Một cảnh trong Amazing China, phim tài liệu 90 phút của CCTV ra rạp hồi tháng 3
|
Giống như hầu hết các phim tài liệu do CCTV sản xuất,
Amazing China nêu bật những thành tựu của Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm khoa học, công nghệ, cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa quân sự.
Mặc
dù có doanh thu phòng vé nội địa ngoạn mục, bộ phim bị các nhà phê bình
chỉ trích vì thể hiện nhiều hư cấu hơn là thực tế. Ví dụ, bộ phim giới
thiệu Trung Quốc là một quốc gia đã từng nhập khẩu vi mạch nhưng hiện là
nhà sản xuất và xuất khẩu vi mạch lớn và dẫn đầu thế giới về công nghệ
bán dẫn. Thực tế rất khác. Điều này đã được xác nhận vào tháng 4 khi
doanh nghiệp viễn thông khổng lồ ZTE của Trung Quốc lao dốc sau khi bị
Mỹ cấm vận mua chip do Mỹ sản xuất.
Chủ nghĩa hiếu thắng từ lâu đã thống trị bối cảnh phim tài liệu Trung Quốc.
China’s High-Speed Railway (2016) của CCTV kể câu chuyện hoành tráng về hệ thống đường sắt cao tốc xuyên quốc gia.
Great Country Craftsman (2016), cũng của CCTV, thể hiện tám kỹ sư đã giúp đạt được những thành tựu khoa học và công nghệ cho Trung Quốc.
China’s High-Speed Railway của CCTV kể câu chuyện đằng sau cơ sở hạ tầng đường sắt cao tốc xuyên quốc gia
|
Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi. Nhờ sự lên ngôi của các khổng lồ
trực tuyến bao gồm iQiyi, Youku và Tencent Video, ngành phim tài liệu ở
Trung Quốc đang tận hưởng sự hồi sinh với việc phát hành các phim tài
liệu mới nguyên nhằm mục đích mở mắt cho khán giả.
Trong số 14
phim điện ảnh và truyền hình trong nước nhận được điểm đánh giá từ 9/10
trở lên trên trang bình phim của Trung Quốc Douban năm 2017, có chín
phim là phim tài liệu.
Những phim được giới phê bình yêu thích bao gồm ba phim tài liệu truyền hình: mùa đầu tiên của
Aerial China, mang đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh từ trên xuống về cảnh quan ngoạn mục của Trung Quốc;
Extreme Road, miêu tả cuộc sống và văn hóa của người Tây Tạng; và
Welcome to the World, về cuộc đấu tranh của các bác sĩ và phụ nữ mang thai tại các khoa sản trong việc đưa những sinh linh mới đến với cuộc đời.
Extreme Road là phim tài liệu miêu tả Tây Tạng và thường dân ở đó
|
Có một xu hướng là những loạt phim tài liệu truyền hình nổi tiếng sản sinh ra các phiên bản điện ảnh. Ví dụ
Masters in the Forbidden City,
lần đầu tiên ra mắt vào tháng 1 năm 2016, là bộ phim tài liệu dài ba
tập phát trên CCTV kể về cuộc sống của những người nghệ nhân phục chế di
tích Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Bộ phim đã trở thành một thành
công bất ngờ với giới trẻ, đạt được hơn hai triệu lượt xem trên trang
web phát trực tuyến Bilibili. Loạt phim cũng dẫn đến sự gia tăng đơn xin
việc ở Bảo tàng Cố cung, nơi này đã nhận được 15.000 đơn vào năm 2016
cho 20 vị trí trong nhóm phục chế. Phiên bản điện ảnh được phát hành vào
cuối năm 2016, đạt điểm 7,5 trên Douban.
Các sản phẩm hợp tác cũng giúp đưa tài năng làm phim tài liệu Trung Quốc nổi bật với thế giới.
Born in China,
bộ phim tài liệu thiên nhiên năm 2016 do Disneynature và Shanghai Media
Group đồng sản xuất, đã thu về 23,9 triệu đôla Mỹ trên toàn cầu và 68
triệu nhân dân tệ tại Trung Quốc. Doanh thu phòng vé của nó là cao nhất
cho Disneynature trong năm năm qua, vượt
Bears năm 2014 và
Monkey Kingdom năm 2015.
Một cảnh trong phim tài liệu Masters in the Forbidden City
|
Bộ phim đi theo câu chuyện của ba gia đình động vật – gấu trúc, báo
tuyết và khỉ vàng mũi hếch – sống ở vùng rừng núi hùng vĩ của Trung
Quốc. Tạp chí
Variety đã cho bộ phim một bài bình phim lấp
lánh, nói rằng “hiệu ứng rõ rệt nhất của nó là trình bày sự đa dạng hùng
vĩ của cảnh quan Trung Quốc.”
Một phim tài liệu khác của Trung Quốc gây ấn tượng với các nhà phê bình phương Tây là
Paths of the Soul
(2015), ghi lại cuộc hành hương dài 1.200 dặm đến Lhasa do thường dân
Tây Tạng thực hiện. Trong một cuộc khảo sát về phim tài liệu Trung Quốc
do
China Youth Daily thực hiện năm 2017, hơn 90% trong số 2.000
người được hỏi cho biết chất lượng phim tài liệu Trung Quốc đã tăng lên
trong hai năm qua. Những người được phỏng vấn lập luận rằng việc trích
dẫn câu chuyện tư liệu và quay phim tốt hơn là những yếu tố chính làm
chất lượng phim tăng lên.
Trong công cuộc tạo ra những bộ phim
chất lượng cao miêu tả cuộc sống thực và các sự kiện xã hội, gần đây các
khổng lồ trực tuyến Trung Quốc đã đưa thêm nguồn lực vào việc củng cố
các kênh tài liệu của họ.
