Tin tức

Mortal Engines: 7 điều cần biết về Cỗ máy Tử thần

04/12/2018

Hãy tưởng tượng Trái Đất trong tương lai xa xôi, chừng 1.700 năm nữa, các thành phố không còn ở một vị trí tĩnh, mà lăn trên bề mặt hành tinh. Chúng chạy trên các động cơ ‘khủng’ và tăng tốc lên các cấp độ chóng mặt, với các thành phố lớn như London co rút lại thành những thị trấn nhỏ hơn. Để chiếm lấy nguyên liệu và tài nguyên quý giá, các thành phố lớn có thể há hàm và nuốt chửng bất kỳ thôn xóm nhỏ nào trên đường đi của chúng. Đây là thế giới của những Cỗ máy Tử thần.

Do Christian Rivers đạo diễn và Peter Jackson sản xuất, Mortal Engines, ra rạp cuối tuần này ở Việt Nam với tựa Cỗ máy Tử thần, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Philip Reeves. Câu chuyện theo chân Hester Shaw nung nấu tìm cách báo thù, Tom Natsworthy thận trọng và tử tế; họ tạo thành một cặp đối tác bất đắc dĩ dấn thân vào cuộc phiêu lưu mà kết thúc là một cuộc chiến sinh tồn. Và nếu bạn cho rằng mình biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào bởi vì đã đọc sách, thì hãy nghĩ lại đi nhé.

Nerdist đã tham gia một nhóm nhỏ các phóng viên đến trường quay Cỗ máy Tử thần ở New Zealand. Người viết đã lang thang Bảo tàng London — ngưỡng mộ cổ vật là các chú minion từ phim Despicable Me — khám phá ngôi nhà khá đáng sợ của sát thủ người máy, và nói chuyện với đạo diễn Rivers, nhà sản xuất Jackson, và các diễn viên về công sức dành cho bộ phim chuyển thể này.

Đã phải cân nhắc rất nhiều cách thể hiện vết sẹo của Hester

Hera Hilmar trong vai Hester Shaw

Là một cô gái bị hủy dung một cách tệ hại (và đúng, vết sẹo trong bộ phim nhỏ hơn nhiều so với mô tả trong cuốn sách), Hester Shaw (Hera Hilmar) tìm cách trả thù Thaddeus Valentine (Hugo Weaving), kẻ đã gây sẹo lên mặt cô và làm nhiều điều khủng khiếp khác mà người viết không muốn tiết lộ. Hilmar cho biết êkíp làm phim đã thử một vài lựa chọn khác nhau cho vết sẹo của Hester — thậm chí cô cũng được khuyến khích gửi ý tưởng và phác thảo của mình — nhưng họ đã chọn một vết sẹo cho phép cô giao tiếp được. “Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách trung gian này để tôi có thể thể hiện bản thân mình theo cùng một cách với mắt, mũi và miệng [của tôi], tôi nghĩ vậy,” cô giải thích. “Và phải mất một thời gian mới tìm ra đúng thứ, bởi vì cần phải có sự cân bằng. Cần đủ thời gian để bạn nói, ‘Được rồi, [tôi] hiểu tại sao đây là một vấn đề lớn.’”

Vết sẹo thấy rõ của Hester và những vết sẹo trong người do Valentine gây ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cô. Cô yếm thế và chỉ biết lo cho mình. “Hester hết sức hoang dã,” Hilmar nói. “Cô không giao tiếp theo cách như tôi hay chúng ta sẽ làm. Tôi cứ bỏ lửng lời thoại vì không muốn cô ấy nói nhiều. Tôi nghĩ sống với một người như [Shrike (Stephen Lang)] thì phải thế thôi. Và cô ấy đã ở một mình lâu rồi; khi chúng tôi gặp cô ấy, cô hoàn toàn chỉ một mình đã sáu tháng, cỡ vậy, trong hoang dã. Cô trở nên rất kiên cường và phi xã hội theo bất kỳ phương diện nào.”

Bộ phim này đã được triển khai từ năm 2008

Hugo Weaving trong vai Thaddeus Valentine

Mortal Engines đã được triển khai từ năm 2008; tạo hình ý tưởng (concept art) được phát triển gần một thập kỷ trước đã được đưa vào sử dụng cho bối cảnh và trang phục, cập nhật để phù hợp với khả năng của công nghệ hiện tại. Trở lại năm 2008, Peter Jackson được định là đạo diễn bộ phim. Nhưng bây giờ, người cộng tác lâu năm của ông Christian Rivers đảm nhận công việc chỉ đạo. “Đây có lẽ là một trong những bộ phim lẽ ra tôi đã làm xong trong thời gian The Hobbit đang quay, nhưng tôi từ bỏ việc chỉ đạo và kiểu như tạm nghỉ trong năm năm,” Jackson giải thích. “Và thực ra, hậu quả là, chúng tôi đã phải đối mặt với tình huống quyền làm phim đối với các cuốn sách, mà chúng tôi đã có các quyền này đâu đó đã gần một thập kỷ, tới lúc hết hạn và chúng tôi phải xúc tiến nhanh.”

Bạn sẽ ấn tượng trước quy mô

Thế giới ngổn ngang trong phim Cỗ máy Tử thần. Các thành phố vươn tới trời cao và Shan Guo, quê hương của Liên đoàn Chống Cỗ xe (một nhóm muốn con người từ bỏ các thành phố trên những cỗ máy đang lăn và định cư vĩnh viễn), phát triển. Thật là cả mô để đưa thế giới đó trở thành hiện thực. Đoàn phim đã làm việc với 3.900 diễn viên quần chúng làm dân cư trú ở các địa điểm khác nhau. Họ đã dựng 67 bối cảnh (những bối cảnh thực tế hơn The Hobbit). Một số trong những bối cảnh đó được dựng trên các khớp trục hoặc nền đá để mô phỏng các chuyển động thích hợp cho một thành phố lăn ì ạch trên bánh xe.

Thách thức lớn nhất là hiệu ứng kỹ thuật số

Mặc dù đã làm hiệu quả hết mức có thể, đạo diễn Christian Rivers rất thẳng thắn về phần khó khăn nhất của dự án: “Thách thức lớn nhất là tất cả những thứ chúng tôi phải làm bằng hiệu ứng kỹ thuật số.”

Rivers tiếp tục, “Chúng tôi đã cố gắng quay rất nhiều theo một cách khá là bản năng. Chủ yếu vì bối cảnh phim xảy ra trong thế giới của chúng ta. Rõ ràng, đó là tương lai của thế giới chúng ta, nhưng chúng ta không ở trong một cõi hoang đường. Chúng ta không ở trong một vũ trụ giả tưởng, kỳ ảo, chúng ta thực sự ở đâu đó trong thế giới của chúng ta. Bởi vì thế giới đó thật kỳ quái, cũng như các yếu tố trong thế giới đó, tôi muốn ít ra có cái gì đó mà khán giả có thể nắm lấy. Vì vậy, tôi nghĩ thực sự là thách thức, với bao nhiêu phức tạp và quy mô của mọi thứ. Và làm cho chúng đáng tin cậy cũng thật là thách thức.”

Đây không phải là Mad Max

Jihae trong vai Anna Fang

Cỗ máy Tử thần diễn ra trong một thế giới mà Chiến tranh Sáu Mươi Phút tàn khốc đã xảy ra. Câu chuyện bắt đầu lâu sau cuộc chiến tranh đó, khi cuộc sống con người đang tiếp tục — là điều những nhà làm phim đã tính đến khi thiết kế cảnh quan của bộ phim, khoảng 1.700 năm sau trong tương lai của chúng ta.

“Chúng tôi đã có toàn bộ tiêu chí thiết kế cho bộ mặt của bộ phim,” đạo diễn Rivers. “Chúng tôi không muốn cảnh quan hậu tận thế. Chúng tôi không muốn nó là Mad Max. Tôi rất thích những bộ phim đó, nhưng đây là vũ trụ của chúng tôi. Chúng tôi hết sức chăm chút [để] làm ra mọi thứ — bất cứ thứ gì — mà chúng ta thấy từ khảo cổ học thế giới của chúng ta.”

Mad Max không phải là rung cảm duy nhất mà êkíp làm phim cố gắng tránh. “Và chúng tôi không muốn làm nó trở thành thể loại giả tưởng máy móc (steampunk) thẳng thừng, nhưng hiển nhiên trong những cuốn sách thì rất rõ ràng — tôi muốn nói, bộ truyện là thể loại giả tưởng máy móc.” “Chúng tôi muốn không có tính thẩm mỹ đó. Tôi chỉ nắm bắt [ý tưởng về]: Điều gì sẽ xảy ra nếu có kiểu chiến tranh hạt nhân hay vũ khí mới tàn phá hành tinh của chúng ta và điều gì sẽ xảy ra với London? Và thế giới còn lại những gì?”

Mở rộng tầm mắt với Bảo tàng London

Robert Sheehan trong vai Tom Natsworthy và Hera Hilmar trong vai Hester Shaw

hiến tranh Sáu Mươi Phút. Thành phố kéo đi bằng động cơ. Những kẻ rình rập. Cỗ máy Tử thần có rất nhiều biệt ngữ. Nếu bạn không quen thuộc với bộ truyện, đừng lo lắng, bộ phim sẽ đảm bảo bạn bị cuốn hút.

Biên kịch và đồng sản xuất Philippa Boyens nói với rằng họ có một chuyến tham quan trường học ở bảo tàng này, một bối mở rộng, được xây dựng hoàn chỉnh với cầu thang thanh nhã và các mẫu vật trưng bày. Khán giả học cùng với các sinh viên trong tour tham quan đó, và bạn sẽ bắt đầu nhận thấy các tạo tác “cổ vật” từ thời của chúng ta: điện thoại thông minh, bảng điều khiển trò chơi điện tử, đĩa CD, và thậm chí các chú minion. Nhà thiết kế phim Dan Hennah đùa rằng họ xem những chú minion như các vị thần cổ đại. Mọi thứ hiện vận trưng bày là một phần của lịch sử được nhặt nhạnh từ thế giới trước khi Chiến tranh Sáu Mươi Phút xảy ra.

Mong đợi những điều hấp dẫn từ Shrike

Shrike, một sát thủ nửa người, nửa rôbô, đã nhận nuôi Hester khi ông ta tìm thấy cô gái trẻ mặt sẹo đơn độc một mình. Nhà của ông trên chiếc Strole thật đáng sợ, đầy búp bê và đồ chơi đang bị mổ xẻ hoặc ráp lại ở nhiều giai đoạn khác nhau. Shrike đam mê hình dạng con người và cách để tất cả các bộ phận hoạt động hài hòa. Là một cỗ máy giết người cao lớn bảo vệ Hester, Shrike… thật dữ dội.

Stephen Lang đã thể hiện nhân vật này qua công nghệ bắt chuyển động và bảo chúng ta nhìn những chú chim săn mồi để lấy cảm hứng cho thể chất của nhân vật và tìm thấy một sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Tôi biết thiên nga có thể là những con chim hết sức hung dữ,” Lang nói. “Tôi nhìn những con thiên nga và xem vở Hồ Thiên nga trên YouTube. Rudolf Nureyev múa Hồ Thiên nga. Và tôi bắt đầu quan sát anh ấy, và tôi bắt đầu nhìn ra Shrike [và] cách anh ta di chuyển... Khi một vũ công ballet chuyển động, anh ấy không chuyển động cánh tay của mình... anh ta trông giống như con chim gập lại. Vô cùng duyên dáng và đồng thời, có gì đó hơi rôbô, đúng kiểu của nhân vật này. Và vì vậy, thật có ích cho tôi.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Nerdist