Bình luận phim

47 Ronin

26/12/2013

Với Keanu Reeves trong vai chính, bộ phim bị trì hoãn nhiều của Carl Rinsch không đóng góp thêm điều gì mới mẻ cho thể loại phim samurai.

Nhiều khi có những bộ phim vào rạp theo sau những lời bàn tán đồn đại không mấy tích cực liên quan tới ngày ra mắt thay đổi, tin đồn về bất hòa trên phim trường và ngân sách mất kiểm soát. Những lúc như thế, bản thân bộ phim không còn nhiều giá trị, và dường như ra mắt chỉ theo thủ tục. Đó có vẻ là số phận của 47 Ronin, một bộ phim không mấy xuất sắc, quá dài, ra rạp sau một thời gian chờ đợi dài, và ta phải công nhận đợi lâu như thế chẳng đáng chút nào.

Keanu Reeves, trái, cùng Hiroyuki Sanada trong cảnh phim 47 Ronin

Phim mở ra với lời kể về một mối thù hận lâu năm ở Nhật Bản thời phong kiến. Chắc các nhà sử học cũng sẽ thích thú nhận ra, lời kể thêm rằng đây là một thời đại của phép phù thủy và yêu quái. Kai (Keanu Reeves) – suốt phim bị gọi là “tên lai” dù không hiểu lai ở đây là lai Anh hay lai yêu quái – sống đầy đọa trong rừng, được Lãnh chúa Asano tốt bụng bảo vệ.

Sau khi Asano bị ép tự sát sau một sự vụ mà ông bị yêu quái ám, đội ngũ đồ đệ samurai của ông, do Oishi dẫn đầu, trở thành những võ sĩ không có lãnh đạo, được gọi là Ronin. Lãnh chúa Kira độc ác cùng lúc đó để mắt tới con gái của Asano, Mika, và Kai, Oishi và các Ronin khác lên đường cứu Mika và báo thù cho Asano.

Quá trình quảng bá phim tập trung nhiều vào Reeves, vì thế nhiều người ban đầu có thể thắc mắc, không hiểu Keanu đi đâu rồi? Những nhân vật kia cuối cùng là ai?

Reeves thật ra cũng có vai trò lớn, nhưng quá trình kể chuyện và phần lớn thời gian chúng ta cũng tập trung vào các nhân vật khác như Hiroyuki Sanada trong vai Oishi, Tadanobu Asano trong vai Kira, Kô Shibasaki trong vai Mika và Rinko Kikuchi trong vai phù thủy phản bội. Những ai bước vào muốn xem Keanu khắp nơi sẽ thất vọng.

Bộ phim đến đúng vào lúc chuyển giao sự nghiệp của Reeves. Anh đang trong một chuỗi những phim có vẻ được chọn vì tình cảm, như phim tài liệu Side By Side hấp dẫn về việc quay phim truyền thống và làm phim kỹ thuật số, và Man of Tai Chi, tác phẩm đạo diễn đầu tay. Trong phim đó, Reeves vào vai một người đứng đầu một băng nhóm nổi loạn hoạt động ngầm, dường như được làm để thỏa mãn cơn khát của người hâm mộ phim võ thuật.

47 Ronin, của đạo diễn Carl Rinsch, lại không có chút sức lực hay tình cảm nào. Một bộ phim về danh dự và tình nghĩa, có một chút gì hơi khiên cưỡng trong bộ phim, như thể các nhân vật bị tách rời khỏi bối cảnh, họ hành động vì tôn trọng nhưng không hẳn vì họ hiểu những truyền thống đằng sau những gì họ làm. Dựa trên sự kiện lịch sử, bộ phim lại mô phỏng một cuộc sống phong kiến Nhật Bản đầy yếu tố giả tưởng.

Rinsch, trong phim truyện đầu tiên của mình, chứng minh sự thiếu kinh nghiệm, và thời gian làm phim quảng cáo dựa theo hình ảnh trước đây của anh không đủ để giúp anh làm phim truyện. Phim có nhiều hình ảnh đẹp và kỹ xảo khiến người ta lác mắt, nhưng không có nhiều chất truyện.

Bộ phim cuối cùng trở nên không khác gì câu nói đùa về việc “thay bóng điện”: bạn cần gì để làm nên một bộ phim samurai giả tưởng hay? Nhiều hơn 47 Ronin có được.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi