Tin tức

Du Mã Địa: Nơi một thời hội tụ người yêu phim Hồng Kông giờ chứng kiến từng rạp đóng cửa

13/06/2018

Rạp phim đầu tiên ở Du Mã Địa mở cửa năm 1919 và trong bốn thập kỷ sau đó trở thành tụ điểm xem phim của Hồng Kông; người hâm mộ đổ xô tới Astor, Majestic, London và nhiều rạp khác đón xem những phim địa phương và quốc tế mới nhất.

Rạp London ở Du Mã Địa, từng là tụ điểm của người yêu điện ảnh ở Hồng Kông

Ngày nay, nếu muốn xem những bom tấn mới nhất thì khu Vịnh Đồng La và Tiêm Sa Chủy là những địa điểm hợp lý. Nhưng 50 năm trước, những người xem phim ào tới Du Mã Địa, khu phố lao động ở nửa trên bán đảo Cửu Long. Những năm 60 và 70, các rạp lớn rải rác quanh khu vực với những cái tên hoành tráng như phòng chiếu rộng lớn của chúng: Universal, Majestic, Liberty, London và Astor, là một vài trong số đó.

Tình yêu với màn bạc của khu vực này bắt đầu năm 1919 với việc mở cửa rạp Quảng Trí trên phố Can Túc, nơi giờ là bãi đỗ xe Du Mã Địa. Đây là rạp chiếu phim đầu tiên ở Cửu Long.

Một panô tuyên truyền bên ngoài rạp Astor trên đường Nathan để kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc

Một bức ảnh chụp tầm năm 1930 cho thấy cảnh tượng nhộn nhịp đằng trước cửa rạp, với người bán những rổ hàng rong và những người đi bộ ăn mặc trang phục theo đời Đường. Không may, không thể biết được bộ phim gì đang được chiếu khi đó.

Một thập kỷ sau, những rạp phim khác gia nhập, trình chiếu những phim mới nhất. Rạp Đệ Nhất khai trương trên đường Public Square năm 1926, sau đó là rạp Majestic và Phổ Khanh trên đường Nathan năm 1928. Rạp Du Mã Địa mở cửa ở góc đường Waterloo và Reclamation năm 1930.

Con số rạp phim tiếp tục tăng sau Thế chiến II, đạt mốc đỉnh là 8 trong năm 1960 – hơn bất cứ khu vực nào ở Hồng Kông.

Rạp Du Mã Địa nằm cạnh một chợ trái cây. Đầu thập kỷ 80, nó chuyển từ phim đại chúng sang chiếu phim cấp ba và trở thành rạp phim khiêu dâm lớn nhất Hồng Kông

Cheung Chi-ying, một nhân viên vận chuyển hàng sinh năm 1952 chia sẻ kinh nghiệm của ông với dự án lịch sử truyền miệng HK Memory, nhớ lại việc xem phim là phương tiện giải trí chính của ông thời niên thiếu.

“Các rạp phim nhắm tới những tầng lớp dân cư khác nhau, nên họ đưa ra các loại phim khác nhau,” ông nói. Universal thu hút tầng lớp lao động, với các phim địa phương có các diễn viên như Thẩm Điện Hà (còn được biết với tên Lydia Shum) và Tiêu Phương Phương.

Rạp Phổ Khanh (còn có tên Astor) chiếu các phim có chủ đề yêu nước từ Trung Quốc. Rạp London có danh tiếng nhất, luân phiên phim Hollywood và phim từ hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ.

Rạp Astor trên đường Nathan ở Du Mã Địa

Cheung hồi tưởng việc ngồi xem phim câm của Charlie Chaplin ở rạp Du Mã Địa. “Chúng được một người bình luận ngồi trên mái thuật lại,” ông kể

Một trong những ký ức sống động nhất của ông là về rạp Quảng Trí, chuyên chiếu phim lượt hai. Tuồn người xem phim vào rạp phim đông đúc là chuyện cực kỳ dễ dàng. Ghế đẩu có sẵn trong phòng chiếu, nhưng nhiều người chỉ đơn giản trải báo ra sàn ngồi.

“Khi phim đến cao trào, bố mẹ không muốn cho con đi vệ sinh, nên chúng tè luôn ra sàn và cả phòng hôi rình,” Cheung nhớ lại. Nhưng ông thích đến đó vì nó ngay cạnh cửa hàng cao quy linh yêu thích của ông, và ông có thể mang món ăn vặt đó vào rạp.

Rạp Quảng Trí ở giao lộ giữa đường Temple và Can Túc

Những năm tháng huy hoàng cho các rạp phim ở Du Mã Địa kết thúc vào cuối thập niên 1970, khi nhiều rạp mở thêm ở Mông Cốc và Vịnh Đồng La. Từng rạp phim của khu này biến mất, trừ rạp Du Mã Địa – sau một thời gian trở thành rạp phim khiêu dâm – được cải tạo thành một nhà hát kịch Quảng Đông.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post