Tin tức

Một đề xuất để khắc phục vấn nạn phòng vé của Hollywood

21/09/2012

Mùa hè vừa rồi của bạn thế nào? Mùa hè vừa rồi của Hollywood thê thảm quá.

Suốt một mùa phim mà các hãng ăn nhờ gần một nửa doanh thu hàng năm của họ, doanh thu phòng vé nội địa giảm 8% vào tháng 7 và 10% vào tháng 8. Lượng người đến rạp thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Những phim bom tấn nhằm vực dậy bảng tổng kết thay vì thế lại ghi bút toán đỏ; một Battleship / Chiến hạm bị khán giả lạnh nhạt đã xóa sạch sành sanh lợi nhuận của tất cả phim khác mà Universal phát hành trong quý vừa qua, còn Sony và Warner Bros. được dự kiến bị lỗ nặng vì Total Recall / Truy tìm ký ứcDark Shadows / Lời nguyền bóng đêm.

Trong số những thương tích kinh tế này là do tự mình hại mình, đúng vậy. Nhưng lĩnh vực điện ảnh đã đạt đến cái điều mà đối tác ICM Chris Silbermann gọi là “điểm tới hạn”. Tình hình ngoài tầm kiểm soát đến nỗi chắc các hãng không thể phá vỡ được cái chu kỳ của những phim thất bại tốn kém hơn bao giờ hết này, không để cho người ngoài cuộc có chút an ủi nào. Nực cười thay, không chừng Hollywood phải cần đến gói giải cứu của Washington — trong trường hợp này không phải để bơm vào các quỹ kích cầu mà là để thay đổi luật chơi cũ kỹ đã nuôi sống nhiều thói xấu xa nhất.

Battleship thất bại làm mất sạch lợi nhuận của các phim khác mà Universal phát hành

Nhìn lại lịch sử một chút cũng có ích đấy. Trong thời kỳ vàng son của điện ảnh — thập niên 30 và 40 — các hãng phim có rạp chiếu riêng và do đó quyết định phát hành phim nào ở đâu, buộc các rạp ngoài vòng đế chế của họ mua phim mà thậm chí chưa được xem. Rồi, một vụ kiện chống độc quyền dẫn tới phán quyết nổi tiếng với tên gọi United States v. Paramount Pictures, Inc. năm 1948 của Tòa án tối cao. Các hãng phim được yêu cầu hoặc sở hữu đường ray hoặc sở hữu đoàn tàu chứ không được sở hữu cả hai. Hollywood chọn đoàn tàu. Với việc các hãng phim hết còn nhồi nhét toàn bộ số lượng phim cả năm — hay cũng như dở — ra các rạp thân cô thế cô nữa, tiền cược cho từng xuất phẩm đã tăng lên.

Nhờ có sắc lệnh Paramount, giờ đây các hãng phim thu xếp ăn chia doanh thu phim nhiều hay ít với nhà rạp, nhưng — và đây mới là mấu chốt — hai bên không thu được tiền cùng lúc. Vì các hãng phim nhận phần rủi ro to tướng, họ được thanh toán trước. Từng hãng thương lượng ăn chia khác nhau, nhưng không có chuyện một hãng hưởng 90% doanh thu tuần đầu tiên, 80% tuần thứ nhì, và cứ thế. Cuối cùng tỷ lệ ăn chia đảo ngược, nghiêng về nhà rạp trong nửa sau thời gian ra rạp của một phim. Kết cuộc là hãng phim phải làm ra những phim ngày càng nghiêng mạnh theo nhu cầu — dưới dạng một siêu người hùng trong vai chính hoặc là kịch bản thoát thai từ một cuốn sách đình đám — và tiềm năng ra mắt gây tiếng vang. Phép tính vi phân này đưa Hollywood đến chỗ nghiện ngập cái gọi là “phim sự kiện” — nhưng làm ra những bộ phim sự kiện tầm cỡ thì đâu chỉ tốn kém mà còn khó khăn trùng trùng. Hơn nữa, vì Hollywood đã nướng sạch những nhân vật hiện có, giờ đây Hollywood chuyển sang phim nhiều phần thực sự chẳng có mấy 'fan'.

Bị bảo là phim đồ chơi ngu ngốc nhưng Transformers đã cho Hollywood một bài học

“Khi tôi muốn làm Transformers, hầu như ai cũng phản đối và nói, ‘Một phim đồ chơi ngu ngốc!’ Rồi chúng tôi vẫn làm, và phim thành công, thế là Hollywood cho rằng bài học là, ‘Hãy làm phim đồ chơi ngu ngốc đi nào!’” Don Murphy, một trong những nhà sản xuất Transformers, nhớ lại. “Nhưng bài học đâu phải vậy. Đó không phải là một phim đồ chơi ngu ngốc; phim Transformers đầu tiên là một phim rất hay. Nó còn có những 150 tập truyện tranh của Marvel nữa. Có 170 tập phim truyền hình, và một cơ sở người hâm mộ đã lớn lên cùng nó hồi những năm 80. Battleship không có tính thần thoại. Đó là một trò chơi thế thôi."

Một điều mà Battleship — và những thể loại trò chơi khác — có, tất nhiên, là rất nhiều hiệu ứng đặc biệt. Nhưng để giúp chiếu được bản digital và bản 3D cái tác phẩm CGI nổ mắt của hãng phim này, nhà rạp buộc phải tăng giá vé lên mức cao kỷ lục. Rốt cuộc, hãng phim làm cho những vấn đề này tồi tệ thêm bằng việc tạo ra một sự tắc nghẽn phim bom tấn, mà vì đó khán giả được kỳ vọng mua vé giá đắt hơn, trong những tháng hè ấm áp. “Không thể cứ chồng chất hết phim tốn kém, đình đám này đến phim tốn kém, đình đám kia,” phó chủ tịch của một hãng phim Hollywood lớn càu nhàu (từ chối tiết lộ danh tính, sợ làm mích lòng nhà rạp). “Không chỉ có phẩm chất mà cả số lượng phim nữa.” Mùa hè 1982, có chưa đến 50 phim ra rạp. Năm 2002, số lượng là 157. Năm nay, có một con số choáng váng là 214 phim hè.

Đồng chủ tịch CBS Films Terry Press thuộc số những người thấy rằng cho các hãng phim sở hữu rạp chiếu trở lại là một cách để thoát khỏi vòn xoắn ốc đi xuống này. “Tôi hiểu là phải chống độc quyền,” cô nói. “Nhưng phải có nhiều tự do hơn để định đoạt cách phát hành một bộ phim.” Sự linh hoạt không chỉ là tính thời gian mà cả tính địa lý. Một phim như Magic Mike, chẳng hạn, làm ăn kém ở những thị trường bình bình nhưng thành công dữ dội ở những thị trường cạnh tranh: St. Louis và Nashville chứng kiến sự tăng vọt hơn 30% doanh thu vé so với thông thường, trong khi ở Kansas phòng vé bật cái đùng tăng tới 75%. Ở New York và Los Angeles — những nơi chi phí quảng cáo và tiếp thị đắt đỏ nhất — Mike sụt chừng 30% và 15% mỗi nơi. Nếu Warner Bros. kiểm soát những rạp chiếu bộ phim này, hãng có thể điều chỉnh được chuyện đó và dành nguồn lực cho những xuất phẩm khác.

Nói riêng, các nhà điều hành khác cả quyết rằng việc có khả năng nhắm đích tốt hơn sẽ dẫn đến giảm bớt bỏ lỡ tính sáng tạo. Không bị sức ép buộc phải làm ra tiền càng nhiều càng tốt, những phim sáng tạo hơn sẽ có thời gian để nắm bắt. Sở hữu rạp chiếu có thể, theo quan điểm này, đưa Hollywood quay lại với Back to the Future. Sau 232 ngày ra rạp, tác phẩm kinh điển năm 1985 của Robert Zemeckis đã đạt được 200 triệu đôla (tức 428 triệu đôla thời giá hiện nay), đánh dấu cú chạm mốc con số này chậm nhất trong lịch sử. Chẳng ai lập luận rằng không đáng chờ đợi để được như vậy.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Magazine


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi