Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Vua sư tử

27/09/2011

Một trong những bất đồng thường gặp nhất giữa tác giả bài viết và bạn bè đó là phim hoạt hình nào của Disney hay hơn: Aladdin hay The Lion King. Cá nhân người viết nghiêng về phía The Lion King, vì phim thấm đẫm cảm xúc hơn, nhiều khoảnh khắc thú vị hơn và gần như mỗi khung hình đều hoàn toàn tuyệt diệu. Giờ đây, sau bao nhiêu năm, Simba, Nala, Mustafa, Timon và Pumbaa đã trở lại màn ảnh rộng, nhưng bắt kịp thời đại, vì phim chỉ trình chiếu dưới định dạng 3D. Vậy câu hỏi đặt ra là - có đáng bỏ tiền xem không?

Tuần trước người viết có cơ hội đi xem The Lion King 3D và sau đây là bảng phân tích đầy đủ hiệu quả của công nghệ này. Liệu tấm vé có đáng để mua hay tốt hơn là đợi đĩa Blu-ray sắp ra mắt? Cùng xem nhé.

Tính phù hợp

Cứ đến phần này trong loạt bài 3D hay không 3D này, phim hoạt hình thường tự động đạt đủ năm điểm. Đó là vì các đạo diễn và họa sĩ có thể xây dựng cả một thế giới nếu họ thấy thích hợp để tận dụng 3D một cách hiệu quả nhất. Song trong trường hợp này lại khác. The Lion King ban đầu không được định là phim 3D, đồng nghĩa với việc các đạo diễn không nghĩ đến điều đó khi dựng từng khung hình. May là phim thích hợp với 3D nhờ có quang cảnh rộng lớn trải dài, nhiều cảnh hành động và rực rỡ. Thôi thì cho điểm trung bình vậy nhé?

Điểm: 2,5/5

Kế hoạch và công sức

Thông tin thú vị: ngày ra mắt bản gốc The Lion King năm 1994 gần với ngày phát hành Jaws 3D (11 năm trước) hơn Avatar (16 năm sau). Điều tác giả bài viết muốn nói là khi phim lần đầu được thực hiện, không ai nghĩ đến 3D cả. Có nghĩa là, xem ra hãng phim đã cố hết sức để đảm bảo phiên bản mới phải trông đẹp hết mức có thể. Nhà sản xuất của Disney Don Hahn tiết lộ kế hoạch thực hiện Lion King 3D có từ tháng 6/2010, và vào thời điểm ấy dự án đang được thực hiện rồi. Phim hoạt hình kinh điển này không được hình thành từ trong ý tưởng để làm 3D, nhưng những người thực hiện ắt hẳn đã rất nỗ lực để đảm bảo việc chuyển đổi tốt đẹp.

Điểm: 3/5

Sâu trong màn ảnh

Khi phân tích, 3D chính xác có hai đặc điểm: khiến vật thể bay vụt khỏi màn hình vào mặt khán giả, và tạo ra chiều sâu. Mục này bàn đến khía cạnh thứ hai. Giờ hãy nhớ xem, phía trên tác giả bài viết này có đề cập đến "quang cảnh rộng lớn trải dài" trong The Lion King đúng không? Đó là một gợi ý rồi đấy. Không có lấy một giây nào trong The Lion King mà không làm ta cảm thấy như mình có thể nhảy vào trong màn hình và chạy hàng dặm khắp nơi. Cảnh Musfasa chỉ cho Simba thấy lãnh địa của họ trải rộng đến đâu trước nay luôn ấn tượng, giờ đây hiệu ứng 3D thực sự chú trọng hoàn thiện đại cảnh. Cảm giác về chiều sâu rõ ràng chính là điểm tuyệt vời nhất của phiên bản này.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh

Bây giờ đến nửa còn lại của 3D, mà trong trường hợp của The Lion King, không được tốt như vậy. Trở lại thực tế là nhà sản xuất không định làm phim 3D, nên không có cảnh nào thực sự có chủ đích khiến vật thể bay ra khỏi màn hình. Cảnh mới thêm vào lúc Timon ném bọ về phía khán giả, luôn trở thành vấn đề. Những người chịu trách nhiệm chuyển đổi có thể khiến công nghệ này hiệu quả đôi lúc - họ thực sự đã gây ấn tượng với cảnh Zazu bay vào đầu phim, thỉnh thoảng khiến bụi và sương mù trông như đang bao trùm khán giả - nhưng đây chắc chắn là hiệu ứng 3D đạt điểm yếu nhất trong bản mới.

Điểm: 2/5

Độ sáng

Kể cả khi ngồi trong một rạp chiếu phim có điều kiện tối ưu nhất, ánh sáng vẫn là vấn đề với phim 3D. Dễ hiểu thôi, bộ phim sẽ trông tối hơn nếu ta vừa xem vừa đeo kính râm. Còn tùy vào các nhà làm phim và đội ngũ chuyển thể trong việc bù đắp và cố gắng loại bỏ tác dụng phụ này. Tuy The Lion King không hoàn hảo nhưng phim đã làm khá tốt. Tự thân bộ phim đa phần diễn ra vào ban ngày và môi trường đầy màu sắc tươi sáng, cũng phần nào có ích, song những cảnh ở các vùng tối hơn như khu nghĩa trang của voi lại tối tăm hơn ta nghĩ.

Điểm: 3/5

Thử bỏ kính

Khi xem phim 3D, nếu không có kính mà hình ảnh càng mờ ảo có nghĩa là nhà sản xuất tận dụng công nghệ 3D càng nhiều. Cách đơn giản nhất để giải thích đó là càng nhiều lớp hình ảnh mà phim truyền đến mắt ta, hiệu ứng càng đẹp. Khi xem The Lion King thỉnh thoảng người viết lại bỏ kính ra để xem khi đó màn hình trông như thế nào. Rất ấn tượng. Toàn bộ phông nền cực kỳ mờ ảo và không thấy được gì vì chiều sâu có cường độ rất mạnh. Tuy vậy, ấn tượng người viết thích nhất đó là ngắm bầu trời đêm không cần kính và thấy gấp đôi số sao.

Điểm: 5/5

Sức khỏe của khán giả

Có nhiều người không thể xem bất kỳ phim 3D nào vì sẽ bị đau đầu và chóng mặt. Nhưng kể cả những ai mắt cực kỳ tinh và thể trạng siêu khỏe cũng có phản ứng không tốt với công nghệ này. Nếu phim diễn ra quá nhanh hay không có những điểm trọng tâm thích hợp, khán giả sẽ nôn ra lối đi. Khi xem The Lion King người viết không hề thấy mệt hay khó chịu gì cả. Chắc chắn những ai không thể đeo nổi cặp kính 3D mà không buồn nôn sẽ phản đối, nhưng nếu họ là những người hiếm khi gặp phải hậu quả tiêu cực của 3D, thì bộ phim này sẽ không gây khó chịu chút nào.

Điểm: 5/5

Kết luận chung cuộc: Dẫu biết đạo diễn Roger Allers và Rob Minkoff không định làm 3D khi thực hiện The Lion King, người viết vẫn cho rằng bản chuyển thể 3D của bộ phim này là một thành công và khuyến khích khán giả đi xem. Hãy nhớ rằng không phải ngày nào chúng ta cũng được xem một trong những phim hay nhất của Disney trở lại màn ảnh rộng, nên chúng ta cứ tận dụng cơ hội này đi.


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi