Nhân vật & Sự kiện

Tại sao nên thích phim làm lại và khởi động lại?

19/03/2014

Trong vòng năm năm vừa qua, chúng ta được xem ngày càng nhiều các phim làm lại và khởi động lại – và người hâm mộ ai cũng tỏ ra chán ngán với hiện tượng này.

Mỗi tuần lại có thêm tin một bộ phim làm lại hay khởi động lại được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên không phải phim nào cũng được đưa lên màn ảnh rộng hay màn ảnh nhỏ. Murder She Wrote bản khởi động lại của NBC với Octavia Spencer là một nỗ lực trở lại với một bộ phim được nhiều khán giả yêu thích nhưng vẫn bị hủy. Tuy nhiên nhiều phim làm lại và khởi động lại khác vẫn được sản xuất.

Chỉ trong 2014 thôi chúng ta có bản làm lại Annie với GodzillaTeenage Mutant Ninja Turtles, và đó mới chỉ là vài ví dụ. Nhiều bộ phim khác đang được quay và dự tính sẽ ra được ra mắt trong những năm tới, gồm cả Akira và bản làm lại Scarface.

Dù các phim làm lại và khởi động lại đông đúc đến vậy, gần như tất cả các dự án này đều bị người hâm mộ bản gốc chê bai ngay từ lúc được công bố. Tất nhiên chẳng ai muốn thấy nhân vật mình yêu thích bị biến thành công cụ kiếm tiền của Hollywood, nhưng không phải phim làm lại và khởi động lại nào cũng mà âm mưu thu tiền từ một thương hiệu nổi tiếng sẵn, lạnh lùng vô hồn. Kể cả khi các phim làm lại thất bại, nó vẫn có thể có những ảnh hưởng tốt với bản gốc của phim. Đáng nói nhất là nó có thể khiến người ta chú ý tới một loạt phim vốn đã trôi vào dĩ vãng.

Vì thế, nếu bạn từng bực mình vì một bản làm lại hay khởi động lại phim bạn yêu thích, thì có thể điểm qua sau đây một số lý do bạn nên nhìn những phim này với con mắt khác.

Một số điều cơ bản cần lưu ý

Evil Dead (2013)

Trước khi bắt đầu, chúng ta hãy bàn một chút về những điều luật cơ bản để có một cuộc thảo luận thông minh.

Nếu bạn nghĩ tất cả các phim làm lại đều không cần thiết, không muốn nghe ý kiến khác về việc tại sao chúng có thể là hiện tượng tốt (dù bản thân phim có thể không hay) và chỉ muốn thấy Hollywood làm phim “bản gốc” thì hãy xem luôn ý thứ năm và cuối cùng của bài viết này.

Các từ “làm lại” (remake) và “khởi động lại” (reboot) thường được dùng như từ đồng nghĩa và một cuộc tranh luận về định nghĩa cho mỗi từ sẽ không thể dễ dàng kết thúc. Nhằm phục vụ mục đích của chúng ta, “phim làm lại” là những phim lẻ với nội dung phim đa phần giống những diễn biến trong phim cũ (ví dụ: Evil Dead), còn phim “khởi động lại” là phim với nỗ lực đưa ra thay đổi lớn nhằm bắt đầu lại một loạt phim mới (ví dụ: Star Trek).

Các phim làm lại/khởi động lại dù chất lượng đến đâu vẫn thêm sức sống cho phim gốc và các nhân vật gốc

RoboCop (2014)

Trong sự đa nghi của chúng ta, chúng ta đã tạo nên một hiện tượng không tài nào thắng nổi cho các nhà làm phim: một phim khởi động lại được người hâm mộ đón nhận phải a) không tạo những thay đổi lớn đối với tác phẩm gốc và b) là một bộ phim hay hơn bộ phim gốc. Nhưng nếu các nhà làm phim có thể tạo một phiên bản mới cho cùng một ý tưởng đó thì sao?

Gần đây bản làm lại RoboCop của José Padilha bị chỉ trích rất nhiều từ những người hâm mộ lâu năm, những người cho rằng bộ phim này là “không cần thiết” và là “một nỗi nhục” khi so với bản 1987 của Paul Verhoeven. Tuy nhiên đánh giá của những người đã xem phim không rạch ròi tới vậy. Phim nhận những lời khen chê đủ cả, nhưng đối với một bộ phim bị cho là mánh khóe kiếm tiền không biết xấu hổ từ ngày đầu tiên, vẫn có nhiều khán giả và nhà phê bình có những lời khen dành cho phiên bản hiện đại của Padilha. Bộ phim được cho là đánh đổi bạo lực hạng R để kể một câu chuyện hay về sự sinh tồn của con người.

Bản của Padilha có nhiều lỗi, nhưng dù yêu hay ghét, hay thậm chí không quan tâm, thì bạn cũng phải công nhận rằng bộ phim đã khiến người ta bắt đầu bàn tán về RoboCop, một thương hiệu mang lại RoboCop 2 gây buồn ngủ, và chìm nghỉm sau RoboCop 3 bị chê tả tơi, và hai phim truyền hình RoboCop: The Series RoboCop: Prime Directives. RoboCop có thể là phim được người hâm mộ yêu thích từ những năm 1980 nhưng sau 25 năm, có ai ngoài những người hâm mộ ruột kia từng xem phim chưa? Câu trả lời là: không có nhiều người. Trong từng ấy năm RoboCop còn không được chuyển thành bản độ phân giải cao để chiếu rạp. Bộ phim được ra đĩa Blu-ray nhưng là bản cũ và không được chỉnh sửa lại hình ảnh và âm thanh – tới khi bản làm lại này mới thúc đẩy MGM bắt tay vào làm bản Blu-ray hoàn toàn mới để ra mắt cùng thời điểm với phim của Padilha.

Gary Oldman trong RoboCop (2014)

Kể cả trong hoàn cảnh xuất nhất, khi bản làm lại hay khởi động lại thật sự là một sự sỉ nhục thì cũng vẫn khuyến khích được khán giả nhìn lại bản cũ và khiến họ quan tâm nhiều hơn tới bản cũ. Ngày nay, việc giữ được một bộ phim truyền hình hay điện ảnh trong ý thức của khán giả là điều rất quan trọng – đảm bảo rằng các nhà xuất bản, các bộ phận phân phát và các nơi bán băng đĩa không loại bỏ cái tên đó khỏi những mặt hàng của mình.

Những lời chỉ trích phim làm lại và khởi động lại góp phần nâng tầm của các phim điện ảnh và truyền hình cũ

Chúng ta đều có những ký ức đẹp về một số phim, nhưng ngày nay, với mỗi tuần đều có hai, ba phim bom tấn ra rạp, các thế hệ giải trí ngày nay được nhận quá nhiều lựa chọn. Vì những phim mang tính kinh điển từng được yêu thích ngày xưa dần bị lãng quên, nhất là khi không phải phim nào cũng “tuyệt vời” như ta nhớ. RoboCop của Verhoeven có phải là một bộ phim có nhiều chiều sâu hơn chỉ đơn thuần là một bộ phim về một cảnh sát người máy? Chắc chắn. Nhưng đây có phải là một phim kinh điển bất khả xâm phạm trong nhiều thế hệ nữa? Một bộ phim có ảnh hưởng tới mức ngày nay có thể ảnh hưởng nhiều tới khán giả như nó từng làm vào năm 1987? Có lẽ không.

RoboCop (1987)

Nhiều khán giả bỏ qua những phim làm lại và khởi động lại như những mưu đồ kiếm tiền nông cạn, lợi dụng tình cảm người xem dành cho bản gốc và được làm ra chỉ với mục đích thêm thắt những kỹ xảo rối mắt. Nhưng hạn chế lâu dài lớn nhất của những phim từng tạo tiếng vang không phải là hình ảnh, mà là hoàn cảnh. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi biên kịch và đạo diễn từng làm những phim lưu lại với thời gian như RoboCop đã tìm một tình huống có sức hấp dẫn lâu dài và bọc quanh nó những ý tưởng khác có ý nghĩa hơn vào thời điểm phim được ra mắt.

Nhưng thời thế thay đổi, những yếu tố tạo tiếng vang trong bản gốc vào thời điểm đó lại không thể có tác động văn hóa tương tự ngày nay. Tức là RoboCop (1987) khó có thể có ý nghĩa tới vậy với khán giả hiện đại như nó từng có vào thập kỷ 1980, dù ý tưởng gốc đằng sau bộ phim vẫn có thể được sử dụng để đưa ra những lời bình luận về xã hội hiện đại.

Không thể phủ nhận, những phim kinh điển nên được trân trọng vì chúng có khả năng dạy chúng ta về nền văn hóa của thời đại chúng được sinh ra, nhưng thật khó có thể khẳng định rằng kể cả những người yêu phim nhất cũng có thể có trải nghiệm và phản ứng giống nhau với bộ phim ở thời điểm phim ra mắt trước và sau đó 25 năm. Điều này cũng không biến RoboCop – hay bất cứ bộ phim nào khác được làm lại – trở nên kém hơn. Chúng đều là những phim hay từ những nhà làm phim có tài – nhưng điều này không có nghĩa các phim này được yêu thích khắp nơi, hay chúng ta nên tẩy chay những góc nhìn mới (với những lời bình luận phù hợp hơn với tình hình xã hội hiện đại). Những phim làm lại có thể cho các nhân vật từng được yêu thích có một kiếp sống thứ hai và cơ hội tạo ảnh hưởng tới những thế hệ khán giả mới.

Các phim làm lại và phim khởi động lại khiến các khái niệm “cũ” trở nên “mới” hơn cho khán giả

Benedict Cumberbatch trong vai Sherlock Holmes hiện đại, trong phim truyền hình Sherlock của BBC (Anh)

Tưởng tượng lại các nhân vật có sẵn không phải là hiện tượng mới. Trong nhiều thế kỷ, các nghệ sĩ đã tái tạo những sáng tác của người khác – từ việc kể truyền miệng, trong các tác phẩm văn học viết và trên đài phát thanh. Điện ảnh chỉ là phương pháp kể chuyện mới nhất và có sức với rộng rãi nhất trong những cách tái tạo các câu chuyện về những nhân vật được yêu thích. Trong năm năm trở lại đây, có số lớn phim làm lại và khởi động lại, nhưng tính tương đối so với 100 năm lịch sử điện ảnh Mỹ, chưa có điều gì cho thấy những câu chuyện kể lại này sẽ biến mất.

Tại sao RoboCop hay Necronomicon lại đáng giữ nguyên bản hơn Robin Hood hay Sherlock Holmes? Có phải chỉ vì những nhân vật của tác phẩm đó chỉ mới được người thế hệ của chúng ta thưởng thức, trong khi những tác phẩm cũ hơn kia hiện nay không thuộc bản quyền của bất cứ ai còn sống? Những người yêu thích Robin Hood: Prince of Thieves hay Sherlock của BBC (còn chưa nói tới Elementary của CBS), và nhiều tác phẩm khác, không thể phản đối việc giới thiệu lại những nhân vật vốn được yêu thích với một nhóm người hâm mộ tiềm năng khác, hay cho rằng việc này là không tôn trọng tác phẩm gốc.

Nếu nhân vật thực sự quan trọng như người hâm mộ đánh giá – một “biểu tượng” không chịu sự mài mòn của thời gian, với chiều sâu và tiềm năng kể chuyện vô hạn – thì thương hiệu đó nên đủ sức chịu đựng những phiên bản kể lại không mấy xuất sắc. Ta cũng cần công nhận rằng dù một phim làm lại có thất bại thì Hollywood cũng không nản chí với những thương hiệu có khả năng kiếm tiền và vài năm sau sẽ lại lôi nó ra khỏi góc kho nào đó, thổi bụi và làm lại.

Johnny Lee Miller trong vai Sherlock và Lucy Liu trong vai Joan Watson trong Elementary,
cũng là một phim truyền hình về Sherlock Holmes thời hiện đại, của CBS (Mỹ)

Việc xem những phim chúng ta từng yêu thích được tái chế trong hệ thống các hãng phim bom tấn không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu chấp nhận rằng những bản làm lại và khởi động lại là không tránh được, người hâm mộ sẽ không phải cảm thấy thất vọng khi một bản trong số đó đi chệch hướng. Điều này quan trọng hơn khi chúng ta cũng có những bản làm lại được làm tốt – khi một đạo diễn giỏi sử dụng một ý tưởng trong phim gốc và làm nên một bộ phim mà cả những người hâm mộ mới và cũ đều có thể yêu thích.

Đừng quên: có rất nhiều bản làm lại và khởi động lại hay

Hollywood đã từng làm ra quá nhiều phim làm lại rác rưởi, không thể tạo chút hứng thú nào cho người xem, nhưng cũng đã có những bản làm lại thực sự hay: những phim không những thêm sức sống cho thương hiệu và tạo ra những chương mới cho một loạt phim vốn được yêu thích. Người hâm mộ có thể cho rằng câu hỏi đầu tiên các hãng phim nên đặt ra với một ý tưởng phim mới là: “Phim này sau này có thể được làm lại hay không?” Nhưng nếu ai quen với cách hoạt động của ngành giải trí thì sẽ biết rằng đây không phải vấn đề đáng lo nhất – việc trước mắt phim có thể kiếm ra tiền hay không mới là vấn đề.

Ngược lại, câu thực sự là: “Làm lại ý tưởng này một cách gây nhiều hứng thú nhất như thế nào?” Sáng tạo là một yếu tố quan trọng mà từ đầu có thể chia rạch ròi những bản làm lại hay và những bản làm lại chán, trong khi các biên kịch và nhà làm phim cố gắng vừa tôn vinh tác phẩm cũ có trước và cập nhật và đưa ý tưởng vào chương mới. Trong vòng mười năm trở lại đây, chúng ta có những bản làm lại ở nhiều thể loại khác nhau. Sau khi Joel Schumacher biến Batman phong cách gothic của Tim Burton thành một phim hoạt hình lộn xộn, Christopher Nolan giới thiệu một góc nhìn hoàn toàn mới cho các nhân vật này trong Batman Begins – mở đường cho những doanh thu phòng vé phá kỷ lục và những lời khen ngợi không ngớt. Dù có một loạt người hâm mộ hùng hậu, Star Trek là một thương hiệu lận đận nhiều năm, không thể thu hút được sự tiếp tục chú ý của khán giả truyền hình. Nhưng khi Paramount thuê J.J. Abrams làm một phim điện ảnh làm lại, nhiều khán giả bỗng phải nhận ra tại sao Star Trek 'đỉnh' tới vậy (mà các người hâm mộ lâu năm cũng không quá thất vọng).

Nhưng những phim làm lại thành công không chỉ tồn tại trong thập kỷ vừa qua. Với việc làm phim sáng tạo, nhiều khán giả sẽ ngạc nhiên khi nhận ra nhiều phim “kinh điển” yêu thích của họ cũng là phim làm lại.
  • The Thing (1982) của John Carpenter – làm lại từ phim năm 1951 của Christian Nyby và Howard Hawks, The Thing from Another World (dựa theo tiểu thuyết của John W. Campbell, Who Goes There?)
  • Ocean’s Eleven (2001) của Steven Soderbergh – làm lại từ Ocean’s Eleven (1960) của Lewis Milestone.
  • The Fly (1986) của David Cronenberg – làm lại từ The Fly (1958) của Kurt Neumann.
  • Phim ly kỳ Cape Fear (1991) của Martin Scorsese – làm lại từ Cape Fear (1962) của J. Lee Thompson (dựa theo tiểu thuyết của John D. MacDonald, The Executioners)
  • Homeward Bound: The Incredible Journey của Duwayne Dunham – làm lại từ The Incredible Journey (1963) của Fletcher Markle (dựa theo tiểu thuyết của Sheila Burnford).
  • Scarface (1983) của Brian De Palma – làm lại từ Scarface (1932) của Howard Hawks.

Star Trek (2009)

Mạng Internet cho chúng ta được tiếp cận quá trình sản xuất phim một cách chưa từng có từ trước tới nay, cho phép chúng ta biết từng chi tiết về một bản phim làm lại từ trước khi phim ra rạp nhiều tháng. Vì thế thật dễ quên đi rằng những phim làm lại chúng ta yêu thích đều có những mạo hiểm vô cùng lớn lao, tách rời bản thân khỏi những phiên bản gốc đầy vinh quang, nhằm mục đích khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn với khán giả hiện đại. Ai là người có quyền quyết định một bản làm lại là “cần thiết” hay không? Nếu phim làm lại và khởi động lại sẽ không đi đâu cả, chúng ta có thật muốn các nhà làm phim làm những “phiên bản hay hơn” về cùng y hệt một ý tưởng? Tại sao không tôn vinh những nhà làm phim dám mạo hiểm, biến những phiên bản mới thành thực sự mới mẻ hơn, dù có thể thỉnh thoảng họ cũng phải thất bại?

Trừ phi ta thực sự muốn Hollywood chỉ thôi nghĩ tới việc làm phim từ những câu chuyện cũ kỹ và cho chúng ta gì đó thực sự mới mẻ.

Quên phim làm lại và khởi động lại đi: phim gốc đi đâu hết rồi?

Her (2013)

Ngạc nhiên chưa! Các hãng phim vẫn đang đều đặn làm ra những phim gốc nhưng khán giả lại không thèm đi xem. Trên thực tế, mỗi năm sau khi Viện Hàn lâm công bố các đề cử, các hãng phim lại cho chiếu lại một số các phim kịch bản gốc tại rạp để những người chưa từng xem những phim này vào thời điểm công chiếu đầu tiên có thể có cơ hội thứ hai xem phim. Nhưng ngay cả lúc đó nhiều người vẫn không muốn xem – và số phim được đề cử chỉ là một số rất nhỏ trong một nhóm lớn những phim kịch bản gốc chất lượng cao được ra mắt mỗi năm.

Sau hai tháng chiếu rạp, Her của Spike Jonze được bàn tán khắp nơi và được cho là một trong những kịch bản gốc táo bạo nhất trong nhiều năm, và có doanh thu toàn cầu tuần đầu tiên chỉ kém RoboCop 5 triệu USD. Vào lúc viết bài này, Her có tổng doanh thu 23 triệu USD toàn cầu trong vòng chín tuần, trong khi RoboCop có doanh thu 30 triệu USD ở Mỹ trong vòng năm ngày đầu. Tất nhiên những con số này không là tất cả: Her có chi phí làm phim nhỏ hơn nhiều, tức là phim dễ thu lãi hơn, nhưng cũng được quảng bá ít hơn và được chiếu trong thời gian ngắn hơn.

Không thể phủ nhận những 'mọt' phim thực sự sẽ muốn ủng hộ những phim độc lập, phim nước ngoài và phim thử nghiệm, nhưng thật khó trách Hollywood muốn trở lại với những thương hiệu đã tồn tại – những ông chủ các hãng phim đầu tư vào các dự án làm lại mới cũng đang đổ tiền vào những phim kịch bản gốc nữa (những phim có số khán giả tiềm năng rất thấp). Trên thực tế, nếu không phải là vì có những phim bom tấn làm lại, khởi động lại, nhiều hãng phim sẽ không có đủ tiền đầu tư vào những phim kịch bản gốc mạo hiểm kia. Những phim làm lại thất bại cũng khiến các hãng tổn thất nhiều nhưng nếu không phải vì họ từng mạo hiểm với Batman Begins, phim đã trở thành một bộ ba thu về 2,5 tỉ USD tại phòng vé, Warner Bros. sẽ có thể không có tiền để làm Her hay để có thể quảng bá cho phim có được thành công như thế.

Nebraska (2013)

Đây là một thực trạng khó nuốt nhưng kể cả những khán giả ghét phải thấy những loạt phim mình yêu thích bị Hollywood nhai đi nhai lại vẫn có lý do phải ủng hộ những phim làm lại và khởi động lại này.

Kết

Việc chúng ta yêu thích những bộ phim, phim truyền hình và thương hiệu từng cùng ta lớn lên là điều dễ hiểu, và cũng vì thế ta cũng dễ nhìn những phim làm lại và khởi động lại với con mắt ngờ vực. Nhưng với mỗi Rollerball (2002) – thất bại cả ở phòng vé lẫn với giới phê bình – ta lại có một Dredd (2012) – một góc nhìn sáng tạo khác, hay một Charlie and the Chocolate Factory (2005) – một phim thành công vang dội tại phòng vé.

Không phải phim làm lại và khởi động lại nào cũng có thể thay thế những ký ức và trải nghiệm khiến chúng ta phải thích thú trong nhiều năm với phiên bản gốc, nhưng điều đó không có nghĩa rằng với hướng chỉ đạo đúng, các phim làm lại và khởi động lại cứ phải bị cho là sự xuyên tạc những gì tốt đẹp của bản gốc. Kể cả những phim làm lại tồi tệ cũng là cơ hội cho người hâm mộ nhìn lại phiên bản cũ mà họ yêu thích, thu hút sự chú ý của những khán giả chưa từng biết đến tên phim này.

Nếu tất cả những điều này không thuyết phục bạn, bạn nên nhớ, thời gian giữa các bản khởi động lại có vẻ đang rút ngắn hơn bao giờ hết. (Chỉ có năm năm trôi qua kể từ khi Spider-Man 3 ra mắt và The Amazing Spider-Man được đưa vào sản xuất). Nhiều phim còn được làm lại vài lần. Vì thế nếu Hollywood có làm be bét một ý tưởng phim bạn từng yêu thích, bạn vẫn có thể hy vọng lần sau họ sẽ làm tốt hơn.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi