Tin tức

Đau đầu vì vấn đề bản quyền trên truyền hình Trung Quốc

28/09/2012

Đầu tháng 8, tác giả tiểu thuyết trên mạng Lại Bảo lên án bộ phim truyền hình được yêu thích của Trung Quốc Love Apartment 3 về việc sử dụng nhiều lời thoại từ tiểu thuyết của anh mà chưa được cho phép. Không có gì ngạc nhiên khi vấn đề này được nhiều người quan tâm.

Chỉ trong vòng 24 giờ, đoàn làm phim này đã công bố một lời xin lỗi trên trang tiểu blog weibo của mình. Họ tỏ ý muốn trả thù lao cho tất cả những ý tưởng của Lại Bảo được sử dụng trong phim. Lại Bảo chấp nhận lời xin lỗi và cho biết anh chỉ muốn được nhìn nhận là tác giả chứ không muốn nhận tiền. Biên kịch Ninh Tài Thần còn khen ngợi đoàn làm phim đã “tỏ ra tôn trọng bản quyền trên mạng.”

Với lời xin lỗi nhanh chóng này, chiến dịch quảng bá cho bộ phim vẫn được tiếp tục mà không chịu quá nhiều gián đoạn. Nhưng cái kết có hậu này nên được phân tích sâu hơn.

Love Apartment 3

Nói thẳng ra thì sử dụng đồ đạc của người khác khi chưa được phép là ăn cắp, và việc sử dụng tài sản trí tuệ như trong vụ việc này là hành động đạo văn. Nhưng trong lời xin lỗi, nhà sản xuất Love Apartment 3 không hề thừa nhận họ đã có hành động đạo văn. Lời xin lỗi chỉ cho biết đoàn làm phim “rất tiếc khi khiến tác giả gốc phải phật lòng” và “gửi lời khen ngợi tới các tác giả.”

Đây có vẻ là lý lẽ khá lạ lùng: sử dụng lời văn của người khác không phải là đạo văn. Một lời xin lỗi là cần thiết khi quyền lợi của người khác bị ảnh hưởng. Nhưng ở một mức nào đó, đoàn làm phim này đã được tha bổng. Không thể hiểu được sao họ lại được khen ngợi và có vẻ chính Lại Bảo cũng không hiểu trong tình huống này, “kẻ gian” đã được khuyến khích tiếp tục “ăn cắp”.

Đoàn làm phim kia cho rằng tài sản trí tuệ trên mạng internet khó định nghĩa và đã gặp “nhiều khó khăn thật sự” khi tìm cách liên lạc với tác giả để xin phép sử dụng. Có vẻ cũng có lý. Nhưng bộ phim này đã “nhân tiện” mượn nhiều thứ hơn chỉ vài lời thoại.

Từ phần đầu, bộ phim đã bị chỉ trích trên mạng vì có quá nhiều mạch truyện, cảnh phim và lời thoại được cắt ghép từ nhiều phim khác. Một số thành viên trong phim đã phủ nhận việc này trong một buổi phỏng vấn.

Vụ việc đạo văn của Love Apartment 3 là vấn đề khá thường thấy trong thị trường truyền hình khá lộn xộn của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nhiều cư dân mạng đã lên án một số phim truyền hình mượn ý tưởng từ nhau. Nhưng chỉ số ít trong các phim truyền hình mua bản quyền từ những người làm bản gốc trước khi làm phiên bản của riêng mình, như đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam đã mua bản quyền Ugly Betty của Mexico trước khi làm phim Vô Địch xấu xí.

Một cảnh trong Love Apartment 3

Trung Quốc chưa có những điều luật định nghĩa “vi phạm bản quyền” trong phim điện ảnh và truyền hình. Trong nhiều trường hợp, không thể phân biệt đây là đạo văn hay chỉ là gợi nhắc tới ý tưởng bên ngoài. Cả trong những trường hợp rõ ràng là vi phạm bản quyền, cái giá của việc lấy lại quyền lợi của bản thân tác gải cũng khá cao.

Sao chép từ các phim ăn khách khác có thể khiến bộ phim thu hút khán giả. Nếu bị phát hiện vi phạm bản quyền, người vi phạm không phải trả giá cao, và so với lợi nhuận từ một bộ phim thành công, thật không có gì ngạc nhiên khi nhiều đài truyền hình không ngại vay mượn từ nhau. Giới truyền thông Trung Quốc cũng bóp méo vấn đề này. Thay vì cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện, nhiều đài truyền hình cảm thấy có thể lợi dụng sự chú ý này để quảng bá phim của mình.

Một nhà báo từng nói, “Không hay thì thôi, nhưng đạo văn là tội.” Học hỏi từ thành công của người khác là điều tốt và bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ăn cắp từ người khác vẫn rõ ràng là không nên.

Thêm vào đó, sự lên án của cư dân mạng không thể giải quyết các vấn đề đạo văn. Nhà chức trách cần phải quan tâm nhiều hơn tới quyền lợi của người sở hữu tài sản trí tuệ. Chính phủ cần thêm những điều luật và luật lệ để bảo vệ bản quyền cho ngành điện ảnh và truyền hình.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chinesefilms.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi