Hollywood thể hiện phong độ tuyệt vời tại phòng vé Trung Quốc mùa hè này.
Trong số năm bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại ở Trung Quốc thì đã có ba phim đến từ Hollywood: Avatar với 182 triệu đôla Mỹ, Transformers: Dark of the Moon với 145,5 triệu đôla và Kung Fu Panda 2 với 91,5 triệu đôla.
Legend of a Rabbit
Tuy nhiên, Legend of a Rabbit (Thỏ hiệp truyền kỳ),
một bộ phim hoạt hình 3D hoàn toàn do êkíp người Trung Quốc sản xuất với
mục tiêu cạnh tranh với những phim hay nhất đến từ Mỹ, chỉ thu về được
16,2 triệu nhân dân tệ (2,5 triệu đôla Mỹ) tại thị trường Trung Quốc
trong tháng vừa qua sau khi ra mắt vào ngày 11/7.
Tác phẩm 3D trị
giá 18,8 triệu đôla với sự hợp tác của 500 họa sĩ hoạt hình trong suốt
ba năm, đã đồng nhận giải Hoa Biểu cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất,
giải thưởng danh giá nhất của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực điện
ảnh, cùng với ba bộ phim hoạt hình khác.
Những kết quả khác nhau của Rabbit của Trung Quốc và Panda
của Mỹ tại thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh nhất thế giới, nơi
doanh thu phòng vé tăng 64% vào năm ngoái lên 1,5 tỉ đôla, cũng đã phản
ánh được khoảng cách rất lớn giữa doanh thu phòng vé của phim của hai
đất nước tại mỗi thị trường.
Vài năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường trọng điểm cho các tác phẩm lớn của Hollywood. Avatar, Transformers: Dark of the Moon, Inception và 2012 đều có số lượng vé bán ra tại Trung Quốc cao hơn tất cả những nơi khác ngoài nước Mỹ.
Tuy nhiên, phim Trung Quốc, ngay cả các bom tấn ở trong nước như bộ phim tâm lý về động đất Đường Sơn đại địa chấn cũng không đạt được thành công tại thị trường Mỹ.
Phim Trung Quốc khó tìm được thành công tại thị trường Hoa Kỳ
Các phim do Trung Quốc sản xuất lần đầu tiên được công chiếu tại Bắc Mỹ vào thập niên 1980.
Tuy nhiên hầu như không thấy được thành công nào cho đến tháng 12/2000, khi Ngọa hổ tàng long, bộ phim võ thuật do Lý An đạo diễn, tấn công màn ảnh.
Là
bộ phim Trung Quốc thu được lợi nhuận cao nhất, tác phẩm do hãng Sony
Pictures Classics phát hành này đã thu về tổng cộng 128 triệu đôla ở
khoảng 2.000 rạp chiếu bóng trên toàn nước Mỹ.
Ngọa hổ tàng long
Gần bốn năm sau đó, Anh hùng, bộ phim đình đám của đạo diễn
Trương Nghệ Mưu do Miramax phân phối, cũng đã tạo nên được làn sóng mới
với 53,7 triệu đôla doanh thu bán vé, khiến bộ phim trở thành phim Trung
Quốc có lợi nhuận cao thứ hai ở thị trường Mỹ và cũng là phim dẫn đầu
phòng vé Mỹ trong hai tuần liên tiếp.
Tuy nhiên, nhiều bộ phim Trung Quốc đã gặp ngay thất bại phòng vé sau khi chiếu thăm dò tại một số ít các rạp chiếu bóng ở Mỹ.
Đường Sơn đại địa chấn, bộ phim thu về hơn 100 triệu đôla ở Trung Quốc, chỉ kiếm được có 60.954 đôla từ 25 rạp chiếu phim tại Mỹ. Trong khi đó Xích Bích với kinh phí 80 triệu đôla của Ngô Vũ Sâm chỉ được 627.047 đôla khi chiếu tại 42 rạp ở Mỹ vào năm 2009.
Hãng
phân phối phim China Lion Film Distribution, một công ty đặt tại Los
Angeles chuyên phân phối các phim Hoa ngữ theo hợp đồng độc quyền với
AMC, hệ thống rạp chiếu lớn thứ hai ở Bắc Mỹ, cho các thị trường Mỹ và
Toronto, năm ngoái đã phát hành một số bộ phim Hoa ngữ tại Mỹ trong đó
có Đường Sơn đại địa chấn, Chiến quốc, A Beautiful Life và If You Are the One II.
Đường Sơn đại địa chấn
If You Are the One II, bộ phim hài lãng mạn của đạo diễn Phùng
Tiểu Cương đã đạt được 427.000 đôla, trong đó hơn 90% khán giả là người
Hoa hoặc người Mỹ gốc Hoa.
Những khoản thu nhập như thế này, thậm
chí xét trên tiêu chuẩn chung của Trung Quốc cũng vẫn là khiêm tốn, đều
tốt hơn các phim Trung Quốc khác đã được phát hành ở Mỹ. Hầu hết các
phim Hoa ngữ đều chỉ được chiếu tại khoảng 20 rạp ở Mỹ. Trong hơn một
thập kỷ, dù phim Trung Quốc đã hiện diện nhiều hơn ở các rạp tại Mỹ
nhưng hầu hết các khán giả Mỹ vẫn thích phim võ thuật Trung Quốc hơn là
phim tâm lý hoặc phim hài thuần túy.
Những phim Trung Quốc không
thuộc thể loại võ thuật đó vẫn thường xuyên được chiếu trong các rạp
chiếu phim nghệ thuật ở các thành phố lớn – địa điểm chính để chiếu các
phim đến từ mọi miền thế giới.
“Phim Trung Quốc tại Mỹ phải tuân
theo những sức ép của thị trường,” Richard L. Anderson, người đã đoạt
giải Oscar cho hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất, đã nói với Tân Hoa xã.
“Các công ty phân phối ở Mỹ đều hướng đến khán giả. Họ mua những gì họ
nghĩ có thể bán được tại đây.”
Cách kể chuyện chính là vấn đề lớn nhất
Vậy thì, đâu là lý do khiến cho các công ty phân phối “hướng đến khán giả” của Mỹ cho rằng phim Trung Quốc không bán được?
Các
phim nói tiếng nước ngoài thường hiếm khi tìm được đông đảo khán giả ở
Mỹ. Thị hiếu và những ưu tiên mang tính văn hóa rõ ràng đang cản trở họ
xem các tác phẩm Hoa ngữ.
Xích Bích đã kết thúc một cách
ảm đạm với chỉ 627.047 đôla ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên ở Nhật Bản, bộ
phim nhanh chóng trở thành một hiện tượng khi công chiếu vào năm 2008 và
đã trở thành một trong những bộ phim thành công nhất năm ấy.
Xích Bích
Ngoài các diễn viên tên tuổi trong phim, sự hiểu biết của khán giả Nhật Bản với cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Tam Quốc chí, nguyên tác của phim, cũng là một yếu tố quan trọng cho thành công này.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với phim Địch Nhân Kiệt
ở Pháp. Bộ phim võ thuật do Từ Khắc đạo diễn đã thu được kết quả khá
tốt khi cống chiếu ở các nước châu Âu vào tháng 4. Phim đứng thứ chín
trong bảng xếp hạng phòng vé Pháp lúc bấy giờ, một kết quả rất khó có
được đối với một bộ phim nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng
thành công của bộ phim là nhờ vào những nét tương đồng giữa người dân
Pháp và nhân vật chính của phim – Địch Nhân Kiệt, nhân vật được cố nhà
văn – nhà ngoại giao Hà Lan Robert Van Gulik làm nên sự nổi tiếng ở các
nước phương Tây.
Van Gulik đã dịch Địch công án, tiểu
thuyết trinh thám Trung Quốc thế kỷ 18, sang tiếng Anh và dùng luôn nó
làm cơ sở cho bộ tiểu thuyết trinh thám về Địch Nhân Kiệt của riêng ông.
Ngoài
việc khán giả Mỹ có xu hướng thích xem phim trong nước hơn thì chính
bản thân các phim Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề tồn đọng.
Công
nghệ vẫn là một phần không thể tách rời khỏi việc làm phim. Tuy nhiên
sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm phim đã kìm hãm sự phát triển của
ngành điện ảnh Trung Quốc trong nhiều năm.
Phùng Tiểu Cương, đạo diễn phim Đường Sơn đại địa chấn, cho biết khi ông quay bộ phim về động đất này, rất nhiều cảnh thiên tai phải thực hiện ở nước ngoài.
Dù
có một hệ thống máy móc được nhập khẩu với hơn 5.000 chức năng về hiệu
ứng âm thanh và hình ảnh nhưng chiếc máy này vẫn không thể vận hành được
vì “các kỹ thuật viên chỉ biết sử dụng có 500 chức năng,” Phùng Tiểu
Cương nói.
Trong khi đó, dù có được một số ít diễn viên, đạo diễn
và nhà sản xuất hàng đầu đặc biệt thành công, nhưng tài năng của các
nhà biên kịch và đạo diễn vẫn chưa được khai thác một cách tích cực.
“Tiền
bạc không phải là vấn đề. Ngành điện ảnh đang rất cần tài năng có tính
sáng tạo,” theo Hoàng Trung Quân, chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Hoa
Nghị Huynh Đệ, công ty điện ảnh tư nhân được niêm yết đầu tiên của Trung
Quốc, cho biết.
Ba năm trước đây, khi Kung Fu Panda phá
vỡ kỷ lục phòng vé Trung Quốc về phim hoạt hình với 180 triệu nhân dân
tệ (26 triệu đôla), nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao bộ phim đó lại
không phải do một công ty Trung Quốc thực hiện, vì Kung Fu Panda có rất nhiều chi tiết được mượn từ nền văn hóa Trung Quốc.
Kung Fu Panda mượn nhiều nét văn hóa Trung Quốc
Trong nhiều năm, khán giả trong nước vẫn thường phàn nàn rằng vì sao
phim hoạt hình Trung Quốc không thể nào vui nhộn và dễ chịu được như
phim Hollywood.
Dinosaur Baby, một bộ phim hoạt hình Trung Quốc được công chiếu vào tháng 4 và tháng 5, đã thua Rio của Fox. Khi Legend of a Rabbit được ra mắt vào tháng trước, nhiều người đã thắc mắc về nguyên tác của bộ phim, và cho rằng đó chỉ là một bản sao chép của Kung Fu Panda vì thậm chí đến cả poster cũng được làm rất giống nhau.
Xu
hướng thích xem phim nội địa của khán giả Mỹ và sự lạc hậu của công
nghệ làm phim Trung Quốc hiện đang là rào cản lớn, tuy nhiên người trong
cuộc lại cho rằng cách kể chuyện dường như mới là vấn đề lớn nhất khiến
phim Trung Quốc thất bại ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc
tế.
Mark Osborne, một trong những đạo diễn của Kung Fu Panda,
đã từng nói rằng nếu các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc muốn học hỏi
điều gì từ Hollywood thì họ nên học “cách kể một câu chuyện thú vị”.
Ông
nói rằng cách kể chuyện của Hollywood không chỉ phù hợp với nước Mỹ mà
còn thu phục được tâm hồn của cả các khán giả quốc tế nữa.
Doãn
Hồng, một giáo sư ngành nghiên cứu điện ảnh và truyền hình ở Đại học
Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đã cho biết phim Trung Quốc vẫn chưa tìm được một
chiến lược văn hóa và nghệ thuật để kể một câu chuyện Trung Quốc từ góc
nhìn mang tính toàn cầu và để thể hiện được các giá trị văn hóa thế giới
thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
“Xã hội Mỹ là một xã hội đa chủng
tộc, đa văn hóa đến mức họ có thể làm phim cho cả những khán giả ít có
điểm tương đồng nhất,” Chris D. Nebe, một nhà văn, nhà sản xuất và đạo
diễn Hollywood nổi tiếng, đã nói với Tân Hoa xã ở Los Angeles. “Đó là lý
do vì sao mọi người đều có thể hiểu và yêu thích chúng.”
Hợp tác sản xuất - Giải pháp hiện thời
Trung
Quốc vẫn luôn cố gắng đưa phim của mình ra thị trường quốc tế bằng
nhiều cách, trong đó có cách tham gia vào các hội chợ phim và các liên
hoan phim quốc tế lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng
quan hệ hợp tác sáng tạo giữa các công ty Trung Quốc và công ty nước
ngoài là một trong những cách thức quan trọng và hiệu quả nhất.
Hợp
tác sản xuất không chỉ giúp nền điện ảnh Trung Quốc phát triển hơn mà
còn giúp xuất khẩu phim Trung Quốc ra nước ngoài. Giới thiệu phim Trung
Quốc cho cả thế giới là một phần trong chiến lược văn hoá của Trung Quốc
nhằm củng cố quyền lực mềm cho đất nước.
“Để tăng thị phần ở thị
trường quốc tế, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác
tuyên truyền và quảng cáo phim,” Dương Bộ Đình, chủ tịch hội đồng quản
trị của Công ty Phát triển Điện ảnh Hải ngoại Trung Quốc (CFPI), đã nói
với Tân Hoa xã.
Ông nói, “Hệ thống phân phối ra toàn cầu thành
công của Hollywood sẽ giúp ích cho phim Trung Quốc qua việc hợp tác sản
xuất. Khi hợp tác với công ty nước ngoài thì nhiệm vụ của những công ty
này sẽ là phát hành bộ phim tại đất nước của họ. Điều này hiểu quả hơn
nhiều so với khi chúng ta tự bán phim của mình.”
Thực ra, sự cộng
tác giữa các nhà làm phim Trung Quốc và Hollywood vẫn đang được đẩy
mạnh. Diễn viên đoạt giải Oscar Christian Bale đã vào vai chính trong
phim The 13 Women of Nanjing của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Christian Bale trong phim The 13 Women of Nanjing
Trong khi đó, Mike Medavoy, nhà sản xuất phim Black Swan sinh
ra ở Thượng Hải hiện đang làm việc cùng các công ty quảng bá điện ảnh ở
Bắc Kinh để giúp đưa phim Trung Quốc ra nước ngoài. Hugh Jackman đã đóng
trong Snow Flower and the Secret Fan (Tuyết Hoa bí phiến), bộ phim đồng sản xuất đầu tiên của Wendi Murdoch.
Ngoài ra, nhà sản xuất phim Schindler’s List từng đoạt giải Oscar – Branko Lustig – đã công bố kế hoạch sản xuất The Melanie Violin, một bộ phim nói về những người Do Thái tị nạn ở Thượng Hải trong thời kỳ Thế chiến thứ hai.
Trong
một trong những bước chuyển lớn gần đây nhất, tập đoàn Hoa Nghị Huynh
Đệ, hãng phim độc lập lớn nhất Trung Quốc và công ty sản xuất ở Los
Angeles, Legendary Entertainment, cha đẻ của những bộ phim đình đám ở
phòng vé toàn cầu như Inception và The Dark Night, đã cùng thành lập một công ty liên doanh Mỹ-Trung tên là Legendary East vào tháng 6 vừa qua.
Đầu
tháng 8, công ty giải trí mới được thành lập có trụ sở ở Hồng Kông và
do người Trung Quốc quản lý đã công bố dự án đầu tiên của mình: Vạn Lý Trường Thành, dự án sẽ là một bộ phim phiêu lưu “hấp dẫn cả thế giới” và do Edward Zwick, đạo diễn của bộ phim The Last Samurai, chỉ đạo.
Ở
Trung Quốc, dự án này sẽ do đối tác đồng sản xuất của Legendary East,
công ty Hoa Nghị Huynh Đệ, phân phối. Warner Bros. được dự đoán là sẽ
thực hiện những phần vịêc khác.
Vì Trung Quốc đang phát triển rất
nhanh, đặc biệt là trong việc tài trợ và phân phối phim ảnh, một số
người đã cảnh báo rằng điều quan trọng hơn cả chính là chất lượng thực
tế của các bộ phim.
“Tôi biết có một số phim chỉ được hoàn thành
trong vỏn vẹn một tháng. Không có ai bàn bạc một cách kỹ lưỡng về nội
dung kịch bản. Ở Hollywood không xảy ra những trường hợp như vậy. Một
kịch bản tốt cần phải được xét đi xét lại,” Củng Lợi, một trong số những
nữ diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc đã nói với phóng viên Tân Hoa
xã.
Kể từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các
dự án về cơ sở hạ tầng, trong đó có rạp chiếu mới ở các thành phố lớn.
Hiện giờ khắp cả nước đã có hơn 6.000 phòng chiếu phim, trong đó còn có
nhiều phòng chiếu kỹ thuật số. Năm 2010, mỗi ngày có hơn bốn phòng chiếu
được dựng lên.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển các trang thiết bị
thì nhanh nhưng, tính nghệ thuật của phim Trung Quốc vẫn chưa được cải
thiện. Theo giáo sư Doãn ở đại học Thanh Hoa, chỉ có khoảng 100 trên hơn
500 phim được sản xuất ở Trung Quốc năm ngoái là đạt được mức tiêu
chuẩn nghệ thuật có thể chấp nhận được.
“Mua các công trình, lấy
ví dụ, hay chi tiền ra thì dễ thôi. Cái khó là đi sâu vào chuyên môn làm
phim. Việc này phải được thực hiện một cách có phương pháp và có ý
nghĩa về cả mặt kinh tế và chiến lược,” Medavoy, nhà sản xuất phim Black Swan cho biết.
Trong
khi đó, Dan Mintz, giám đốc điều hành công ty DMG Entertainment, đã chỉ
ra rằng xác định được nhóm khán giả mục tiêu là chìa khoá dẫn đến thành
công cho các tác phẩm đồng sản xuất. Bộ phim sẽ là một phim quốc tế với
các yếu tố Trung Quốc hoặc là một bộ phim Trung Quốc với những vấn đề
mang tính toàn cầu.
Đối với một nhà làm phim Trung Quốc, để thu
hút được các khán giả Mỹ, điều quan trọng nhất là người ấy phải kết hợp
được những yếu tố Trung Quốc và Tây phương trong cả cách kể chuyện và kỹ
thuật làm phim, theo Nebe cho biết.
Nhà văn Hollywood này từng hợp tác với các nhà làm phim Trung Quốc sản xuất Mysterious China, bộ phim tài liệu nhiều tập từng đoạt giải thưởng nhằm khám phá Trung Quốc và nền văn hóa 5000 năm của đất nước này .
“Vì
chúng ta muốn người nước ngoài hiểu được Trung Quốc, nên chúng ta phải
cung cấp cho họ thông tin theo đúng kiểu của người nước ngoài,” ông nói.
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Tân Hoa xã
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi