Tin tức

Tranh cãi pháp lý về việc sử dụng các đoạn thư thoại ngày 11/9 trong phim Zero Dark Thirty

06/03/2013

Mặc dù đã phát hành cách đây ba tháng (ở Mỹ -ND), thêm một ngày, Zaro Dark Thirty (phát hành ở Việt Nam với tựa 30' sau nửa đêm) thêm lùm xùm. Ngay khi tình hình lắng dịu với tác phẩm gây tranh cãi của Kathryn Bigelow miêu tả cuộc săn lùng kéo dài cả thập kỷ, và cuối cùng giết chết thủ lĩnh al Qaeda Osama bin Laden, một lần nữa bộ phim này lại bị xới tung lên.

Cùng khoảng thời gian Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngưng cuộc điều tra về các cảnh tra tấn trong phim và mối quan ngại về việc các nhà làm phim được quyền sử dụng thông tin tối mật, gia đình các nạn nhân vụ 11/9 cáo buộc những người đứng phía sau bộ phim đoạt giải Oscar có Jessica Chastain đóng chính này đã sử dụng đoạn băng ghi âm tiếng nói của những người thân yêu của họ mà không được họ đồng ý.

Jessica Chastain (phải) trong vai Maya, nữ chuyên gia phân tích của CIA,
trong phim
Zero Dark Thirty [Ảnh: Columbia Pictures]

Tuần trước, The New York Times đưa tin gia đình của Betty Ann Ong, một tiếp viên hàng không đã tử nạn trên chuyến bay số 11 của hãng hàng không Mỹ vào ngày 11/9/2001 “được sử dụng không thích hợp trong cảnh mở đầu phim Zero Dark Thirty." (Phim mở đầu với màn ảnh tối đen khi nghe những giọng nói đau lòng của ngày 11/9, gồm những cuộc gọi điện thoại cuối cùng, hoảng loạn từ những người đã mất. Người anh của Harry Ong đã phát biểu về việc sử dụng đoạn ghi âm đó, “Tôi nghĩ điều này đúng là thái quá, hoàn toàn kém suy xét, và là một sự lạm dụng lời nói.” Mark Boal, nhà biên kịch của Zero Dark Thirty (gia đình Ong đã gửi một lá thư đến ông) phát biểu hồi tuần rồi, “Như ủy ban về vụ tấn công 11/9 đã tuyên bố một cách công bằng, Betty Ong chắc chắn là một trong những người hùng của đất nước chúng ta.”

Trong một lá thư từ gia đình Ong, họ yêu cầu lời xin lỗi từ Viện Hàn lâm về bộ phim và rằng các nhà làm phim hãy quyên tặng từ thiện dưới tên Betty Ann Ong. Sony – hãng sản xuất Zero Dark Thirty cùng với Annapunrna Pictures từ đó đã đóng góp vào tổ chức Voices of September 11, cũng như hiến tặng cho bảo tàng đang được xây dựng tại Ground Zero (nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị phá hủy), và đề tên những nạn nhân và đặt đường dẫn đến các quỹ trên trang web chính thức của bộ phim – chuyển đến Hollywood.com một tuyên bố:

Zero Dark Thirty ra đời từ tấn thảm kịch 11/9, ngày để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong tất cả người Mỹ, nhưng không ai chịu dấu ấn đó nhiều bằng những người đã mất mát quá nhiều vào ngày bi thảm đó. Mặc dù bộ phim này kể câu chuyện dài 10 năm của công cuộc làm thế nào nước Mỹ đưa bọn khủng bố đằng sau vụ 11/9 ra công lý, chúng tôi công nhận rằng đây vẫn là một chủ đề nhạy cảm và đau buồn đối với nhiều người. Đó là lý do các nhà làm phim, bắt đầu từ trước khi bộ phim phát hành, chủ động liên lạc với một số thành viên gia đình nạn nhân vụ tấn công ngày 11/9, kể cả những người có băng ghi âm tiếng nói có thể được nghe trên các cuốn băng phát hành công khai. Chúng tôi hy vọng rằng Zero Dark Thirty, theo cách nhỏ nhoi, là một sự tri ân những người mãi mãi bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9 và những người đã làm việc cật lực và mạo hiểm quá nhiều để thấy công lý được thực thi.”

Kyle Chandler trong vai Joseph Bradley, cấp trên của Maya ở Islamabad, thủ đô Pakistan

Kể từ đó, một gia đình nạn nhân khác đã đưa ra vấn đề tương tự với bộ phim. Gia đình của Bradley Fetchet, một người buôn bán chứng khoán 24 tuổi làm việc ở tầng 89 của Tòa tháp Nam, nói rằng các nhà làm phim đã dùng đoạn ghi âm cuộc gọi cuối của anh mà không được họ đồng ý. Mary Fetchet, mẹ của Bradley, nói với New York Daily News trong một cuộc phỏng vấn, “Tôi bàng hoàng vì họ đã không liên lạc với tôi để xin phép sử dụng băng ghi âm của Brad... gửi đến tôi những lời cuối cùng của con tôi trước lúc chết, đúng, điều này phản tác dụng với quá trình làm nguôi ngoai của người ta. Tôi không phản đối việc bộ phim này được làm ra. Nhưng tôi cực lực phản đối họ đã tự ý đưa vào phim lời cuối cùng của con trai tôi nói với tôi.”

Gia đình Fetchet trước đó đã công khai đoạn băng về cuộc gọi điện thại cuối cùng của Bradley, thế nhưng, như luật sư Brooke Oliver của công ty Oliver & Sabec, người đại diện cho cả hai gia đình giải thích với Hollywood.com, “chỉ kể câu chuyện của Brad và những gia đình nạn nhân vụ 11/9 khác, và không hề vì mục đích thương mại.”

Oliver nói thêm, “Gia đình Fetchet và Ong cũng giữ quyền công bố đoạn ghi âm tiếng nói người thân của họ. Các nhà làm phim có thể viện dẫn Tu chính án đầu tiên và lợi ích công cho họ ngoại lệ sử dụng phi thương mại các đoạn ghi âm này. Thật khó mà xem một phim bom tấn làm ra hàng chục triệu đôla là ‘phi thương mại’. Giọng nói và hồi ức của những người đã chết trong vụ 11/9 không phải muốn sử dụng thì sử dụng; các bản ghi âm lột tả những khoảnh khắc đau đớn và kinh hoàng trong đời người… Zero Dark Thirty nên xin phép và ghi nhận ở phần ghi nhận cuối phim.”

Nhưng gia đình các nạn nhân có cơ sở pháp lý, như Oliver lưu ý, “bản thân cuộn băng ghi âm đuợc luật bản quyền liên bang bảo vệ” không? Tim Bukher, một thành viên của Handal & Morofsky, LLC giải thích, “Điều 51 Đạo luật dân quyền của New York quy định nguyên nhân khiếu kiện liên quan đến ‘bất kỳ cá nhân nào mà tên, chân dung, hình ảnh hay giọng nói được sử dụng trong bang này vì mục đích quảng cáo hoặc mục đích thương mại mà không có được sự chấp thuận bằng văn bản.’ Ở New York chúng ta gọi đây là “Quyền riêng tư” (ở California và một số bang khác thì quyền này được gọi là “Quyền công bố”). Connecticut, cũng có liên quan ở đây vì đây là nơi gia đình các nạn nhân đã chết sinh sống, cũng là nơi phổ biến luật về quyền công bố.”

Cảnh lực lượng Navy SEAL tấn công nơi ẩn náu cuối cùng của bin Laden cuối phim

Bukher cho biết thêm, “Quyền riêng tư không áp dụng với tin tức vì lý do rõ ràng là bản tin không được xem là có mục đích quảng cáo hoặc thương mại thuần túy (thêm vào việc tự do ngôn luận theo hiến pháp, đặc biệt là liên quan đến báo chí, hơn bất kỳ luật liên bang nào). Song, trong trường hợp này, chúng ta có một phim nghệ thuật thương mại sử dụng giọng nói của một người mà không được phép của người đó; đây thường được xem là việc sử dụng mà không được cho phép giọng nói của một người vì mục đích thương mại. Thực tế là gia đình nạn nhân có thể cho phép bên khác sử dụng đoạn băng ghi âm trong quá khứ mà không cho nhà sản xuất phim quyền giống như thế.”

“New York không mở rộng quyền công bố đối với người chết, Connecticut thì có. Vì thế liệu gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường hay không còn tùy thuộc vào nơi người chết đã từng cư ngụ,” Bukher giải thích thêm, “Phạm vi này càng không rõ ràng hơn bởi vì quyền hạn xét xử cụ thể đã công nhận rằng ngay cả những phim nghệ thuật xoay quanh những vấn đề lợi ích chung quan trọng cũng có thể, trong những trường hợp nhất định, được xem là việc đưa tin – mà một lần nữa sẽ đưa trở về vấn đề quyền tự do ngôn luận.”

Oliver cho biết điều mà gia đình nạn nhân muốn từ việc này thì đơn giản: “Họ muốn làm sáng tỏ mọi việc, và bảo đảm rằng di sản của những người thân của họ được gắn kết với những gì mà họ và gia đình tin tưởng.” Như The New York Times chỉ ra, Zero Dark Thirty kết thúc với lời đề tặng dành cho “các nạn nhân và các gia đình của vụ tấn công ngày 11/9.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Hollywood.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi