Tin tức

Triệu Thị cô nhi công chiếu

30/01/2011

“Phim Triệu Thị cô nhi (Sacrifice) được quay dựa trên một trong những giấc mơ thời thơ ấu của tôi,” đạo diễn Trần Khải Ca đã phát biểu tại buổi họp báo ra mắt bộ phim ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc (CNCC) tại Bắc Kinh vào ngày 26/11.

Đạo diễn Trần và các diễn viên chính Cát Ưu, Vương Học Kỳ, Hải Thanh, Huỳnh Hiểu Minh và Triệu Văn Trác đã đến tham dự cuộc họp báo.

Theo lời đạo diễn cho biết, chính những trải nghiệm tuổi thơ của ông đã trở thành niềm cảm hứng để thực hiện bộ phim này. Ông đã đọc tác phẩm Triệu Thị cô nhi vào thời những năm 70, khi cuộc Cách mạng Văn hoá bùng nổ. Khi ấy ông phải trải qua một quãng thời gian khó khăn và cũng hy vọng được gặp một người tốt bụng và đáng tin cậy như Trình Anh, nhân vật chính trong Triệu Thị cô nhi, đến giúp đỡ cho ông. Nhiều năm sau này ông đã có dự định đưa ý tưởng của câu chuyện này lên màn ảnh.

Bối cảnh của câu chuyện là vào thời phong kiến Trung Quốc. Trình Anh (Cát Ưu) đã hy sinh chính cậu con trai bé bỏng của mình để cứu sống một đứa bé mới chào đời thoát khỏi tay tướng quân Đồ Ngạn Giả. Sau đó cũng chính ông đã nuôi nấng cô nhi này, đồng thời chờ đợi cơ hội trả thù tướng quân họ Đồ kia.

Triệu Thị cô nhi là bộ phim mở màn cho mùa phim Tết năm nay. Nhà sản xuất phim Trần Hồng, cũng là vợ của Trần Khải Ca, cho biết cô không quan tâm đến doanh thu phòng vé vì làm nên được một bộ phim hay còn quan trọng hơn nhiều.

Triệu Thị cô nhi chưa thật thành công ở nửa cuối phim

Áp phích phim Triệu Thị cô nhi

Một giờ đầu tiên của phim trôi qua đầy kịch tính và giữ được nhịp độ hợp lý. Một đại tướng quân đã sát hại toàn bộ một gia tộc bị ông ta coi là kẻ thù, nhưng lại bỏ sót một đứa bé vừa mới chào đời. Một thầy lang đã cứu sống cô nhi này bằng cách hy sinh chính người con của mình. Ông sau đó cũng nhận nuôi dưỡng cô nhi và thuyết phục tên tướng quân kia trở thành cha đỡ đầu cho cậu bé. Ông muốn trả thù bằng việc được chứng kiến hắn ta bị chính người con đỡ đầu mà mình yêu thương giết chết. Mười lăm năm trôi qua, cô nhi ngày nào giờ đã lớn và phải đối diện với một tình huống tiến thoái lưỡng nan đầy đau khổ: có nên trở thành công cụ báo thù hay không.

Kỹ thuật kể chuyện tuyệt vời của Trần Khải Ca đã được thể hiện rất rõ trong nửa đầu phim. Sau phần mở đầu ông đã chỉ mất có 20 phút để đưa ra được mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật chính trong phim.

Trong vở kịch gốc của tác phẩm chuyển thể này, người thầy lang đã lựa chọn hy sinh chính con đẻ của mình để cứu con trai người chủ nhân đã qua đời của ông.

Nhận thấy rằng bài ca ca ngợi sự trung thành của người thầy lang với người chủ của mình sẽ không thể nhận được sự thương cảm của khán giả thời đại ngày nay - quả thật là rất khó tin có một ai đó sẵn sàng hại chết chính con ruột của mình để cứu lấy con của một người khác – Trần Khải Ca đã rất sáng suốt tạo ra một loạt những tai nạn và yếu tố trùng hợp để cho thấy rằng thầy lang đó không phải là cố ý đem con trai mình ra để thế mạng. Vì thế nên ông không phải người hùng máu lạnh, mà chỉ là một người bình thường bị tình thế bắt buộc phải chấp nhận một hy sinh thật lớn lao. Tình tiết này thuyết phục và cảm động hơn rất nhiều so với cốt truyện cũ.

Thế nhưng có một điều rất đáng tiếc là nửa sau bộ phim lại bị đuối hẳn so với phần đầu thật nổi bật. Ví dụ như, bộ phim quá chú trọng đến việc phát triển mối quan hệ giữa cậu bé mồ côi và người cha đỡ đầu của cậu, và nói quá ít đến quyết tâm giết ông ta đột ngột của cậu bé khi lớn lên.

Ngoài ra, trong phim còn có thêm một nhân vật đã bàn bạc kế hoạch trả thù với người thầy lang trong suốt 15 năm, thế nhưng đến cuối phim thì nhân vật này lại biến mất một cách khó hiểu. Câu chuyện của ông ta vì thế mà đã bị bỏ ngỏ giữa chừng.

Nam diễn viên Cát Ưu được khen ngợi với vai người thầy thuốc trong phim

Hơn nữa, người thầy lang đã vẽ những bức tranh ghi lại diện mạo của kẻ sát nhân và những âm mưu tội lỗi để làm bằng chứng cho sự hy sinh của mình, nhưng bộ phim không làm rõ được vai trò của chúng trong câu chuyện này.

Thực ra, bi kịch này về sau lại có vẻ giống như một bộ phim tâm lý sướt mướt (melodrama) hơn, gây được nhiều tiếng cười hơn cả nước mắt. Và kết thúc phim không mang lại nhiều dư âm ý nghĩa cho người xem.

Tuy nhiên Cát Ưu và Vương Học Kỳ đã diễn xuất rất tuyệt vời. Cát Ưu vào vai người thầy lang, và chắc chắn sẽ khiến rất nhiều khán giả nhớ đến vai diễn xuất sắc của ông trong phim Để sống (To Live) của Trương Nghệ Mưu. Những nhân vật ở tầng lớp dưới đáy của xã hội vẫn là những vai diễn ông thể hiện tốt nhất. Ông đã hoàn toàn thuyết phục được người xem khi cố gắng truyền tải được hết lòng tốt cũng như sự bất lực của một con người bình thường.

Còn diễn xuất của Vương Học Kỳ, mặt khác, lại giống như chính nhân vật tướng quân mà ông đảm nhận: mạnh mẽ, sắc sảo, và tự kiểm soát bản thân rất tốt.

Nhìn chung lại, với việc kể một câu chuyện lịch sử bằng một tác phẩm điện ảnh mang cảm giác thần thoại, Trần Khải Ca vẫn chứng tỏ được rằng ông là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất Trung Quốc. Nếu nửa sau bộ phim được thể hiện một cách sâu sắc hơn thì bộ phim đã có thể trở thành một tác phẩm kinh điển rồi.

Sau buổi công chiếu, một buổi lễ nhằm quảng bá cho bộ phim sẽ được tổ chức. Phim được công chiếu rộng rãi từ ngày 4/12/2010.

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Crienglish & Tân Hoa Xã