Tin tức

Các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc lâm vào thế kẹt

29/12/2011

Ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc bước vào những ngày bội thu nhất kể từ khi chính phủ ban hành chỉ thị cấm phim hoạt hình nhập khẩu ở các kênh truyền hình nội địa trong thời gian đầu vào tháng 9/2006

Nhu cầu gia tăng và sự hỗ trợ của chính phủ dẫn đến sự ra đời của nhiều hãng hoạt hình chất lượng và thu hút hàng trăm hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp liên quan. Trong năm 2010, đã có 220.000 phút hoạt hình được sản xuất, biến Trung Quốc thành nhà sản xuất hoạt hình trên truyền hình lớn nhất. Tuy nhiên, số lượng lớn không đi cùng chất lượng cao. Không một bộ phim hoạt hình sản xuất trong nước nào từng được công chúng tiếp nhận nhiệt tình, với những vụ bê bối bắt chước mù quáng không ngừng ám ảnh ngành công nghiệp này.

Lỗi trước tiên thuộc về các hãng phim. Tuy nhiên, nhà biên kịch chỉ là một khâu trong dây chuyền công nghiệp phát triển bất thường, bị kẹt giữa quy định, các kênh truyền hình và hãng sản xuất đồ chơi.

Chạy theo số lượng

Mặc dù doanh số nhiều, nhiều người vẫn cho rằng hầu hết các phim hoạt hình sản xuất trong nước được làm vào năm 2010 có chất lượng kém, nội dung nghèo nàn và chiều theo thị hiếu thô thiển. Một số lượng lớn các phim kém chất lượng do chính phủ trợ cấp dành cho những thước phim nguyên bản mà hãng phim làm ra.

Trung bình, một bộ phim hoạt hình nguyên bản có thể nhận được 2.000 nhân dân tệ (314 USD) tiền trợ cấp cho mỗi phút phát sóng trên CCTV, với tổng số tiền kiếm được lên đến 3,5 triệu nhân dân tệ. Điều này có nghĩa là hầu hết các phim hoạt hình flash và hoạt hình 3D kinh phí thấp đều hoàn vốn hoặc thậm chí có được ít lợi nhuận chỉ từ số tiền trợ cấp. Chính phủ cũng đưa ra những hỗ trợ khác cho các công ty hoạt hình bao gồm hợp đồng thuê đất và miễn giảm tiền thuê mướn và thuế. Tất cả những chính sách này dẫn đến kết quả là số lượng lớn phim hoạt hình kém chất lượng, chi phí thấp và sự cạnh tranh ngày một khốc liệt đối với các kênh truyền hình.

Hãng sản xuất hoạt hình: từ nhập khẩu đến bắt chước

Hầu hết các phim hoạt hình nội địa trên truyền hình được sản xuất dưới sự ảnh hưởng của các hãng sản xuất đồ chơi, một người làm trong ngành công nghiệp hoạt hình cho biết.

Tháng 7/2011, bộ phim hoạt hình nội địa High-speed Rail Man phát hành đoạn quảng cáo phim mới dài sáu phút trực tuyến và bị khán giả chỉ trích nặng nề. Bộ phim hoạt hình do Shenyang Feifan Creative sản xuất, đứng thứ tư trong danh sách 10 hãng sản xuất phim hoạt hình Trung Quốc hàng đầu do Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) công bố, bị buộc tội sao chép phim hoạt hình Nhật Bản Hikarian được sản xuất năm 1998.

Theo người trong ngành, nhà tài trợ của bộ phim bị cáo buộc bắt chước là một trong những công ty đồ chơi đã nhập khẩu bộ phim Hikarian vào Trung Quốc cách đó nhiều năm. Khi Hikarian trở nên phổ biến đối với trẻ em Trung Quốc, các hãng sản xuất đồ chơi từ tỉnh Quảng Đông bắt đầu sản xuất đồ chơi với số lượng lớn lấy từ nhân vật trong họat hình Nhật Bản. Người ta nói rằng những món đồ chơi đó đã mang về 350 triệu nhân dân tệ lợi nhuận trong vòng ba năm.

Những món đồ chơi lấy cảm hứng từ nhân vật hoạt hình mang lại nhiều lợi nhuận

Hãng sản xuất đồ chơi đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hoạt hình Trung Quốc kể từ những năm 1990. Họ nhập khẩu phim hoạt hình nước ngoài, biên dịch lại và phát sóng trên các kênh truyền hình nội địa (đôi khi là miễn phí). Sau đó họ sản xuất đồ chơi và nhãn hình lấy cảm hứng từ các phim hoạt hình đó, thu lợi nhuận cao.

Nhà hoạch định hoạt hình Yang Yingge cho Tuần báo Trung Quốc biết rằng 99% phim hoạt hình trình chiếu trên các kênh truyền hình địa phương trong suốt thời gian đó là hoạt hình nước ngoài, hơn 90% trong số đó do các hãng sản xuất đồ chơi nhập khẩu.

Kể từ khi Trung Quốc hạn chế phim hoạt hình nước ngoài vào năm 2006, các nhà sản xuất đồ chơi hướng sự chú ý sang phim hoạt hình nội địa. Họ bắt đầu tài trợ hoặc hợp tác với các hãng hoạt hình trong nước để sản xuất hoạt hình nguyên bản và phát sóng trên truyền hình nhằm quảng cáo cho sản phẩm đồ chơi mới. Nhà tài trợ của bộ phim sao chép High-speed Rail Man chỉ là một trong nhiều nhà bảo trợ đó.

Để giảm chi phí, các nhà sản xuất đồ chơi thích điều chỉnh và dùng lại khuôn mẫu nhân vật hoạt hình đã nhập khẩu thay vì sáng tạo nên nhân vật mới tốn đến hàng triệu nhân dân tệ. Đây là một trong những lý do tại sao rất nhiều bộ phim hoạt hình nội địa giống phim hoạt hình Nhật hoặc Mỹ, Tuần báo Trung Quốc bình luận

Các hãng hoạt hình: rơi vào thế kẹt

Kể từ năm 2009, thị trường hoạt hình Trung Quốc tràn ngập các phim hoạt hình nội địa với đề tài và kiểu thiết kế tương tự nhau gây sự nhàm chán cho khán giả. Hầu hết các phim hoạt hình do nhà sản xuất đồ chơi tài trợ đều kém chất lượng vì nhà tài trợ thiếu nhiệt huyết sáng tạo và không quan tâm gì ngoài việc giảm chi phí.

Các công ty hoạt hình nội địa đã từng cung cấp các thủ tục pháp lý cho hoạt hình Mỹ hoặc Nhật thiếu cả nền tảng lẫn kinh nghiệm trong việc sản xuất hoạt hình nguyên bản. Đã có một vài nỗ lực dũng cảm từ năm 1990, bao gồm một phim hoạt hình chuyển thể từ bộ phim cổ điển Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài năm 2003, nhưng tất cả đều thất bại cả về tỷ suất người xem và phản ứng của khán giả.

Ngoài ra, việc bùng nổ sản xuất hoạt hình nội địa còn hâm nóng sự cạnh tranh giữa các hãng phim đối với các kênh truyền hình. Phí phát sóng tăng gấp đôi mỗi năm từ 2008 đến 2010, trở thành một khó khăn khác mà các hãng sản xuất phim hoạt hình phải đối mặt.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi