Nhân vật & Sự kiện

Hollywood ở Trung Quốc: Thời vàng son nay còn đâu!

14/01/2017

Các hãng phim Hollywood lâu nay đã loay hoay với việc Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường giải trí lớn nhất thế giới. Các bộ phim được những ông trùm lắm tiền từ Trung Quốc đồng sản xuất ngày càng nhiều. Các ngôi sao Trung Quốc được chọn đóng vai phụ. Sự ca ngợi văn hóa Trung Hoa được cài cắm tùy tiện trong kịch bản. Ở một số trường hợp, mánh này được tưởng thưởng: Furious 7 năm 2015 thu hoạch ở Trung Quốc (390 triệu đôla) thậm chí còn nhiều hơn ở Mỹ (353 triệu).

Quảng cáo phim bom tấn Hollywood ở Trung Quốc

Nhưng thành công của Hollywood ở Trung Quốc ngày càng chịu sự phản công dữ dội của các đối thủ đang lên Trung Quốc. Số lượng phim do các hãng phim Trung Quốc làm ra tăng vùn vụt: năm 2005 có 43 phim Trung Quốc trình chiếu ở Đại lục. Đến năm 2014, là 308 phim. Phim Hollywood nhập khẩu chỉ chiếm chừng 10% số phim phát hành rạp — nhưng cho đến nay vẫn giữ vị trí hàng đầu ở phòng vé. Sáu năm qua, tốp 25 phim có doanh thu hàng đầu ở Trung Quốc lúc nào cũng có 8-10 phim nước ngoài. Nhưng ngay cả thành công của các bom tấn cũng bấp bênh.

Kịch bản này lặp đi lặp lại ở những lĩnh vực khác. Công ty nước ngoài ăn nên làm ra dẫn đầu thị trường, thường là vì từ đầu họ đã có chất lượng, công nghệ và nhận diện thương hiệu vượt trội. Các đối thủ Trung Quốc làm tốt ở phân khúc cấp trung và cấp thấp, chủ yếu nhờ giá thấp.

Nhưng theo thời gian, các đối thủ Trung Quốc đã phát triển và cải thiện chất lượng vững vàng. Họ tái đầu tư, làm các vụ thâu tóm và bắt đầu tấn công thị trường cao cấp. Chiến lược này luôn gây tổn hại cho các công ty nước ngoài đang kiếm tiền ở phân khúc đỉnh của thị trường Trung Quốc, bao gồm điện thoại thông minh, Internet, địa ốc, năng lượng tái sử dụng, thiết bị y tế và ngân hàng đầu tư.

Nam diễn viên Brad Pitt với ‘fan’ Trung Quốc khi anh tới sự kiện ra mắt bộ phim Allied của đạo diễn Robert Zemeckis ở Thượng Hải hôm 14/11/2016

Với Hollywood, còn có hiểm họa thứ hai: Sự nổi lên ồ ạt của tầng lớp sáng tạo Trung Quốc đang làm chuyển biến việc sản xuất phim điện ảnh và truyền hình. Năm 2009, khoảng 5% trong số 19 triệu sinh viên các trường đại học Trung Quốc theo học nghệ thuật và thiết kế — nhiều hơn các ngành chủ chốt như kinh tế, hóa học, toán hay luật. Kết quả là, một làn sóng nghệ sĩ, họa sĩ hoạt hình, thiết kế trò chơi video chi phí thấp và nhiều chuyên gia sáng tạo khác đã tràn vào lực lượng lao động ở Trung Quốc.

Một cái phanh thậm chí lớn hơn nữa cho tương lai của Hollywood đến từ vai trò quyền lực vô song của Baidu, Alibaba và Tencent. Ba khổng lồ Internet này kiểm soát hơn 50% smartphone sử dụng Internet của Trung Quốc. Các ứng dụng và dịch vụ của họ là cách người tiêu dùng Trung Quốc tìm kiếm, mua sắm, trò chuyện, chơi game, xem video, đặt taxi, và thanh toán gần như mọi thứ. Và ba công ty đầy tiền này đang quyết liệt tiến công vào điện ảnh và truyền hình.

Tencent đã thành lập công ty điện ảnh riêng, Penguin Pictures. Một trong những dự án đầu tư đầu tiên của Tencent, Monster Hunt, đã trở thành phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc năm 2015. Alibaba Pictures đã tung ra dịch vụ thuê bao kiểu Netflix và đầu tư vào phần mềm bán vé xem phim. Công ty này đồng bỏ vốn Mission Impossible: Rogue Nation và đã huy động vốn cộng đồng cho các dự án đầu tư vào phim khác. Cuối cùng, là Baidu, với hạ tầng xem phim trực tuyến iQiyi. Hãng này cũng làm phim huy động vốn cộng đồng, và đã đầu tư vào SMI Holdings Group của Hồng Kông, có phim trường sản xuất phim điện ảnh và truyền hình.

Một nhân viên ở Oriental DreamWorks Thượng Hải, đơn vị cộng tác với DreamWorks Animation trên dự án Kung Fu Panda 3, bổ sung chi tiết truyền thống Trung Hoa vào bố cục phim

Tất cả những động thái đó khiến các hãng phim Hollywood phải lo lắng khi đa số các hãng này được định vị kém cho một thị trường Trung Quốc ngày càng cạnh tranh. Các hãng vẫn giữ phần lớn công việc ở nước ngoài chứ không chuyển đến Đại lục. Có khả năng các hãng Hollywood sẽ thấy càng ngày càng khó làm phim cộng hưởng được về văn hóa với người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng.

Oriental DreamWorks (ODW) ở Thượng Hải có cách tiếp cận tốt hơn. ODW có 250 nhân viên, trong đó đội ngũ sáng tạo khoảng 150 nghệ sĩ và họa sĩ hoạt hình, hơn 90% số đó là người Trung Quốc bản xứ. Do nhà điều hành kỳ cựu Peilin Chou dẫn dắt, đội ngũ phát triển có khoảng 50% người Trung Quốc bản xứ và 50% người Mỹ gốc Á có kinh nghiệm ở Hollywood. Theo ông Chou, cách tiếp cận của họ là “phát triển và sản xuất phim đẳng cấp thế giới thành công toàn cầu, siêu hấp dẫn ở Trung Quốc. Chúng tôi tin êkíp phát triển sáng tạo lai độc đáo của chúng tôi, cùng quan hệ với DreamWorks Mỹ, khiến chúng tôi có lợi thế độc và định vị nhất vô nhị để làm được điều đó.”

Tình hình thay đổi nhanh đến mức nào? Năm 2008 hơn 80% smartphone bán ở Trung Quốc do các công ty quốc tế làm ra như Nokia, Motorola và Apple. Ngày nay, Apple và Samsung, hai công ty smartphone nước ngoài duy nhất vẫn còn chỗ đứng ở Trung Quốc, chỉ chiếm 15% thị phần. 85% thị phần còn lại thuộc về các đối thủ bản xứ như Xiaomi, Oppo và Huawei.

Áp phích tiếng Trung của Rogue One: A Star Wars Story,
phát hành ở Đại lục ngày 6/1/2017

Trong năm năm tới Hollywood sẽ phải đối mặt với kiểu cạnh tranh tàn bạo tương tự. Thời vàng son của Hollywood ở Trung Quốc, xác định bằng những người xem phim giàu có nhưng cạnh tranh còn yếu, đang đi đến kết thúc. Mọi chuyện sẽ sớm trở nên khó khăn hơn nhiều.

Mặc dù những phim như Avengers: Age of Ultron năm 2015 làm tốt phi thường ở Trung Quốc, doanh thu đình đám nhất năm nay (526 triệu đôla) lại là The Mermaid, phim hài về một sát thủ tiên cá phải lòng nhà phát triển địa ốc tham nhũng mà cô phải giết. Một phim đặc Trung Quốc — và là một phim chưa từng được làm ở Los Angeles.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times