Tin tức

Phim truyền hình Hàn Quốc đa dạng hóa hình ảnh người phụ nữ

16/09/2011

Nhưng với nhân vật khuôn mẫu và cốt truyện Lọ Lem thời hiện đại, những bộ phim này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhân vật nữ chính điển hình trong phim truyền hình Hàn Quốc là một người thành công trong sự nghiệp. Họ tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, mặc những trang phục mốt nhất với những phụ kiện xa xỉ và lái những chiếc xe bóng lộn.

Nhưng không còn như vậy nữa. Các phim truyền hình mới như Scent of a Woman, Miss RipleyBaby-faced Beauty mang đến những nhân vật mới, làm thay đổi toàn cảnh truyền hình Hàn Quốc. Những cô gái trong các phim truyền hình mới này phải vật lộn để kiếm sống, bị đồng nghiệp coi thường và cô lập vì họ chỉ tốt nghiệp trung học.

Một nhân vật như vậy là Lee Yeon Jae (Kim Sun Ah đóng), vai nữ chính trong phim truyền hình được yêu thích của SBS Scent of a Woman. Lee Yeon Jae chỉ tốt nghiệp trung học và làm bán thời gian tại một công ty du lịch, cô phải chịu sự coi thường của sếp và đồng nghiệp vì học vấn của mình.

Lee Yeon Jae trong Scent of a Woman, một người phụ nữ phải vật lộn để kiếm sống

Yeon Jae cố gắng bám trụ lại công ty suốt mười năm để đạt được mơ ước mua một ngôi nhà cho mình và cho gia đình tương lai. Nhưng sau đó cô bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư túi mật. Sau khi biết mình chỉ còn sống được sáu tháng, Yeon Jae quyết định nghỉ việc để sống hết mình trong quãng đời còn lại.

Khi Yeon Jae thoát khỏi “vỏ ốc” của mình, đối đầu với cấp trên và quyết định nghỉ việc, khán giả thấy vui bởi hành động của cô truyền đi thông điệp rằng không nên phán xét một người chỉ dựa trên nền tảng học vấn.

Việc các phim truyền hình này ngày càng được yêu thích là tín hiệu cho thấy khán giả muốn xem những bộ phim phản ánh sự phân biệt trong một xã hội cực kỳ coi trọng học vấn, theo Lee Man Jeh, một nhà nghiên cứu thuộc Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA).

“Đúng là ngày càng có nhiều công ty thuê lao động phổ thông trong những năm gần đây,” Lee Man Jeh nói. “Nhưng thực tế, những nhân viên này phải chịu sự đối xử bất công tại công sở, đó là lý do vì sao những bộ phim khắc họa các nhân vật rơi vào hoàn cảnh tương tự lại thu hút được khán giả.”

Jeong Deok Hyun, một nhà phê bình văn hóa, nói rằng ngày càng nhiều đài truyền hình sản xuất các phim có nhân vật như vậy với mong muốn giúp khán giả cảm thấy bớt căng thẳng thông qua các nhân vật.

“Và cho đến nay thì họ đã thành công,” anh nói. “Rất nhiều người viết trên Twitter và các mạng xã hội rằng họ thấy thật ‘mới mẻ’ khi được xem những bộ phim như Scent of a Woman, với việc Yeon Jae tìm cách trả thù ông chủ đã xử tệ với cô vì học vấn của cô không cao.”

Jang Mi Ri trong Miss Ripley giả mạo bằng cấp để có việc làm

Một nữ nhân vật chính khác phải đối mặt với rào cản rất lớn vì chỉ tốt nghiệp trung học là Jang Mi Ri (Lee Da Hae) trong Miss Ripley của MBC. Được một gia đình người Nhật nhận nuôi, Jang Mi Ri trở về Hàn Quốc kiếm việc làm chỉ với tấm bằng trung học. Khi không tìm được việc, cô giả mạo bằng cấp và cuộc sống của cô dệt đầy những lời nói dối.

Lee So Young (Jang Na Ra) trong Baby-faced Beauty cũng chỉ tốt nghiệp trung học, ở tuổi 34, cô đã quá tuổi vào làm tại công ty thời trang. Sau khi bị sa thải ở công ty cô đã làm việc suốt 14 năm, cô nói dối để được vào làm ở một công ty khác bằng cách nói với nhà tuyển dụng rằng cô mới 24 tuổi và đã tốt nghiệp đại học. Baby-faced Beauty không chỉ nói đến vấn đề bằng cấp mà còn cả xu hướng ưu tiêu tuyển dụng lao động trẻ của các công ty Hàn Quốc.

Lee So Young nói dối về tuổi tác để vào làm trong công ty thời trang

Tuy nhiên, bất chấp ý tưởng tốt đẹp đằng sau những bộ phim này, vẫn còn một quãng đường dài nữa thì chúng mới khắc họa được những người chỉ tốt nghiệp trung học với tư cách những người có tài năng thực sự, mà không cần đến những hoàn cảnh kịch tính như bị bệnh ung thư hay lừa đảo, Lee Man Jeh nói.

Một điểm chung nữa ở các bộ phim này là việc các nữ nhân vật chính cuối cùng lại được một người đàn ông giải cứu, thay vì tự giải quyết vấn đề của mình.

“Các phim truyền hình đã cố gắng phá vỡ định kiến rằng bạn phải có bằng cấp hoặc du học nước ngoài thì mới thành công,” Lee Man Jeh nói. “Nhưng để những bộ phim này tiếp tục được khán giả yêu thích, các nhân vật cần phải bớt đơn điệu hơn và cốt truyện phải phong phú hơn để không bị dễ dàng đoán được kết thúc với nội dung không khác gì một câu chuyện Lọ Lem thời hiện đại.”


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily