Tin tức

10 điều bạn cần biết về 47 Ronin

18/12/2013

Đạo diễn 47 Ronin miêu tả bộ phim này là “Kurosawa dùng chất kích thích.”

1. Ronin là gì?

Nói đơn giản thì một Ronin là một samurai không có người lãnh đạo.

47 Ronin kể về một câu chuyện nổi tiếng của Nhật Bản. Được cho là truyền thuyết, nhưng câu chuyện dựa theo những sự kiện có thật diễn ra vào đầu thế kỷ 18. Chuyện kể về một nhóm samurai muốn báo thù cho cái chết của người dứng đầu nhóm họ, để lấy lại danh dự trước khi tự sát theo quy tục đạo sĩ Bushidō. Đây còn là một ngày lễ ở Nhật Bản và đã nhiều lần được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh.

Giờ đây, đạo diễn Carl Rinsch rất hiểu sức ép với việc chuyển thể một câu chuyện như thế này. “Khi tìm hiểu lần đầu, tôi đã nghĩ, đây là một câu chuyện mang tính thiêng liêng, tôi không muốn hạ thấp nó, không muốn làm hỏng một phần lịch sử vẻ vang của cả một đất nước. Nhưng rồi tôi cũng nhận ra, một phần hay của làm phim cũng là quá trình biến câu chuyện thành của riêng mình.”

2. Chūshingura là gì?

Trong đoàn làm phim, có hai từ được dùng tương đương nhau: Ronin và Chūshingura. Nhưng có sự khác biệt khá quan trọng giữa hai từ này. Ronin là câu chuyện gốc – nhóm Ronin lang thang báo thù, nhưng Chūshingura chỉ cách câu chuyện được kể lại. Khái niệm này hơi giống Shakespeare, câu chuyện có thể được kể theo nhiều cách khác nhau, những chi tiết nhỏ thay đổi, bối cảnh thay đổi, miễn là những yếu tố chủ chốt vẫn được giữ nguyên.

Kuranosuke Ôishi (Hiroyuki Sanada đóng)

Rinsch rõ ràng đang biến câu chuyện thành của riêng mình. Đây không chỉ là một bộ phim kể lại huyền thoại này, mà là một cách chuyển thể đầy tham vọng của Hollywood, cho thêm các yếu tố giả tưởng vào câu chuyện. Rinsch cũng kết hợp nhiều yếu tố phương Tây – như nhân vật Kai của Keanu Reeve – để cho bộ phim dễ tiếp cận khán giả toàn cầu hơn.

3. Truyền thuyết phương Đông còn hấp dẫn hơn truyện của Marvel

Việc kết hợp các yếu tố giả tưởng vào 47 Ronin là một phần lớn của bộ phim này, và tồn tại từ những bản kịch bản đầu tiên.

Nhưng làm thế nào để biến câu chuyện về samurai thành một bộ phim giả tưởng quy mô lớn? Nếu nhìn những phác thảo nháp của bộ phim, rõ ràng các nhà làm phim đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này từ đầu.

“Tôi muốn tìm những nhân vật giả tưởng tôi ít biết đến,” Rinsch cho biết. “Tôi biết có loại bia tên Kirin (kỳ lân) nhưng không hề tưởng tượng được con kỳ lân trông như thế này hay võ sĩ Tengu là gì. Tôi không biết chiến binh Tengu là gì, và càng tìm hiểu, tôi càng thấy những truyền thuyết của Nhật Bản có nhiều nhân vật hấp dẫn hơn bất cứ câu chuyện nào mà Marvel có thể tạo ra.”

“Vì thế tôi đã lên ý tưởng, mình có thể làm một bộ phim hoàn toàn mới. Phiên bản 47 Ronin của chúng tôi, câu chuyện Chūshingura của chúng tôi sẽ là một trang sử thi về samurai giả tưởng.”

Phong cách làm phim hơi theo hướng Lord of the Rings hay ngay cả Pan's Labyrinth – đen tối nhưng vẫn đầy sức mạnh thiên nhiên, bám lấy nền văn hóa gốc.

Ví dụ, một trong những cảnh ở đầu phim là một cuộc săn kỳ lân. Nhưng như trailer phim cho biết, 47 Ronin còn khai thác nhiều sinh vật huyền bí phương Đông khác nữa, tạo ra những hình ảnh chưa bao giờ xuất hiện trên phim Hollywood.

Liệu phim có thể vượt qua Marvel? Đó là một lời khoác lác khá lớn – nhưng chắc hẳn chúng ta sẽ có nhiều hình ảnh mới mẻ trong phim này.

4. Lợi dụng tất cả các công cụ

Từ trailer đầu tiên, rõ ràng là bộ phm kết hợp các cảnh quay trên địa điểm thật, kỹ xảo hình ảnh và hiệu ứng đặc biệt để tạo nên thế giới giả tưởng của mình. Đây là một sự kết hợp tinh kế và không chỉ phụ thuộc vào màn xanh. Ở bãi sau của phim trường Shepperton, họ dựng lên những ngôi làng và cung điện Nhật Bản thời phong kiến, và tất cả được tô điểm trong phần hậu kỳ. Trong quá trình làm phim, họ muốn tận dụng tất cả công nghệ có được.

“Thay vì làm phim như 300 để trông giống như quay phim trước màn xanh,” đạo diễn Rinsch nói, “chúng tôi đã kết hợp tất cả. Chúng tôi sẽ không chỉ làm phim với kỹ xảo và cũng không làm một bộ phim cổ trang đơn thuần. Chúng tôi dựng phông cảnh lớn, trang phục rực rỡ, những cảnh hành động hoành trang và đưa tất cả lên tầm cao hơn với kỹ xảo hình ảnh, những nhân vật đồ họa. Bạn sẽ không phân biệt được đâu là thật đâu là giả.”

Rinsch còn tỏ ra lo sợ một số cảnh dựng thật sẽ bị khán giả nhầm là không thực, vì quy mô của chúng quá lớn khi kết hợp với công nghệ 3D. “Có một số cảnh, khi xem, chúng tôi sợ khán giả sẽ không tin chúng tôi dựng những bối cảnh này thật, và sẽ cho rằng đây đều là màn xanh hết.”

Trang phục là một yếu tố làm bộ phim sống động hơn

5. Phim sẽ khác truyền thuyết gốc

Nếu bạn là một học giả về lịch sử Nhật Bản, bạn chắc sẽ không thể chấp nhận nhân vật của Keanu Reeves. Không có ý đánh giá diễn xuất của anh gì cả, nhưng việc nhân vật của anh tồn tại – một Kai với dòng máu – là sự xuyên tạc rõ ràng. Nhưng anh là một nhân vật quan trọng, cho phép khán giả quốc tế nhìn qua ống kính của anh, vào một thế giới rất mới mẻ.

Đây cũng là một vấn đề được bộ phim đối mặt từ đầu. “Tôi bị cuốn hút bởi một nhân vật đứng ngoài lề,” Reeves thừa nhận. “Anh sống trong xã hội đó nhưng phần nào cũng là người ngoài, dù anh muốn đắm mình vào đó, muốn chiến đấu vì những giá trị đó.”

Nhưng Reeves không chỉ đóng vai một anh chàng người Mỹ ở nước ngoài. “Đây không phải vấn đề chủng tộc. Ta đang nói tới khái niệm người ngoài hơn.”

“Bạn xem phim qua góc nhìn của Kai, nhưng phần nào cũng là qua góc nhìn của nhà làm phim. Tôi không biết khái niệm danh dự và trả thù này có xa lạ quá với khán gia phương tây hay không. Tôi nghĩ một số yếu tố hoạt động trong một nhóm có thể lạ lùng, nhưng tôi không chắc. Còn về những quy định như phải cúi chào đến đâu, có thể khiến mọi người cảm thấy khó hiểu.”

6. Keanu Reeves rất thích 3D

Bầu trời là cảnh thật, không phải kỹ xảo đâu

Khi người viết đến thăm phim trường vào tháng 6/2011, 3D vẫn là một khái niệm mới mẻ ở Hollywood. Giờ đây nó được sử dụng rộng rãi hơn. Chúng ta thấy nhiều phim bom tấn dùng định dạng này, và cả những phim nghệ thuật như Hugo nữa. Trên phim trường đã có nhiều kế hoạch đưa định dạng để khiến 47 Ronin sống trên màn hình. Họ không muốn tạo ấn tượng theo kiểu rồng bay ra khỏi màn hình, mà muốn khiến bộ phim có không khí sân khấu.

“Tôi rất thích định dạng 3D," Reeves nói. "Tôi có nghe Carl nói một chút về máy quay cần dùng và sự khác biệt với việc quay bình thường… Khi nói tới 3D thường người ta nghĩ tới các thứ nhảy ra khỏi màn ảnh, nhưng thật ra bạn lại có khoảng chìm – họ gọi là thế, tức là phong cảnh – và mọi thứ diễn ra trong khoảng nổi, tức là khoảng không của khán giả.”

“Bạn có thể có hình ảnh nổi lên, nhưng hình ảnh cũng phải có chiều sâu. Khi xem bạn phải cảm nhận được chiều sâu hình ảnh đó và bước vào câu chuyện đó. Như thế cũng giống như bước lên sân khấu nơi diễn viên diễn. Tôi mong chờ những sáng tạo sau này về cách sử dụng 3D.”

7. Võ sĩ đạo là yếu tố quan trọng nhưng khó giải thích

Võ sĩ đạo là các quy tắc đạo đức của các võ sĩ (samurai), một yếu tố quan trọng giúp khán giả hiểu được những gì thúc đẩy hành động của nhóm Ronin. Nhưng đối với khán giả phương tây, đây là một khái niệm khó giải thích. Nó nằm sâu trong một nền văn hóa hoàn toàn khác.

“Tôi cũng không chắc mình có thể hiểu võ sĩ đạo một cách rõ ràng,” Reeves thừa nhận. Dần dần anh cũng tìm hiểu thêm, sau khi làm việc với các bạn diễn người Nhật.

Đạo diễn Carl Rinsch cùng diễn viên Keanu Reeves

Nhưng đạo diễn Carl Rinsch phải đắm mình vào những quy tắc này một cách sâu sắc hơn vì khái niệm này ở trung tâm câu chuyện. Tại sao phải đi trả thù cho người lãnh đạo của mình để giữ danh dự cho ông ta? Khái niệm này với người phương tây thực sự khó hiểu, vì họ luôn nhìn những người ở các vị trí quyền lực với ánh mắt ngờ vực và đa nghi.

“Chúa của tôi bị giết và tôi đi báo thù,” đạo diễn giải thích. “Làm thế nào để tôi tự giải thích khái niệm này cho bản thân? Là người phương Tây, chúng ta bầu cử cho người lãnh đạo và đến lúc đó ta cũng chẳng còn tin tưởng được họ. Nếu họ bị ám sát thì thôi, chúng ta đi bầu người khác thế vào. Chúng ta luôn có cái nhìn đa nghi với quyền lực. Vì thế, khái niệm rằng khi người nắm quyền chết tức là mọi thứ đang chực sụp đổ, và chúng ta phải hy sinh tất cả vì báo thù, vì danh dự của họ, đó là điều khó hiểu. Tôi phải chuyển sang tự hỏi bản thân, nếu người bị giết là cha tôi thì sao? Tôi sẽ làm gì? Bạn có thể đánh đổi những gì để báo thù cho cha mình?”

Bí quyết làm nên thành công của bộ phim là các nhà làm phim chuyển tải những khái niệm này có tinh tế hay không.

8. Đây cũng là một câu chuyện tình

Đây không chỉ là một bộ phim về báo thù khát máu. 47 Ronin còn là một câu chuyện tình, giữa Kai và Mika.

“Khi còn bé, tôi gặp công chúa. Giữa hai chúng tôi có một mối quan hệ gần như mối tình đơn phương. Chúng tôi không thể đến bên nhau.”

9. Keanu Reeves dùng kiếm khá cừ nhưng không bằng Hiroyuki Sanada

Là một phim về samurai, kiếm là vũ khí thông dụng và Reeves cũng trở nên khá thành thạo.

“Năm ngoái tôi mới bắt đầu luyện kiếm katana," Reeves nói.

“Nhưng Hiroyuki Sanada rất tuyệt với cây kiếm này. Tôi còn nhớ có lần chúng tôi thử máy quay và tôi hỏi anh ấy đã đóng bao nhiêu phim samurai rồi. ‘Hai mươi.’ ‘Thế à.’ Sau này khi tôi hỏi anh ấy đóng bao nhiêu phim samurai thì anh ấy lại bảo là 30.”

Ai sẽ thắng cuộc?

10. Không có cái kết có hậu… ít nhất là không nên thế

Cái kết câu chuyện 47 Ronin khá nổi tiếng.

Sau khi báo thù, các Ronin tự sát theo quy tắc võ sĩ đạo. Nhưng Rinsch phải làm thế nào khi ở Hollywood họ luôn muốn các phim mới phải có khả năng được biến thành phim nhiều phần?

Rinsch kiên quyết rằng bộ phim sẽ bám sát nguyên tác về cái kết.

“Bạn không thể có cái kết nào khác,” Rinsch nói. “Nhưng thế sẽ là làm mất cái hồn của cả câu chuyện. Bạn không thể phản bội quy tắc chính cảu câu chuyện. Không thể bảo là, thôi họ sẽ không chết nữa, báo thù xong rồi thì đi nghỉ, để đấy để còn có phần hai, có thể trong phần hai họ mới chết. Không thể làm thế được. Vì thế, tôi cho rằng cái kết này là cái kết can đảm từ phía Universal.”

Nhưng khán giả phương Tây có hiểu được không? Khái niệm tự sát vì danh dự có làm thỏa mãn được họ trong một phim bom tấn?

“Vấn đề với phim của Hollywood là chúng ta không có vấn đề gì với việc giết người. Butch Cassidy and the Sundance Kid, chẳng sao cả. Cả Thelma and Louise, không sao. Nhưng chúng ta giết người trong trạng thái chống đối, thách thức. Nhân vật bước vào một cơn mưa đạn để chứng minh điều gì đó. Tuyệt! Nhưng một cái chết nghiêm trang, đây là công lý, tôi đã giết người và thay vì vui mừng, tôi phải trả giá. Tôi nghĩ, ít nhất với bản thân tôi, tôi thấy khó chấp nhận. Nhưng tôi nghĩ vì thế chúng tôi sẽ thành công với khái niệm này.”

Chúng ta sẽ không phải đợi lâu để biết xem Rinsch có thực sự thành công không. 47 Ronin ra rạp vào dịp Giáng sinh 2013.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi