Quét mã QR. Không thức ăn. Và thậm chí đừng có nghĩ tới việc tháo khẩu
trang. Nhưng, khán giả Trung Quốc đang đến rạp xem phim, đúng thế.
Kể từ ngày 20 tháng 7, hầu hết các rạp chiếu phim ở Trung Quốc đã được
phép mở cửa trở lại, ngoại trừ một số điểm nóng Covid như tỉnh Tân Cương
phía tây xa xôi.
Một rạp chiếu ở Bắc Kinh hoạt động lại ngày 24/7/2020, giữa nỗi lo
ngại COVID-19 vẫn đang tiếp tục. Số chỗ ngồi bị giới hạn 30% sức chứa
bình thường để giữ giãn cách xã hội
|
Có lẽ không ai thở phào nhẹ nhõm hơn Phó Văn Hà, Giám đốc điều hành Liên
hoan phim quốc tế Thượng Hải. Với lịch khai mạc vào tối ngày 25 tháng
7, liên hoan thường niên này đã kẹt trong tình trạng trì trệ nhiều
tháng. Cho đến thời điểm đó, các nhà tổ chức đã cân nhắc việc tổ chức
trực tuyến kỳ liên hoan năm nay, nhưng biết rằng như vậy thì gần như sẽ
không có tác động bằng với việc có khán giả trực tiếp đến rạp chiếu
phim. “Chúng tôi thực sự hồi hộp chờ đợi quyết định cuối cùng,,” giám
đốc Phó nói. “Ngay sau khi nhận được tin vào ngày 16 tháng 7, chúng tôi
đã lập tức công bố ngày khai mạc liên hoan.” Trong vòng hai giờ kể từ
khi có thông báo, liên hoan đã bán được hơn 90% số vé.
Nhiệt
huyết đó cộng hưởng khắp cả nước. Khắp Trung Quốc, từ xa tít phía bắc
của Bắc Kinh đến thành phố Thành Đô phương nam, các rạp chiếu phim đang
chứng kiến số lượng vé bán mạnh mẽ, bất chấp giới hạn công suất 30%. Đó
không phải là kinh doanh như thường lệ, nhưng đã có kinh doanh: Vào đầu
tháng 8,
Dolittle và
Interstellar tái phát hành của đã đứng đầu phòng vé, đóng góp vào tổng doanh thu 17,5 triệu đôla trên toàn quốc.
Khán giả tại một buổi chiếu ngoài trời của Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 23, khai mạc ngày 25/7/2020
|
Những người bị giam trong nhà hàng tháng trời đang háo hức ra rạp chiếu
phim, bất chấp sự bất tiện của việc đeo khẩu trang để giữ giãn cách xã
hội. Một rạp chiếu phim ở phía nam thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ
Nam, còn đưa ra một giải pháp sáng tạo với các ghế trống bắt buộc bằng
cách đặt vào đó những con thú nhồi bông lớn, có thể ôm được gọi là
“MOMO” được khử trùng sau mỗi suất chiếu. Nghe có vẻ không hấp dẫn bằng
dựa vào bờ vai ấm áp của người yêu, nhưng này, trong những lúc khao khát
sự thân mật như vầy bạn sẽ chấp nhận cái bạn có.
Trải nghiệm
xem phim chiếu rạp ở Trung Quốc luôn khác với ở phương Tây. Đầu tiên,
hầu hết các rạp chiếu phim ở Trung Quốc đều khá mới và hiện đại, và
thường sang trọng hơn nhiều, với chỗ ngồi rộng rãi hơn và thoải mái hơn
bất cứ thứ gì trong cụm rạp chiếu trung bình của phương Tây. Nhiều thành
phố thậm chí còn có các rạp chiếu VIP nhỏ, ở đó bạn có thể thuê một
phòng riêng và xem phim cùng với một nhóm nhỏ bạn bè, giống như dịch vụ
karaoke.
Một rạp chiếu phim ở phía nam thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ
Nam, còn đưa ra một giải pháp sáng tạo với các ghế trống bắt buộc bằng
cách đặt vào đó những con thú nhồi bông lớn, có thể ôm được gọi là
“MOMO”, được khử trùng sau mỗi suất chiếu
|
Trước đại dịch, đi xem phim ở Trung Quốc là một hoạt động đẳng cấp.
Trước khi đến rạp, hầu hết mọi người chọn mua vé trên ứng dụng mạng xã
hội WeChat, ứng dụng cung cấp các ưu đãi giảm giá combo cho vé xem phim
và đồ ăn vặt. Khi đến, bạn chọn chỗ ngồi của mình từ màn hình tại quầy
vé, sau đó lấy đồ ăn. Nếu đến muộn, ai đó đeo nơ sẽ lịch sự hộ tống bạn
với đèn pin đến chỗ ngồi đã định. Tất cả đều gợi nhớ một cách mơ hồ về
kỷ nguyên vàng của điện ảnh ở Mỹ vào những năm 1950 — nhưng với những bộ
phim bom tấn hoạt hình mới nhất của Hollywood, hệ thống chiếu 3D và hệ
thống âm thanh vòm công nghệ cao.
Kể từ khi mở cửa trở lại vào
ngày 20 tháng 7, trải nghiệm điển hình đó đã tiến hóa. Quầy vé được loại
bỏ dần và toàn bộ quy trình làm thủ tục được thực hiện trực tuyến. Khẩu
trang là bắt buộc, cũng như giãn cách xã hội — ít nhất một mét giữa
những người xem phim. Không có quầy bán thức ăn vặt, vì tất cả đồ ăn và
thức uống đều bị cấm. Và những người dẫn vào chỗ ngồi đeo nơ thân thiện
giờ được giao nhiệm vụ thực thi các quy tắc. Nếu họ bắt gặp bạn lôi đồ
ăn vặt ra khỏi túi xách, bạn sẽ được lịch sự yêu cầu bước ra ngoài và ăn
kẹo dẻo Twizzlers của mình ở sảnh đợi trước khi được hộ tống trở vào
bên trong để xem hết bộ phim.
Một khán giả đeo khẩu trang ngừa virus corona đưa tay vào máy quét
nhiệt độ khi cô bước vào một rạp chiếu phim ở Bắc Kinh hôm 24 tháng 7
năm 2020
|
Không cần phải nói, những thủ tục kiểu này sẽ rất khó duy trì ở Mỹ, ở đó
khẩu trang đã bị chính trị hóa và người ta thực sự không thích tuân
theo các quy tắc. Trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh ở Trung Quốc,
cũng có một số người ngoan cố coi thường những yêu cầu bắt buộc về khẩu
trang. Họ đều bị xử lý.
Nhưng có một khía cạnh mới khác của trải
nghiệm rạp chiếu có lẽ là điều gây tranh cãi nhất và ít có thể tái tạo
nhất ở bất kỳ đâu bên ngoài Trung Quốc.
Trước khi vào rạp, mỗi
khách phải quét mã QR ghi lại danh tính của họ, mà sau đó sẽ truy ra địa
điểm sinh sống của họ nếu có ai được chẩn đoán mắc Covid, chính quyền
không chỉ biết nơi tìm bạn mà còn cả những người bạn đã tiếp xúc. Điều
này không mới — nó đã được sử dụng nhiều năm qua trong các khía cạnh
chính của cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, bao gồm cả hệ thống đường sắt
cao tốc quốc gia. Nhưng việc mở rộng giám sát và theo dõi hàng loạt ở
những nơi như rạp chiếu phim, được cho là một trong những công cụ hiệu
quả nhất để cho phép cuộc sống trở lại “bình thường” ở Trung Quốc ngày
nay.
Các tình nguyện viên cùng đội Cứu hộ Bầu trời Xanh thực hiện khử trùng rạp chiếu phim ở Bắc Kinh — và hình nhân Venom của rạp
|
“Tôi nghĩ mọi người cảm thấy rất tự tin đến rạp chiếu phim bởi vì chính
phủ đang sử dụng các biện pháp theo dõi này,” một người xem phim ở Trung
Quốc nói. Cô ấy yêu cầu không nêu danh tính, nhưng sự nhạy cảm đó là
quen thuộc ở khắp Trung Quốc, nơi thái độ về quyền riêng tư và các biện
pháp an ninh rất khác so với phương Tây.
Dù vậy, mô hình này hoàn
toàn khả thi ở Trung Quốc do sự phổ biến của WeChat, một ứng dụng đa
năng hoạt động như một hình thức mạng xã hội, ví kỹ thuật số và hơn thế
nữa. Nó cũng được gắn với thẻ ID quốc gia của người dùng. Hầu hết người
có điện thoại ở Trung Quốc đều có WeChat. Hầu như không thể tồn tại hoặc
hoạt động mà không có nó. Và trong khi Facebook và Twitter tương tự
nhau, thì không có thứ tương đương thực sự với WeChat ở bất kỳ nơi nào
khác trên thế giới.
Thật trớ trêu khi bộ phim lớn đầu tiên của Hollywood dự kiến phát hành tại các rạp chiếu ở Trung Quốc lại là
Tenet (bộ
phim có tiền đề xoay quanh việc ngăn chặn sự bùng nổ Thế chiến III) xem
xét mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa hai siêu cường thế giới.
John David Washington và Robert Pattinson trong một cảnh phim Tenet, bom tấn Hollywood đầu tiên dự kiến phát hành ở các rạp Trung Quốc ngày 4/9/2020
|
Tuy nhiên, mối lo Bắc Kinh có thể trả đũa các động thái gần đây của Mỹ —
như đóng cửa sứ quán ở Houston và cấm TikTok — bằng cách tẩy chay ngành
công nghiệp điện ảnh Hollywood cho đến nay là không có cơ sở. Mặc dù bộ
phim
Mulan rất được mong đợi vẫn chưa có ngày công chiếu ở Trung Quốc (Disney sẽ phát hành trực tuyến bộ phim này vào cuối năm nay),
Tenet dự kiến sẽ ra rạp trên toàn Trung Quốc vào ngày 4 tháng 9.
Jing
Hui, người đứng đầu Hiệp hội các rạp chiếu phim Thượng Hải, cho biết
ngành công nghiệp này vẫn cam kết đón nhận các bộ phim Hollywood, mà
theo ước tính của ông là chiếm hơn 30% tổng doanh thu phòng vé ở Trung
Quốc. “[Christopher] Nolan là một đạo diễn rất nổi tiếng ở Trung Quốc
với những bộ phim đã được đón nhận nồng nhiệt ở đây trong quá khứ,” Jing
nói về đạo diễn Tenet. “Đối với chúng tôi, những bộ phim lớn như thế
này rất quan trọng vì chúng đặc biệt phù hợp để xem rạp, so với những
phim kinh phí thấp hơn mà mọi người có thể thích xem ở nhà. Hầu hết phim
kinh phí lớn đều là phim của Hollywood, vì vậy tôi không nghĩ chính trị
sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định này."
The Eight Hundred của đạo diễn Quản Hổ, bộ phim Trung Quốc Đại lục đầu tiên được quay hoàn toàn bằng máy quay IMAX
|
Trên lưu ý đó, Trung Quốc cũng đảo ngược quan điểm đối với bộ phim
The Eight Hundred
của đạo diễn Quản Hổ. Bộ phim Trung Quốc Đại lục đầu tiên được quay
hoàn toàn bằng máy quay IMAX được dự kiến chiếu khai mạc Liên hoan phim
quốc tế Thượng Hải năm ngoái trước khi đột ngột bị rút khỏi liên hoan
phim cũng như bản phát hành thương mại do tranh cãi xung quanh việc miêu
tả những người theo Quốc Dân Đảng như người hùng của trận đánh lịch sử
trong Thế chiến II.
The Eight Hundred hiện đã được lên kế hoạch
phát hành toàn quốc vào ngày 21 tháng 8. Rõ ràng Covid đã góp phần vào
quyết định đó, xét mức độ thành công của ngành công nghiệp điện ảnh
Trung Quốc lớn đến thế nào và các bước mà chính phủ đã thực hiện để can
thiệp và giúp giữ cho nó tồn tại, kể cả một khoản cứu trợ tài chính
khổng lồ.
Trong khi đó, một số địa điểm nghệ thuật nhỏ hơn ở
Trung Quốc không chỉ tồn tại được mà còn phát triển mạnh trong thời gian
các cụm rạp lớn đóng cửa. Grant Buchwald người Canada điều hành một nhà
hát có sức chứa 80 chỗ ngồi tên là The Pearl trong một tòa nhà lịch sử
gần Bến Thượng Hải nổi tiếng, tổ chức mọi thứ từ tạp kỹ đến các đêm
chiếu phim và các buổi trình diễn Drag Queen. “Khi chính phủ cho phép
chúng tôi mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 4, tất cả các buổi biểu diễn
trực tiếp đều bị hủy bỏ nên chúng tôi phải chiếu phim năm ngày một
tuần,” anh nói. “Không có lựa chọn phim nào khác ở đây, chúng tôi đã rất
may mắn và dường như tiếp cận được một lượng khán giả hoàn toàn mới đã
quay trở lại kể từ đó.”
Một buổi trình diễn thực tại The Pearl ở Thượng Hải sau khi mở cửa trở lại vào tháng trước
|
Buchwald cho biết anh chiếu mọi thứ từ những phim mới hơn như
The Joker và
Parasite trên màn hình 8,5 mét cho đến những nhạc kịch kinh điển như
Rocky Horror và
Hairspray, hoàn chỉnh với sự tham gia của khán giả.
Trong
khi vẫn tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, giới hạn công suất ở
khoảng 30%, The Pearl không phải chịu những hạn chế cứng nhắc như các
rạp chiếu phim lớn hơn. Ở đây không có thú nhồi bông MOMO — chỉ có đôi
vai mềm mại, ngọt ngào của những nghệ sĩ drag queen, bỏng ngô mặn ăn
thỏa thích và thực đơn cocktail phong phú. Có lẽ đã có một tia sáng cuối
đường hầm Covid.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IndieWire