Tin tức

Cuồng phong và làn sóng phim bộ đề tài luật pháp-phá án-tội phạm hút khán giả Trung Quốc

04/05/2023

Phim truyền hình dựa trên các vụ án về tội phạm có tổ chức ngoài đời thật được các nhà lập pháp, cố vấn chính trị và chuyên gia văn hóa Đại lục thảo luận sôi nổi. Họ cũng kêu gọi sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng hơn để tạo nên môi trường lành mạnh cho văn hóa thượng tôn pháp luật.

“Thật hay khi Cuồng phong / The Knockout nhận được nhiều quan tâm và ngợi khen từ công chúng. Việc sáng tạo và phát hành phim bộ này là một phần của quá trình giáo dục nhà sản xuất và khán giả về pháp quyền,” Jiang Shengnan, thành viên của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc khóa 14, nói.

Cuồng phong là phim truyền hình đầu tiên kể chi tiết về cuộc chiến không ngừng chống lại tội phạm có tổ chức

Bà đưa ra bình luận khi tham dự phiên họp đầu của ủy ban toàn quốc ở Bắc Kinh vừa rồi, và gợi ý rằng những người trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình nên tập trung hơn vào các vấn đề thượng tôn pháp luật sát với quyền lợi của mọi người.

Jiang Shengnan, cũng là một nhà biên kịch, nói, “Tôi đã đưa một số vấn đề pháp lý vào tác phẩm của mình, và hy vọng nhiều nhà sáng tạo sẽ cùng nhau sản xuất những phim chất lượng cao giúp nhiều người hiểu về quá trình tư pháp.”

Cuồng phong, được sản xuất dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chính trị và pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là phim truyền hình đầu tiên kể chi tiết về cuộc chiến không ngừng chống lại tội phạm có tổ chức và giáo dục người dân về hệ thống tư pháp.

Phim kể câu chuyện hành trình 20 năm của một cảnh sát trong cuộc chiến với tội phạm như thế, đồng thời thể hiện sự thăng trầm của những quan chức tham nhũng và nhân vật thế giới ngầm.

Phim kể câu chuyện hành trình 20 năm của một cảnh sát trong cuộc chiến với tội phạm

Bộ phim dài 39 tập khởi chiếu trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc và iQiyi, nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến, vào ngày 14 tháng 1. Phim nhận được đánh giá 8,5/10 trên Douban, một trong những nền tảng bình luận được truy cập nhiều nhất ở quốc gia này.

Mặc dù phim kết thúc đã hơn một tháng, thảo luận vẫn tiếp tục trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, với nhiều người ca ngợi cốt truyện, diễn xuất cũng như nỗ lực của cảnh sát trong cuộc chiến chống tội phạm.

Ví dụ, vào thời điểm họp báo, một chủ đề với hashtag tựa phim đã được thảo luận hơn 18 triệu lần và có gần 7 tỉ lượt xem trên Sina Weibo, nền tảng giống Twitter của Trung Quốc.

Nói về thành công của Cuồng phong, Jiang Shengnan nhấn mạnh sự chuyên nghiệp của kịch bản, nói thêm rằng những đặc trưng đó là quan trọng để thu hút khán giả và giúp nâng cao ý thức pháp luật của khán giả.

Danh nghĩa nhân dân

Chuyên gia pháp lý tham gia

Ngoài Cuồng phong, nhiều phim bộ truyền hình khác liên quan đến chống tham nhũng, tội phạm và ngành tư pháp, chẳng hạn như Danh nghĩa nhân dân / In the Name of PeopleGiới hạn / Draw the Line, đã thu hút khán giả mấy năm vừa qua.

Sự nổi tiếng của phim không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thượng tôn pháp luật, mà còn ở sự chỉ đạo chuyên nghiệp của cơ quan tư pháp và rà soát nghiêm ngặt của họ đối với những công việc liên quan, các chuyên gia nói.

“Ở những phim được các nhà sản xuất và biên kịch không có kiến thức pháp luật thực hiện, nội dung luật pháp đôi khi xa rời thực tế và không phù hợp với trình tự pháp lý. Những đạo diễn và biên kịch đó theo đuổi hiệu ứng kịch tính quá mức và không am hiểu về pháp lý,” Geng Huidong, tổng thư ký Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật Cảnh sát Trung Quốc, nói với Legal Weekly trong một phỏng vấn.

Ông nói thêm rằng những biên kịch muốn làm phim truyền hình hay điện ảnh đề tài luật pháp nên chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện.

Kịch bản phim liên quan đến pháp quyền là một chủ đề đặc biệt đòi hỏi sự tiếp cận chuyên nghiệp để xây dựng cốt truyện và giúp khán giả cảm thấy những gì họ xem gần gũi với cuộc sống

“Tức là họ cần thu thập nhiều tài liệu pháp lý chi tiết và những vụ án cụ thể để đảm bảo tính chuyên nghiệp,” bài báo trích dẫn lời ông.

Ví dụ, Giới hạn, phim truyền hình 40 tập được làm và sản xuất dưới chỉ đạo của Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc, miêu tả sống động những vụ án có thật để minh họa cho quá trình cải cách tư pháp diễn ra thế nào.

Mất ba năm để làm phim bộ này và kịch bản được chỉnh sửa 20 lần, theo tòa án.

Tòa án Tối cao Trung Quốc cũng cho phép các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên thực hiện nghiên cứu ở hơn 60 tòa án khắp Trung Quốc và trò chuyện với hơn 200 thẩm phán trước khi phim khởi quay.

Giới hạn, phim truyền hình 40 tập được làm và sản xuất dưới chỉ đạo của Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc, miêu tả sống động những vụ án có thật để minh họa cho quá trình cải cách tư pháp

Hơn nữa, khoảng 500 vụ kiện được sử dụng làm tài liệu để thúc đẩy phóng tác xa hơn.

Khán giả nói nhờ sự hướng dẫn chuyên nghiệp và chuẩn bị kỹ lưỡng, Giới hạn — phát trực tuyến và trên Đài truyền hình Hồ Nam — đã thu hút sự quan tâm của công chúng về cách tòa án làm việc và giải quyết các vấn đề pháp lý gây tranh cãi, gồm những vấn đề liên quan đến truyền phát trực tiếp, quấy rối tình dục và tự vệ chính đáng, và cho thấy sinh viên tốt nghiệp trường luật non trẻ phát triển thành thẩm phán giàu kinh nghiệm thế nào.

Dữ liệu do tòa án tối cao cung cấp cho thấy các tập phim có xấp xỉ 1,2 tỉ lượt xem trên Mango TV của đài Hồ Nam kể từ khi phát sóng vào ngày 19 tháng 9 năm 2022.

“Chính sự hướng dẫn và hỗ trợ của tòa án tối cao trong quay phim, cũng như nỗ lực của đội ngũ sáng tạo, biến đây trở thành một phim đình đám gần gũi với công việc tư pháp đời thật và mối quan tâm của công chúng,” Zhang Dexiang, phó chủ tịch Hiệp hội phê bình văn học và nghệ thuật Trung Quốc, nói.

Phim bộ Giới hạn cho thấy sinh viên tốt nghiệp trường luật non trẻ phát triển thành thẩm phán giàu kinh nghiệm thế nào

Trong khi đó, Sheng Boji, một chuyên gia từ Hiệp hội nghệ sĩ truyền hình Trung Quốc, nói rằng nghiên cứu ở tòa án đã giúp nhà sáng tạo khắc họa sinh động cách thẩm phán làm việc, “giúp khán giả hiểu hơn về luật pháp và hệ thống tư pháp”.

Nhiều chuyện để làm

Mặc dù Trung Quốc có nhiều phim truyền hình và điện ảnh chất lượng đề tài luật pháp được khán giả ủng hộ trong những năm gần đây, Guo Jianhua, một đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp tối cao, cho biết, “Vẫn chưa có đủ những phim kiểu này.”

Bà kêu gọi thiết lập một hệ thống sáng tạo, làm phim và quảng bá lâu dài giữa những nhà sáng tạo và chuyên gia tư pháp.

“Cũng cần cải thiện những quy định và chính sách liên quan đến văn hóa thượng tôn pháp luật để môi trường sáng tạo trong lĩnh vực này năng động hơn,” bà nói thêm.

Đội tuần tra lưu động / Roving Inspection Team 

Sau khi chứng kiến sự thành công của phim truyền hình, nhiều cơ quan tư pháp khắp Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu cách đổi mới sản xuất tác phẩm hay hơn để giáo dục người dân về luật pháp và thúc đẩy quản trị bằng pháp luật.

Ví dụ, Tòa án nhân dân cấp trung ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, cho biết để tiếp tục hướng dẫn khán giả tìm hiểu luật pháp và hiểu thủ tục tư pháp đằng sau những tác phẩm như thế, tốt nhất các thẩm phán nên tương tác với cư dân mạng hoặc giải đáp những thắc mắc trên nền tảng mạng xã hội phù hợp với kiến thức pháp luật có trong phim điện ảnh và truyền hình đang chiếu.

Geng Huidong, tổng thư ký Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật Cảnh sát Trung Quốc, nói với Legal Weekly rằng các nhà sản xuất phim cần cộng tác với chuyên gia pháp lý hoặc cơ quan tư pháp để tránh sai sót.

“Việc mời chuyên gia pháp lý hoặc cơ quan tư pháp giúp sáng tạo hoặc xem xét kịch bản, hoặc thu thập ý tưởng và đề xuất của họ trong quá trình sáng tạo sẽ đảm bảo và cải thiện chất lượng tác phẩm,” tờ báo trích dẫn lời của Geng Huidong.

Các nhà làm phim đã thu thập nhiều tài liệu pháp lý chi tiết và những vụ án cụ thể để đảm bảo tính chuyên nghiệp

Ông nói thêm kịch bản phim liên quan đến pháp quyền là một chủ đề đặc biệt đòi hỏi sự tiếp cận chuyên nghiệp để xây dựng cốt truyện và giúp khán giả cảm thấy những gì họ xem gần gũi với cuộc sống.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily