Tin tức

Cửa sổ chiếu rạp ở châu Âu: Nút cổ chai cho chiến lược phát hành của các hãng phim lớn Hollywood

12/07/2022

Sau hai năm đại dịch, một trong những tranh luận lớn nhất ở ngành điện ảnh chừng đã có kết luận.

Nhìn vào thành công vượt trội của Top Gun: Maverick của Paramount Picture (đã hơn 1 tỉ USD và vẫn đang tăng) và Jurassic World: Dominion của Universal, đang tiến tới 650 triệu USD toàn thế giới — sự trở lại của bom tấn phong cách xưa dường như đã thuyết phục các hãng phim về giá trị của cửa sổ chiếu rạp độc quyền.

Động thái này đối lập hoàn toàn với đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi hầu hết các rạp chiếu phim trên toàn thế giới đóng cửa và các hãng phim gấp rút đưa những tựa phim hàng đầu của họ lên các nền tảng nội bộ — Disney+, HBO Max của Warner, Paramount+ — sớm nhất có thể. Warners đã làm mạnh nhất theo khẩu hiệu “kỹ thuật số đi trước” này, phát hành toàn bộ danh sách phim năm 2021, bao gồm các bom tấn DuneThe Matrix Resurrections, đồng thời cả ngoài rạp và trên HBO Max ở Mỹ.

Sau đó đến The Batman. Là phim đầu tiên của Warner Bros. được phát hành độc quyền ngoài rạp sau hơn một năm, phim siêu anh hùng khởi động lại với Robert Pattinson đóng chính đã thu về 760 triệu USD toàn thế giới, gần 370 triệu USD trong số đó từ thị trường trong nước. Thành công ngoài rạp của No Time to Die của MGM (tổng doanh thu 774 triệu USD toàn thế giới), Doctor Strange in the Multiverse of Madness của Disney (933 triệu USD) và Spider-Man: No Way Home (1,9 tỉ USD) của Sony — tất cả đều ra mắt độc quyền ở rạp — có vẻ đã đưa ra kết luận là cửa sổ chiếu rạp thúc đẩy doanh thu phòng vé và tạo đà cho việc phát hành trực tuyến sau đó của bộ phim.

“Chắc chắn là khán giả muốn và sẽ quay lại rạp để xem một bộ phim tuyệt vời,” Tim Richards, CEO của VUE International, tập đoàn điện ảnh có gần 2.000 phòng chiếu tại chín thị trường quốc tế, nói.

Quảng bá cho Top Gun: Maverick trên một quảng trường ở Madrid, Tây Ban Nha

“Việc triển khai một chuỗi phim lớn trên dịch vụ phát trực tuyến đã được chứng minh là rất khó, đó là lý do Phố Wall không còn yêu thích các dịch vụ đăng ký thuê bao nữa,” Richards chỉ ra. “Bạn có thể tưởng tượng xem Top Gun hay Spider-Man trên một dịch vụ phát trực tuyến thay vì màn ảnh rộng không?”

Các hãng phim và nhà rạp thậm chí đã tìm được điểm chung về độ dài của cửa sổ chiếu rạp — vốn là điểm vướng mắc lâu nay trong các cuộc đàm phán. Nếu thời lượng 75 đến 90 ngày là tiêu chuẩn trước đại dịch, thì giờ đây, khoảng thời gian chờ đợi giữa ngày phát hành rạp và chiếu trực tuyến thường là khoảng 45 ngày ở Mỹ. “Chúng tôi đều đồng ý mức này,” Richards nói. “Tôi không thấy bất kỳ thảo luận nào nữa về cửa sổ chiếu rạp trong tương lai.”

Nhưng ở Pháp và Ý thì khác. Trong khi ngành công nghiệp ở những nơi khác đã yên rồi, những cuộc tranh cãi mới về cửa sổ chiếu rạp lại nổ ra ở hai trong số các lãnh thổ phòng vé lớn nhất châu Âu. Disney cho biết họ bỏ qua việc phát hành rạp ở Pháp ngày 8 tháng 6 cho phim hoạt hình Strange World, chiếu độc quyền trên Disney+ thay vì ra mắt vào dịp lễ lớn vào tháng 11 như đã định. Giải thích cho động thái chưa từng có ở Pháp đối với một tựa phim lớn như vậy, chủ tịch Disney ở Pháp, Hélène Etzi, đã nhắc đến luật cửa sổ chiếu rạp trong nước, mà bà gọi là “không công bằng” và “bất lợi cho người tiêu dùng”.

Jeff Goldblum, DeWanda Wise, Bryce Dallas Howard, đạo diễn Colin Trevorrow và Mamoudou Athie trước mô hình T-Rex quảng bá cho Jurassic World: Dominion ở Cologne, Đức

Disney phản đối quy định của Pháp, quốc gia không chỉ đưa ra thời hạn chiếu rạp độc quyền nghiêm ngặt kéo dài bốn tháng, mà còn phát hành truyền hình trả tiền trước cửa sổ phát trực tuyến — phim sẽ phát sóng trên truyền hình trả tiền sau khi ra rạp được sáu tháng — nghĩa là nếu Disney đưa một phim ra rạp ở Pháp, họ phải đợi 17 tháng mới chiếu nó trên Disney+. Pháp cũng là quốc gia độc nhất ở châu Âu có cửa sổ chiếu truyền hình miễn phí nghiêm ngặt, nghĩa là các hãng phim phải xóa phim mới khỏi các nền tảng phát trực tuyến trong một khoảng thời gian, thường là từ 22 đến 36 tháng sau khi ra rạp, để chúng được phát sóng độc quyền trên truyền hình thương mại.

Đối với các hãng muốn sử dụng các tựa phim bom tấn của họ để xây dựng kế hoạch kinh doanh trực tuyến toàn cầu, hạn chế của Pháp có thể làm gián đoạn kế hoạch ra mắt và quảng bá trên thế giới. Ví dụ Doctor Strange in the Multiverse of Madness, đã chiếu trên Disney+ ở khắp mọi nơi vào ngày 22 tháng 6, 48 ngày sau khi phát hành ở Mỹ. Đúng hơn là ở mọi nơi ngoại trừ Pháp, nơi người thuê bao sẽ phải đợi đến tháng 10 năm 2023.

“Đối với các nền tảng, bỏ qua rạp chiếu ở Pháp và đi thẳng lên phát trực tuyến hợp lý về mặt kinh tế,” Eric Marti, tổng giám đốc Pháp của Comscore nói. “Trước đây, ý tưởng về việc các hãng phim đưa phim phát trực tuyến độc quyền chỉ là một mối đe dọa, thì giờ đây với Disney và Strange World, mối đe dọa là thật.”

“Đối với các nền tảng, bỏ qua rạp chiếu ở Pháp và đi thẳng lên phát trực tuyến hợp lý về mặt kinh tế,” Eric Marti, tổng giám đốc Pháp của Comscore nói. “Trước đây, ý tưởng về việc các hãng phim đưa phim phát trực tuyến độc quyền chỉ là một mối đe dọa, thì giờ đây với Disney và Strange World, mối đe dọa là thật”

Marti chỉ ra rằng Warner Bros., sẽ ra mắt HBO Max ở Pháp vào năm 2023, cũng có thể tiếp bước Disney. “Họ sẽ không phát hành tất cả các phim của họ trên SVOD (video theo yêu cầu trả phí thuê bao), nhưng ngay cả khi chúng ta chỉ nói về hai đến ba phim mỗi năm từ mỗi hãng phim, thì đó là 10 đến 15 phim Mỹ vắng bóng ở các rạp chiếu mỗi năm, có thể bằng với việc mất đến 15 triệu vé,” ông nói. “Nó sẽ giáng một cú ra trò vào phòng vé.”

Disney có thể rút ngắn thời gian giữa chiếu rạp và phát trực tuyến ở Pháp cho phim của họ nếu hãng đồng ý đầu tư nhiều tiền hơn vào điện ảnh Pháp. Netflix đã làm vậy với cam kết chi khoảng 45 triệu USD mỗi năm cho các phim độc lập của Pháp. Đổi lại, Netflix sẽ có thời lượng chiếu rạp ngắn hơn và có thể phát trực tuyến các bộ phim mà hãng muốn phát hành rạp ở Pháp sau “chỉ” 15 tháng. Trên thực tế, đây có thể chỉ cho những bộ phim Pháp do Netflix đồng tài trợ, vốn sẽ chỉ phát hành thuần trực tuyến ở phần lớn các nước còn lại.

Marc-Olivier Sebbag, giám đốc điều hành của nhóm các nhà rạp Pháp FNCF, tranh luận: “Hệ thống ở Pháp thực sự rất công bằng: Bạn trả tiền thêm thì cho vượt. Truyền hình trả tiền có cửa sổ trước phát trực tuyến vì [tập đoàn truyền hình trả tiền của Pháp] Canal+ đầu tư 200 triệu euro (208 triệu USD) mỗi năm vào phim Pháp. Nếu Disney làm thế thì họ có thể chen hàng.”

The Hand of God được phát hành rạp ở Ý vào tháng 11 trước khi ra mắt trên dịch vụ phát trực tuyến vài tuần sau đó

Ý có truyền thống thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt hơn nhiều. Phim nhận được tài trợ từ chính phủ phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về cửa sổ chiếu rạp — hiện tại là 90 ngày giữa chiếu rạp và chiếu trực tuyến — nhưng đối với phim không phải của Ý, việc phát hành được xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Phim đoạt Oscar của Jane Campion The Power of the DogThe Hand of God của Paolo Sorrentino, cả hai đều của Netflix, đều được phát hành rạp ở Ý vào tháng 11 trước khi ra mắt trên dịch vụ phát trực tuyến vài tuần sau đó.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini đã gây sốc cho nhiều người trong ngành vào tháng 3 khi ông công bố kế hoạch về luật bắt buộc chiếu rạp 90 ngày đối với tất cả các phim, gồm cả phim của hãng lớn. Đạo luật, vẫn chưa có hiệu lực, là một nỗ lực để vực dậy lĩnh vực điện ảnh ốm yếu của Ý, không thấy có khả năng phục hồi sau COVID. Ngay cả sau khi các rạp bắt đầu mở cửa lại vào năm 2021, khán giả, đặc biệt là những người hâm mộ điện ảnh cao tuổi, vẫn tránh xa. Theo số liệu từ Viện Quan sát Nghe nhìn châu Âu, Ý là thị trường lớn duy nhất ở châu Âu chứng kiến sụt giảm doanh thu phòng vé từ năm 2020 đến năm 2021, với số lượng vé bán ra giảm 12,2%. Doanh thu phòng vé Ý năm ngoái đã giảm 75% so với mức cao nhất trước đại dịch năm 2019.

Bằng cách buộc các hãng phim giữ phim của họ ở rạp lâu hơn, Franceschini hy vọng sẽ vực dậy ngành công nghiệp địa phương. Vị bộ trưởng đã trích dẫn các quy tắc của Pháp, với khoảng thời gian từ rạp đến phát trực tuyến kéo dài từ 15 đến 17 tháng, làm hình mẫu cho Ý.

No Time to Die mở màn ở Grand Rex, Paris

Pierluigi Bernasconi, chủ tịch Univideo, một nhóm vận động hành lang giải trí tại gia ở Ý, nói: “Thật sự ngu ngốc, họ đang cố gắng bảo vệ một ngành công nghiệp là điện ảnh, bằng cách phá hủy một ngành khác, là phát trực tuyến.”

Bernasconi chỉ ra, tại Ý, ba xuất phẩm Hollywood ăn khách nhất năm ngoái — Spider-Man: No Way Home, No Time to DieDune — kiếm được doanh thu bằng “150 phim ăn khách nhất” của Ý. “Có lẽ Ý nên bớt tập trung vào việc bảo mọi người nên xem phim ở đâu và thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những phim mà khán giả muốn xem,” ông châm biếm.

Các thị trường châu Âu nơi cửa sổ chiếu rạp được xác định theo từng trường hợp cụ thể — như Anh Quốc và Tây Ban Nha — nằm trong số những thị trường bật trở lại nhanh nhất sau khi các rạp chiếu mở cửa trở lại, cho thấy sự linh hoạt có thể là cách tốt nhất để tiến lên chứ không phải các quy định nghiêm ngặt.

“Nếu bạn nói với phần lớn những người trong ngành, họ không muốn cửa sổ dài hơn, bởi nó không giúp ích gì cho các rạp chiếu và có thể sẽ làm hỏng việc phát trực tuyến, vốn là nguồn tăng trưởng chính hiện nay,” Jaime Ondarza, Chủ tịch Công đoàn Biên tập viên Phương tiện Nghe nhìn tại Ý, có các thành viên bao gồm Disney, Netflix, Amazon Prime và Paramount Global, nói. “Nếu chúng ta tạo ra một cửa sổ chiếu rạp áp đặt kéo dài cố tình này, về cơ bản, nó sẽ tạo ra một cửa sổ độc quyền cho một ngành công nghiệp khác là ngành phim lậu.”

Theo Pierluigi Bernasconi, chủ tịch Univideo, một nhóm vận động hành lang giải trí tại gia ở Ý, việc “bảo vệ một ngành công nghiệp là điện ảnh” đang “phá hủy một ngành khác, là phát trực tuyến”

Cho đến nay, Pháp và Ý là những kẻ ngoại đạo đấu tranh cho cửa sổ rạp nghiêm ngặt và dài hơn. Trên khắp châu Âu, hầu hết các quốc gia — bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Bỉ và Đan Mạch — cho phép các hãng phim và nhà rạp định cửa sổ phát hành tùy từng trường hợp, hoặc những quốc gia như Đức, Ireland và Hà Lan chỉ cổ định cửa sổ chiếu rạp cho các phim được chính phủ tài trợ.

Nhưng các hãng phim không nên đánh giá thấp quyền lực chính trị của giới chủ rạp chiếu ở các nước này — đặc biệt nếu họ huy động tinh thần chống-Hollywood.

Marti nói: “Ở Pháp, luôn có khả năng các chính trị gia sẽ nói: ‘Mỹ, về nhà đi — chúng tôi sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của chúng tôi.’ Và Disney, như một biểu tượng của sức mạnh văn hóa Mỹ, là kẻ phản diện hoàn hảo.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter