộc chờ đợi đó. Khi bắt đầu hút cần sa bà mới 13 tuổi, những chất ma túy khác như cocaine và thuốc gây ảo giác đến sau.

“Tôi không bao giờ uống được rượu. Tôi luôn nói là tôi bị dị ứng rượu, nhưng đó thực ra là định nghĩa của chứng nghiện rượu – sự dị ứng về thể xác và sự ám ảnh về tinh thần,” bà nói với tờ Herald-Tribune năm 2013. “Vì thế tôi không thử những loại ma túy khác tới khi 20 tuổi. Năm 21 tuổi là lần đầu tôi sử dụng thuốc gây ảo giác. Tôi không thích cocaine, nhưng nó áp đảo những cảm xúc khác, thế nên tôi vẫn dùng.”

Rồi năm 1985, khi 29 tuổi, bà bị chẩn đoán chịu chứng rối loạn lưỡng cực. Bà thử tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị để trấn an tinh thần, để “cảm thấy bình thường”. Một phong cách điều trị bà từng dùng là giật điện, một phương pháp khiến nhiều người kinh hãi, nhưng theo Fisher vẫn được coi là an toàn với mức độ nhẹ. “Tôi thích vì nó có hiệu quả.”

Nhưng phương pháp điều trị này cũng khiến bà mất trí nhớ bốn tháng liên tiếp, vì thế sau một thời gian, bà ngừng điều trị bằng cách này.

Carrie Fisher, 6 tuổi, xem mẹ diễn trên sân khấu, năm 1963

Lý do chúng ta biết tất cả những thông tin này là vì chính bản thân Fisher từng thẳng thắn tiết lộ và trao đổi về bệnh của mình. Trên thực tế, trong nhiều năm, bà là người vận động chống lại khái niệm nhìn nhận bệnh tâm thần một cách tiêu cực và từng có những cuộc nói chuyện chân thật về chứng nghiện chất kích thích và chứng rối loạn lưỡng cực của mình.

Trong một bài báo trên tờ The Guardian được xuất bản tháng trước, Fisher khuyên một người trẻ tuổi xin lời khuyên về việc sống với chứng rối loạn lưỡng cực rằng nên nghĩ về việc vượt qua bệnh tâm thần là “cơ hội làm một người anh hùng.”

“Chúng ta đã gặp phải một căn bệnh đầy thử thách, và không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối mặt với các thử thách đó,” bà viết. “Đó là lý do việc tìm một cộng đồng – dù nhỏ – gồm những người cùng chứng bệnh để trao đổi kinh nghiệm và an ủi lẫn nhau là rất quan trọng.”

Không chỉ viết lời khuyên trên báo, Fisher còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, và những vất vả trong cuộc sống luôn là cảm hứng cho các cuốn sách của bà. Bà từng viết tám cuốn sách các thể loại, là một nhà biên kịch đầy tài năng với năng khiếu viết lời thoại, nhưng những tác phẩm tự thuật và hồi ký của bà là những cuốn có ảnh hưởng lớn nhất.

Postcards From the Edge, gần như là một cuốn tự truyện, xuất bản năm 1987, kể về một nữ diễn viên trẻ đối mặt với chứng nghiện chất kích thích và cái bóng của người mẹ nổi tiếng. Tên tuổi được thay đổi, nhưng nhiều chi tiết có điểm tương đồng với chính cuộc đời của Fisher. Cuốn sách này của bà đã được chuyển thể thành bộ phim được khen ngợi ra mắt năm 1990, với Meryl Streep và Shirley MacLaine trong vai chính.

Postcards From the Edge

Ngoài ra, sự nghiệp viết lách của bà còn những tiểu thuyết như Surrender in the Pink và Delusions of Grandma, và hồi ký chân thật đến tàn nhẫn Wishful Drinking, Shockaholic, và The Princess Diarist, cuốn cuối cùng bà vẫn đang trong quá trình tuyên truyền khi qua đời. Những cuốn tiểu thuyết của bà vẫn được đề cập tới trên những dòng tít báo chí đầy cay đắng tới tận cuối cùng, khi, trong The Princess Diarist, Fisher tiết lộ rằng lúc đóng Star Wars, bà từng có một cuộc tình với Harrison Ford hồi đó đã kết hôn.

Trên thực tế, Fisher dường như cảm thấy một chút thích thú ngỗ nghịch khi tạo những làn sóng dự luận, vì có một ánh sáng tinh nghịch lóe lên mỗi lần bà ngồi xuống để nói về đời tư của mình. Ngoài cuộc tình với Ford, bà từng có cuộc hôn nhân đầu đầy sóng gió với Brian Simon vào thập kỷ 80, rồi sau đó một mối quan hệ với người đại diện của mình, Brian Lourd, trước khi Lourd bỏ bà vì một người đàn ông khác. Họ có chung nhau một người con gái, Billie Lourd, 24 tuổi.

Cũng phải nói là thái độ tự khinh của Fisher khi nói chuyện về cuộc đời của mình cũng phần nào giúp bà tự chữa lành những nỗi đau của chính bản thân bà và những người khác nữa. Công việc của bà cũng hưởng lợi từ sự chân thật của bà, nhất là trong vai trò vận động ủng hộ những người nghiện hay bị bệnh tâm thần, hai vấn đề ít được đề cập tới ở Hollywood, hay ít nhất là không phải những người với địa vị như Fisher đề cập. Nhưng chính những chiến dịch vận động và sự chân thật của bà, thể hiện qua khiếu hài hước thiên bẩm, những vấn đề này trở nên bình thường, dễ tiếp cận và được coi trọng.

Carrie Fisher cùng chó cưng Gary

Bà biến bệnh tâm thần, một vấn đề được cho là tạo rào cản, và biến việc sống với nó trở nên một nỗ lực truyền cảm hứng cho người khác hay vì chèn ép bản thân người bệnh. Với những người có những bệnh tâm thần đang sợ không theo đuổi ước mơ, bà nói, “Cứ sợ, nhưng hãy vẫn cứ làm. Điều quan trọng là hành động của bạn. Bạn không cần đợi để trở nên tự tin. Hãy làm và sự tự tin sẽ theo sau.”

Năm 2016, Đại học Harvard trao cho Fisher Giải Thành tựu Xuất sắc vì Chủ nghĩa nhân đạo xã hội, và cho biết “nỗ lực và sự chân thành của bà khi nói về bệnh nghiện, bệnh tâm thần và thuyết bất khả tri đã thúc đẩy cuộc đối thoại trong xã hội về những vấn đề này một cách sáng tạo và sự thấu hiểu.”

Chứng minh cho khả năng chữa lành của sự chân thành chính là, bất chấp những lời nói trước kia về sự nổi tiếng, bà đã trở lại với vai diễn tạo nên sự nổi tiếng của bà trong The Force Awakens, với tinh thần phấn chấn và đầy đủ khiếu hài hước.

“Tôi muốn được búi tóc hình bánh mì cuộn lần nữa, nhưng với mái tóc bạc,” bà nói. “Tôi nghĩ thế sẽ rất buồn cười.”

Điều tuyệt vời về Carrie Fisher là những đóng góp của bà thật đa dạng, dù là trên màn ảnh hay những đóng góp sau máy quay mà ít người biết đến. Tài viết lách của bà giỏi đến mức, trong nhiều năm bà làm người sửa kịch bản vô danh cho những phim Hollywood như Hook, Sister Act, The Wedding Singer, The Mirror Has Two Faces, và nhiều phim khác, gồm cả Star Wars tiền truyện.

Carrie Fisher cùng Harrison Ford trong The Force Awakens

Trong vai Công chúa Leia, Carrie Fisher đóng một trong những nhân vật nữ có vai trò quan trọng nhất, nổi tiếng nhất, được biết đến rộng rãi nhất trong lịch sử điện ảnh. Dù vậy, bà vẫn có những quan điểm riêng về vai diễn mang tính lịch sử này.

“Thật ra vẫn có nhiều người không thích nhân vật của tôi trong Star Wars. Họ nghĩ tôi là con mụ đanh đá sống ở vũ trụ… Cách duy nhất người ta biết viết một nhân vật nữ mạnh mẽ là khiến cô ta tỏ ra giận dữ. Trong Return of the Jedi, cô ấy được tỏ ra nữ tính hơn, tình cảm hơn, cảm thông hơn. Nhưng đừng quên, những bộ phim này thực chất là ảo tưởng của bọn con trai. Thế nên, cách duy nhất để khiến Leia trở nên nữ tính hơn là phải lột quần áo của cô ấy.”

Nói về tính cách rõ ràng thẳng thắn của bản thân, Fisher cũng từng nói, “Khi đã hiểu là tôi có thể thích tính cách của bản thân tôi, tôi đã thôi xin lỗi cho bản thân. Không xin lỗi vì mình khác biệt. Vì mình mạnh mẽ. Mạnh mẽ là một phong cách.”

Đây là một thông điệp có sức mạnh và đầy nữ quyền, và là điều chứng minh bản lĩnh của một nữ diễn viên từ lâu vốn là một hình tượng có một không hai ở Hollywood, dù là trong vai Công chúa Leia đi cứu giải ngân hà hay là chính Carrie Fisher trong vai trò biên kịch, diễn viên và nhà vận động.

Trong cuộc đời của mình, Carrie Fisher là chứng minh cay đắng của sự nổi tiếng khi còn là một đứa trẻ, trở thành hiện thân của nó khi trở thành một người phụ nữ, trải qua bao nhiêu chông gai từ nghiện ngập, bệnh tâm thần, những mối tình sóng gió và sinh con với một người đàn ông hóa ra đồng tính, viết nhiều, nói nhiều và nuôi một con chó xấu đến mức dễ thương.

Bà đối mặt với tất cả, chia sẻ tất cả với một sự thông thái mà đã biến cuộc đời bà trở thành một hiện tượng không những tạo cho chúng ta sự giải trí, mà còn khiến chúng ta thấu hiểu, cảm thông và được học hỏi.

Và để tôn vinh cách nhìn xuyên thấu sắc sảo của bà đối với sự nổi tiếng và ảnh hưởng của chính bản thân mình, bài viết này sẽ kết với một trích đoạn từ hồi ký Wishful Drinking của bà, từng được chuyển thể thành kịch nói rồi phim truyền hình HBO, và là nguồn gốc của nguyên nhân cái chết trong ánh trăng của bà:

Fisher trong bộ bikini trong phim Star Wars: Episode VI — Return of the Jedi

Bạn nhớ bộ váy trắng mà tôi mặc trong suốt [Star Wars] chứ? George [Lucas] tới gặp tôi trong ngày đầu bấm máy, nhìn bộ váy một cái và nói, “Cô không được mặc áo ngực ở trong bộ váy này.”

“Được rồi, tôi hỏi,” tôi nói. “Tại sao?”

Và ông ấy nói, “Vì… ở vũ trụ không có nội y.”

Ông ấy nói một cách chắc nịch. Như thể ông đã ra vũ trụ và đi tham quan và không thấy có cái áo ngực hay quần lót nào ở đâu cả.

Ông giải thích thêm, “Khi ra vũ trụ, cô trở nên không có trọng lượng. Vì thế cơ thể sẽ nở ra, nhưng áo ngực của cô sẽ không nở, thế nên cô sẽ bị áo ngực siết nghẹt.”

Tôi nghĩ câu đó sẽ làm nên một điếu văn thật tuyệt vời. Giờ tôi nói với những người bạn trẻ hơn của tôi là, bất kể sau này tôi đi như thế nào, tôi muốn được đưa tin rằng tôi đã chết đuối trong ánh trăng, bị áo ngực của mình siết nghẹt
.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast, The New York Times