Phim tài liệu mới The Great Shokunin của Youku
|
Vào tháng 6, Youku đã tổ chức một cuộc họp báo giới thiệu các bộ phim tài liệu mới bao gồm
The Great Shokunin,
về các nghệ nhân từ Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và các khu vực châu Á
khác, và nêu bật những câu chuyện đằng sau tác phẩm của họ.
Tencent
đã tránh xa cách làm trước đây là mua tư liệu có bản quyền, thành lập
Tencent Penguin Picture Documentary Studio vào năm 2017 để làm các
chương trình phim tài liệu nguyên bản. Hãng này còn hợp tác với các đài
truyền hình nước ngoài để làm phim tài liệu. Một trong số dó là phim tài
liệu thiên nhiên
The Cute Ones, được hợp tác sản xuất với kênh truyền hình ITV của Anh, và đang trong giai đoạn hậu kỳ.
Một sản phẩm hợp tác khác, với đài truyền hình NHK của Nhật Bản,
72 Hours China đã
được phát hành vào tháng 6. 13 tập phim, mỗi tập dài 25 phút, cho thấy
đời sống dân sự Trung Quốc đương đại, được thực hiện từ 72 giờ cảnh quay
tại 13 thành phố của Trung Quốc.
Cảnh trong phim tài liệu 13 tập 72 Hours China do Tencent hợp tác với đài NHK Nhật Bản
|
“Chúng tôi muốn tìm kiếm một bước đột phá trong việc làm phim tài liệu
và làm phim quốc tế,” Chu Lạc Hiền, phó giám đốc Tencent Penguin Picture
Documentary Studio, nói. Ông cho biết trong năm 2017 Tencent đã tăng
ngân sách dành cho phim tài liệu lên đáng kể.
Việc Tencent thúc
đẩy làm phim tài liệu nguyên bản chất lượng cao là điều dễ hiểu xét sự
hưởng ứng mạnh mẽ ở trong nước đối với các phim tài liệu nước ngoài được
phát trên kênh phim tài liệu của họ.
Năm 2017,
Blue Planet II
của BBC đã được phát trên Tencent Video và thuê bao của hạ tầng này đã
thưởng thức bộ phim cùng lúc với khán giả Anh. Thỏa thuận của Tencent
với BBC là một thành công lớn, thu hút được 200 triệu khán giả trực
tuyến.
Một phim tài liệu nguyên bản khác được phát hành gần đây trên Tencent là
Once Upon a Bite, một loạt phim tám phần giới thiệu ẩm thực Trung Quốc và quốc tế.
Một tập trong bộ phim tài liệu Once Upon A Bite về món đậu phụ
|
Phim được thực hiện bởi cùng một êkíp đã sản xuất loạt phim đình đám
A Bite of China,
do CCTV sản xuất. Hai mùa của bộ phim này đã được phát hành vào năm
2012 và 2014. Với những món ăn ngon ứa nước miếng và đi sâu vào mối quan
hệ giữa thực phẩm và con người,
A Bite of China đã giúp đưa ẩm thực Trung Quốc lên bản đồ ẩm thực toàn cầu.
Trong một sự kiện truyền thông hồi tháng 6 để quảng bá cho
Once Upon a Bite,
đạo diễn chính Trần Hiểu Khanh, đã rời CCTV sang Tencent năm ngoái sau
khi làm việc ở đài truyền hình nhà nước này 28 năm, nói Tencent tự tin
rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ vượt BBC trong việc làm phim tài
liệu.
Không như
A Bite of China, vốn chỉ tập trung vào ẩm thực Trung Quốc,
Once Upon A Bite
đến thăm 20 quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Việt Nam, Morocco, Peru
và Ethiopia để nắm bắt các món ăn bản địa của những quốc gia này. Được
phát hành vào ngày 28 tháng 10,
Once Upon A Bite đã nhận được những đánh giá rực rỡ, đạt 9,4/10 trên Douban.
Thịt heo xông khói Tây Ban Nha trong Once Upon A Bite
|
Ông Chu Lạc Hiền nói rằng thực phẩm và lịch sử là những chủ đề phổ biến
với khán giả xem phim tài liệu Trung Quốc. “[Trong khi phim tài liệu
thiên nhiên là phổ biến ở phương Tây,] thể loại này tương đối ít phim
hơn ở Trung Quốc,” ông Chu giải thích.
“Các quốc gia như Mỹ có
nhiều kinh nghiệm trong việc làm phim tài liệu thiên nhiên, từ những năm
1950. Họ đã tích lũy được một kho lưu trữ khổng lồ về thiên nhiên như
vậy.
“Tôi đã làm
Forest China cho CCTV [đã đến thăm các
hệ sinh thái khác nhau ở Trung Quốc để nắm bắt động vật và môi trường
khác nhau của chúng hơn một thập kỷ trước]. [Nhưng] sau phim này, không
còn phim nào nữa.”
Ông Chu nói thêm rằng họ đang khám phá những
thể loại khác phổ biến với khán giả Trung Quốc, nhưng sẽ luôn có một số
rủi ro nhất định liên quan.
Aerial China mang đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh từ trên xuống về cảnh quan ngoạn mục của Trung Quốc
|
“Hiện tại, làm phim tài liệu không phải là một dự án đầu tư có lợi
nhuận. Với 70 triệu thuê bao, Tencent Video có nhiều chỗ hơn để tìm kiếm
một mô hình bền vững về tài chính. Chúng tôi muốn làm phim tài liệu ít
nhất sẽ không làm công ty thua lỗ.”
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post