Nhân vật & Sự kiện

10 anime biểu tượng trong kỷ nguyên Heisei Nhật Bản

03/05/2019

Kết thúc một kỷ nguyên, đúng theo nghĩa đen. Vào ngày 30 tháng 4 năm 2019, kỷ nguyên Heisei (Bình Hòa) của Nhật Bản, bắt đầu vào năm 1989 với việc Nhật hoàng Akihito đăng cơ Ngai vàng Hoa Cúc, sẽ kết thúc với sự thoái vị của ông. Một kỷ nguyên mới có tên là “Reiwa” (Lệnh Hòa) sẽ tiếp quản từ ngày 1 tháng 5. Đây là một đại lễ cho cả nước Nhật, dẫn đến một kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài 10 ngày lịch sử.

Kỷ nguyên Heisei là một giai đoạn vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản, vì 30 năm qua đã chứng kiến thế giới đón nhận văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là anime, từ thị trường ngách dành cho ‘dân ghiền’ trở thành loại hình nghệ thuật được quốc tế kính trọng. Vì vậy, kết thúc kỷ nguyên Heisei dường như là cái cớ hoàn hảo để nhìn lại mười bộ phim hoạt hình hàng đầu đã ra đời trong thời gian trị vì của Nhật hoàng Akihito.

Kiki’s Delivery Service (1989/Năm Heisei thứ 1)

Bây giờ có vẻ không thể hiểu được, nhưng đến năm 1989, Studio Ghibli được sùng bái của Hayao Miyazaki, được thành lập năm 1985, vẫn chưa có phim nào thành công. Kiki’s Delivery Service, câu chuyện về một phù thủy trẻ rời nhà đến thành phố lớn, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Eiko Kadono, cần được bán tốt ở phòng vé bằng không hãng phim sẽ gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng. Nhưng bộ phim đã làm ăn thành công, trở thành phim có doanh thu cao nhất năm Heisei đầu tiên. Bộ phim đã thu hút khán giả bằng khắc họa một cô gái trẻ tìm kiếm sự độc lập – và thú cưng của cô, chú mèo biết nói dễ thương Jiji, cũng góp công.

Only Yesterday (1991/Năm Heisei thứ 3)

Bây giờ Hayao Miyazaki có thể là đạo diễn nổi tiếng nhất của Ghibli, nhưng khi hãng này được thành lập, đồng sáng lập Isao Takahata là đối tác cao cấp hơn, đã chỉ đạo nhiều phim tân-hiện thực, trưởng thành, đầy lùi những ranh giới của anime. Trong bộ phim đầu tiên của ông ở kỷ nguyên Heisei, Only Yesterday, Takahata lần theo cuộc sống của một người Tokyo tên Taeko, chuyến đi về nông thôn đưa những ký ức thời thơ ấu trở lại (tựa đề tiếng Nhật là Omoide Poro Poro, tạm dịch là ‘ký ức rơi như giọt mưa’ ). Không có rôbô, cô gái phép thuật hay người ngoài hành tinh cơ bắp nào trong tầm mắt, đây là bộ phim hoạt hình hoàn hảo cho bất kỳ ai ‘không lậm anime’.

Ghost in the Shell (1995/Năm Heisei thứ 7)

Với internet định hình lại cuộc sống, thập niên 90 là thời mọi người bắt đầu suy ngẫm về tương lai nối mạng công nghệ cao sẽ ảnh hưởng đến nhân loại như thế nào. Ghost in the Shell xuất hiện, bộ phim cyberpunk từ nhà làm phim phong cách Mamoru Oshii, pha trộn triết lý tương lai nặng nề và các pha hành động người máy hoạt hình tuyệt vời tạo ra một kiệt tác anime. Được những nhà phê bình như Roger Ebert bênh vực, Ghost in the Shell đã thành công đình đám ở nước ngoài và thậm chí truyền cảm hứng cho nhà Wachowski tạo ra tác phẩm cyberpunk kinh điển của riêng họ, The Matrix. Ồ, và bản làm lại người đóng ScarJo vài năm trước tốt nhất là nên bỏ qua.

End of Evangelion / Evangelion 1.0 / Evangelion 2.0 / Evangelion 3.0
(1997/Năm Heisei thứ 9; 2007/Năm Heisei thứ 19; 2009/Năm Heisei thứ 21; 2012/Năm Heisei thứ 24)

Neon Genesis Evangelion: The End of Evangelion (1997)

Khó mà nói quá về tác động của loạt phim truyền hình ăn khách Neon Genesis Evangelion. Phát sóng từ năm 1995 đến 1996, 26 tập phim đã đẩy những gì mà phim anime về một con rôbô khổng lồ có thể làm được, chạm vào những chủ đề về sự xa lánh và nỗi sợ hãi sau hai khoảnh khắc lịch sử đau đớn nhất trong kỷ nguyên Heisei: vụ tấn công khí độc sarin tại Aum Shinrikyo và thảm họa động đất Hanshin, cả hai đều xảy ra vào năm 1995. Bộ phim màn ảnh rộng End of Evangelion phiêu diêu năm 1997 được dự tính kết thúc câu chuyện, nhưng từ ‘Kết thúc’ trên tựa phim không chính xác – năm 2007 chứng kiến Evangelion 1.0 phát hành, bộ phim đầu tiên trong loạt bốn phần phim điện ảnh chiế rạp kể lại kể lại loạt phim truyền hình. Phim thứ tư được chờ đợi từ lâu dự kiến sẽ ra mắt năm 2020, biến Evangelion trở thành một hiện tượng kéo dài hai kỷ nguyên.

Perfect Blue (1997/Năm Heisei thứ 9)

Thành thật mà nói, có thể chọn bất kỳ bộ phim nào của đạo diễn Satoshi Kon, nhưng Perfect Blue, có lẽ là bộ phim hay nhất, hoàn hảo nhất của anh. Một câu chuyện ly kỳ kiểu Hitchcock, sự tự tin và thành thạo của nó thậm chí còn đáng chú ý hơn khi bạn biết Perfect Blue là tác phẩm đầu tay của đạo diễn. Câu chuyện về một thần tượng nhạc pop và một người hâm mộ có nỗi ám ảnh đi quá xa, bộ phim là sự phê phán hệ thống văn hóa đại chúng Nhật Bản và một phim kinh dị tâm lý phụ nữ-gặp-nạn ấn tượng sâu sắc. Buồn thay Kon đã qua đời vào năm 2010 khi mới 46 tuổi, nhưng vẫn kịp để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm anime kinh điển khác, bao gồm Millennium ActressPaprika.

Pokémon: The First Movie: Mewtwo Strikes Back (1998/Năm Heisei thứ 10)

Khi nói về di sản văn hóa đại chúng đáng kinh ngạc của Nhật Bản trong kỷ nguyên Heisei, khó mà không nhắc đến Pokémon. Thương hiệu quái vật – theo mọi nghĩa của từ này – bao gồm trò chơi video, phim hoạt hình, thẻ giao dịch, đồ chơi và nhiều thứ khác, lần đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1996 và phần còn lại của thế giới ngay sau đó. Pokémon: The First Movie là một phần của cuộc đổ bộ truyền thông đó, phiên bản màn ảnh rộng của bộ anime làm say mê trẻ em trên toàn thế giới. Nó còn sản sinh ra một loạt phim hàng năm, với phần phim năm 2019 sẽ là bản làm lại bộ phim gốc.

Spirited Away (2001/Năm Heisei thứ 13)

Đến cuối những năm 1990, Hayao Miyazaki có lẽ đã trở thành đạo diễn anime nổi tiếng nhất thế giới – và việc phát hành Spirited Away sẽ xóa tan mọi ngờ vực. Câu chuyện về một cô gái trẻ bước sang một thế giới khác, nơi cô ấy bị buộc phải lao động trong nhà tắm cho những sinh vật bí ẩn, Spirited Away đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Nhật Bản, một kỷ lục vẫn còn giữ đến ngày nay. Nó cũng đem về cho Miyazaki giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất, bộ phim Nhật Bản duy nhất giành được giải Oscar đó cho đến nay.

Summer Wars (2009/Năm Heisei thứ 21)

Nửa sau của kỷ nguyên Heisei chứng kiến sự nổi lên của Mamoru Hosoda, một đạo diễn bắt đầu học hỏi ở các chuỗi phim như Digimon, và One Piece, trước khi chuyển sang chỉ đạo các phim nguyên bản của riêng mình. Bước đột phá của ông là Summer Wars, bộ phim về một gia đình lớn sống ở vùng nông thôn Nhật Bản đã cùng nhau đánh bại trí thông minh nhân tạo đe dọa mang lại đại chiến hạt nhân. Sự phụ thuộc vào công nghệ của thời hiện đại là mối quan tâm danh nghĩa của câu chuyện, nhưng tầm nhìn đa tầng đáng ngạc nhiên về tình bạn, gia đình và cộng đồng mới là điều mang đến hồn phách cho bộ phim khoa học giả tưởng này. Hosoda đã thăm lại những chủ đề đó trong bộ phim mới nhất, Mirai, nhận được một đề cử Oscar năm nay.

Redline (2010/Năm Heisei thứ 22)

Khi kỷ nguyên Heisei diễn tiến và toàn bộ ngành công nghiệp hoạt hình bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào tạo hình vi tính, các nhà làm phim Takeshi Koike và Katsuhito Ishii đã làm ngược lại với Redline, một tác phẩm hoạt hình vẽ tay siêu động phải mất bảy năm để thực hiện. Câu chuyện về một cuộc đua xe hơi tương lai trên một hành tinh xa xôi, Redline đưa người xem vào chuyến đi đầy ắp adrenaline khiến họ cười mãi đến tận khi chạy hết ‘credit’ – ấy là nói những khán giả nào có xem đến đó. Bộ phim là một thất bại phòng vé, khiến nó có lẽ là phim hoạt hình analogue cuối cùng của thể loại vẻ vang này.

Your Name (2016/Năm Heisei thứ 28)

Trước khi Your Name được phát hành, đạo diễn của bộ phim, Makoto Shinkai, là một nhà làm phim được đánh giá cao, có đầu óc nghệ thuật có lượng người hâm mộ khiêm tốn. Vài tháng sau, anh là tác giả của bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại trên toàn thế giới. Your Name, câu chuyện kiểu Freaky Friday về hai người yêu nhau hoán đổi thân xác, đã trở thành hiện tượng trên toàn thế giới và có thể đã truyền cảm hứng cho Hayao Miyazaki từ bỏ chuyện nghỉ hưu. Phim mới nhất của Shinkai, Weathering With You, sẽ ra mắt vào mùa hè này – chúng ta sẽ xem liệu anh có thể ghi điểm anime thành công lớn đầu tiên của kỷ nguyên mới của Nhật Bản hay không.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time Out