Tuy nhiên bộ phim chuyển thể mới nhất dài 80 tập hiện đang được chiếu
mỗi tối ở Trung Quốc đã gây ra những lời phê bình chưa từng có từ trước
đến nay vì phim tập trung vào vai trò của bốn người phụ nữ (trong nguyên
tác) phá cách và đi ngược lại phong tục tập quán. Trong bản gốc, tất cả
họ đều chỉ là những nhân vật rất nhỏ, nhưng cũng rất kiên cường, một
vài người trong số họ có cơ thể to khỏe và giỏi võ. Có ít nhất một người
phụ nữ gian díu, một bà chủ quán rượu, hai kẻ sát nhân và hai nữ hiệp
đầy võ nghệ.
Poster phim Tân Thủy Hử (2011)
Đến giờ Thủy Hử đã đi hết nửa chặng đường. Phim được chiếu vào
các buổi tối trong tuần trên kênh Dragon TV lúc 7 giờ 30 phút, với hai
tập mỗi tối.
Trong phiên bản mới của đạo diễn Hồng Kông Cúc Giác
Lượng này, những người phụ nữ lại giữ vai trò chính và thực tế là kịch
bản này có hơi thiên về khía cạnh tình yêu và sắc dục.
Và tất cả
những người phụ nữ này còn rất quyến rũ, một số người vô cùng thanh tao
và yểu điệu thục nữ, họ khoác lên mình những bộ trang phục rất đẹp cho
dù đang phải ẩn nấp trong vùng đầm lầy ở phía nam sông Dương Tử vào cuối
thời nhà Tống (960-1279).
Ba người phụ nữ trong băng Lương Sơn
Bạc là Tôn Nhị Nương, còn được biết đến với biệt danh “Mẫu Dạ Xoa”, Cố
Đại Tẩu, hay “Mẫu Đại Trùng”, và Hổ Tam Nương - còn được gọi là “Nhất
Trượng Thanh” vì mái tóc xanh của cô.
Cổ Đại Tẩu và Hổ Tam Nương
đều là những nữ hiệp và không hề được miêu tả là xinh đẹp hay nữ tính,
ngược lại họ rất mạnh mẽ. Người còn lại và đặc biệt tàn nhẫn là Tôn Nhị
Nương, cô mở một quán rượu cũng đồng thời là nơi cô đánh thuốc những
viên quan sai, bắt trói và cắt khúc họ ra để làm nhân bánh bao rồi đem
bán cho những quan sai khác.
Các diễn viên thủ vai Cố Đại Tẩu và
Hổ Tam Nương đều rất trẻ trung và xinh đẹp, thậm chí ngay cả nữ đầu bếp
sát nhân họ Tôn cũng đầy thu hút – khá là khác với hình ảnh của họ theo
những miêu tả trong nguyên tác.
Trong nguyên tác, một băng nhóm
gồm 108 giặc cướp, trong đó có ba người phụ nữ, rất căm hận triều đình
thối nát thời bấy giờ. Tất cả đều là những giai thoại của những người
đàn ông, với rất nhiều cuộc giao chiến do đàn ông viết nên và dành cho
đàn ông. Những mẩu chuyện này sau đó đã được Thi Nại Am tập hợp lại vào
đầu thế kỷ thứ 16.
“Trong truyện có rất ít nhân vật nữ, và tác
giả rất ít phân tích hay thậm chí là đả động đến thế giới nội tâm của
phụ nữ,” một cư dân mạng với biệt danh là Little Water Droplet nói.
Anh
quan sát thấy rằng, “Phiên bản phim truyền hình mới thể hiện một cái
nhìn lãng mạn và nữ tính hơn, và còn có một số mỹ cảnh khiến phim trở
nên giống như một bộ phim thần tượng hơn.”
Một số người nước ngoài đã gọi đùa Thủy Hử là Ba người phụ nữ và 105 người đàn ông vì chỉ có mỗi ba nữ nhân trong nhóm.
Còn
có một người phụ nữ thứ tư nữa là Phan Kim Liên, người đã bị anh hùng
Võ Tòng giết (để báo thù cho cái chết của anh trai) và từ đó anh đã đến
gia nhập vào quân Lương Sơn Bạc. Phan Kim Liên vẫn bị xem là một người
đỏng đảnh, lẳng lơ và liều lĩnh, nhưng trong phiên bản phim mới này nhân
vật lại được khắc họa theo cách khác hẳn.
Hình ảnh Phan Kim Liên trong phiên bản truyền hình chuyển thể mới nhất
có khác biệt lớn so với nguyên tác [Shanghai Daily]
Sự xuất hiện của cô gây ra nhiều tranh cãi nhất trong phim. Phan Kim
Liên được gả cho người anh xấu xí của Võ Tòng. Cô cố gắng quyến rũ Võ
Tòng nhưng không thành công. Rồi cô đã gian díu với một lái buôn giàu có
là Tây Môn Khánh dưới sự dắt mối của Vương Bà. Người chồng đã nhìn thấy
cảnh họ ở trên giường với nhau, và với sự tiếp tay của Vương Bà, họ đã
hạ độc chết người chồng ấy. Võ Tòng sau đó khám phá ra sự thật và đã
giết chết Tây Môn Khánh, chắc chắn là Vương Bà bị một viên đao phủ chém
chết, còn về phần dâm phụ họ Phan thì anh đã bắt cô thú tội rồi chặt đầu
và mổ bụng cô. Đó là những gì được miêu tả trong truyện.
Tuy
nhiên trong phiên bản truyền hình thì Phan Kim Liên đã dũng cảm lao đến
thanh kiếm của Võ Tòng và tự sát, với những ký ức ngọt ngào cùng Tây Môn
Khách cứ được hiện đi hiện lại trên màn ảnh.
“Cô ấy trông thật
trong sáng, rực rỡ và đầy mãn nguyện khi tự vẫn,” một khán giả đã nói.
“Dường như Phan Kim Liên là nạn nhân của một cuộc hôn nhân đầy bi kịch
và của một xã hội trọng nam khinh nữ. Thông điệp của phim là cả cô và
người yêu của cô sẽ không bị lên án nhiều vì họ dám theo đuổi tình yêu
chân thật.”
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Shanghai Daily
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi