Chú hề buồn bã.
Một hiện tượng, một ý tưởng quá quen thuộc. Pagliacci tội nghiệp, bên
ngoài thì cười, trong lòng thì khóc. Ai mà chưa từng thấy hình ảnh một
người thất tình, chỉ biết dùng những nụ cười buồn bã làm vũ khí phòng vệ
cuối cùng của mình. Nhiều danh hài thích bác bỏ hình ảnh này.
Nhưng cũng có nhiều danh hài lại chính là hiện thân của hình ảnh này.
Robin Williams
Robin Williams, 63 tuổi, đã khiến hàng triệu người cười đến đau bụng.
Nhưng sâu thẳm trong ông là một nỗi đau, nhiều lần khiến ông đắm chìm
trong trầm cảm và tìm tới ma túy.
Ngày 11/8 vừa qua, ông đã kết
thúc những nỗi đau đó, theo nhiều nguồn tin cho biết là do tự tử, tại
nhà riêng ở miền bắc California. Những điều tra ban đầu cho biết nguyên
nhân cái chết là do ngạt thở. Ông để lại ba người con và người vợ thứ
ba, Susan Schneider, kết hôn cùng ông năm 2011.
“Tôi vừa mất đi
một người chồng và một người bạn thân,” Schneider cho biết trong một
tuyên bố chính thức, “khi cả thế giới vừa mất đi một trong những con
người và nghệ sĩ tuyệt vời nhất. Trái tim tôi đang tan nát.”
Gần đây Williams đã tự nguyện tới trại cai nghiện, và đây không phải lần đầu. Khi
Happy Feet Two
ra mắt năm 2011 – trong phim ông lồng tiếng hai nhân vật – ông đã từng
nói chuyện thẳng thắn về những ngày ông gọi là “ngày đen tối” – khi ma
túy trở thành thứ duy nhất làm yên đi những nỗi lo sợ và ngờ vực trong
tâm hồn ông, những lời nói trong đầu ông.
Robin Williams trong một vai phát thanh viên truyền thanh Mỹ đóng tại Việt Nam trong phim Good Morning, Vietnam
“Nhật ký những ngày không nhớ gì,” ông từng kể, “gồm việc thức dậy, tự
hỏi, tôi đang ở đâu? À, à, nhớ rồi. Nhưng trong trạng thái đó, cuộc đời
có vẻ đơn giản hơn. Tiết kiệm được nhiều chi phí pháp lý. Và làm kê khai
thuế cũng dễ dàng hơn. ‘50.000 đôla chỉ để mua đồ ăn vặt à? Chỉ trong
một đêm?’”
Sinh ra trong gia đình khá giả miền tây nước Mỹ, con
trai một ông chủ hãng xe ô tô, Williams chào đời ở Chicago và lớn lên ở
ngoại ô Bloomfield Hills, Michigan, trước khi gia đình ông chuyển tới
miền bắc California. Williams, hồi bé là một cậu bé nhút nhát, bắt đầu
tỏa sáng trong những lớp kịch ở trường.
Năm 1973, ông tới
Manhattan, trở thành học viên một trong những khóa đầu tiên của
Juilliard School, trường đại học nghệ thuật hàng đầu nước Mỹ, nơi ông
gặp người bạn của phần còn lại cuộc đời, Christopher Reeve, và đắm mình
vào những buổi học vất vả gồm kịch Shakespeare, đấu kiếm, kịch Mỹ, và
hài kịch.
“Chương trình học do nhà sáng lập trường John Houseman
đặt ra,” ông kể. “Lý thuyết của ông ấy là bạn cần học làm tất cả - kịch
đường phố, điện ảnh, truyền hình, kịch ngẫu hứng, tất cả. Mục đích của
Juilliard là cho bạn những kỹ năng bạn có thể áp dụng cả đời với tất cả
mọi thứ. Hồi đó, ý tưởng như thế khá mới mẻ, nhưng ông cũng là một người
tiên tiến.”
Robin Williams (phải) cùng Pam Dawber trong phim Mork & Mindy
Tới năm 1978, một vai diễn khách mời trong phim truyền hình
Happy Days đưa Williams tới phim truyền hình tình huống của riêng mình,
Mork & Mindy. Bộ phim trở thành một thành công lớn, và tiếp theo đó, ông xuất hiện trong bộ phim điện ảnh,
Good Morning, Vietnam. Ông từng lồng tiếng Thần đèn trong
Aladdin của Disney, một trong những phim cột mốc cho một hãng phim vốn hấp dẫn không những trẻ em mà cả các bậc phụ huynh.
“Đó
là một phong cách diễn mới, trước đó họ chưa từng sử dụng phong cách
hài ngẫu nhiên trong phim hoạt hình,” ông nói. “Hồi đó tôi hỏi họ, ‘Tôi
thử cách này được không?’ Lúc không biết làm gì thì chỉ có thể diễn ngẫu
hứng. Tôi bắt đầu diễn khoảng 40 nhân vật khác nhau, cho rằng họ chắc
sẽ chẳng bao giờ sử dụng hết. Tất cả phát ra rất tự nhiên.”
Và đó
là Robin Williams, luôn luôn thúc đẩy bản thân với những sự xuất hiện
truyền hình, những buổi diễn từ thiện, sáng lập Comic Relief với Whoopi
Goldberg và Billy Crystal, và tổ chức những buổi diễn trực tiếp đầy
những tràng cười ngẫu hứng xối xả như thác đổ.
“Một số màn diễn
được dàn dựng, nhưng phần lớn là nhờ sự xúc tác của khán giả, của chính
ngày diễn, tình huống và từ đó bộc phát,” ông giải thích. “Đó chính là
điều vui nhất. Hài ngẫu hứng không phải lúc nào cũng trơn tru, hiệu quả,
nhưng khi được như thế, cảm giác không khác gì chạy tự do trong cánh
đồng bất tận.”
Robin Williams lồng tiếng Thần đèn trong Aladdin
Tuy thế, cuộc sống riêng của ông bắt đầu trở nên lộn xộn. Ông và người
vợ đầu tiên ly hôn năm 1988 (sau một vụ kiện ầm ĩ khi một cô bồi bàn ở
quán rượu buộc tội ông lây bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục cho cô);
một năm sau, ông kết hôn với bảo mẫu của con trai, lúc đó đã mang thai
người con tiếp theo của ông.
Ông cho biết, ông ngừng sử dụng
cocaine sau khi bạn ông John Belushi qua đời năm 1982, nhưng có những
lúc không cưỡng lại được cơn nghiện; năm 2006, ông lại vào trại cai
nghiện, lần này là do nghiện rượu, và hai năm sau đó, cuộc hôn nhân thứ
hai của ông cũng kết thúc trong ly hôn.
Nhưng trong tất cả những
sự hỗn loạn đó, ông vẫn làm việc – và bất chấp những nỗi đau trong cuộc
sống riêng tư – vẫn mang lại tiếng cười cho khán giả. Ông vẫn tiếp tục
có những buổi diễn hài ngẫu hứng. Ông xuất hiện trong những phim hài như
Mrs. Doubtfire,
The Birdcage và
Night at the Museum.
Robin Williams trong vai một diễn viên đóng giả làm bảo mẫu để được
gần các con ở với mẹ sau khi ly dị trong phim Mrs. Doubtfire
Và tất nhiên, như nhiều danh hài khác, ông ao ước nhiều hơn, ước được nhìn nhận là một nghệ sĩ và một người đàn ông. Với
Good Will Hunting, ông đã đạt được điều đó, với giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trong nhiều trường hợp khác -
Patch Adams, Jack, What Dreams May Come, Awakenings — các bộ phim đều được đánh giá cao.
Nhưng ông vẫn thúc đẩy bản thân, và những phim như
Dead Poets Society, The Fisher King, và
World’s Greatest Dad cho
thấy những đào tạo tại Juilliard không hề bị phung phí, và Williams
không chỉ là một anh hề, mà thực sự là một diễn viên. Một diễn viên luôn
sẵn sàng nhận những vai diễn khó và mạo hiểm.
“Tại sao các nhân
vật phải đáng thích?” ông từng hỏi. “Oedipus, ông ta có cần thiết phải
yêu mẹ thế không? Có cần thiết phải đâm mù mắt mình không? Sao ông ta
không đeo đôi kính mát vào? Tôi nghĩ những câu chuyện tuyệt nhất là
những câu chuyện đen tối, lạ lùng và thân mật một cách rùng mình.”
Robin Williams cùng Matt Damon trong Good Will Hunting, bộ phim mang về cho ông giải Oscar
Và cuộc đời của Robin Williams nhiều khi cũng như vậy.
Một cuộc đời ít ai hiểu hết.
Điều
gì dẫn tới việc ông trở lại cai nghiện vào năm nay? Ông đón nhận những
thất bại gần đây trong sự nghiệp truyền hình của mình khi bộ phim hài
tình huống
The Crazy Ones bị ngừng phát sóng như thế nào? Ông
còn đau buồn đến đâu về cái chết của người anh trai, Robert, sau một
cuộc phẫu thuật tim vào năm 2007? Có phải ông đã đặt câu hỏi với sự sống
của chính mình sau khi được thay van tim vào năm 2009?
Và những
màn hài hước của ông, đó có phải chỉ là một vỏ bọc bên ngoài? Những nỗi
đau, những sự đen tối nào còn ẩn dưới nụ cười kia? Ba năm trước, một
Robin Williams có vẻ đầy phong độ và tỉnh táo đã từng nói chuyện với
người viết về việc là một diễn viên hài và những nỗi sợ đi đôi với nghề
này.
Robin Williams trong vai John Keating trong Dead Poets Society
“Dù bạn tỉnh táo và vẫn còn tốt như ngày nào thì, tin tôi đi, bạn vẫn có
thể cảm thấy tự ti,” ông nói. “Những bóng quỷ sứ vẫn ở đó. Chúng vẫn
luôn thì thầm ‘ngươi là đồ bỏ đi, không là gì cả, hiểu không?’ Tôi không
biết tại sao tôi nhại giọng Edward G. Robinson khi nói về giọng nói đó,
nhưng hắn vẫn đâu đó trong tôi. Và rồi còn tiếng nói thứ hai, tiếng nói
của Peter Lorre, nói rằng ‘Đừng sợ, nghe tôi đi, Charlie Sheen nói
đúng, ông có dòng máu của hổ, cứ đi theo tôi, cứ bước lên sân khấu Oscar
không mặc quần.’ Các giọng nói đó vẫn vang vọng, luôn tồn tại ở đó. Như
George Carlin cũng từng nói – ‘Chỉ vì gánh xiếc đã đi khỏi, không có
nghĩa con khỉ nó chịu buông tha ngươi.’”
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi