Tin tức

3D hay không 3D - Hãy chọn vé đúng để xem Vùng đất dữ: Báo thù

17/09/2012

Khán giả hiện đại buộc phải đối mặt với nhiều quyết định hơn bao giờ hết khi đến rạp. Không còn chỉ là xem phim gì mà xem thế nào đây. Hầu hết phim lớn của Hollywood đến phòng vé ở hai định dạng. Khi bạn muốn xem Resident Evil: Retribution (phát hành ở Việt Nam với tựa Vùng đất dữ: Báo thù) cuối tuần này bạn có thể trả tiền vé cao hơn để đeo lên cặp kính bất tiện và xem phim ở định dạng 3D, hay là xem với giá vé rẻ hơn bằng cách chọn định dạng 2D.

Chuyên mục 3D hay không 3D của Cinema Blend do Quái vật Điện ảnh chuyển ngữ nhằm mục đích giúp bạn lựa chọn. Chúng ta sẽ phân tích công nghệ 3D của Retribution theo 7 điểm, thuần túy kỹ thuật.

Tính phù hợp

Không phải phim nào cũng thích hợp làm 3D nhưng loạt phim Resident Evil thì chứng minh được là phù hợp. Phần gần đây nhất, Resident Evil: Afterlife, đã nhận được điểm cao chưa từng có của chuyên mục 3D hay không 3D. Đây vẫn là một trong những nỗ lực 3D tốt nhất từng ra đến rạp. Loạt phim Resident Evil, tồn tại nhằm phục vụ những hiệu ứng điên rồ và cháy nổ dữ dội, thực sự thích hợp ở định dạng 3D, khi được làm đúng.

Điểm: 5/5

Kế hoạch và công sức

Resident Evil: Retribution, cũng như Afterlife được quay 3D ngay từ đầu. Người ta đã dự định làm phim 3D ngay ngày đầu tiên. Khác biệt lớn nhất về bộ phim này là các nhà làm phim chuyển từ máy quay Sony F35 sang Red Epic, một hệ thống nhỏ hơn và rẻ hơn mà về lý thuyết thì có thề làm cho việc quay 3D dễ dàng hơn. Tuy nhiên, F35 là máy quay mà James Cameron đã dùng để quay Avatar và mặc dù Red Epic là một máy quay tuyệt, hầu hết những phim 3D đẹp nhất mà chúng ta xem từ trước đến nay đều sử dụng máy quay khác. Có lẽ người ta cứ làm theo cách nào đã có hiệu quả.

Điểm: 4/5

Sâu trong màn ảnh

Một lý do thường được đưa ra nhất cho việc thể hiện một bộ phim ở định dạng 3D đó là mức độ chiều sâu mà công nghệ này có thể thêm vào cảnh phim. Được sử dụng đúng đắn 3D có thể khiến bạn như thể không phải là nhìn một màn ảnh phẳng mà là nhìn qua một khung cửa sổ vào một thế giới khác, ngoài tầm với. Tuy nhiên, vì lý do nào đó Retribution không làm được điều này.

Đạo diễn Paul WS Anderson có vẻ không hứng thú sử dụng công nghệ 3D. Bộ phim diễn ra ở nhiều đại cảnh khác nhau, thi triển đủ loại kỹ thuật phóng to kỳ ảo có thể sánh với việc dùng 3D có tính toán cẩn thận để tạo ra hiệu ứng về độ cao chóng mặt hoặc làm khán giả hoa mắt với cảm giác về độ cao. Nhưng không hề có như vậy. Phim không hề có vẻ sâu hơn hay lộng lẫy hơn một phim 2D thông thường.

Điểm: 1/5

Trước màn ảnh

Ngoài chiều sâu 3D còn có thể được sử dụng để tạo ra cảm giác như thể cảnh phim đang diễn ra xung quanh bạn. Làm không tốt thì đây chỉ là trò hào nhoáng, nhưng làm tốt thì sẽ tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn ấn tượng hoặc, chí ít là một chuyến tàu lượn cao tốc qua những quang cảnh tráng lệ. Resident Evil: Retribution không buồn làm điều này. Phim có một vài nỗ lực miễn cưỡng ném vật này vật nọ vào mặt khán giả nhưng không cảnh nào có vẻ thật hay thậm chí là thật bằng 3D. Phần lớn nỗ lực kỹ xảo 3D cứ phẳng toèn toẹt, bất kể là do CGI tồi hay máy quay tệ, hay biên tập kém, bất luận lý do gì thì hầu như hiệu ứng trước màn ảnh là không có tác dụng.

Điểm: 1/5

Độ sáng

Đeo kính 3D thì có khác gì đeo kính râm. Bạn đang đặt một màn lọc giữa mắt bạn và ánh sáng phát ra từ màn ảnh. Điều đó nghĩa là trừ phi cả máy chiếu lẫn nhà làm phim phải làm gì đó để bù đắp chuyện này, không thì bạn sẽ xem một phim mà có cảm giác quá tối và quá mờ. Mặc dù phần lớn phim Resident Evil: Retribution diễn ra vào ban đêm cũng không thành vấn đề. Vì phim đã sử dụng rất nhiều hiệu ứng kết hợp với diễn xuất của người thật, người ta có thể tăng cường độ sáng cho phim dù ở những cảnh tối tăm nhất để đảm bảo rằng từng khoảnh khắc của bộ phim sắc sảo và bảnh bao, dù bạn có đeo kính râm mà xem đi nữa.

Điểm: 4/5

Thử bỏ kính

Nếu bạn gỡ cặp kính 3D ra trong lúc xem phim bạn sẽ thấy màn ảnh trước mắt bạn trở nên gần như toàn mờ ảo. Không đeo kính mà thấy hình ảnh càng mờ thì phim càng tận dụng nhiều công nghệ 3D. Trong lúc xem Retribution tác giả đã thử bỏ kính và thấy chẳng khác biệt chi cả. Hình ảnh có nhòe đi, nhưng lúc nào cũng thế. Tức là người ta không sử dụng 3D biến thiên. Mức độ đồi lập hẳn làm cho phim 3D thực sự nổi và vọt ra khỏi màn ảnh và Resident Evil: Retribution không hề làm được điều đó.

Điểm: 2/5

Sức khỏe của khán giả

Có người không thể xem phim 3D chút nào hoặc là phát ốm khi xem nhưng người bình thường chỉ gặp chuyện này nếu phim có gì không ổn. Mục này nhắm vào khán giả thông thường, những người xem phim 3D mà không bị nôn, khi phim được làm tốt. Tin vui về Resident Evil: Retribution là vì thiếu gần hết những hiệu ứng 3D nên phim không có khả năng làm ai phát bệnh. Và người ta đã làm tốt việc bảo đảm bộ phim không bị tối, nên cũng không gây đau đầu. Tuy nhiên, cần lưu ý là bất kể những điều này thì những người xem phim mà tác giả đã gặp đều rời khán phòng mà bị nhức đầu. Xem Retribution 3D có vẻ an toàn đấy, nhưng hãy cẩn thận.

Điểm: 3/5

Kết luận: Dù phần phim trước của loạt phim Resident Evil này có đạt kết quả đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật, Retribution khó lòng là gì khác hơn một thất vọng 3D khủng khiếp. Bất kể do sử dụng thiết bị rẻ tiền hay chỉ là do đạo diễn Paul Thomas Anderson không hứng thú với công nghệ này, Resident Evil: Retribution là một phim 3D thất bại toàn diện. Không có lý do gì phải xem phim này ở định dạng 3D cả. Hãy đến rạp mà xem bản 2D bạn sẽ có cùng trải nghiệm xem phim và để dành tiền.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi