Tin tức

Công kích phát hành độc quyền: Quyền lực của CJ và Lotte với điện ảnh Hàn Quốc

16/08/2017

Bộ phim lịch sử hoành tráng toàn sao The Battleship Island mở màn ở con số kỷ lục 2027 phòng chiếu cả nước từ thứ tư tuần ra mắt, chiếm hơn 70% trong 970.900 lượt xem của cả ngày hôm đó.

Với kỳ công này, bộ phim do CJ E&M phân phối, có sự góp mặt của Hwang Jung Min, So Ji Sub và Song Joong Ki đã lập kỷ lục phim được chiếu ở nhiều rạp nhất ở đất nước này, phá vỡ kỷ lục năm 2016 của Captain America: Civil War, mở màn ở 1991 rạp.

Khán giả chờ xem The Battleship Island tại một rạp chiếu ở Seoul ngày 26/7/2017

Dù thành tích phá kỷ lục là đáng khen, song kết quả phòng vé đáng chú ý của bộ phim đã dẫn tới tranh cãi sôi nổi về sự độc quyền của tập đoàn này với thị trường phim nội địa, và liệu sự kết hợp chiều dọc giữa phát hành và sở hữu rạp chiếu phim có nên đến lúc kết thúc.

Trong những năm gần đây, các ông lớn như CJ và Lotte đã bị chỉ trích vì thống trị các rạp chiếu sử dụng kênh phát hành và chuỗi rạp chiếu của riêng mình, tước đi cơ hội cho phim của những công ty nhỏ hơn hay phim độc lập và nghệ thuật được chiếu rạp.

Tập đoàn CJ sở hữu hãng giải trí khổng lồ CJ E&M khổng lồ và chuỗi rạp chiếu lớn nhất Hàn Quốc CJ CGV còn Lotte sở hữu Lotte Entertainment và Lotte Cinema.

CJ E&M và Lotte Entertainment chiếm lần lượt 17,1% và 7,6% thị phần phát hành phim, đứng thứ nhất và thứ bảy. CJ CGV và Lotte Cinema là hai chuỗi rạp hàng đầu ở Hàn Quốc chiếm 79,8% số lượng rạp phim trên cả nước.

Tranh luận về việc liệu những ông lớn giải trí này có nên bị dẹp đi đang diễn ra. Hồi tháng 10 năm ngoái Bộ trường văn hóa Do Jong Hwan đề xuất một đạo luật liên quan khi ông là nghị viên đảng đối lập. Nếu đạo luật này được thông qua, CJ và Lotte sẽ phải bỏ một trong hai cánh tay về phim ảnh của mình. Đạo luật hiện đang dừng ở Quốc hội Hàn Quốc, mục đích tháo gỡ vấn đề “hoạt động bất công tước đi quyền của khán giả được thưởng thức những bộ phim khác lạ ở rạp chiếu” của các tập đoàn ông lớn.

Ông Seo Jung, CEO của CGV, nói về tranh cãi này trong một sự kiện truyền thông tuần trước có liên quan tới doanh thu giữa năm của hãng này. “Các quyết định gỡ bỏ quyền chiếu và phát hành phim [của tập đoàn lớn] dựa theo vụ Mỹ với hãng Paramount khiến tôi thắc mắc liệu có đúng không khi phán xét nền điện ảnh Hàn Quốc dựa trên điều luật từ 70 năm trước."

Vụ chính phủ Hoa Kỳ xử Paramount, quyết định bước ngoặt năm 1948 chống lũng loạn của Tòa án Tối cao Mỹ, kết thúc việc các hãng phim Hollywood gắn chặt với hãng phát hành trên thị trường điện ảnh Mỹ. Tuyên bố tám hãng phim lớn, trong đó có Paramount và Warner Bros, là độc quyền, tòa án ra lệnh họ phải phá bỏ liên kết theo chiều dọc giữa phân phối phim và sở hữu rạp chiếu.

Hiển thị suất chiếu The Battleship Island dày đặc

Seo Jung tiếp tục, “Tôi tự hỏi liệu một đạo luật có thể theo kịp tốc độ thay đổi chóng mặt của môi trường công nghiệp và những thay đổi công nghệ,” ông bổ sung. “Kiểu điều tiết và kiểm soát này sẽ làm teo tóp nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc."

Nhiều người bày tỏ sự lo ngại liệu những cái tên mới gia nhập thị trường có thể làm được điều mà CJ và Lotte đã làm nếu đạo luật được thông qua và hai ông lớn này chọn giữ chuỗi rạp.

“Đầu tư làm phim và phát hành đòi hỏi nhiều thử thách và sai lầm hơn những ngành khác. Cách thức mà [CJ và Lotte] đã gây dựng lên suốt thời gian qua không thể bị bỏ qua,” một nguồn giấu tên trong ngành phim chia sẻ.

Nhưng nhiều người đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phá vỡ thành trì của những gã khổng lồ phim ảnh.

“Nếu một nhà phát hành cũng có tác quyền trình chiếu, rất dễ dẫn tới tình trạng độc quyền,” một nguồn từ Cinema Dal, nhà sản xuất và phát hành các phim độc lập cho ý kiến.

“Những phim [độc lập] nhỏ có cơ hội chiếu hạn chế, không giống như những phim thương mại [kinh phí lớn] được ưu tiên chiếu nhiều hơn dựa trên logic thương mại,” nguồn này nói.

Muốn phá vỡ thỏa đáng tình trạng độc quyền đã thống trị nền điện ảnh Hàn Quốc, các nhà lập pháp cần phải nghĩ đường dài, theo nhà phê bình điện ảnh Kim Hyung Seok.

“Mặc dù tách quyền phát hành và sở hữu rạp chiếu là cần thiết, nhưng chỉ riêng điều đó không đủ để tác động thật sự vào nạn độc quyền.”

Bộ phim Okja của Bong Joon Ho đã bị cả ba đại gia nhà rạp ở Hàn Quốc tẩy chay, chỉ có thể chiếu ở các rạp lẻ như Daehan

Kim Hyun Seok giải thích rõ hơn về sự cần thiết yêu cầu các rạp lớn chiếu một số lượng nhất định các phim nhỏ, độc lập trong một lượng thời gian nhất định để gia tăng sự ủng hộ của nhà nước cho điện ảnh độc lập.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily