Tin tức

Điện ảnh Hồng Kông đối mặt với tương lai vô định

13/06/2017

Khi Anh chuyển giao Hồng Kông về cho Trung Quốc năm 1997, vùng từng là thuộc địa của Anh được hứa “50 năm không thay đổi” dưới khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống”.

20 năm qua, nhiều điều thay đổi, bao gồm cả điện ảnh Hồng Kông.

Biểu tượng của Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông, tức giải Kim Tượng, trên Đại lộ các ngôi sao Hồng Kông vinh danh những nhân vật đóng góp cho nền điện ảnh Hồng Kông

Tiến đến kỷ niệm 20 năm chuyển giao, điện ảnh Hồng Kông đang ở ngã ba đường. Các nhà làm phim đối mặt với những câu hỏi về tương lai của một nền điện ảnh từng được thế giới gọi là “Hollywood phương Đông”.

“Chúng ta phải nghĩ về vị thế nên có của điện ảnh Hồng Kông để tìm đường đi trong tương lai,” Hoàng Tiến, đạo diễn 28 tuổi của phim Mad World của Hồng Kông nói, anh đã thắng giải đạo diễn mới Kim Mã, Đài Loan và Kim Tượng năm nay. “Thế mạnh của chúng ta là gì, khi so với phim của các nước châu Á khác? Đã đến lúc suy gẫm về điều đó.”

Trở về với Trung Quốc đưa đến thay đổi nhiều mặt cho điện ảnh Hồng Kông cả về cách kể chuyện lẫn nguồn vốn trong 20 năm qua. Dù một số phim hay nhất của Hồng Kông đã được sản xuất trong giai đoạn này, như Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love) (2000) của Vương Gia Vệ, Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer) (2001) của Châu Tinh Trì, Vô gian đạo (Infernal Affairs) (2002) của Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy và Hắc xã hội (Election) (2005) của Đỗ Kỳ Phong, thay đổi động năng trong tình thế chính trị và kinh tế cũng như quan hệ với Trung Quốc Đại lục mang lại cơ hội lẫn vấn đề.

Cảnh phim Vô gian đạo (Infernal Affairs)

Điện ảnh Hồng Kông chứng kiến một bước lùi vào những năm 90 do phim lậu ngập tràn và mất các thị trường khu vực. Tình thế tệ hơn trong năm năm đầu sau khi Hồng Kông trở thành Đặc khu Hành chính của Trung Quốc thì gặp Khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu năm 1997 và dịch SARS. Kinh tế Hồng Kông lao xuống vực. Năm 2004, số phim được sản xuất chưa đến 70 phim, so với con số 200 trong một năm hồi đầu thập niên 90.

Với khủng hoảng kinh tế gần đây, Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Chặt chẽ hơn được tiến hành giữa Hồng Kông và Đại lục. Dưới khuôn khổ thỏa thuận này, các phim Hồng Kông được miễn hạn ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, và các phim đồng sản xuất giữa các công ty của Hồng Kông và Đại lục sẽ được phân phối như các phim nội địa ở Đại lục.

Điều này mở ra một thị trường Đại lục phát triển nhanh cho các nhà làm phim Hồng Kông và có vẻ như cứu ngành phim ảnh thoát khỏi lụn bại thêm nữa. Số xuất phẩm đồng sản xuất tăng lên gần gấp ba trong thập niên sau đó từ con số 10 phim năm 2004. Một số đạo diễn hàng đầu của Hồng Kông kể cả Từ Khắc và Trần Khả Tân đã băng qua biên giới.

Trương Mạn Ngọc, trái, và Lương Triều Vỹ trong phim In the Mood for Love của Vương Gia Vệ

Các nhà làm phim Hồng Kông đã làm ăn thành công ở Đại lục. Trong số 50 phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc theo danh sách do China Boxoffice của Entgroup tổng hợp, 15 phim là của các đạo diễn Hồng Kông, so với 12 của các đồng nghiệp Đại lục.

“Các đạo diễn hàng đầu nhắm vào tiền và không ngại chơi theo hệ thống của Đại lục,” nhà phê bình và làm phim Hoàng Cốc Tử của Hồng Kông nói. “Làm phim đồng sản xuất có nghĩa bạn phải đưa kịch bản cho hội đồng kiểm duyệt xem xét. Sự sáng tạo bị kiểm soát.”

Số lượng phim Hồng Kông lẽ ra đã ổn định khoảng 55 đến 61 phim trong thập niên thứ hai của Đặc khu Hồng Kông, nhưng trọng tâm nằm ở thị trường Đại lục có nghĩa là các phim Hồng Kông bắt đầu mất đi khán giả địa phương vì họ thấy những phim đồng sản xuất không có liên hệ văn hóa với họ. “So với ngày xưa, phim Hồng Kông trở nên kém đa dạng,” đạo diễn Hoàng Tiến nói.

Trong hy vọng tăng cường phim địa phương và các đạo diễn mới, chính quyền Hồng Kông thành lập Quỹ Phát triển điện ảnh năm 2007. Cuộc thi phim ngắn quốc tế Làn Sóng Mới do Đỗ Kỳ Phong sáng lập năm 2005 cũng thành một bệ phóng quan trọng cho các tài năng trẻ.

Áp phích phim Aberdeen (2014) của Bành Hạo Tường, một phim khởi xướng làn sóng mới cho những câu chuyện địa phương của điện ảnh Hồng Kông đương đại

Cùng lúc đó, sự chán chường của khán giả Hồng Kông đối với phim đồng sản xuất tăng lên trong cơn căng thẳng chính trị giữa Hồng Kông và Trung Quốc. Các nhà làm phim như Trần Quả và Bành Hạo Tường nhìn thấy khoảng cách to lớn này. Các phim năm 2014 của họ, phim ly kỳ khoa học-viễn tưởng The Midnight After của Trần Quả và phim chính kịch Aberdeen của Bành Hạo Tường, cố gắng đưa điện ảnh Hồng Kông quay lại kể các câu chuyện địa phương.

Cuộc biểu tình 79 ngày đòi dân chủ - còn gọi là "Phong trào Ô Dù" (Umbrella Movement) – nổ ra vài tháng sau khi những phim của Trần Quả và Bành Hạo Tường ra rạp.

Thức tỉnh chính trị tạo ra một “làn sóng mới” cho điện ảnh Hồng Kông, đạo diễn Hoàng Tiến nói. Các phim ra rạp trong thời kỳ hậu-phong trào Ô Dù tập trung vào những câu chuyện địa phương mang những thông điệp chính trị-xã hội thay vì chỉ giải trí. Trong số đó là phim xã hội u ám Ten Years (2015), phim ly kỳ tội phạm Trivisa (2016) và Mad World (2016) của Hoàng Tiến, đưa vấn đề rối loạn tâm lý lưỡng cực ra ánh sáng.

Cảnh trong phim Trivisa, bộ phim vừa thắng lớn tại Kim Tượng năm nay

“Chúng tôi tập trung vào khía cạnh xã hội của điện ảnh,” Hoàng Tiến nói. “Phim ảnh đang trở thành một kênh phát biểu. Với chúng tôi, thu hút nhiều người nghe câu chuyện của mình quan trọng hơn hết. Chúng tôi có những di sản tốt nhất trong việc làm phim. Giờ thay vì tập trung vào Đại lục, chúng tôi cần kể những câu chuyện cho khán giả toàn cầu.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety