Chất lượng được chứng minh nhưng không có những mối liên hệ thiết yếu, điện ảnh Hàn Quốc nỗ lực tìm cách tiếp cận Hollywood.
Phòng chiếu số 2 của rạp chiếu phim CGV ở Los Angeles, Mỹ, chật kín người trong buổi tối chiếu trước bộ phim Hàn Quốc Late Autumn. Khán giả nói tiếng Anh, chiếm khoảng 70% người xem những bộ phim châu Á, cười và hỉ mũi suốt hai tiếng đồng hồ của bộ phim do tài tử Hàn Quốc Huyn Bin và nữ diễn viên Trung Quốc Thang Duy vào vai chính.
“Bảy năm trước tôi có mặt tại đây, ăn tối ở Uraeok, và đang tìm kiếm một dự án hội tụ các diễn viên châu Á có thể “sống được” ở thị trường Mỹ. Thực khoan khoái biết bao khi cuối cùng cũng được xem bộ phim này ở Mỹ. Tôi nghĩ việc sản xuất những bộ phim quốc tế kiểu này là ý tưởng rất tuyệt,” Lee Joo Ick, tổng giám đốc Boram Entertainment, nhà sản xuất bộ phim, nói sau buổi chiếu.
Buổi chiếu là một phần của Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương tại Los Angeles 2011, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1983. Liên hoan năm nay trình chiếu 180 bộ phim đến từ 22 quốc gia châu Á.
Yoon Shin Ae, giám đốc điều hành đơn vị tổ chức liên hoan Visual Communications, phát biểu với The Korea Herald rằng bà hy vọng có nhiều phim Hàn Quốc hơn nữa tham dự liên hoan trong tương lai.
“Phim Hàn Quốc có chất lượng rất tốt và điện ảnh Hàn Quốc có ảnh hưởng rộng rãi,” vị giám đốc người Hàn Quốc-Mỹ nói.
Thời huy hoàng của điện ảnh Hàn Quốc
Từ rất lâu, đối với các nhà làm phim Hàn Quốc, việc đưa tác phẩm của mình đến Hollywood chỉ là giấc mơ. Chà, giấc mơ cuối cùng đã trở thành hiện thực, xét theo một mức độ nào đó.
Park Chan Wook, đạo diễn phim Oldboy, sẽ khởi quay tác phẩm mới Stoker ở Mỹ vào mùa hè này. Nam diễn viên người Anh Colin Firth cùng các nữ diễn viên Hollywood Nicole Kidman và Mia Wasikowska sẽ thủ vai chính trong bộ phim dự kiến ra mắt vào năm 2012. Đạo diễn Park đã tập trung khởi nghiệp ở Hollywood sau bộ phim truyện mới nhất của anh, Thirst (2009).
Đạo diễn Kim Ji Woon của I Saw the Devil cũng đang mong đợi trình làng ở Hollywood vào năm tới với bộ phim mới The Last Stand. Arnold Schwarzenegger đang cân nhắc về việc nhận vai chính.
Đạo diễn Kim Ji Woon
Loạt truyện tranh nổi tiếng của nghệ sĩ họat hình người Hàn Quốc Huyng Min Woo Priest đã được dựng thành phim 3-D cùng tên của Hollywood. Do Scott Stewart đạo diễn, tác phẩm ly kỳ, khoa học giả tưởng kể về một thế giới giả định bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh giữa con người và ma cà rồng, phát hành tại Mỹ hôm 13/5 và sẽ ra mắt tại Hàn Quốc vào ngày 9/6.
Những bộ phim khác mới đây khiến người trong ngành điện ảnh Hàn Quốc phấn khởi bao gồm Hello Ghost, tác phẩm phát hành năm 2010 sẽ được Hollywood làm lại, do Chris Columbus, đạo diễn của loạt phim Home Alone và hai bộ phim Harry Potter đầu tiên chỉ đạo, và Kung Fu Panda 2 của DreamWorks Animation có đạo diễn Jennifer Yuh là người Mỹ gốc Hàn.
“Giờ đây họ (các nhà làm phim và tác giả kịch bản Hàn Quốc) đang ở thời hoàng kim,” Kim Young, phó chủ tịch thứ nhất phụ trách quản trị chiến lược và điều hành của CGV America Holdings nói.
CGV Los Angeles, rạp chiếu phim Hàn Quốc đầu tiên được mở tại Mỹ, đang đóng vai trò trong việc quảng bá phim ảnh Hàn Quốc tại đây. Rạp này chiếu các bộ phim Hàn Quốc với phụ đề tiếng Anh và phim Mỹ với phụ đề tiếng Hàn Quốc, đã đón hơn 100.000 khán giả kể từ khi khai trương vào tháng 6/2010.
CGV nằm ở một phố mua sắm nhỏ, “Madang the Courtyard”, tại Korea Town, nơi có các nhà hàng, cửa tiệm và thẩm mỹ viện Hàn Quốc. Mặc dù con phố vẫn chưa được thuê hết, rạp chiếu chật kín khách thăm suốt thời gian diễn ra liên hoan.
“Tính sắc tộc chi phối rất nhiều tới tỷ lệ khán giả. Khi chúng tôi chiếu Detective K và Last Godfather, 85% khán giả là người Hàn Quốc, nhưng khi chiếu Fast Five, tỷ lệ này là 55%. Chúng tôi muốn tỷ lệ 50-50,” Martin Kim, giám đốc marketing của CJ Entertainment America nói.
Tổ chức liên hoan phim là một cách khác để đến gần hơn với khán giả quốc tế.
“Không chỉ chiếu cho người Hàn Quốc, chúng tôi muốn chia sẻ với khán giả không phải là người Hàn Quốc và giúp họ hiểu về nền văn hóa của mình,” ông Kim nói.
Ông Kim cho hay CGV Los Angeles có khả năng tăng trưởng dù toàn ngành chiếu phim nước Mỹ sụt giảm khoảng 20% do sự phát triển của kỹ thuật số, các kênh trực tuyến và các thiết bị khác như Blu-Ray.
Hàng dài khán giả trong một buổi chiếu ở Liên hoan phim
châu Á – Thái Bình Dương tại Los Angeles 2011 [Ảnh: CGV L.A.]
“Điều khác biệt là chúng tôi đưa ra các nội dung khác nhau – các bộ phim Hàn Quốc đặc biệt và khác lạ. Chúng tôi có các phòng chiếu với sức chứa cỡ sân vận động và ghế ngồi đặt chỗ trước – điều không mấy phổ biến ở Mỹ.” ông Kim nói. Đồ uống Hàn Quốc ở tiệm giải khát trong rạp, như “misutgaru” hay bột ngũ cốc trộn, nước hoa quả rất phổ biến với khán giả không phải là người Hàn Quốc.
Làm sao để thể hiện mình
Vẫn còn nhiều bộ phim và đạo diễn Hàn Quốc bị lu mờ bởi kết quả khiêm tốn, đã thất bại hay chưa bao giờ thử sức ở Hollywood.
Ví dụ mới đây là Last Godfather của diễn viên hài kiêm đạo diễn Hàn Quốc Shim Huyng Rae được giới truyền thông quan tâm nhiều vì là tác phẩm thứ hai trong nỗ lực hướng tới Hollywood của ông, nhưng rốt cuộc thất bại. Phim phát hành tại 58 rạp chiếu ở Bắc Mỹ vào đầu năm ngoái, tuy nhiên con số này hạ xuống còn một phòng chiếu chỉ trong 15 ngày. Phim thu về khoảng 155.000 USD khi công chiếu.
“Chi phí sản xuất quá lớn khi bắt đầu, và có quá ít rạp chiếu. Bên cạnh đó, phim hài có vẻ là thể loại khó hiểu nhất đối với khán giả đến từ các nền văn hóa khác,” Koo Kyoung Bon, giám đốc Korea Creative Content Agency (KOCCA) tại Mỹ nói.
KOCCA mở chi nhánh tại Los Angeles vào năm 2004 nhằm sắp xếp các cơ hội cho người trong nền điện ảnh Hàn Quốc tiếp xúc với những nhân vật trong ngành giải trí Mỹ và tư vấn, hỗ trợ các công ty Hàn Quốc muốn phát triển ở thị trường Mỹ. KOCCA đã chi 1,2 tỉ won để tài trợ sản xuất Last Godfather.
“Một số người hỏi vì sao chúng tôi tài trợ cho bộ phim này giữa nhiều bộ phim thử sức ở Hollywood. Nhưng dù có nhiều đạo diễn nói họ muốn thử sức ở đây, không có nhiều người thực sự làm phim nhằm mục đích đó,” ông Koo nói thêm.
Shira Rockowitz, trưởng phòng sáng tạo của Exclusive Media Group, cũng nhắc tới thái độ kiêu kỳ của một số đạo diễn Hàn Quốc là trở ngại lớn cho việc đưa phim Hàn tới Hollywood.
“Khi làm phim, bạn muốn mời các đạo diễn nổi tiếng. Nhưng họ (các đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng) thường có mọi đặc quyền ở Hàn Quốc và nếu chúng ta thử mời họ theo kiểu đó, không nhiều nhà đầu tư có thể chịu nổi kinh phí. Vì thế khó thuyết phục họ tới đây mà không có đặc quyền gì,” bà nói.
Những nỗ lực không hiệu quả của một số nhà làm phim và phân phối Hàn Quốc cũng là một vấn đề. Hwang Soo Jin, giám đốc Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc tại Mỹ, cho biết nhiều người tỏ ra yếu kém khi đụng tới giải quyết và xem xét các thủ tục pháp lý. Thế nên khi nhận nhiệm sở năm ngoái, bà quyết định “xúc tiến sự tham gia của Hàn Quốc vào sản xuất phim Mỹ thay vì quảng bá điện ảnh Hàn Quốc.”
Những người tham dự chương trình “Người Hàn Quốc - Mỹ ở Hollywood”
trong một sự kiện ở Los Angeles, tháng 2/2011 [Ảnh: KOCCA L.A.]
“Dường như họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì khi dính dáng tới Hollywood. Tuy nhiên người Hàn Quốc chỉ khoe khoang rằng họ có tiền nhưng chưa bao giờ thực sự chứng tỏ họ tiêu tiền thông minh ra sao. Họ phải nhận ra rằng một số giao dịch phù hợp với họ, một số thì không. Chúng tôi tìm kiếm đối tác làm ăn thích hợp với họ,” bà Hwang nói.
Trong khi các nhà phân phối Hàn Quốc ước mong ký hợp đồng với các nhà phân phối Mỹ, CGV Los Angeles gặp khó khăn vì không có phụ đề tiếng Anh. Mặc dù một trong những mục đích lớn nhất của rạp là cung cấp phụ đề tiếng Anh cho các bộ phim Hàn Quốc và mở rộng lượng khán giả xem phim Hàn, có nhiều lần CGV chiếu phim không có phụ đề.
“Các nhà phân phối phim Hàn Quốc không muốn gửi phụ đề tiếng Anh vì họ muốn bán phim cho các nhà phân phối Mỹ. Khi không suôn sẻ thì họ mới gửi phụ đề đến đây, nhưng khi đó, bộ phim đã không còn được chiếu ở các rạp tại Hàn Quốc. Giả sử chúng tôi tự làm phụ đề thì tốn khoảng 3.000 đến 4.000 USD,” Martin Kim nói.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với phim ảnh Hàn Quốc trong việc tiến vào Hollywood là nền điện ảnh Mỹ chủ yếu dựa trên những mối quan hệ cá nhân.
“Sẽ vô ích khi cố giải quyết bằng cách mang tiền sang đây – Hollywood không phải là nơi thiếu tiền. Dù có vẻ là cách chậm nhất nhưng thực ra, cách nhanh nhất có hiệu quả là gài người. Họ tin tưởng những người mà bạn bè tin cậy của họ giới thiệu. Chúng ta cần tận dụng tối đa những người Hàn Quốc – Mỹ đã có chỗ đứng trong ngành,” Kim Jae Won, giám đốc kiêm tư vấn viên tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Los Angeles nói.
KOCCA Los Angeles đã khởi xướng một chương trình cố vấn mang tên “Người Hàn Quốc – Mỹ ở Hollywood” vào năm ngoái để chỉ dẫn cho những người Hàn Quốc gia nhập ngành giải trí Hollywood. Cho đến nay, hai cuộc hội thảo đã được tổ chức – một ở Los Angeles vào tháng 8 năm ngoái và một ở Seoul vào tháng 11 năm ngoái – và quy tụ vài trăm người tham dự. Cố vấn viên năm vừa rồi bao gồm những người Hàn Quốc – Mỹ đã thành danh trong ngành giải trí Mỹ như Keli Lee, phó chủ tịch điều hành ABC, và Roy Lee, nhà sản xuất tại Vertigo Entertainment. Các cố vấn viên năm nay vẫn chưa được quyết định.
Bà Hwang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ.
“Ngay bây giờ chúng ta quảng bá phim Hàn Quốc với những người dẫn dắt dư luận quan tâm đến phim Hàn bằng cách gửi thư điện tử thông báo về các sự kiện cho họ. Tôi hy vọng chuẩn bị được một nơi gặp gỡ riêng để bất kỳ ai trong ngành giải trí quan tâm tới điện ảnh Hàn Quốc và điện ảnh Mỹ có thể tụ họp và tiếp xúc, trao đổi với nhau,” bà Hwang nói.
Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald