Làm lại một bộ phim nổi tiếng ở một quốc gia hay một ngôn ngữ là chuyện
khá phổ biến trong ngành điện ảnh. Ở hầu hết các trường hợp, các nhà làm
phim lấy cảm hứng từ thành công của bộ phim gốc, nên muốn thực hiện một
dự án của riêng họ dựa trên cùng kịch bản.
Mô hình kinh doanh mới của công ty Hàn Quốc CJ Entertainment and Media
đưa ý tưởng làm lại lên tầm cao mới: sản xuất đồng thời hai phim với
ngôn ngữ khác nhau dựa trên cùng một kịch bản.
Áp phích Miss Granny bản Trung Quốc có tựa là 20 Once Again
Việc này đem lại kết quả tốt, tính đến hiện tại. Phiên bản Hàn Quốc của
Miss Granny
đứng thứ hai trên danh sách 10 phim ăn khách nhất năm 2014 ở Hàn Quốc,
trong khi phiên bản Trung Quốc, do đạo diễn Đài Loan Trần Chính Đạo thực
hiện, thu về trên 200 triệu tệ (32 triệu đôla) doanh thu phòng vé kể từ
khi ra rạp vào ngày 8/1.
Thay vì thêm các yếu tố Trung Quốc vào
phim nước ngoài, liệu ý tưởng “một kịch bản, hai dự án” có phải là giải
pháp lâu dài cho ngành điện ảnh Trung Quốc đang khao khát các câu chuyện
hay?
Tình yêu và hài hước xuyên biên giớiBan đầu,
công ty giải trí Hàn Quốc dự định sản xuất đồng thời cả hai phiên bản
Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự án Trung Quốc không bắt đầu theo
kế hoạch vì đạo diễn Trần lúc đó bận rộn với một dự án khác,
The Great Hypnotist / Thuật thôi miên. Thế nên dự án Hàn Quốc khởi động trước một bước so với dự án Trung Quốc.
Cảnh trong Miss Granny phiên bản Trung Quốc với áp phích của phiên bản Hàn Quốc ở hậu cảnh [Ảnh: CFP]
“Mặc dù bộ phim Hàn Quốc đi trước và thành công rực rỡ ở thị trường nội
địa, nếu họ phân phối thẳng phiên bản đó tới thị trường Trung Quốc, liệu
bộ phim đó sẽ đạt con số doanh thu phòng vé bao nhiêu? Có thể chỉ được
20 đến 30 triệu tệ,” nhà phê bình phim Vương Tư Vĩ nói với
Global Times.
“Phim
Hàn Quốc không bán tốt ở thị trường Trung Quốc. Tình trạng tương tự
cũng xảy ra nếu chúng ta phân phối phim Trung Quốc đến thị trường Hàn
Quốc,” Vương Tư Vĩ nói thêm, giải thích vì sao anh coi việc sản xuất sản
phẩm kép của CJ là quyết định kinh doanh sáng tạo.
Theo Vương Tư
Vĩ, đa phần khán giả Trung Quốc trông đợi hai điều từ phim dựa trên
kịch bản nước ngoài, trong đó có phim làm lại: câu chuyện thú vị và sự
địa phương hóa.
Cảnh trong phim Miss Granny bản Trung Quốc
“Bản chuyển thể có thể thỏa mãn yêu cầu khi cốt truyện và nhân vật rõ
ràng, gây sự đồng cảm với khán giả và kết thúc không rập khuôn,” anh
nói, cho biết thêm rằng để địa phương hóa, phim cần miêu tả văn hóa địa
phương, lối sống, cũng như những xung đột xã hội có thể có.
Ý tưởng nòng cốt được khảo sát trong
Miss Granny – ví dụ như các vấn đề và vấn nạn xã hội liên quan tới một xã hội đang già đi và các gia đình là tương đồng ở cả hai quốc gia.
“Mọi việc có thể khác nếu là kịch bản Hollywood,” Vương Tư Vĩ nói.
Giới hạn về thể loại phimMặc
dù ý tưởng “một kịch bản, hai phim” có vẻ là cách hiệu quả để phát huy
tối đa một ý tưởng sáng tạo, điều này bị hạn chế ở ngành điện ảnh Trung
Quốc.
“Trong quá khứ, phim Hàn Quốc gần như không được xem xét
làm lại ở Trung Quốc vì chúng sử dụng lối biểu đạt khoa trương không mấy
tác dụng ở Trung Quốc,” tờ
Shenyang Evening News dẫn lời học giả điện ảnh Chu Vĩ. Theo cuộc phỏng vấn, Chu Vĩ nhận thấy các phim Hàn Quốc nổi tiếng như
Hope và
Miracle In Cell No.7, hai phim đều đề cập đến các vấn đề về lạm dụng tình dục trẻ em, không được dựng thành phim Trung Quốc.
Cảnh trong phim Miss Granny bản Trung Quốc
“Làm lại có lẽ chỉ phù hợp với phim hài lãng mạn,” Vương Tư Vĩ nói. Anh
bổ sung thêm rằng với các thể loại như khoa học viễn tưởng hay tội phạm,
không chỉ vấn đề kiểm duyệt tỏ ra khó khăn mà kỹ thuật đạo diễn và sử
dụng công nghệ điện ảnh cũng có thể là thách thức đối với các nhà làm
phim Trung Quốc.
Năm nay sẽ tiếp tục ra lò nhiều phim Trung Quốc chuyển thể từ phim nước ngoài. Ví dụ, bản chuyển thể
Only You, bộ phim năm 1994 do Robert Downey Jr. đóng chính dự kiến ra rạp vào năm nay.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể chờ xem bộ phim này sẽ là bất ngờ hay thảm họa.
Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times