Tin tức

Phim ẩm thực: bữa tiệc cho đôi mắt và tâm hồn

18/09/2012

Sushi, bánh pudding, bánh nướng hay cung bảo kê đinh (宫保鸡丁): những đặc sản này không còn giới hạn trong các chương trình ẩm thực và nấu ăn nữa, khi ngày càng nhiều phim điện ảnh và truyền hình chú ý tới món ăn.

Mặc dù một số học giả chỉ trích những bộ phim này vì đề tài hời hợt song món ăn ngon, trai xinh gái đẹp cùng kịch bản ủy mị thật khó cưỡng lại.

Phim ẩm thực Hoa ngữ

Do công ty phát hành phim Haoju sản xuất, Love Actually nói về nhân vật chính Kiều Chi Hạ (nữ diễn viên Hàn Quốc Lee Da Hae đóng), một cô gái trẻ xuất thân nghèo nàn.

Sau khi tình cờ gia nhập một nhà hàng, Kiều Chi Hạ phát hiện tài năng nấu ăn của mình và giúp ông chủ Trần Hạo Phong (nam diễn viên Đài Loan Trịnh Nguyên Sướng đóng) đưa nhà hàng làm ăn phát đạt. Hai người cũng rơi vào lưới tình.

Đây không phải là bộ phim truyền hình đầu tiên tập trung vào ẩm thực bước vào thị trường Trung Quốc. Ẩm thực nam nữ (Eat Drink Man Woman, 1994) của Lý An là một trong những bộ phim đầu tiên sử dụng đồ ăn để kể chuyện, trong trường hợp này, kể về đầu bếp về hưu họ Chu (Lang Hùng) và các con gái của ông. Tác phẩm thành công rực rỡ, nhận được vô số giải thưởng và đề cử trong các năm 1994, 1995.

Cảnh trong phim Love Actually

Những năm gần đây, một trong những bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất là Lâm sư phụ ở Seoul, do Dư Thuần đạo diễn. Tác phẩm kể về đầu bếp Tứ Xuyên Lâm Phi (Lâm Vĩnh Kiện) ngăn một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul khỏi đóng cửa sau khi người quản lý Hàn Quốc qua đời.

Lâm sư phụ ở Seou là lần đầu tiên Dư Thuần đạo diễn một bộ phim tập trung vào nấu ăn, sau khi chỉ đạo các bộ phim truyền hình như Xung đột ở nhà lão Ngưu (2010)

Đạo diễn Dư nói với Global Times rằng khi anh lần đầu nhận được kịch bản, không thấy đề cập gì đến việc tập trung vào loại hình ẩm thực Trung Hoa nào. Vì vậy họ chọn ẩm thực Tứ Xuyên vì bề ngoài sặc sỡ và nguyên liệu đa dạng.

“Đó là cách nấu nướng quen thuộc với khán giả,” Dư Thuần bổ sung.

Nhưng quá trình thực hiện khó khăn hơn anh tưởng. Phim miêu tả khoảng tám món ăn, được đạo diễn Dư thành lập một nhóm đặc biệt để quay.

“Con cá không nghe lời khi bạn muốn quay phim. Và chúng tôi quay cảnh nấu ăn gần như hàng ngày,” anh nói. “Cùng một món ăn được nấu và quay phim lặp đi lặp lại. Đôi khi khói làm nhòe máy quay và khiến êkíp ngạt thở.

Dư Thuần lấy ví dụ lần quay cảnh nhà bếp tại một trường học nấu ăn ở trung tâm Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi họ phải quay trong nhà bếp.

Cảnh trong phim Lâm sư phụ ở Seoul

Với cảnh ở phòng ăn lớn, họ phải đến một nhà hàng bên ngoài thành phố. Thế nên họ phải nấu mỗi món ăn ít nhất hai lần. Vì các diễn viên không nấu ăn giỏi như đầu bếp nên phải có “hàng thay thế” trong bất kỳ cảnh nấu ăn nào.

Đạo diễn Dư nói anh coi bộ phim như một thử thách cho bản thân mình, tuy nhiên tác phẩm nhận được phản hồi tích cực. Với các bộ phim trong tương lai, Dư Thuần nói anh sẽ nghiên cứu văn hóa sâu sắc đằng sau các phong cách ẩm thực và hợp nhất câu chuyện và các nhân vật.

Biểu tượng bữa ăn

Dương Hiểu Húc, một người sành ăn, là biên tập viên ẩm thực của trang web dailyvitamin.cn, hâm mộ các bộ phim điện ảnh và truyền hình tập trung vào đồ ăn, cô đã xem những bộ phim như thế từ thời sinh viên.

Cô nói các quốc gia khác nhau có quan điểm khác nhau về phim ẩm thực.

Ví dụ, phim ẩm thực ở Nhật Bản tập trung vào chính bản thân món ăn, Tampopo (1985) và Udon (2006) nêu bật quá trình phức tạp để nấu món mì Nhật Bản, đi sâu chi tiết cách nấu súp khai vị.

Nhiều phim ẩm thực ở châu Âu dùng thức ăn để nêu lên các đề tài triết học thâm thúy.

Phim Pháp-Italy La Grande Bouffee (The Big Feast), do Marco Ferreri đạo diễn năm 1973, là ví dụ, kể về bốn người đàn ông tụ tập ở một biệt thự để vừa làm tình với phụ nữ vừa ăn đến chết.

Cảnh trong phim Ẩm thực nam nữ

A Touch of Spice (2003), bộ phim Hy Lạp do Tassos Boulmetis đạo diễn liên kết các gia vị và cây cỏ với các hành tinh trong vũ trụ. Còn có các bộ phim khác như Delicatessen (1991), Dinner Rush (2000) và The Over-Eater (2003).

Dương Hiểu Húc nói các bộ phim này thường đưa ra câu hỏi về cuộc sống, cái chết và đạo đức. Phim thập niên 1970 và 1980 đôi khi miêu tả những điều ghê tởm như ăn thịt người.

Xuất xứ từ Mỹ, những bộ phim tập trung vào ẩm thực gần đây bao gồm Chocolate (2000), Waitress (2007) và Julie & Julia (2009). Các tác phẩm này thường nói về nhân vật chính phát hiện ra niềm đam mê của đời mình. Phim hoạt hình Ratatouille (2007) kể câu chuyện dễ thương về chú chuột tên Remy thực hiện thành công giấc mơ nấu nướng của mình và trở thành đầu bếp của một nhà hàng.

Những tác phẩm như My Name is Kim Sam Soon (2005) và Witch Yoo Hee (2007) là các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thành công. Giống như các phim truyền hình khác ở Trung Quốc và Nhật Bản hiện giờ, chúng dùng thức ăn dẫn truyện, nhưng tiêu điểm chính thường là những câu chuyện tình. Các bộ phim này thường có sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng có khuôn mặt đẹp.

Nhưng Tiệc cưới (1993) và Ẩm thực nam nữ (1994) của Lý An đi theo phong cách độc đáo, Dương Hiểu Húc nói. Lấy thức ăn làm biểu tượng của sum họp gia đình, các tác phẩm này khám phá mối liên kết gia đình đằng sau biểu tượng thức ăn.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi