Tin tức

Điện ảnh Hồng Kông đang dựa vào hoài niệm để đẩy doanh thu phòng vé

14/12/2018

Với việc Trung Quốc và Hollywood thống trị màn ảnh rộng ở Hồng Kông, ngành điện ảnh của đặc khu này đang hy vọng tung ra các sử thi hình sự có thể hồi sinh doanh thu bán vé.

Việc lựa chọn bộ phim hành động quân sự Operation Red Sea của Lâm Siêu Hiền đại diện cho Hồng Kông trong cuộc đua Oscar phim nói tiếng nước ngoài lẽ ra đã đến như một chiến thắng. Thay vào đó, nhiều nhân vật kỳ cựu trong nghề tin rằng việc chọn bom tấn này đã phô bày tất cả mọi hư hại với ngành công nghiệp điện ảnh từng được ca ngợi của Hồng Kông.

Dù không tìm được khán giả ở Hồng Kông, Operation Red Sea của Lâm Siêu Hiền vẫn được chọn làm đại diện đua Oscar phim nói tiếng nước ngoài

Do Tập đoàn điện ảnh Bona ở Bắc và Emperor Motion Pictures của Hồng Kông đồng sản xuất, Operation Red Sea thu về một khổng tượng 579 triệu đôla ở Đại lục, nhiều hơn bất kỳ bộ phim nào kiếm được ở một lãnh thổ bên ngoài Bắc Mỹ trong năm nay. Nhưng tiền đề của bộ phim — một câu chuyện hư cấu mang tính tuyên truyền ca ngợi sức mạnh quân sự của Trung Quốc — hầu như thất bại tại quê hương của đạo diễn Lâm. Tại Hồng Kông, Operation Red Sea kiếm được 1,1 triệu đôla.

Việc chọn bộ phim tranh đề cử Oscar — bất chấp không tìm được khán giả ở quê nhà — đã nêu bật lên số lượng phim ít ỏi mà Hồng Kông buộc phải chọn từ đó. Chỉ có 27 trong số 186 phim được phát hành tại Hồng Kông trong sáu tháng đầu năm 2018 được phân loại là sản xuất tại địa phương (và rất nhiều trong số đó thực sự là các xuất phẩm hợp tác Hồng Kông-Trung Quốc nhắm vào thị trường Đại lục). Trong mùa hè, phòng vé Hồng Kông đã tăng 16,9% so với năm 2017, nhưng chỉ có một phim địa phương lọt vào tốp 10. (Trong khi đó, Hollywood vui sướng lấp đầy khoảng trống, với siêu phẩm The Avengers: Infinity War đứng số 1 trong năm cho đến nay với số tiền khổng lồ 20 triệu đôla thu được trong hai tháng trình chiếu.)

Men on the Dragon kể câu chuyện rất địa phương về một nhóm đàn ông trung niên tìm kiếm vinh quang trong một cuộc đua thuyền rồng

Tuy nhiên, các nhà làm phim Hồng Kông có niềm tin — và bằng chứng — rằng khán giả ở đây khao khát những bộ phim địa phương. Vấn đề chỉ là chúng không được sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu đó.

Men on the Dragon, phim Hồng Kông thành công duy nhất của mùa hè — kiếm được 15 triệu đôla Hồng Kông (1,93 triệu đôla Mỹ) — kể câu chuyện rất địa phương về một nhóm đàn ông trung niên tìm kiếm vinh quang trong một cuộc đua thuyền rồng.

“Nhiều người ở Hồng Kông nói với tôi rằng họ đã cười rất nhiều khi lâu rồi mới được xem một bộ phim hài Hồng Kông,” Trần Cẩm Hồng, biên kịch-đạo diễn của bộ phim, nói. “Họ cho rằng nhiều phim hài do Hồng Kông-Trung Quốc đồng sản xuất, hầu hết được lồng tiếng phổ thông, không trúng ‘gu’ của họ, vì những câu chuyện cười đó không cộng hưởng với địa phương này. Nhiều người bày tỏ với tôi rằng họ khao khát một bộ phim hài Hồng Kông hay, thứ đã vắng bóng khá lâu.”

Project Gutenberg với sự tham gia của người hùng điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim Châu Nhuận Phát trong một vai gợi nhớ đến các nhân vật trong những tác phẩm đình đám nhất của anh

Nếu tính liên quan địa phương là chìa khóa để thu hút sự hỗ trợ của địa phương, một trong những cách phổ biến nhất để nuôi dưỡng nó là theo đuổi sự hoài niệm. Edko Films vừa công bố Anita, bộ phim tiểu sử ra mắt thị trường tại Hội chợ phim Mỹ, kể về cuộc đời của nữ ca sĩ nhạc pop người Quảng Đông được yêu mến Mai Diễm Phương, người thống trị các bảng xếp hạng trong thập niên 1980 và 1990 trước khi qua đời năm 2003. Trong khi đó, Project Gutenberg với sự tham gia của người hùng điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim Châu Nhuận Phát trong một vai gợi nhớ đến các nhân vật trong những tác phẩm đình đám nhất của anh, được phát hành vào đầu tháng 10 và thu về 21,3 triệu đôla Hồng Kông (2,74 triệu đôla Mỹ) chỉ trong 10 ngày (và khoảng 144 triệu đôla ở Đại lục đến nay).

“Tôi muốn tiếp tục di sản của phim thương mại Hồng Kông phát triển mạnh khi tôi gia nhập ngành này,” Tiền Gia Lạc, đạo diễn và đồng đóng chính của Golden Job, một phim hình sự hoài niệm khác của năm nay. “Mặc dù tôi tin rằng chúng ta phải hướng tới chứ không chỉ dừng lại ở quá khứ, tôi thực sự hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm đa dạng hơn trong ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông.”

Việc theo đuổi tính địa phương gần đây đã tạo ra một dòng phim mới đa dạng ở Hồng Kông: những phim có quy mô nhỏ hơn, có ý thức xã hội chủ yếu nhắm vào khán giả địa phương.

Mad World khám phá bệnh tâm thần và không gian sống chật chội của Hồng Kông

Mẻ phim địa phương nổi bật có thể được tóm tắt bằng các tựa sau: Little Big Master (về cuộc sống học đường ở nông thôn), Mad World (khám phá bệnh tâm thần và không gian sống chật chội của Hồng Kông), Tomorrow Is Another Day (thăm dò nhận thức địa phương về bệnh tự kỷ), Distinction mới phát hành (trẻ em có nhu cầu đặc biệt và hệ thống giáo dục của thành phố) và I’m Living sắp tới (về những người vô gia cư Hồng Kông đang nương náu trong các nhà hàng thức ăn nhanh 24 giờ).

“Thị trường đã trở nên khá một chiều,” Tiền Gia Lạc lưu ý. “Những bộ phim về các căn bệnh xã hội, mặc dù có giá trị, không thể cạnh tranh với các phim bom tấn Hollywood.”

Anh nói thêm: “Chúng ta đã từng xuất sắc với phim thương mại tầm trung có kinh phí khoảng 30-50 triệu đôla Hồng Kông (3,9- 6,4 triệu đôla Mỹ), và tôi muốn đưa những phim đó quay trở lại. Để có một thị trường lành mạnh, chúng ta phải đa dạng hơn.”

Tiền Gia Lạc, phải, và các diễn viên trong một cảnh phim Golden Job

Để đạt được sự khác biệt và bền vững, số lượng là cơ bản. “Chúng ta phải tăng cường sản xuất,” Trang Trừng, nhà sản xuất phim kỳ cựu nói, gần đây ông đã quay trở lại hãng phim nổi tiếng do ông đồng sáng lập, Media Asia, để giám sát sản xuất. “Điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các đạo diễn mới mà còn cho các diễn viên và êkíp mới trong hậu trường.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter