Tin tức

Các nhà làm phim Hollywood muốn lấy lòng Trung Quốc

18/09/2012

Chỉ cách đây ít lâu thôi, người phương Tây nghĩ một nhân vật trong phim Trung Quốc sẽ giống Fu Manchu, tên độc tài muốn chiếm đoạt thế giới trong bộ phim Đức năm 1969, The Castle of Fu Manchu.

Nhưng tám thập kỷ sau, Hollywood và các nhà làm phim phương Tây đã hiểu được tầm quan trọng của thị trường phim trong một đất nước ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên trường thế giới.

Phim hành động Mỹ, Red Dawn của đạo diễn Dan Bradley và sẽ ra mắt vào tháng 11 này, đã trong quá trình hậu kỳ đổi phe phản diện trong phim từ một đội quân người Trung Quốc thành đội quân Bắc Triều Tiên.

Ngành điện ảnh phương Tây giờ càng muốn tránh xa những hình tượng tiêu cực về người Trung Quốc – kể cả về những tên tuổi như Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt – để khám phá một trong những thị trường phim lợi nhuận nhất trên thế giới.

Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt, Thành Long

“Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt đều đã cho người phương Tây cái nhìn tốt đẹp hơn về người Trung Quốc nhưng lại đưa ra một định kiến khác, rằng người Trung Quốc chỉ biết đánh nhau,” nhà phê bình phim Luo Jin cho biết.

Những điều này đang thay đổi và Hollywood luôn muốn mở rộng thị trường.

Ken Jurkiewicz, phó giáo sư Khoa Truyền thông và Điện ảnh tại Đại học Central Michigan nói, “Nhìn chung, nhân vật Trung Quốc nếu không siêu thông minh thì lại là tên hề tạo tiếng cười cho bộ phim, một yếu tố lạ lùng và bí hiểm. Nhất là những vai nữ.”

Nhưng ngành làm phim phương Tây giờ nhận ra, “Trung Quốc là một địa điểm hoàn toàn mới, với hàng trăm triệu người có thể khám phá phim Hollywood. Họ không thể biến con người của dân tộc này thành những khuôn mẫu lặp đi lặp lại.”

“Hollywood giờ rất cẩn thận về cách thể hiện người Trung Quốc trên phim vì không muốn mất khán giả.”

Guy Aoki, chủ tịch Kênh truyền thông cho người Mỹ gốc Á, một tổ chức tìm hiểu cách người Mỹ gốc châu Á được thể hiện trên truyền hình và giới truyền thông, cho biết các vai điện ảnh đang dần được thay đổi để không khiến khán giả Trung Quốc tức giận.

“Gần đây nhất ta thấy Red Dawn biến phe phản diện thành Bắc Triều Tiên. Tôi thấy như vậy có nghĩa họ rất muốn có được thị trường Trung Quốc. Họ không muốn làm phật lòng người Trung Quốc,” Aoki nói.

Vào tháng 6/2010, ngày ra mắt Red Dawn đã bị hoãn lại vì vấn đề tài chính và vì khán giả Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực đối với những cảnh phim được ra mắt trước và những thông tin kịch bản. Giới truyền thông kịch liệt chỉ trích bộ phim với những tựa đề như “Mỹ làm phim về Chiến tranh lạnh để bôi nhọ Trung Quốc”

Red Dawn

“Họ đã phải thay đổi tất cả sau đó. Nhiều phim Mỹ không thể hoàn vốn với doanh thu trong nước và cần tới doanh thu quốc tế. Trung Quốc là một thị trường rất lớn,” Aoki cho biết. “Điều này tốt vì họ sẽ không biến người Trung Quốc thành nhân vật phản diện một cách vô thức nữa. Khi nhân vật phản diện là người Trung Quốc hay Nhật, cộng đồng người Mỹ gốc châu Á không cảm thấy thoải mái.”

Thị trường đầy hứa hẹn

Đây là những thay đổi thông minh để thích nghi với sự lớn mạnh của thị trường điện ảnh Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, doanh thu phòng vé năm 2011 thấp nhất trong vòng 16 năm vừa qua.

Doanh thu phòng vé ở thị trường lớn nhất thế giới này giảm 3,5% xuống 10,2 tỉ USD và số vé bán ra giảm 4,4% xuống 1,28 tỉ vé, thấp nhất kể từ con số 1,26 tỉ vé của năm 1995.

Trong khi đó, doanh thu ở các thị trường ngoài nước Mỹ tăng 7% lên tới 22,4 tỉ USD trong cùng năm đó.

Trong năm 2011, doanh thu phòng vé Trung Quốc lên mức 2,06 tỉ USD (13,1 tỉ nhân dân tệ), gấp đôi năm 2009.

Trong năm 2012, doanh thu phòng vé Trung Quốc tính tới ngày 16/8 đã thu về 10 tỉ nhân dân tệ, và dự tính cả năm sẽ tổng doanh thu 18 tỉ nhân dân tệ, vượt qua Nhật Bản trong vai trò thị trường lớn thứ hai thế giới.

Điện ảnh Nhật cũng nhận ra xu hướng này. Tờ Tokyo Shinbun ngày 11/8 đã viết rằng những vai người Nhật trong phim Mỹ đã có hình ảnh tích cực hơn sau thập kỷ 80, khi thị trường Nhật bắt đầu lớn mạnh và trở thành thị trường xuất khẩu chính của điện ảnh Mỹ.

“Giờ họ đang làm điều tương tự cho Trung Quốc,” Aoki nói.

Tăng đầu tư

Cũng vì thế, các nữ diễn viên nổi tiếng Trung Quốc cũng đang bắt đầu xuất hiện trong phim Hollywood.

Trailer của phim Cloud Atlas, phim khoa học viễn tưởng của Lana Wachowski, ra mắt vào 28/7 và cho thấy trong phim Châu Tấn đóng tận ba vai.

Tháng 6 có tin Phạm Băng Băng sẽ tham gia phim The Moon and the Sun của hãng phim Bliss Media.

Năm ngoái, Hứa Tịnh được mời tham gia Looper, trong vai vợ Bruce Willis.

Sau đó, Dư Nam thông báo cô sẽ xuất hiện trong The Expendables 2, và Lý Băng Băng sẽ có mặt trong phim Resident Evil: Retribution trong vai Ada Wong và giết thây ma cùng Milla Jovovich.

Hứa Tịnh, Dư Nam, Lý Băng Băng trong các phim Hollywood

“Trong thời kỳ toàn cầu hóa, Hollywood không thể phớt lờ diễn viên Trung Quốc cũng như các công ty Mỹ không thể bỏ qua các công ty nhỏ Trung Quốc," Wu Yulan, phó trưởng bộ môn báo chí và tuyên truyền Đại học Kinh tế Luật Trung Nam cho biết. Đây là một trường đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc.

DreamWorks Animation SKG Inc đã thông báo kế hoạch mở một công viên giải trí ở Thượng Hải trị giá 3,14 tỉ USD vào năm 2016.

Công ty liên doanh của hãng phim này với Trung Quốc, Oriental DreamWorks, cũng đã thông báo sẽ sản xuất phim Kung Fu Panda phần 3, ra mắt vào năm 2016.

Sau đó, Cameron Pace Group, do James Cameron đồng sáng lập cùng cộng sự lâu năm Vince Pace, đã mở chi nhánh ở Thiên Tân, Trung Quốc và lên kế hoạch làm phim tài liệu 3D về Bắc Kinh.

“Tôi đang đầu tư lớn và tạo quan hệ ở Trung Quốc,” Cameron cho biết. “Chúng tôi rất mừng được trở thành một phần của sự biến đổi giải trí từ 2D sang 3D. Chúng tôi cho rằng tương lai của giải trí là ở định dạng 3D và tương lai của 3D là ở Trung Quốc.”

Titanic và bản 3D của nó ở Trung Quốc đã có sự gặt hái lớn ở Trung Quốc. Khi bản 2D được chiếu vào năm 1998, nó có tổng doanh thu 360 triệu nhân dân tệ, và là phim có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc trong suốt 11 năm tới khi Transformers 2 phá kỷ lục vào năm 2009. Titanic 3D thu về 900 triệu nhân dân tệ.

Năm 2010, Avatar có doanh thu 1,2 tỉ nhân dân tệ và là phim có doanh thu cao nhất phòng vé Trung Quốc từ trước tới nay.

Với doanh thu phòng vé tăng đều ở mức 30% từ năm 2003, Trung Quốc đã trở thành miền đất hứa mới cho các hãng phim Hollywood.

Trung Quốc đã có những kế hoạch mở rộng thị trường của mình. Trong tháng 2, nước này đã tăng số phim ngoại được nhập vào từ 20 phim mỗi năm lên 34 phim và tăng lượng lợi nhuận các hãng phim nước ngoài được thu về từ 13% đến 25%.

Con đường còn dài

Các nhà chuyên môn cho rằng còn nhiều việc phải làm trước khi khán giả phương Tây và Hollywood có thể có cái nhìn chính xác và áp dụng chính xác hình ảnh và văn hóa Trung Quốc vào phim của mình.

“Họ đã nhận ra mọi việc không còn đơn giản như trước. Tôi nghĩ đó là vì giờ người Mỹ càng ngày càng phải tiếp xúc với những văn hóa khác,” Jurkiewicz, từ Đại học Central Michigan cho biết.

“Tôi muốn nhiều phim Trung Quốc vào Mỹ hơn, cho ta thấy cuộc sống và văn hóa Trung Quốc hiện đại. Những phim đó làm và được chiếu ở châu Á nhưng không bao giờ vào được thị trường Mỹ,” anh nói.

Ngọa hổ tàng long

Nhà phê bình phim Tất Thành Công cho biết thời kỳ hoàng kim của phim Trung Quốc trong thị trường Mỹ là từ năm 2000 tới 2007.

“Đây là kết quả của thành công của Ngọa hổ tàng long,” ông cho biết.

Đó là một phim hợp tác của Mỹ và Trung Quốc, với đạo diễn Lý An và các diễn viên như Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh và Chương Tử Di.

Bộ phim có doanh thu 128 triệu USD ở Mỹ, trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất ở Mỹ. Bộ phim thu về hơn 40 giải thưởng khác nhau, gồm giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

“Thời điểm đó, văn hóa Trung Quốc rất thịnh hành ở Trung Quốc. Trung Quốc mới trở thành một bộ máy kinh tế mới và không ai nói về “Lý thuyết mối đe dọa Trung Quốc”. Trung Quốc vừa mới gia nhập WTO và sẽ đăng cai Thế vận hội 2008…Tất cả cho ta một cái nhìn rộng lượng hơn về Trung Quốc.”

Nhưng giờ Trung Quốc không phải là hiện tượng mới nữa và Tất Thành Công cho biết các diễn viên Trung Quốc phải nhận ra rằng phim có người châu Á là nhân vật chính chỉ chiếm 3% trong tổng số phim Hollywood mỗi năm.

“Hơn nữa, Hollywood chỉ tìm những diễn viên giỏi có thể nói tiếng Anh. Nhiều diễn viên Trung Quốc cũng không có động lực tìm hiểu Hollywood vì họ có thị trường trong nước rồi. Tôi muốn thấy nhiều diễn viên Trung Quốc ở Hollywood hơn để quảng bá hình ảnh và tiếng nói của chúng ta ở đó.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi