Tin tức

Hoa tuyết điểm: Ai bảo chọn Jung Hae In khiến cho gián điệp quyến rũ đẹp trai làm chi!

07/01/2022

Phim bộ truyền hình lịch sử Snowdrop của đài JTBC đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ tất cả các phía của chính trường Hàn Quốc kể từ lần đầu tiên được phát sóng vào ngày 18 tháng 12.

Cuộc tranh luận về chuyện có thể hư cấu đến mức nào, đặc biệt là khi miêu tả một giai đoạn lịch sử nhạy cảm như quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc, đang diễn ra sôi nổi — không chỉ ở Hàn Quốc mà cả với khán giả nước ngoài do sự nổi tiếng toàn cầu của các diễn viên chính.

Nhân vật Soo Ho, một điệp viên Bắc Triều Tiên, trong hiện thân của Jung Hae In đã điển trai lại còn cải trang thành sinh viên đại học

Snowdrop lấy bối cảnh Seoul năm 1987, khi Hàn Quốc đang trong các cuộc biểu tình dân chủ chống lại chế độ độc tài quân sự. Jisoo của nhóm nhạc nữ Blackpink vào vai sinh viên đại học Hàn Quốc Young Ro và nam diễn viên Jung Hae In vào vai Soo Ho, một điệp viên Bắc Triều Tiên cải trang thành sinh viên đại học.

Câu chuyện bắt đầu với việc Soo Ho bị các đặc vụ của Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia (NSP) của Hàn Quốc truy bắt và trốn vào phòng ký túc xá của Young Ro. Young Ro và những người bạn cùng phòng tưởng Soo Ho là một người biểu tình ủng hộ dân chủ đang chạy trốn cảnh sát và quyết định giữ anh lại trong ký túc xá.

Bộ phim ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt. Mặc dù Soo Ho không tham gia bất kỳ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nào, nhưng nhiều khán giả nhận thấy tiền đề về việc một điệp viên Bắc Triều Tiên ẩn náu trong sinh viên đại học Hàn Quốc vốn dĩ có vấn đề. Thời điểm đó chính quyền Hàn Quốc biện minh việc đàn áp tàn bạo những người biểu tình ủng hộ dân chủ, nhiều người trong số họ là sinh viên đại học, đơn giản là nhằm săn lùng gián điệp Bắc Triều Tiên.

Young Ro và những người bạn cùng phòng tưởng Soo Ho là một người biểu tình ủng hộ dân chủ đang chạy trốn cảnh sát và quyết định giữ anh lại trong ký túc xá

Phản ứng dữ dội của hai phe chính trị ở Hàn Quốc

Young Ro và những người khác trong ký túc xá bác bỏ thông báo của đặc vụ NSP rằng một điệp viên đã đột nhập vào ký túc xá và tin Soo Ho là một nhà hoạt động sinh viên bị buộc tội sai, bất chấp những nghi ngờ kéo dài của họ — một “miêu tả tiềm ẩn nguy hiểm” theo Ban Byung Yool, giáo sư danh dự về lịch sử tại Đại học Nghiên cứu Nước ngoài Hankuk.

“Phim có thể khiến người xem có ấn tượng rằng các điệp viên được che giấu trong giới sinh viên và không thể phân biệt được, điều này làm tăng thêm trọng lượng cho tuyên bố của chính quyền Hàn Quốc lúc bấy giờ rằng việc truy quét các nhà hoạt động sinh viên là một nỗ lực để bắt gián điệp,” giáo sư Ban nói. “Ngay cả khi đó là một khái niệm thú vị kịch tính, thì vẫn là rất vô trách nhiệm.”

Những người chỉ trích Snowdrop bày tỏ lo ngại rằng khắc họa như vậy có thể biện minh cho việc bắt giữ các nhà hoạt động với cáo buộc gián điệp oan sai, sau đó tra tấn hoặc thậm chí giết họ. Có lẽ trường hợp nổi tiếng nhất là nhà hoạt động sinh viên Park Jong Chul, người bị tra tấn đến chết trong cuộc thẩm vấn vào năm 1987.

Young Ro và những người khác trong ký túc xá bác bỏ thông báo của đặc vụ NSP rằng một điệp viên đã đột nhập vào ký túc xá và tin Soo Ho là một nhà hoạt động sinh viên bị buộc tội sai, bất chấp những nghi ngờ kéo dài của họ — một “miêu tả tiềm ẩn nguy hiểm”

Mỗi tập của Snowdrop bắt đầu bằng tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng mọi nhân vật, tổ chức và sự kiện trong loạt phim đều hoàn toàn hư cấu. Tuy nhiên, người xem đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng cụ thể giữa phim và các sự kiện lịch sử có thật.

“Làm thế nào mà các nhà sản xuất có thể khăng khăng rằng mọi thứ đều là hư cấu sau khi dựng phim vào năm 1987, một năm mang tính biểu tượng khi phong trào dân chủ Hàn Quốc đang ở đỉnh cao?” Tổng thư ký Kim Young Man của Hiệp hội Tưởng niệm Seoul ngày 18 tháng 5, một tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát năm 1980 những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Gwangju, Nam Jeolla, nói. “Tự do sáng tạo không có nghĩa là xuyên tạc lịch sử và xúc phạm các nạn nhân liên quan.”

Giáo sư Ban nói thêm: “Phim bộ truyền hình đề cập đến một khoảng thời gian quá nhạy cảm và gần đây nên hết sức thận trọng. Vì nhiều nạn nhân hoặc gia đình của họ vẫn còn sống, những câu chuyện gây tranh cãi như vậy có thể làm tổn thương họ. Bởi vì diễn ra rất gần đây, tranh cãi chắc chắn sẽ bị chính trị hóa cao độ hoặc bị một số thế lực chính trị nào đó lợi dụng.”

Trong phim, Soo Ho được cho là đã bắt cóc và sát hại nhiều người Hàn Quốc ở châu Âu

Bản kiến ​​nghị trên trang web của Nhà Xanh yêu cầu hủy bỏ bộ phim đã thu hút được hơn 350.000 chữ ký trực tuyến trong một tuần và một số thương hiệu đã rút hợp đồng tài trợ.

Những người xem bảo thủ về chính trị cũng đang lên án Snowdrop nhưng vì những lý do hoàn toàn khác. Họ nói rằng phim này làm cho điệp viên Bắc Triều Tiên quyến rũ trong vai chính đẹp trai và lãng mạn. Trong phim, Soo Ho được cho là đã bắt cóc và sát hại nhiều người Hàn Quốc ở châu Âu.

Hiện tại, Snowdrop dường như đang bị ảnh hưởng bởi tất cả các khía cạnh trong quang phổ chính trị Hàn Quốc.

NSP là ai?

Một chỉ trích lớn khác về Snowdrop là miêu tả NSP theo một khía cạnh tích cực. NSP, thường được hiểu là viết tắt của từ tiếng Hàn angibu, là cơ quan tình báo Hàn Quốc từ năm 1981 đến năm 1999.

Cảnh các đặc vụ NSP chờ nhận được trát của tòa mới tiến hành lục soát ký túc xá trong phim nhận rất nhiều lời xỉ vả

Trong một cảnh đặc biệt bị xỉ vả, các đặc vụ NSP chờ nhận được trát của tòa mới tiến hành lục soát ký túc xá.

Giáo sư Ban cho biết: “NSP đã ngụy tạo nhiều gián điệp hơn là thực sự bắt được. Họ đã vu oan cho những người bất đồng chính kiến tội làm gián điệp và thường xuyên bắt giữ người mà không có trát tòa án. Vô số người bị giam giữ bất hợp pháp và khi được thả thì tàn tật do bị tra tấn, chết hoặc mất tích. Snowdrop miêu tả NSP là một cơ quan thực thi pháp luật bình thường tuân thủ các quy tắc là không chính xác và có vấn đề.”

NSP dưới chế độ quân sự Hàn Quốc nổi tiếng bịa đặt các vụ gián điệp, bỏ tù và thường xử tử những người bị buộc tội oan. Nạn nhân và gia đình của họ bị xã hội kỳ thị cho đến khi các cuộc xử lại đã minh oan cho họ vào thế kỷ 21. Nhiều người vẫn phải chịu hậu quả do bị tra tấn.

“Tôi thấy cảnh khám xét trong phim thật nực cười,” Tổng thư ký Kim nói. “Năm 1980 tôi bị nhốt 105 ngày vì tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Trong 30 ngày cuối cùng mới có lệnh bắt giữ. Snowdrop cho thấy các đặc vụ NSP kiên nhẫn chờ lệnh là một sự xuyên tạc thô thiển.”

Cũng điển trai, nhưng không thấy khán giả Hàn phản đối anh lính Bắc Hàn-Hyun Bin lãng mạn, trái lại Hạ cánh nơi anh là một thành công khủng

Một chút hư cấu, một chút sự thật

Một số người cho rằng phản ứng dữ dội đối với Snowdrop là gay gắt quá đáng. Một sinh viên đại học họ Lee phản đối kịch liệt “tiêu chuẩn kép” đó.

“Rất nhiều phim bộ truyền hình Hàn đã miêu tả những người lính hoặc điệp viên Bắc Triều Tiên là những nam chính dũng cảm, đẹp trai,” sinh viên Lee đó nói. “Crash Landing on You [2019-2020] đã lãng mạn hóa vai nam chính là một sĩ quan quân đội Bắc Triều Tiên và là một thành công khủng. Nhưng quân đội Bắc Triều Tiên đã tấn công người Hàn Quốc rất nhiều lần, kể cả trong những năm 2010. Những nạn nhân đó và gia đình của họ vẫn còn sống và cũng còn đau khổ. Tại sao Crash Landing on You không gặp phải phản ứng dữ dội tương tự?”

Nhà phê bình chính trị Yoo Jae Il, người từng là một nhà hoạt động sinh viên vào những năm 1990, gọi phản ứng dữ dội là “phản ứng dị ứng từ thế hệ 586”, ám chỉ những người sinh vào những năm 1960, phản đối chế độ độc tài trong những năm 1980 và hiện nay ở độ tuổi 50. Thế hệ này được coi là thành phần quan trọng của đảng cầm quyền hiện tại ở Hàn Quốc và cơ sở cử tri của nó.

Do sự nổi tiếng toàn cầu của hai diễn viên chính Jisoo và Jung Hae In, tranh cãi về Snowdrop ngay lập tức lan rộng trên toàn thế giới

“Sự thật lịch sử là đã có những điệp viên thực sự được cử đến Hàn Quốc. Một số thậm chí đã sống cuộc đời gián điệp trong nhiều thập kỷ,” Yoo nói. “Cũng có những người theo chủ nghĩa xã hội Hàn Quốc tự nguyện trở thành gián điệp cho Bắc Triều Tiên.”

Một ví dụ là “điệp viên bà nội” khét tiếng Lee Sun Sil, được cử lãnh đạo một tổ chức ngầm gồm những người ủng hộ Bắc Triều Tiên ở Hàn Quốc trong hơn một thập kỷ. NSP phát hiện ra danh tính của bà vào năm 1992, mặc dù bà đã trở về Bắc Triều Tiên trước đó hai năm. Lee Sun Sil dẫn đến khoảng thêm 100 vụ bắt giữ những người đã tiếp xúc với bà.

“Thực tế là đa số sinh viên Hàn Quốc hoạt động trong phong trào dân chủ đều ủng hộ chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ,” Yoo tiếp tục. “Trong số họ có những người đã liên lạc với các đặc vụ Bắc Triều Tiên để nhận nguồn lực và chỉ thị.”

Các nhà hoạt động sinh viên đồng cảm với tư tưởng juche (tự lực) của Bắc Triều Tiên và họ được gọi bằng tên viết tắt tiếng Hàn là jusapa. Trong Snowdrop, một trong những người bạn cùng phòng của Young Ro, một thành viên tích cực của phong trào dân chủ thể hiện sự quan tâm đến chủ nghĩa xã hội và bí mật đọc sách về chủ nghĩa này.

Cảnh các nữ sinh căng thẳng sợ hãi khi NPS lục soát ký túc xá của họ trong phim

“Phản ứng dữ dội này là thế hệ 586 cố gắng che giấu sự thật rằng họ là những jusapa theo chủ nghĩa xã hội có quan hệ với Bắc Triều Tiên,” Yoo nói.

Giáo sư Ban cho biết: “Mặc dù chính quyền Hàn Quốc thời đó thường phóng đại các vụ bắt bớ tất cả các nhà hoạt động sinh viên, nhưng một số sinh viên jusapa đã đi thăm Bắc Triều Tiên một cách bất hợp pháp, bí mật hẹn gặp các điệp viên Bắc Triều Tiên hoặc nghe đài của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, không có vụ điệp viên Bắc Triều Tiên ẩn náu trong số sinh viên đại học Hàn Quốc. Một điệp viên ở độ tuổi đại học sẽ còn quá trẻ để được đào tạo bài bản.”

“Một điệp viên Bắc Triều Tiên ở độ tuổi đại học là hoàn toàn phi thực tế,” Yoo nói. “Nhưng xét sự tồn tại thực sự của gián điệp và jusapa, tôi nghĩ khái niệm này nằm trong phạm vi chấp nhận được của trí tưởng tượng sáng tạo, không phải là sự bóp méo.”

Một điệp viên ở độ tuổi đại học sẽ còn quá trẻ để được đào tạo bài bản

Jusapa đã tồn tại,” Tổng thư ký Kim nói. “Khi Mỹ làm ngơ trước chế độ độc tài và việc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ, nhiều sinh viên đã chống Mỹ và chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đó không biện minh cho những hành động sai trái của NSP hoặc một phim bộ gây hiểu lầm về mặt lịch sử.”

Người hâm mộ nước ngoài cũng xoắn

Do sự nổi tiếng toàn cầu của hai diễn viên chính Jisoo và Jung Hae In, tranh cãi về Snowdrop ngay lập tức lan rộng trên toàn thế giới. Phản ứng dữ dội ở Hàn Quốc đã nhận được sự đưa tin của các phương tiện truyền thông quốc tế và làm dấy lên một cuộc tranh luận trong khán giả nước ngoài.

Tranh luận giữa những người xem ở nước ngoài tập trung vào việc có nên xem hư cấu chỉ là hư cấu, hơn là tranh luận tính chính xác về mặt lịch sử — có thể là do người xem nước ngoài có kiến ​​thức nền tảng về lịch sử và chính trị Hàn Quốc tương đối ít, là thêm một yếu tố nữa khiến các nhà phê bình Hàn Quốc lo lắng về Snowdrop.

Là phim bộ nguyên tác Hàn Quốc đầu tiên của Disney+, Snowdrop đang tiếp cận một lượng lớn khán giả nước ngoài, là thêm một yếu tố nữa khiến các nhà phê bình Hàn Quốc lo lắng

Giáo sư Ban cho biết: “Loạt phim đang tiếp cận một lượng lớn khán giả bởi vì các diễn viên của bộ phim này nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng khán giả nước ngoài có ít kiến ​​thức nền tảng có thể coi câu chuyện là sự thật, hoặc ít nhất là chuyện có thể đã xảy ra. Nó có thể khiến họ nhận thức sai lệch về quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc.”

Trong khi một số fan nước ngoài của Snowdrop chỉ trích công chúng Hàn Quốc quá nhạy cảm, thường đề cập đến họ bằng cách sử dụng thuật ngữ bài bác “Knetz” (cư dân mạng Hàn Quốc), một số đồng ý rằng vấn đề chính trị đang bị nghiêm trọng hóa. Karolina Kaluzna, một khán giả người Canada gốc Ba Lan và chuyên ngành lịch sử đã chia sẻ suy nghĩ của mình.

“Người hâm mộ quốc tế có xu hướng thiên vị chỉ vì một thần tượng mà họ thích tham gia bộ phim này,” cô nói. “Họ biện minh và bào chữa vì họ không muốn bộ phim bị hủy hoặc đơn giản là vì họ không biết lịch sử Hàn Quốc. Họ chỉ trích công chúng Hàn Quốc là quá nhạy cảm vì bị xúc phạm bởi Snowdrop, nhưng nếu họ phải đối mặt với một bộ phim mà nhân vật chính là một người Đức quốc xã, họ sẽ thấy bị xúc phạm. Tôi thấy Snowdrop là xúc phạm khi hành hạ những người sống sót, và làm cho điệp viên Bắc Triều Tiên thành nhân vật quyến rũ cũng là sai lầm.”

Một khán giả người Canada gốc Ba Lan cho rằng làm cho điệp viên Bắc Triều Tiên thành nhân vật quyến rũ cũng là sai lầm

Giờ thì sao?

Mặc dù Snowdrop vẫn còn gây tranh cãi, nhiều người Hàn Quốc cũng khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận phải được đảm bảo trong một xã hội dân chủ. Nhà phê bình chính trị Chin Jung Kwon, từng là một nhà hoạt động sinh viên không phải jusapa thuộc thế hệ 586, đã lên tiếng trên Facebook của mình vào ngày 21 tháng 12.

“Một phe la hét rằng nó xúc phạm phong trào dân chủ, và một phe cáo buộc nó lãng mạn hóa gián điệp,” ông viết về bộ phim. “Cả hai phe đều có chung tâm lý và là kẻ thù của một xã hội cởi mở. Cứ chấp nhận phim là phim đi. Tự do ngôn luận là nền tảng của nền dân chủ.”

Snowdrop đã quay xong tất cả các tập, và với tiền đề nam chính là một điệp viên Bắc Triều Tiên, bất kỳ sự thay đổi có ý nghĩa nào đối với câu chuyện dường như là không thể. Việc hủy bỏ cũng khó xảy ra vì năm tập đã được phát sóng.

Tại thời điểm này, mỗi người xem phải đưa ra nhận định của riêng mình. Các nhà sản xuất có thể chỉ định tạo ra một câu chuyện tình yêu nhưng một số khán giả không đồng ý và đó cũng là quan điểm mà các nhà sản xuất nên chấp nhận

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun nói: “Không ai có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát. Tại thời điểm này, mỗi người xem phải đưa ra nhận định của riêng mình. Các nhà sản xuất có thể chỉ định tạo ra một câu chuyện tình yêu nhưng một số khán giả không đồng ý và đó cũng là quan điểm mà các nhà sản xuất nên chấp nhận.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily