Ca khúc chủ đề của bộ phim lại một lần nữa vang vọng trên các con phố: “Tại góc phố nơi chúng ta gặp gỡ, người người vẫn cứ đến rồi đi…khóc than cho tuổi thanh xuân của chúng ta…” bài hát tiếp diễn.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã, đạo diễn bộ phim Trương Nhất Bạch cho biết: “Trong bộ phim này, chúng tôi cố gắng cho khán giả thấy một số khả năng có thể xảy ra đối với một đôi tình nhân trẻ sau 12 năm.”
Tại góc phố nơi chúng ta gặp gỡ
Năm 1998, một bộ phim truyền hình 20 tập tên là Cherish Our Love Forever (tạm dịch: Yêu đến cùng) gây chấn động toàn Trung Quốc. Đó là bộ phim truyền hình thanh xuân đầu tiên ở Trung Quốc đại lục. Bộ phim kể về câu chuyện của hai sinh viên đại học, Dương Tranh và Văn Tuệ, họ đã đem lòng yêu nhau trong trường nhưng cuối cùng lại chia tay.
Phiên bản truyền hình của bộ phim năm 1998
Đạo diễn bộ phim Trương Nhất Bạch cho biết khi phim được phát sóng lần đầu tiên, kỳ vọng của ông không cao chút nào. “Sau đó khi có người nói với tôi là bộ phim truyền hình này được chào đón và thậm chí còn hình thành quan niệm về tình yêu của rất nhiều bạn trẻ, tôi nghĩ họ đang tâng bốc,” ông nói.
Trong 12 năm qua, đạo diễn Trương cho biết ngày càng có nhiều người khuyên ông hãy làm một phiên bản điện ảnh từ câu chuyện gốc, nhưng ông vẫn từ chối cho tới khi Từ Tịnh Lôi, nữ diễn viên chính trong bộ phim cũng đưa ra lời khuyên đó. Bộ phim gồm ba câu chuyện có khả năng xảy ra cho phần tiếp theo: Dương Tranh và Văn Tuệ cưới nhau nhưng phát hiện ra rằng tình yêu giữa họ đang nhạt dần, hai người gặp nhau sau 12 năm chia cách, và Dương Tranh nhận được một cú điện thoại từ Văn Tuệ và lại yêu cô lần nữa.
“Tôi muốn truyền tải tới các bạn khán giả một điều rằng cho dù bất kỳ điều gì xảy ra và dù bạn 18 hay 31 tuổi, đừng bao giờ đánh mất tình cảm bền chặt dành cho những người bạn yêu thương,” đạo diễn Trương trả lời với Tân Hoa xã. Ở tuổi 48, Trương Nhất Bạch đã gặp người bạn gái của ông năm 1998 khi họ đang thực hiện bộ phim, ông cho rằng: “Nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta, có nghĩa là cần giữ gìn khả năng yêu thương, bất chấp bao xoay vần.”
Người người vẫn đến rồi đi
Đèn đã tắt tại một rạp chiếu phim ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc. Bài hát chủ đề xưa vang lên, báo hiệu bộ phim bắt đầu. Wang Juwei, 28 tuổi, lấy tay che miệng và kìm lại nước mắt.
“Tôi 16 tuổi khi lần đầu xem bộ phim truyền hình,” cô cho biết: “Sau đó tôi bắt đầu nhận ra rằng ‘ồ, đó là tình yêu’.” Cô Wang chú thích rằng đó là bộ phim truyền hình đã mang lại giấc mơ lãng mạn cho cô ở trường đại học.
“Ngay khi bài hát bắt đầu, tôi biết rằng mình không thể kìm chế cảm xúc được nữa,” Gou Zhe 29 tuổi phát biểu: “Đó là một cảm xúc phức tạp. Chúng tôi đã tới cái độ tuổi hoài niệm.” Thực tế ngay từ năm ngoái khi Trương Nhất Bạch tuyên bố ông sẽ thực hiện bộ phim điện ảnh, cư dân mạng đã bày tỏ sự phấn khích.
Áp phích phim Tương ái
Theo nhận xét của một cư dân mạng tên là Tangtangxiaowei: “Sau khi xem bộ phim truyền hình, tôi hứa với mình rằng tôi sẽ tới bãi biển cùng bạn trai trong tương lại.” Trong bộ phim, bên bờ biển nữ nhân vật chính Văn Tuệ đã cầm một chiếc điện thoại để bạn trai cô có thể lắng nghe tiếng sóng vỗ.
Cô viết trên douban.com, một trang web điểm phim và sách: “Đó là độ tuổi ngây thơ, không có giá nhà đất tăng vọt, và sinh viên đại học có thể dễ dàng tìm việc. Tôi từng mơ ước có được cuộc sống như những nhân vật trong bộ phim, để phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn.”
Một nhận xét khác tới từ một người tên Chen, tin rằng chính ký ức thời niên thiếu đã mang lại cho họ cảm giác đặc biệt thân thiết với bộ phim. “Sau khi chúng tôi lớn lên, mọi chuyện đã không còn đơn giản như cách chúng tôi nhìn nhận khi còn trẻ, như tình yêu,” anh cho biết: “Một số mơ ước của chúng tôi đã thành hiện thực, một số thì không… Chúng tôi, thế hệ sinh vào thập niên 1980, cảm thấy gánh nặng cuộc sống ngày càng trở nên nặng nề hơn theo thời gian…Bộ phim Eternal Moment là mơ ước rằng những điều tốt đẹp có thể tồn tại mãi mãi.”
Khóc than cho tuổi trẻ của chúng ta
Có rất nhiều bài viết trên mạng cho thấy những bức ảnh về thức ăn và đồ chơi người ta dùng trong thập niên 1980. Những người sinh vào thời gian này được gán cho cái tên thế hệ hậu 1980. Một người có cái biệt danh đó Xiao Li, 26 tuổi là chủ một cửa hàng có tên “Căn phòng ký ức của thế hệ hậu 1980”.
Anh cho biết: “Tôi đi tới các chợ trên khắp Trung Quốc để tìm kiếm những đồ vật cũ.” Từ những cục tẩy cho tới những bức tranh hoạt họa, từ những hình khối xây dựng cho tới chiếc cốc tráng men, cửa hàng này trưng bày 166 vật dụng khơi gợi lại ký ức của những người trẻ tuổi.
Hình ảnh của Từ Tịnh Lôi trong bộ phim mới
“Mỗi tháng trung bình có 1.000 đồ vật được bán ra.” – Xiao Li cho biết. Không nhiều. Nhưng anh cho biết rằng những đồ vật này làm sống lại những cảm xúc của anh. Một mẫu áo phông mới đã trở nên nổi tiếng. Chiếc áo phông in hình một cô bé và một cậu bé đeo kính tên là Hàn Mai Mai và Lý Lôi. Họ đều là nhân vật trong cuốn sách giáo khoa tiếng Anh cho học sinh trung học từ năm 1990 đến năm 2000. Ước tính hàng trăm triệu học sinh đã sử dụng cuốn sách này.
Các cuốn sách giáo khoa đã được thay đổi. Trong cuốn sách mới xuất bản vào năm 2009,Hàn Mai Mai đã lập gia đình và có con nhưng chồng cô không phải là Lý Lôi. Trong mối liên hệ với các nhân vật, người ta đã sản xuất những bài hát và bộ phim về tình yêu tưởng tượng giữa hai nhân vật hoạt họa này.
He Jing, sinh năm 1981, đã trở nên nổi tiếng sau khi đăng tải những bức vẽ của mình lên mạng. Những bức vẽ thể hiện cuộc sống trung niên của những nhân vật hoạt hình phổ biến với thế hệ hậu 1980. Trên những bức vẽ, Shiryu của bộ truyện tranh Nhật Bản Saint Seiya trở thành một nhân viên mát xa. Saint Seiya là một trong những nhân vật hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng nhất mà từ đó trẻ em Trung Quốc học được về các cung tử vi.
Trên những bức tranh này, Thám tử Mèo đen phải vào tù vì nhận hối lộ,và Anh em Hồ Lô tham gia một chương trình tài năng trên truyền hình. Các nhân vật này đều xuất phát từ các bộ phim hoạt hình Trung Quốc.
Vốn là một người hâm mộ hoạt hình khi còn ở tuổi thiếu niên, anh cho biết mình lấy ý tưởng này dựa trên hiện thực xã hội. “Hối lộ là một chuyện phổ biến và các chương trình tài năng là một điều mới lạ trong những năm đó.” Các nhà xã hội học thể hiện sự thấu hiểu về niềm hoài cổ của thế hệ hậu 1980.
Zhang Sining, một nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội tỉnh Liêu Ninh, tin rằng nhịp độ dồn dập của xã hội khiến những người trẻ tuổi cảm thấy thất vọng và cô đơn. Theo lời ông: “Kết quả là họ bắt đầu nhớ lại thời xa xưa khi họ vẫn còn vô tư.”
Ông cũng chú ý rằng với sự phát triển kinh tế, con người bắt đầu tìm kiếm sự khỏa lấp về mặt tinh thần. “Những ký ức có thể xoa dịu trái tim họ.” Ông Chen Changwen, trưởng bộ môn Tâm lý học và Xã hội học thuộc Đại học Tứ Xuyên nói rẳng hoài niệm là bản chất của con người. “Lý do thường là sự bất mãn và áp lực,” ông cho biết, nói thêm rằng kể từ khi chính sách một con bắt đầu vào năm 1980, áp lực đối với thế hệ này có thể rất lớn.
Tuy nhiên ông tin rằng thế hệ hậu 1980 nên nhìn về phía trước. Họ đang sắp bước vào độ tuổi 30, vị giáo sư này nói. Trong tiếng Trung có một câu thành ngữ: “Tam thập nhi lập” (Con người nên tự lập và vững vàng ở tuổi 30.)
Ông cho rằng : “Giờ đây thế hệ này đã trở thành trụ cột của gia đình họ và xã hội nói chung, họ nên gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.”
Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Tân Hoa xã