Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Bóng đêm kinh hoàng

25/08/2011

Bạn lại sắp phải chọn lựa cách xem phim vào dịp cuối tuần (26/8) này nếu định thưởng thức Fright Night (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Bóng đêm kinh hoàng).

Bộ phim ma cà rồng mới của Colin Farrell được trình chiếu cả bản 2D và 3D, và nếu xem ở định dạng 3D thì bạn phải tốn thêm tiền. Chúng tôi lại có mặt ở đây để giúp bạn quyết định.

Bài viết không nhằm mục đích bình luận Fright Night mà là phân tích bộ phim ở khía cạnh kỹ thuật, một cách không thành kiến. Hãy xem nhé…

Tính phù hợp

3D thường hiệu quả nhất với các hiệu ứng vi tính màu sắc sáng sủa. Fright Night là một phim kinh dị có yếu tố hành động, diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Thế mới thành chuyện. Tuy nhiên, ít ra đây là một phim hành động và những yếu tố kinh dị đó đưa ra vô khối cơ hội để ném cái này cái nọ vào máy quay mà không sợ trở nên quá cường điệu. Phim kinh dị có lịch sử lâu đời ở định dạng 3D và phim ma cà rồng cũng thế.

Điểm: 3/5

Kế hoạch và công sức

Fright Night được lên kế hoạch làm phim 3D ngay từ đầu, và việc sản xuất được tiến hành và có được một nhóm dày dạn kinh nghiệm 3D thực hiện. Các thiết bị đặc biệt được sử dụng để đạt được những hiệu ứng 3D đặc biệt, để tối đa hóa không gian ba chiều trong phim. Max Penner, nhà tạo hình lập thể cho bộ phim, nói về kỹ thuật của họ, “Tôi kiểm soát độ sâu của không gian ba chiều và đặt nó vào đâu trong mối liên hệ với mặt phẳng của màn ảnh. Đạt được điều này bằng cách sử dụng máy tách tia 3D, tức là kết hợp hai máy quay và/hoặc hai máy cảm biến với hai bộ ống kính gộp hình hoạt động đồng thời và chiếu hình ảnh từ hai điểm khác nhau, giống hệt mắt người.” Nói ngắn gọn: Ông ta biết mình làm gì.

Điểm: 5/5

Ngoài màn ảnh

Một cách sử dụng công nghệ 3D là để tạo ra chiều sâu trên màn ảnh. 3D khiến bạn có cảm giác màn hình là một khung cửa sổ qua đó bạn nhìn thấy hành động xảy ra ở các độ sâu khác nhau. Fright Night làm vậy và có lẽ còn hơn thế. Thay vì chỉ tạo ra độ sâu cho hình ảnh, Fright Night thực sự sử dụng chiều sâu 3D để tạo ra một phẩm chất ma mị cho sự việc đang xảy ra. Chẳng hạn, cách máy quay lia vòng quanh trong một cảnh rượt đuổi chí mạng sử dụng chiều sâu của của các cảnh đến mức viên mãn, khiến như thể chúng ta quay mòng mòng ngay giữa cảnh hành động đó. Chưa hết, phim còn sử dụng độ sâu đó để xác định những đường nét không gian rõ ràng trong không trung, như trong một cảnh nhân vật ma cà rồng của Colin Farrell rình rập ngoài một cánh cửa mà hắn ta không thể đi qua được. Có lúc phim làm điều đó thật xuất sắc, nhưng cũng có lúc chẳng làm gì nhiều và kết thúc các cảnh phim phẳng toẹt. Các nhà làm phim có một số ý tưởng tuyệt hay, đủ để kiếm được điểm cao, nhưng không phải lúc nào cũng thế và đôi khi lực bất tòng tâm.

Điểm: 4/5

Trước màn ảnh

3D còn được sử dụng để tạo ảo giác các vật thể bắn ra từ màn ảnh. Fright Night thực sữ đã nỗ lực để tận dụng mọi khía cạnh của công nghệ 3D và làm được khá tốt. Đặc biệt có một cảnh tro lửa bay bồng bềnh phía trước máy quay thật sự sẽ làm bạn mê mẩn, nhưng phim cố gắng tận dụng khả năng của công nghệ 3D để vượt ra khỏi màn ảnh trong suốt thời lượng. Không nói đến những cảnh phô trương có nhân vật ném đồ đạc vào mặt khán giả trong khi nháy mắt với máy quay, mà đúng hơn là nói đến điều gì xảy ra tự nhiên trong quá trình hành động diễn ra. Các vật thể bay lượn qua ống kính, những vụ cháy nổ vượt ra xa hơn những phim khác một chút. Trong một số trường hợp thì rõ ràng chúng bị giới hạn bởi kinh phí và hiệu ứng vi tính trong việc đạt được điều này, nhưng trong nhiều trường hợp thì rất liền lạc. Làm tốt lắm.

Điểm: 4/5

Độ sáng

Đeo cặp kính 3D thì cũng giống như đeo kính râm để xem phim. Tức là 3D không mấy hiệu quả với những phim ánh sáng tối tăm. Và vì Fright Night là một phim về ma cà rồng, rất nhiều chỗ diễn ra với nhân vật lẩn lút trong bóng tối đang bị săn đuổi. Vậy thì không hay cho 3D rồi. Fright Night cố gắng bù đắp bằng cách di chuyển máy quay rất tuyệt và thỉnh thoảng phim cũng thành công, nhưng vấn đề thực sự ở đây là những cảnh phim đó quá tối tăm để công nghệ 3D có tác dụng thỏa đáng. Bạn sẽ thấy mình phải hé mắt nhìn để xem chuyện gì đang xảy ra, nhất là trong những rạp có máy chiếu chất lượng thấp.

Điểm: 2/5

Thử bỏ kính

Cách đơn giản nhất để thử độ tận dụng công nghệ 3D của một phim 3D là thử bỏ kính ra, nếu hình ảnh càng mờ ảo thì công nghệ 3D càng được tận dụng. Người viết bài này đã thử bỏ kính trong lúc xem Fright Night để kiểm ra mức độ hiệu ứng 3D của bộ phim và đã phát hiện có nhiều cảnh màn ảnh trở nên cực kỳ mờ ảo, nhiều cảnh khác thì ít hơn. Không hẳn vậy là dở đâu, mức độ 3D khác nhau được sử dụng có thể làm cho hiệu ứng 3D càng mạnh, nhưng Fright Night không phải lúc nào cũng mờ ảo.

Điểm: 3/5

Sức khỏe của khán giả

Hầu hết phim Fright Night được quay tốt, tất cả ánh sáng lờ mờ có thể khiến mắt khá căng và trong một số trường hợp có thể khiến nhức đầu. Bản thân người viết không gặp vấn đề gì dù quả là có đau đầu do ánh sáng lờ mờ trong phim Conan the Barbarian, nhưng hãy thận trọng nếu bạn từng gặp vấn đề với những phim 3D tối tăm trước đó.

Điểm: 3/5

Kết luận chung cuộc: Giá như các nhà làm phim tìm ra cách nào làm cho phim sáng sủa hơn, thì đây sẽ thành trải nghiệm 3D tuyệt nhất năm nay rồi. Nhưng đây lại là phim ma cà rồng, và những cảnh tối tăm. Những nhà làm phim đã làm hết sức trong giới hạn cho phép và kết quả thật là thú vị. Nếu bạn sẵn lòng gỡ kính lên hé mắt nhìn xuyên qua lớp mù mờ 3D, thì Fright Night có thể đáng bỏ tiền ra mua vé đắt hơn đấy.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend