Rượu chè có một vị trí đặc biệt trong văn hóa xã hội Hàn Quốc chẳng phải
là chuyện gì bí mật. Rượu được tiêu thụ mạnh cả ở những thời điểm khó
khăn lẫn tốt đẹp, và tửu lượng thường được coi là một phẩm chất trong
văn hóa đồng nghiệp, đặc biệt là phái nam.
Nhưng trên phượng tiện truyền thông, uống bia rượu, cùng với hút thuốc,
không phải luôn luôn được đón nhận cởi mở. Cách rượu bia và thuốc lá
được truyền thông đối xử phụ thuộc vào thời điểm – một phần do các quy
định về việc lên sóng truyền hình ra sao vẫn mơ hồ và để mở với nhiều
cách giải thích.
Từ trái qua: Shin Dong Yeob, ca sĩ Tak Jae Hoon và Kim Hyun Joon - ba người dẫn chương trình Life Bar của tvN trên áp phích
|
Điều 28 quy định kiểm duyệt phát sóng của Hàn Quốc nói rằng chương trình
truyền hình “phải cẩn thận khi xử lý các chủ đề khiêu dâm, đồi trụy,
các sản phẩm ma túy, rượu bia, thuốc lá, mê tín dị đoan, bài bạc cá
cược, phù phiếm, xa xỉ và lãng phí.”
Các tiêu chuẩn này không
nhất thiết áp dụng như nhau cho những thứ được coi là không tốt cho xã
hội. Ví dụ, thời những năm 80, 90 không khó thấy cảnh các ngôi sao
truyền hình hút thuốc. Nhưng ngày nay, gần như không thể nào còn thấy
những cảnh đó, vì nó bị loại ngay từ lúc tiền-sản xuất. Khi phát sóng
lại một phin truyền hình hay điện ảnh cũ, những đoạn như vậy thường được
làm mờ đi.
Tóm lại, những cảnh có hút thuốc lá gần như đã bị cấm
khỏi truyền hình Hàn ngày nay, với sự không đồng tình ngày càng tăng
của xã hội trước thói quen xấu này. Nhưng uống rượu, từ tất cả thông tin
có được, có vẻ như đi theo hướng ngược lại – không chỉ dễ dàng tìm thấy
các chương trình có rượu bia ngày nay, thậm chí còn miêu tả rượu bia
theo một phong cách lãng mạn.
Chương trình đáng nói nhất theo xu hướng này là
Life Bar của tvN, một chương trình trò chuyện đêm khuya được ghi hình tại một quán rượu cùng tên dựng trong trường quay.
Chương trình Life Bar của tvN thường xuyên mời các nhân vật
nổi tiếng tham gia, ảnh trên là ca sĩ Kim Hee Chul (phải) và nữ diễn
viên Seo Ji Hye ngoặc tay uống rượu
|
Chương trình định kỳ hằng tuần này, do các diễn viên hài Shin Dong Yeob,
Kim Hyun Joon và ca sĩ Tak Jae Hoon dẫn, là một chương trình không có
kịch bản cố gắng chạm vào suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm bên trong những
khách mời qua bối cảnh thư giãn và có vẻ tự nhiên mô phỏng một quán rượu
thật.
Đạo diễn Oh Won Taek nói rằng chương trình có ý định
“tạo ra một chương trình trò chuyện nơi các ngôi sao kể ‘chuyện thật’
chưa từng được nghe ở đâu, trái ngược với mô hình những chương trình trò
chuyện đã tồn tại trước đó.”
Chương trình này lần đầu lên sóng
từ tháng 12 năm ngoái với giới hạn độ tuổi xem từ 15 tuổi trở lên, nhưng
từ tháng 2 năm nay đã nâng lên giới hạn chỉ dành cho người lớn, để đưa
chương trình thành “một chương trình trò chuyện chỉ có người lớn mới
thực sự đồng cảm.”
tvN cũng phát sóng
Drinking Solo cuối
năm ngoái, bộ phim về những giảng viên, học viên và nhân viên của
một trường tư hư cấu ở khu vực Noryangjin của Seoul chuẩn bị cho kỳ thi
công chức. Bộ phim lấy cảm hứng và được tạo ra dựa trên thực tế xu hướng
uống rượu một mình ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc.
Cảnh uống rượu một mình điển hình trong phim Drinking Solo của tvN
|
Trong bộ phim, các nhân vật thích uống rượu một mình sau giờ làm với
những lý do riêng. Cốt truyện cũng miêu tả chuyện tình giữa Jin Jung Suk
và Park Ha Na, do Ha Seok Jin và Park Ha Sun thủ vai. Bộ phim thành
công về mặt tỷ suất người xem và nhận được khen ngợi khi mô tả cuộc sống
của những người thất nghiệp và bị chèn ép trong ánh sáng hiện thực.
Các
chương trình truyền hình thực tế “meokbangs” tức chương trình phô bày
việc những người nổi tiếng ngấu nghiến những món cao lương mỹ vị, cũng
không ngại ngùng gì với các nội dung liên quan tới rượu bia.
Battle Trip
của KBS2, một chương trình thực tế về du lịch và ẩm thực, đầu năm nay
phát sóng cảnh các nhân vật uống bia và rượu whiskey trong những chuyến
thăm tới Nhật Bản và Trung Quốc.
I Live Alone của MBC, một
chương trình thực tế khác, cũng được biết đến với việc giới thiệu quán
rượu tại gia “Na Rae Bar” giờ đã nức tiếng của diễn viên hài Park Na
Rae.
Mom's Diary - My Ugly Duckling cũng tai tiếng vì
cho thấy thói quen chè chén liên tục của ca sĩ Kim Gun Mo và những diễn
viên khác nữa. Hồi tháng giêng chương trình đã phát sóng đoạn phim ca sĩ
này xếp cây thông Giáng sinh toàn bằng những chai rượu soju rỗng ở nhà.
Cảnh ca sĩ Kim Gun Mo xếp cây thông Giáng sinh toàn bằng những chai rượu soju rỗng trong chương trình Mom's Diary - My Ugly Duckling
|
Baek Jong-won's Three Great Emperors, một chương trình ẩm thực
nổi tiếng khác của đài này, có sự xuất hiện của “pojangmachas” nổi
tiếng, tức là những quầy thức ăn đường phố khắp đất nước Hàn có phục vụ
đồ nhắm tuyệt vời để uống rượu. Chương trình cũng ghi hình nhân vật
chính đầu bếp–doanh nhân Baek Jong Won uống rượu soju.
Bên ngoài
truyền hình, các ngôi sao thần tượng Kpop đang phát hành những ca khúc
về rượu bia. Công bằng thì không phải việc uống rượu, xét lịch sử mà
nói, chưa từng là chủ đề phụ cho rất nhiều khúc tình ca ballad, nhưng
giống như trên truyền hình, rượu bia có vẻ có nhiều màn xuất hiện nổi
bật trong ca từ Kpop.
Những từ ngữ trong bài hát gần đây của nhóm nhạc nữ DIA
You Are My Flower nói về việc uống nhiều rượu và bản nhạc thành công
If I Get Drunk Today của ca sĩ-nhạc sĩ Suran, như tựa đã đề cập, nói về việc "xõa" sau khi bị thất tình.
Về
bối cảnh, đúng là xu hướng này có vẻ phản ánh việc rượu chè đang ngày
càng được xem không chỉ là sản phẩm dùng cho những lúc vui mừng, mà còn
là phương tiện xoa dịu cho những người đàn ông/phụ nữ hiện đại suy nhược
và căng thẳng, với nhiều người Hàn Quốc bắt đầu dành thời gian riêng
cho bản thân trong xu hướng được gọi là “honsul”, tức uống một mình.
Đại úy Yoo Si Jin (Song Joong Ki, trái) và thượng sĩ Seo Dae Young
(Jin Goo) bên các vỏ chai rượu soju rỗng ba ngày ba đêm có say cũng
không về trong bộ phim đình đám Hậu duệ mặt trời
|
Hàn Quốc có thời gian làm việc dài thứ hai trong các nước thuộc Tổ chức
Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong khi người dân bám chặt văn
hóa cạnh tranh không ngừng và siêu kết nối. Ngành dịch vụ và bán lẻ Hàn
Quốc cũng tăng cường đẩy mạnh các sản phẩm và dịch vụ để phục vụ “bộ lạc
honsul”.
Nhưng đặt vị trí rượu bia trong văn hóa cộng đồng của
đất nước này qua một bên, nhiều nhà phê bình cho rằng sự gia tăng các
chương trình truyền hình có rượu có thể ảnh hưởng bất lợi với trẻ em và
trẻ vị thành niên, sớm phơi bày chuyện rượu chè cho các em trong hoàn
cảnh gần như không thể cấm tiếp cận những thứ đó trong thời đại di động
này.
Và trong khi các chương trình có rượu bia phát sóng muộn
buổi tối – cùng với cảnh báo giới hạn người xem – nhiều chương trình
được phát lại trên các đài cáp, bao gồm lúc buổi chiều khi các em nhỏ có
thể xem không mấy khó khăn.
“Tôi tin rằng những chương trình có rượu bia này là sản phẩm từ sự tiến triển của
meokbangs.
Khi mà nhiều người uống rượu hơn hồi trước, tôi nghĩ các chương trình
đang phản ánh xu hướng có thật,” Ha Jae Keun, một nhà phê bình văn hóa ở
Seoul nói.
Bộ phim truyền hình My Love From the Star từng một thời làm
dậy sóng phong trào ăn gà rán và uống rượu bia như vai nữ chính hay làm
trong phim. Ảnh: Nữ diễn viên Jun Ji Hyun nâng ly rượu trong một cảnh
phim
|
Ha Jae Keun bổ sung: “Nhưng cũng giống như nhận thức của cộng đồng về
nguy cơ hút thuốc, tác dụng phụ của uống nhiều rượu cũng đang ngày càng
trở nên rõ ràng hơn. Tôi nghĩ đã tới lúc ngành này cần xem xét lại những
khía cạnh tiêu cực của việc tiêu thụ rượu quá mức.”
Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Yonhap News