Tin tức

Các ngôi sao truyền hình Hàn Quốc kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc

26/08/2011

Vừa qua, nữ diễn viên chính Han Ye Seul trong phim truyền hình Spy Myung Wol của đài KBS đã trở lại phim trường sau vài ngày vắng mặt vì lý do không chịu đựng được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Mặc dù nhà đài đã tránh không phải thay nữ diễn viên chính khi phim đã đi được nửa đường, thì thực tế rằng Han Ye Seul ngừng quay phim và yêu cầu có điều kiện làm việc tốt hơn cho thấy cuộc tranh cãi xoay quanh thực trạng sản xuất phim truyền hình ở Hàn Quốc vẫn chưa lắng dịu.

Nữ diễn viên Han Ye Seul đã trở lại phim trường

Không được ngủ

Quay phim suốt đêm trong vài ngày liền là điều quá quen thuộc ở các phim trường sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc. Vào ngày 17/8 vừa qua, quản lý của một nữ diễn viên hiện đang đóng vai chính trong một bộ phim truyền hình khác cho biết, “Mỗi lần bắt đầu quay một bộ phim truyền hình, bạn phải làm việc sáu ngày một tuần. Bạn phải liên tục thức đêm hoặc chỉ được ngủ một đến hai giờ một ngày. Ngay cả trong ngày nghỉ, bạn cũng chỉ được về nhà vào rạng sáng tinh mơ nên không thể gọi đó là ngày nghỉ thật sự.”

Một nam diễn viên kỳ cựu có mặt trong một phim khác nói, “Tình trạng ‘quay phim cuốn chiếu’ thường xuyên diễn ra, khi một tập phim phát sóng vào ngày nào thì cũng được quay ngay trong ngày đó. Tôi thấy ngạc nhiên khi bộ phim vẫn được chiếu một cách tử tế sau khi quay phim kiểu đó.”

Park Shin Yang, ngôi sao của phim truyền hình năm 2005 Lovers in Paris đã từng phê bình, “Từng có tình trạng bạn phải làm việc suốt 42 tiếng không ngừng nghỉ, các diễn viên và nhân viên đoàn phim đều bị bóc lột,” và kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc.

Vào ngày 17/8, nam diễn viên kỳ cựu Lee Sun Jae nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Hankyoreh: “Gần đây các diễn viên quay phim truyền hình trong những điều kiện cực kỳ nguy hiểm.”

Các diễn viên đang đóng phim truyền hình gần đây gặp phải hàng loạt tai nạn giao thông. Nữ diễn viên Hong Soo Hyun của The Princess’s Man của KBS đã gặp tai nạn khi đang trên đường về nhà sau khi quay phim cho đến sáng sớm; trong khi Yoo Seung Ho trong Warrior Baek Dong Soo của SBS và Park Shin Hye của You’ve Fallen for Me của MBC cũng lần lượt gặp tai nạn vào ngày 29/7 và 18/7 vừa qua. Rủi ro của các diễn viên không thể trực tiếp quy cho công việc trên phim trường, nhưng quản lý của họ xác nhận là lái xe ban đêm sau khi làm việc vất vả như thế cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên tai nạn.

Một cảnh tại trường quay bộ phim Spy Myung Wol của đài KBS

Cách giải quyết: Một tập phim một tuần? Quay phim từ trước?

Lịch quay phim khắc nghiệt nhất là của các bộ phim truyền hình ngắn tập phát sóng hai ngày mỗi tuần. Phát sóng hai tập phim dài 70 phút trong vòng bảy ngày, quay các bộ phim như thế cũng tương đương với việc quay một phim điện ảnh trọn vẹn trong một tuần. Và quay phim ngoài trời cũng là chuyện thường xuyên.

Cũng trong tình cảnh này mà một số người đã yêu cầu nên giảm xuống phát sóng một tập phim mỗi tuần, xem như là cải thiện thực trạng sản xuất phim truyền hình. Đây là trường hợp của phim truyền hình ở Mỹ và Nhật Bản. Phương thức phát sóng hai tập phim mỗi tuần trở nên phổ biến cùng với sự nổi lên của phim truyền hình Hàn Quốc vào giữa thập niên 1990. Ngoại trừ một số bộ phim được phát sóng hàng ngày, tiêu chuẩn từ trước thập niên 1990 là phát sóng “phim truyền hình hàng tuần” với một tập mỗi tuần. Cuộc cạnh tranh giữa ba đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đã bén rễ cho dòng phim truyền hình phát hai tập mỗi tuần. Nếu một bộ phim dài 16 đến 24 tập được phát mỗi tuần một tập, khán giả sẽ không chú ý, tỷ suất người xem sẽ giảm và cuối cùng doanh thu từ quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.

Khi hệ thống sản xuất phim truyền hình bị thương mại hóa và cuộc cạnh tranh tỷ suất người xem trở nên dữ dội, điều kiện làm phim càng trở xấu đi. Các nhà sản xuất bên ngoài được tuyển dụng thường xuyên hơn, trong khi đội ngũ quay phim và sản xuất phim càng bị áp lực hơn để đáp ứng sự cạnh tranh giành lợi nhuận từ quảng cáo và tài trợ đang ngày càng dữ dội hơn.

“Từ năm 2000, điều kiện sản xuất phim truyền hình đã bị thương mại hóa và môi trường làm phim càng xấu đi,” theo Lee Sun Jae.

Một chuyên viên thuộc bộ phận phim truyền hình của một đài truyền hình lớn cho biết, “Khi cuộc cạnh tranh tỷ suất người xem trở nên căng thẳng, thời lượng phát sóng phim được tăng từ 60 lên 70 phút, tăng thời gian quay phim. Phim truyền hình phải dài để đạt tỷ suất người xem cao và thu hút các nhà quảng cáo.”

Một số người ủng hộ quay phim xong trước khi phát sóng như một cách thay thế, nhưng thực tế chuyện này cũng không phải dễ.

“Cho đến nay, tất cả các bộ phim được quay trước đều thất bại,” theo Park Sung Soo, trưởng ban phim truyền hình của đài MBC. “Khán giả Hàn Quốc thích tham gia và tương tác với các bộ phim truyền hình, nhưng điều này là không thể đối với những phim được quay xong từ trước.” Lee Jin Suk, giám đốc công ty sản xuất phim truyền hình J.S.Pictures nói, “Có một cách khác là quay trước một nửa phim rồi bắt đầu phát sóng. Phát sóng phim truyền hình ngắn tập mỗi tuần một tập cũng có thể là một cách nếu cả ba đài truyền hình đều đồng ý, nhưng thực tế dường như là không thể.”


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Hankyoreh