Tin tức

Hậu cung Chân Hoàn truyện - Những phi tần tuyệt vọng đến Mỹ

13/03/2013

Phim truyền hình dài tập Trung Quốc nổi tiếng nhất năm 2012 không nghi ngờ gì chính là Hậu cung Chân Hoàn truyện, lột tả cuộc tranh giành quyền lực hư cấu giữa các phi tần của hoàng đế thời nhà Thanh (1644-1911). Bộ phim nổi như cồn này không chỉ “càn quét” Trung Hoa đại lục, Đài Loan và một vài nước Đông Nam Á khác như Singapore và Malaysia, mà giờ đây còn dấn bước sang thị trường Hoa Kỳ.

“Dự định phim sẽ được chiếu trên một số kênh truyền hình của Hoa Kỳ trong vòng sáu tháng,”đạo diễn của phim Trịnh Hiểu Long nói. Là một đạo diễn truyền hình kỳ cựu của Trung Quốc, ông từng có các tác phẩm như Desire / Khát khao (1990, ông là nhà sản xuất), A Native of Beijing in New York / Người Bắc Kinh ở New York (1996), và Golden Marriage / Kim khánh hôn nhân (2006).

Poster phim

“Công ty Hoa Kỳ đã xem Hậu cung Chân Hoàn truyện với phụ đề tiếng Anh và thấy hài lòng,” Trịnh Hiểu Long nói với Global Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nhưng ông từ chối tiết lộ tên công ty này hay các kênh truyền hình Hoa Kỳ sẽ phát sóng phim.

“Họ sẽ biên tập lại phim thành sáu tập, mỗi tập từ 90 phút đến hai tiếng, và có thêm vài đoạn nhạc mới,” ông nói thêm.

Đấu tranh quyền lực

Trong phim dài 76 tập này, phụ nữ vào các vai chính và thể hiện những mưu sâu kế độc giữa các phi tần của hoàng đế Trung Hoa. Trong phim, Chân Hoàn, một phi tần do nữ diễn viên nổi tiếng Tôn Lệ thủ vai, đánh bại tất cả, thậm chí cả hoàng hậu, bằng sự thông minh và dũng khí của mình, rốt cục đạt đến vị trí tôn quý nhất phụ nữ có thể có trong hoàng cung xưa.

Thật ra một lý do phim trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc đó là kịch bản được thiết kế tinh tế khuấy động sự tò mò của khán giả về cuộc tranh giành quyền lực giữa các phi tần.

Một dàn diễn viên nữ nổi tiếng xinh đẹp, phục trang bắt mắt, và một cốt truyện gây “nghiện” đã đóng góp vào độ nổi tiếng của phim trong lòng khán giả Trung Quốc. Nhưng với khán giả Mỹ, câu chuyện đến từ một nền văn hóa hoàn toàn khác, và các nhà sản xuất phim Trung Quốc vẫn lo lắng xem Hậu cung Chân Hoàn truyện sẽ được đón nhận thế nào.

Đạo diễn Trịnh Hiểu Long tự tin: “Trung Quốc đã có nhiều phim truyền hình cổ trang, nhưng chưa phim nào nổi tiếng như Hậu cung Chân Hoàn truyện.”

Tôn Lệ trong vai Chân Hoàn

Bên cạnh câu chuyện hay và diễn xuất khéo léo, đạo diễn Trịnh còn cho rằng thành công của phim dựa vào những giá trị lịch sử được thể hiện trong phim. “Đây không chỉ là câu chuyện thần tượng hay tình yêu thời xưa đơn giản. Phim phản ánh sự tàn bạo của xã hội phong kiến dẫn đến kết cục bi thương cho hầu hết nhân vật trong phim, kể cả chính hoàng đế (ông bị phi tử phản bội và phẫn uất mà chết),” Trịnh Hiểu Long nói.

“Thông qua việc thể hiện cuộc tranh giành quyền lực tàn nhẫn nơi cung cấm thời Trung Hoa xưa, bộ phim không chỉ phê phán chế độ phong kiến, mà còn có lời cảnh báo đến thời hiện tại,” ông phân tích thêm.

Phản ứng ở ngoại quốc

Hậu cung Chân Hoàn truyện thực ra đã được phát sóng ở Hoa Kỳ năm 2012, nhưng chỉ giới hạn ở một số kênh truyền hình tiếng Trung địa phương, theo lời nhà sản xuất Tào Bình.

“Lần này chúng tôi sẽ không can dự vào việc công ty Hoa Kỳ kết cấu lại phim vì chúng tôi không mấy quen thuộc với thói quen xem phim của khán giả nước ngoài,” ông nói.

Vẫn còn phải xem một phim được khán giả Trung Quốc yêu thích có được khán giả nước ngoài đón nhận không.

Thái Thiếu Phân trong vai hoàng hậu

“Tôi chưa nghe nói đến phim này, và tôi nghĩ phần lớn người Mỹ cũng không biết hay không mấy quan tâm,” Anna Hill, một người Mỹ làm việc cho một công ty truyền thông ở Bắc Kinh, cho biết.

Trên trang asianfanatics – một diễn dàn chuyên và đầy đủ về truyền hình châu Á thường được khán giả nước ngoài tụ họp – vẫn có ít bàn thảo và lượt tải phim Hậu cung Chân Hoàn truyện về. Nhưng những ai đã xem đều gợi ý mọi người trên diễn đàn xem.

“(Phim đã) rất nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục năm 2012. Rất đáng xem, dù không chính xác về mặt lịch sử,” Yimi, một thành viên diễn đàn, nói.

Các rào cản xuất khẩu

Hậu cung Chân Hoàn truyện đối mặt với nhiều vật cản phía trước. Ở thị trường ngoài nước, phim truyền hình Trung Quốc có thể khơi lên sự đồng cảm trong một số cư dân châu Á có cùng nền tảng văn hóa. Nhưng những người ngoại quốc khác với nền văn hóa hoàn toàn khác thì thấy xa lạ và không dễ nhìn nhận. Hơn nữa, phụ đề dịch có thể làm mất đi một số yếu tố văn hóa truyền thống Trung Hoa và giảm đi tầm quan trọng về lịch sử.

Trong phim, những đoạn đối thoại ăn miếng trả miếng là điểm nhấn, trong đó một số lời thoại đã trở thành biểu tượng thu hút của phim. Ví dụ, câu nói của Hoa phi quyền uy, “Tiện nhân tựu thị kiểu tình” (nghĩa là “Tiện nhân đúng là thích giả vờ giả vịt”) đã trở thành câu phổ biến.

Tưởng Hân trong vai Hoa phi

Bị phụ đề dịch giới hạn, chiều sâu nghĩa gốc của phim khó mà được hiểu hết, và sắc thái cũng như cảm xúc của người nói cũng không được chuyển tải đến khán giả.

Có nhiều ví dụ như thế trong phim này, đặc biệt là khi các câu chuyện có nhiều chức danh khác nhau trong xã hội ngôi thứ. “Cung phi của hoàng đế có nhiều danh phận như đáp ứng, thường tại, tần phi, có thể người ta sẽ dịch ra tiếng hiện đại, hoặc thậm chí giản lược đi nếu khó dịch quá,” Dĩ Hiểu Kỳ, người có kinh nghiệm bốn năm làm phụ đề tiếng Anh cho phim, nói.

“Dù sao thì rốt cục mọi người phần nhiều muốn biết câu chuyện, và thật viễn vông khi mong đợi khán giả Hoa Kỳ hiểu quy tắc hoàng tộc Trung Hoa cổ đại chỉ thông qua một phim truyền hình,” cô nói.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi