Tin tức

Phim tài liệu về Antonio Ramos Espejo và buổi đầu của rạp chiếu bóng ở Thượng Hải

28/04/2023

Không nhiều người biết Antonio Ramos Espejo (1875-1944) từng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển điện ảnh ở Thượng Hải.

Đóng góp của người đàn ông Tây Ban Nha này, mới đây được Chen Dake, giảng viên Đại học Quốc tế Thượng Hải khám phá, là chủ đề cho bộ phim tài liệu từ các sinh viên.

Phim tài liệu về Antonio Ramos Espejo, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển điện ảnh ở Thượng Hải, do sinh viên thực hiện

Các sinh viên hy vọng đưa bản nháp bộ phim 30 phút này ra mắt trong Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, diễn ra từ ngày 9-18/6.

Chen Dake cho biết anh đang đi công tác ở quận Hồng Khẩu của Thượng Hải thì tình cờ đọc được một bài nghiên cứu về Ramos của học giả người Tây Ban Nha Juan Ignacio Toro Escudero.

Bị hấp dẫn bởi phát hiện này, Chen Dake nhanh chóng đưa bài báo cho các sinh viên của mình xem và đề nghị họ làm một phim tài liệu về Ramos.

“Khu học xá đầu tiên của chúng tôi là ở Hồng Khẩu, và tôi tin rằng sinh viên của chúng tôi, với nền tảng nghiên cứu quốc tế, có khả năng tìm hiểu sự việc và kể câu chuyện,” Chen Dake nói.

Colon Cinematograph (Khoa Long Ảnh hí viện), rạp chiếu phim đầu tiên ở Thượng Hải. Rạp chiếu phim 250 chỗ ngồi này sau đó được đổi tên thành Rạp chiếu phim Hồng Khẩu. Năm 1998 rạp bị phá dỡ để nhường chỗ cho việc mở rộng đường Hải Ninh

Hầu hết từ nhóm 16 thành viên chuyên ngành phim tài liệu thuộc khoa báo chí phát thanh truyền hình của trường đại học. Ding Yiwen, nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành tiếng Tây Ban Nha, được mời tham gia đoàn làm phim vì trình độ ngôn ngữ và kiến thức về Tây Ban Nha của cô.

“Câu chuyện của Ramos thật mới mẻ đối với tôi, và giao tiếp giữa Trung Quốc với Tây Ban Nha và Hollywood đều rất thú vị,” Ding Yiwen chia sẻ, trong thời gian thực tập tại Instituto Cervantes ở Thượng Hải, cô đã làm việc cho các dự án về ảnh hưởng của Tây Ban Nha ở Thượng Hải.

Sinh năm 1875, Ramos bắt đầu chiếu phim tại các quán trà và tụ điểm giải trí ở thành phố này vào năm 1903. Năm 1908, ông biến một sân trượt băng ở ngã tư đường Hải Ninh và Sạ Phố thành Colon Cinematograph (Khoa Long Ảnh hí viện), rạp chiếu phim đầu tiên ở Thượng Hải, và có lẽ cả Trung Quốc. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng điều đó được thực hiện vào năm 1906.

Rạp chiếu phim Victoria ở ngã tư đường Hải Ninh và Tứ Xuyên Bắc Lộ

Rạp chiếu phim 250 chỗ ngồi này sau đó được đổi tên thành Rạp chiếu phim Hồng Khẩu.

Thân Báo, tờ báo hàng đầu của Trung Quốc, được thành lập năm 1872 ở Thượng Hải, từng đưa tin rằng một trong những bộ phim đầu tiên được chiếu tại rạp này là tác phẩm nước ngoài có tựa đề Dragon’s Nest. Theo bài báo của học giả Tây Ban Nha, bộ phim tài liệu này nói về tang lễ của Hoàng đế Quang Tự và Từ Hi Thái hậu của triều đại nhà Thanh (1644-1911).

Năm 1909, Ramos thành lập Rạp chiếu phim Victoria, được trang trí tỉ mỉ hơn, ở ngã tư đường Hải Ninh và Tứ Xuyên Bắc Lộ. Năm 1914, rạp chiếu phim này chiếu bộ phim có tiếng đầu tiên ở Trung Quốc.

Chẳng bao lâu sau, các rạp chiếu phim mới của các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như một người Bồ Đào Nha tên là S.G. Hertzberg, đã mở rạp chiếu phim Apollo trên đường Hải Ninh, nổi lên. Vào thời kỳ đỉnh cao của ngành công nghiệp điện ảnh ở Thượng Hải, khu vực dọc đường Hải Ninh có khoảng chục rạp chiếu phim.

Được người nước ngoài gọi là ‘rạp chiếu phim đẹp nhất Viễn Đông’, Rạp chiếu phim Grand được giới thượng lưu Thượng Hải lui tới thường xuyên vào thời hoàng kim những năm 1930

Công việc kinh doanh bùng nổ mang lại nhiều thành công cho Ramos, từng sở hữu ít nhất tám rạp chiếu phim ở Thượng Hải, Hán Khẩu ở tỉnh Hồ Bắc, và Macao.

Thật không may, các sinh viên không thể ghi lại tất cả các địa điểm như vậy trên phim — Rạp chiếu phim Hồng Khẩu đã bị phá dỡ vào năm 1998 để nhường chỗ cho việc mở rộng đường Hải Ninh.

Một tấm bia đá ở góc phố là dấu vết duy nhất của rạp chiếu phim còn lại đến ngày nay.

Tuy nhiên, họ đã tìm thấy Rạp Willie cũ đang được phục chế. Xây dựng năm 1929, ban đầu được gọi là Rạp Hollywood và trải qua nhiều năm đã có một số tên khác trước khi được gọi là Rạp chiếu phim Thắng Lợi sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Rạp Willie xây dựng năm 1929, ban đầu được gọi là Rạp Hollywood

“Chúng tôi phỏng vấn các chuyên gia về lịch sử điện ảnh Trung Quốc, và nhờ họ dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực,” Shen Yicheng, một sinh viên năm nhất tham gia đoàn làm phim tài liệu, chia sẻ.

“Chúng tôi cũng dự định thực hiện một số cảnh quay tại Bảo tàng Điện ảnh Thượng Hải và hy vọng tiếp cận được các tư liệu về thời kỳ này.”

Theo nghiên cứu, Ramos đã mở rộng danh mục kinh doanh của ông bao gồm các dịch vụ giải trí khác — ông thậm chí còn nỗ lực làm một bộ phim — nhưng không bao giờ thành công.

Năm 1922, một cộng sự và đối tác kinh doanh của ông, tên là Goldenberg, bị ám sát sau khi dính líu đến vụ việc được cho là xung đột bản quyền với Hollywood.

Mặt tiền trang trí công phu của Rạp hát Willie đang được trùng tu ở Thượng Hải

Theo phát hiện của học giả người Tây Ban Nha, Ramos đã mua bản quyền dài hạn chiếu một loạt phim Hollywood với giá rất thấp.

Trong số đó có The Kid của Charlie Chaplin, đã gây được tiếng vang lớn với người dân Thượng Hải.

United Artists, đại diện hợp pháp của các nhà làm phim Hollywood, bị cáo buộc từ chối thừa nhận việc mua bản quyền của Ramos và bắt đầu chiến dịch chống vi phạm bản quyền ở Tokyo và Thượng Hải. Goldenberg được cho là đại diện của Ramos trong vụ tranh chấp.

Trong những năm sau đó, Ramos cho người khác thuê hầu hết các rạp chiếu phim của mình để quản lý.

Một bảng quảng cáo phía trước công trình trùng tu cho biết về lịch sử của rạp. Được xây dựng vào năm 1929, rạp chiếu phim ban đầu được gọi là Rạp Hollywood và sau này được gọi là Rạp Thắng Lợi

Cuối cùng, ông đã bán doanh nghiệp và rời Trung Quốc trở về Tây Ban Nha vào năm 1931.

Ông mở Rạp chiếu phim Rialto ở Madrid và quản lý nó cho đến khi qua đời vào năm 1941.

Trong số những người thuê lại ở Thượng Hải có Trương Thạch Xuyên, một nhà làm phim tiên phong của Trung Quốc, đã đạo diễn bộ phim có tiếng đầu tiên ở Trung Quốc năm 1931, Ca nữ Hồng Mẫu Đơn.

Thế hệ các nhà làm phim đầu tiên ở Trung Quốc đã tạo ra nhiều bộ phim vạch trần bất công xã hội phổ biến vào thời điểm đó và khơi dậy tư tưởng chống đối.

Vào thời kỳ đỉnh cao của ngành công nghiệp điện ảnh ở Thượng Hải, khu vực dọc đường Hải Ninh có khoảng chục rạp chiếu phim

Dong Jiaqi, sinh viên năm hai và là thành viên của đoàn làm phim tài liệu, cho biết: “Phim ảnh đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc truyền bá những tư tưởng cách mạng có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily